Tìm câu hát hố ngày xa

Hữu Nhân |

Thuở trước, hát hố là nét đặc sắc trong sinh hoạt cộng đồng và là sợi dây gắn kết người với người. Những lời ca chân quê thắm đượm nghĩa tình làm vơi đi nỗi nhọc nhằn, “se duyên” cho bao lứa đôi nên nghĩa vợ chồng. Hát hố ở Quảng Ngãi kêu gọi nhân dân chung lòng đứng lên đánh Tây, cởi bỏ ách nô lệ, giải phóng quê hương, đất nước.

Hát cho vơi đi những nhọc nhằn

Ở tuổi 92, cụ Trịnh Thị Khâm ở xã Phổ Cường (Đức Phổ, Quảng Ngãi) vừa trải qua cơn bạo bệnh nhưng rất hào hứng khi nói về hát hố, làn điệu dân ca một thời gắn bó với người dân quê. Thuở đôi mươi, cụ đã thuộc khá nhiều bài hát hố và ứng tác khá trôi chảy mỗi khi hát đối đáp.

Khoảng 50 năm về trước, rất nhiều nông dân nơi làng quê trên địa bàn hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định say mê hát hố với những ca từ mộc mạc nhưng không kém phần thanh tao. Hát hố gắn liền với cuộc sống của người dân quê chân chất, là loại hình sinh hoạt dân gian. Người hát có thể hát theo bài bản sẵn có hay ứng tác đối đáp trong những tình huống cụ thể.

Lời ca chứa đựng nỗi niềm tâm tư đôi lứa, hờn trách duyên phận hay giao lưu kết bạn, trêu ghẹo nhau... Nhiều người không biết chữ nhưng vẫn thuộc làu nhiều bài hát hố, ứng biến khá trôi chảy khi hát đối đáp. Những lúc khom lưng cấy lúa trên đồng, ra gò đồi chăm sóc hoa màu hay lên rừng cắt tranh, nhặt củi... chỉ dăm ba người là có thể gầy thành “chiếu” hát hố rộn ràng.

Đêm thanh gió mát, trai gái trong làng tụ họp cùng nhau giã gạo và cất lên những lời ca làm khuấy động làng quê, thu hút nhiều người tìm đến giao lưu.

Người đến sau nhập cuộc với những ca từ tràn đầy ý thơ: “Tới đây chào muộn, chào màng/ Trai đang giã tôi chào trước, gái đang sàng tôi chào sau/ Ai có miếng trầu cho tôi đổi miếng cau/ Ai có ơn trước nghĩa sau thì nhìn/ Ở nhà con nhện đưa tin/ Tới đây gặp bạn cũng in như lời/ Hồi vui chớp cánh bay chơi/ Hồi buồn cưỡi hạc lên trời xem mây...”.

Sau mỗi lời hát, chàng trai dùng chày gõ vào cối gỗ để mời bạn hát đối đáp. Những lời ca đối qua - đáp lại kéo dài đến tận canh khuya, khi những thúng gạo của gia chủ đã đầy tràn, mọi người mới lưu luyến chia tay.

Vợ chồng cụ Khâm cùng nhiều người Phổ Cường thuở ấy thường quẩy quang gánh cuốc bộ vào tận Tam Quan (Hoài Nhơn, Bình Định) mua chiếu, mắm, chén sành... gánh trở về ngược lên tận huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) đổi lấy hàng nông sản rồi mang về xuôi bán kiếm lời.

Chặng đường đi về hơn 200km với quang gánh nặng oằn vai, đôi chân rã rời. Nhưng họ vẫn cất lời ca hát hố, đối đáp với nhau như để tiếp thêm nghị lực vượt qua gian nan. “Đi như thế mệt lắm nên chúng tôi hát hố trêu ghẹo, động viên nhau để quên đi mỏi mệt. Người này vừa hát vài câu hay cả bài thì người kia lập tức hát đáp lại ngay. Chân thì bước, miệng thì hát nên thấy đường dài dường như ngắn lại...” - cụ Khâm hồi tưởng.

Lời ca kêu gọi đánh giặc ngoại xâm

Trong những năm kháng chiến chống Pháp, vùng đất Phổ Cường, Phổ Khánh và khu vực lân cận thuộc quyền kiểm soát của chính quyền cách mạng. Những “nghệ sĩ dân gian” sáng tác những bài hát hố kêu gọi nhân dân đoàn kết đánh Tây, vận động người theo Pháp rời bỏ hàng ngũ quân xâm lược trở về với gia đình, quê hương. Và “cứ nghe hát hố là mọi người tìm đến” nên những lời ca ấy nhanh chóng được lan truyền trong dân chúng.

Lời người cha tràn đầy yêu thương, khơi gợi niềm tự hào dân tộc kêu gọi con trai lầm lỗi trở về: “Đôi lời nhắn nhủ thăm con/ Lòng cha lo nghĩ, héo hon từng ngày/ Trông con trông đứng, trông ngồi/ Mỏi mòn con mắt tơi bời ruột gan/ Vì xem quang cảnh giang sang/ Giận quân cướp nước sài lang tham tàn... Đốt nhà, đốt cả đồng bào/ Giết người, cướp của biết bao nhiêu sầu/ Non sông xem thấy mà đau/ Người con xa ấy ở đây bây giờ/ Giang sang đương đợi đương chờ/ Mà con lại nỡ làm ngơ sao đành... Thương con mấy bận lòng sầu/ Cha đau mấy trận, cha rầu vì con...

Ở tuổi 95, cụ Phan Thị Bảy bồi hồi khi nhớ về những người bạn thời trẻ đã cùng nhau hát hố trong những đêm trăng thanh gió mát. “Lúc đó chưa có hát nhạc hay chiếu phim như bây giờ nên chúng tôi mê hát hố lắm, thường tụ tập nhau để hát chơi cho bớt mệt nhọc. Nghe mấy ông cán bộ nói chuyện Cụ Hồ kêu gọi toàn dân đoàn kết đứng lên đánh Tây, thanh niên hăng hái lắm” - cụ nhớ lại.

Tinh thần yêu nước của người dân Phổ Cường tha thiết hơn bởi những bài hát hố kêu gọi đứng lên đánh Tây giải phóng quê hương. Họ sẵn sàng ra trận, chung tay đóng góp công sức và tiền của cho kháng chiến. Với những đóng góp to lớn đó, Phổ Cường đã được khen tặng là xã kiểu mẫu của khu 5 vào năm 1950 rồi đến đầu năm 1951 được khu ủy khu 5 tặng cờ “ngọn đuốc thi đua”.

Và ngay sau đó là những lời ca tự hào về truyền thống quê hương trung dũng, kiên cường: “Từ ngày kháng chiến, nước ta lẫy lừng/ Dù cho cay đắng, chúng ta không ngừng/ Phổ Cường ngày nay là nơi danh tiếng/ Do sự cố gắng (của) dân trong xã nhà/ Ngày nay ta tiến, cố tiến lên đi/ Cho danh lừng lẫy, nêu cao lá quân kỳ/ Giờ thi đua, thi tài, ta thi chí/ Cho xã nhà lấy tiếng nghìn thu/ Ngọn cờ thắm, sao vàng ta ghi nhớ/ Cho muôn người ghi nhớ, đừng quên”.

Ông Nguyễn Thanh Sơn - Phó Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đức Phổ, người rất say mê và thuộc nhiều bài hát hố - chia sẻ: “Hát hố là làn điệu dân ca đặc sắc trong đời sống của người dân quê thuở trước. Giờ cuộc sống hiện đại với nhiều loại hình nghệ thuật và phương tiện nghe nhìn nên bị phai mờ.

Dẫu vậy, chúng tôi cũng đã sưu tầm rất nhiều bài hát hố nhằm bảo tồn loại hình văn hóa dân gian này”. Ở tuổi gần đất xa trời nhưng cụ Khâm và cụ Bảy vẫn say mê làn điệu hát hố, dẫu giọng ca không thể ngân nga như thuở trước. Các cụ như đắm mình vào từng lời ca mỗi khi có thính giả lắng nghe.

Cả hai cụ đều gọi với theo khi tôi xin phép ra về: “Bữa nào rảnh thì rủ thêm bạn đến đây, bà hát cho mà nghe! Hay lắm! Hát đến ba ngày vẫn không hết bài. Mấy cháu còn trẻ phải chịu khó nghe hát hố để rồi hát theo chứ bỏ luôn thì uổng lắm”.

Hữu Nhân
TIN LIÊN QUAN

Rét buốt 13 độ C, người dân vẫn chen chân đến chợ hoa Quảng An ngày cận Tết

Minh Hà - Việt Anh |

Mặc dù Hà Nội đang rét buốt, nhiệt độ về đêm giảm sâu dưới 13 độ C nhưng chợ hoa Quảng An (Tây Hồ, Hà Nội) vẫn tấp nập, nhộn nhịp người bán, kẻ mua trong những ngày cận Tết Nguyên đán 2023.

Giờ thứ 9: Điếng người khi biết con nuôi của chồng chính là con riêng (P1)

Nhóm PV |

Trong cuộc sống hiện đại, quan niệm "con nào cũng là con" được rất nhiều người ủng hộ. Và dù rằng là con trai hay gái cũng được yêu thương, chăm sóc như nhau. Tuy nhiên, vẫn có những người còn giữ những tư tưởng cổ hủ, lạc hậu, mong muốn có một cậu con trai để nối dõi và để hương hỏa cho ông bà tổ tiên. Vì lí do đó, nhiều người đã đánh mất niềm hạnh phúc của gia đình và những đứa con của chính họ.

Chương trình Giờ thứ 9 do NSND Khải Hưng là đạo diễn. Giọng đọc: NSND Minh Hòa – NSƯT Phú Thăng. Âm nhạc: Xuân Phương.

Bạn đang có những câu chuyện riêng muốn chia sẻ với độc giả của Báo Lao Động? Hãy liên hệ với chúng tôi qua địa chỉ email: media@laodong.vn.

Bản tin dự báo thời tiết đêm nay và ngày mai 19.1

NHÓM PV |

Dự báo thời tiết mới nhất 19.1: Khu vực Nam Bộ ngày mai có mây, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác, ngày nắng, đêm không mưa.

Hà Nội: Tết vẫn chưa về đến... làng chài

Kim Sơn |

Hà Nội - Những ngày này không khí xuân đã tràn ngập khắp phố phường, người người nhà nhà ra đường sắm Tết. Tuy nhiên, ở làng chài Văn Đức (Gia Lâm) người dân vẫn đang tất bật mưu sinh, kiếm con tôm con cá cho bữa ăn hàng ngày.

Nhiều lý do để trừ, cắt thưởng Tết của người lao động

Bảo Hân |

Vụ việc một công ty tại Bạc Liêu có thông báo về việc cắt thưởng cuối năm do không like, share bài của giám đốc đang thu hút sự chú ý của dư luận.

Khổ luyện để trở thành kỳ nữ Mai hoa thung

Tạ Quang |

Để có thể biểu diễn Mai hoa thung, các vận động viên phải khổ luyện, thành thạo múa lân truyền thống và bắt buộc là phải biết võ thuật. Những chú lân bay nhảy trên dàn cọc sắt, cao từ 1m đến 3m, kết hợp với các động tác tung hứng mạo hiểm, tạo nên những pha thót tim.

Giải cứu thành công người đàn ông ở dưới giếng sâu 25m trong 4 ngày

BẢO TRUNG |

Ngày 18.1, Công an huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk thông tin, đã phối hợp với phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh giải cứu thành công một người đàn ông sau 4 ngày rơi xuống giếng sâu 25m trong rẫy vắng.

Cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội nhận 10.000 USD cảm ơn

Việt Dũng |

Ngoài chỉ đạo cấp dưới thương thảo, đàm phán nhà thầu "hỗ trợ" 2-5% giá trị gói thầu, cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn còn nhận "cảm ơn".