Tiêu cái tâm tình

Đỗ Quang Tuấn Hoàng |

“Đi chợ khắc có tiền, vung tay khắc có bạn”. Mang theo câu tục ngữ thể hiện rõ nét tâm tính của người Tày ấy, tôi vung tay vào chợ Trùng Khánh.

Chợ thị trấn Trùng Khánh, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng họp ngày 1, 5, 10, 15, 20, 25 âm lịch hằng tháng. Đây là chợ buôn bán sôi động và phong vị đặc sắc nhất trong vùng. Chợ nằm dưới chân núi Phja Phủ, một quả núi thấp nhỏ, hoàn toàn độc lập, tròn đều như chiếc bát úp, đứng chân trên một dải đất tương đối bằng phẳng. Từ đỉnh núi phóng tầm mắt bao quát được cả một vùng sơn địa điệp trùng, bát ngát.

Sản vật ê hề

Như thường lệ, ngày phiên chợ là anh Long Văn Hải, người Nùng An, một thợ rèn có tiếng của bản Pác Rằng, xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng, tất bật từ sáng tinh mơ. Bốn giờ sáng anh đã nai nịt gọn gàng, chất đồ nghề lên xe chằng buộc cẩn thận. Vượt quãng đường 60km đèo dốc lên xuống quanh co liên chi hồ điệp, anh đến chợ Trùng Khánh là sáu giờ. Không kịp nghỉ ngơi, tay anh lại thoăn thoắt dỡ những bao tải hàng sắt nặng chình chịch xuống rồi bày biện thứ nào ra thứ ấy đầy mặt cái sạp gỗ dài ba mét. Sản phẩm của nghề rèn Phúc Sen khá phong phú và đa dạng, gồm hơn 20 loại khác nhau. Đó là: Dao quắm mũi dài (xá hổ), dao quắm mũi ngắn (tăp bả), dao thái chuối (mịt sẻn jục), dao phay (mịt sẻn phắc), dao chặt xương (mịt bạc đoọc), dao nhọn (mịt săm), dao nhọn dùng cho người H’Mông (sáo sính), dao thái thuốc bắc (sạp dử), búa (mạc phấu), cuốc bướm (mạc khòa), cào cỏ (mạc hủ), liềm (liềm), cưa (mạc cở), đục (mạc thỉu), chàng nhỏ (pàn sạp), chàng to (chàng), kéo (kéo), bàn xản (hô xán), chuông bò (lình sừ), chuông trâu (lình vài), que cời bếp, móc khóa cửa, bẫy chuột...

Hương của người Tày, Nùng làm bằng các loại thảo dược nên rất thơm.  Ảnh: Đỗ Quang Tuấn Hoàng
Hương của người Tày, Nùng làm bằng các loại thảo dược nên rất thơm. Ảnh: Đỗ Quang Tuấn Hoàng

Thấy tôi xem một con dao, anh Hải cho biết: “Để có lưỡi dao sắc và bền thì quan trọng nhất là khâu tôi. Phải nhìn màu của miếng thép khi nung, nếu bị đỏ quá sản phẩm hoàn thiện sẽ giòn nên chỉ cần nung vừa phải, khi thép màu da cam là phải gắp ra khỏi lò. Dùng nước lạnh để tôi lưỡi giúp sản phẩm sắc hơn, bền hơn song đòi hỏi sự tinh tế mà phải mất nhiều thời gian mới rút kinh nghiệm được. Cũng là dùng tro than củi hòa vào nước để trung hòa acid nhưng tỉ lệ thế nào, thời gian bao lâu lại là bí quyết của từng gia đình. Ngày xưa các cụ dùng tro than gỗ lim rừng ngâm với nước vôi để qua đêm, sáng hôm sau chắt lấy thứ nước nổi ở bên trên bề mặt để làm nước tôi. Thép nung xong, nhúng vào nước thấy váng nước có màu sắc như cầu vồng và lấy ra khỏi nước thấy thép có màu hồng tươi là đạt yêu cầu, tức là rắn mà không giòn, dẻo mà không mềm. Nếu thép tôi xong có màu xanh xám thì dù sản phẩm sắc nhưng rất dễ mẻ, vỡ khi sử dụng vì thép này giòn. Phải tôi nhiều lần cho thép bóng lên mới đạt. Phải làm kỹ càng, tôi - rèn đúng kỹ thuật trong suốt 90 phút mới hoàn thiện một con dao. Dao tốt dùng được ít nhất mười lăm năm, có con dùng cả đời không hỏng”. Mỗi ngày anh rèn được từ sáu đến tám con dao, giá bán mỗi con từ 150.000 đồng đến 350.000 đồng, trừ chi phí mất một nửa.

Nghề rèn ở Pác Rằng đã có từ hơn 300 năm nay, nổi tiếng khắp cả nước, hàng bán sang tận Trung Quốc. Thế nên sạp hàng của anh Hải rất đắt khách, cứ tíu tít suốt từ lúc chợ đông đến khi chợ vãn. Mỗi phiên anh bán trung bình được năm triệu đồng, phiên bán được nhiều nhất là 19 triệu đồng.

Một sản phẩm cũng rất đặc trưng của chợ là nón. Đan nón thể hiện sự khéo tay, tính chăm chỉ, cẩn thận từ việc chuốt từng nan tre, trúc; chọn từng chiếc lá, việc phối màu cho từng loại nón của người phụ nữ Tày, Nùng. Nguyên liệu chủ yếu để làm nón là tre, trúc, lá chít hoặc lá mai. Muốn đan loại nón nào, người ta sẽ chẻ lạt, chọn lá cho phù hợp với kiểu dáng. Với những chiếc nón chỉ đơn thuần để đội đi làm đồng thì nan lạt chỉ cần một màu nguyên bản của màu tre, trúc. Còn những chiếc nón dành cho thanh niên đội khi đi chợ hội, đi hát giao duyên, nón của cô dâu đội trong ngày cưới thì trang trí cầu kỳ, đan có hoa văn. Người ta dùng củ nâu (cho màu nâu đỏ), lá dứa dại (cho màu xanh), vỏ cây vang (cho màu hồng, màu đỏ)... nhuộm lạt rồi mới đan. Công việc đan nón được tiến hành quanh năm, nhưng phổ biến nhất là vào các dịp nông nhàn; hầu như gia đình nào cũng biết đan nón. Nón lá của người Tày, Nùng có nhiều loại, như: Nón chóp (chúp chọp), nón bè như cái sàng (chúp slang), nón đan hoa văn hoặc nón kết hoa (chúp vja), nón có hoa văn tròn như mắt con dê (chúp tha bẻ)... Vẻ hoang sơ, đơn giản, kỹ thuật đan độc đáo tạo nên kiểu dáng riêng của từng chiếc nón và chứa đựng các yếu tố văn hóa của cộng đồng người Tày, Nùng.

Nón là một trong những mặt hàng đặc trưng của chợ. Ảnh: Đỗ Quang Tuấn Hoàng
Nón là một trong những mặt hàng đặc trưng của chợ. Ảnh: Đỗ Quang Tuấn Hoàng

Bà Nông Thị Kiến, 74 tuổi, người Tày, ngồi ngay ở một góc chợ vừa bày bán những chiếc nón vừa ngồi đan. Vành bằng tre đã làm sẵn ở nhà, đến chợ bà chỉ việc đan phủ lá cọ lên là xong. Mỗi ngày bà đan được mười chiếc, bán với giá 60.000 đồng/chiếc.

Nếu nghề làm nón nhàn nhã bao nhiêu thì nghề làm cày vất vả bấy nhiêu. Ông Triệu Ích Côn, người Tày, 72 tuổi, cho biết: Cày làm bằng gỗ nghiến, ba ngày mới làm xong một cái, bán giá 700.000 đồng/chiếc đến 800.000 đồng/chiếc.

Đi khắp chợ, đâu đâu cũng gặp những sản vật độc đáo của địa phương, từ con cá lá rau đến giường, tủ, máy cày, xe máy... Hàng Việt Nam, Trung Quốc đủ cả. Có cả những người đi khắp chợ làm dịch vụ đổi giữa nhân dân tệ của Trung Quốc và tiền đồng của Việt Nam để phục vụ những người từ tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc sang đi chợ hoặc những người ở tỉnh Cao Bằng, Việt Nam sang Trung Quốc làm ăn. Đúng chất của một chợ vùng biên viễn!

Mua bán xong, người ta rủ nhau đến quán uống rượu ăn thịt lợn quay lá mác mật. Người Tày, Nùng thường chọn con lợn có trọng lượng khoảng 10kg - 35kg để quay. Sau khi mổ lợn, làm sạch người ta lấy một cái cây xuyên qua con lợn từ miệng đến đuôi và cố định bằng dây cột ở sống lưng để giữ vững vị trí. Tiếp đó, dựng con lợn lên cho khô ráo rồi lấy lá mác mật tươi xào qua với gia vị như bột ngọt, muối, tàu-choong nhồi vào bụng lợn rồi lấy kim chỉ khâu kín. Làm nên hương vị độc đáo của món này làm người ta ăn một lần rồi nhớ mãi đó chính là lá mác mật. Đây là loại cây cho lá và quả rất thơm, hương lạ và thường được dùng trong rất nhiều món ăn của người Tày, Nùng.

Lợn được quay đều trên than củi hồng rực trong khoảng từ một giờ đến bốn giờ tùy theo trọng lượng. Trong khi quay phải thường xuyên lấy khăn lau nước và mỡ rịn ra trên da lợn và lấy một cái chổi nhỏ chấm mật ong pha với nước phết lên da lợn để thịt lợn chín đều, vàng ươm, đẹp mắt.

Lợn quay chín xếp cả con lên mặt bàn, ai đến mua miếng nào người bán mới lấy dao Pác Rằng chặt phôm phốp từng miếng xếp ra đĩa, hương thơm của lá mác mật tỏa thơm ngát. Nước chấm hứng từ chính bụng lợn chảy ra hòa với muối, ớt, bột ngọt, măng ngâm ớt và quả mác mật. Uống chén rượu men lá, ăn miếng thịt lợn quay lá mác mật thật hợp vị, thật ngon lành!

Cả nghìn người chen vai thích cánh, tất bật bán mua, rì rào cười nói, xì soạp uống ăn... đến tầm 12 giờ là chợ tan. Dòng người lại tỏa đi muôn ngả, mang cái phong vị ấm no về từng nếp nhà.

Đắm đuối tình người

Tôi vào quán nước đối diện cổng chợ ngồi uống chai bia ngắm người. Hỏi ý nghĩa cái tên Co Sầu, bà chủ quán bảo: Co Sầu, Cổ Sầu nghĩa là người giầu. Trước đây khu này là phố của người giầu ở, dân các bản hằng ngày mang hàng hóa đến bán cho họ, lâu dần thành chợ. Thời Pháp thuộc, nơi này là phố sầm uất lắm, có cả sòng bạc. Vui chuyện, bà hỏi tôi: “Cháu nghiên cứu chữ nghĩa có biết nhà văn Y Phương không?”. Tôi mừng quá, thưa với bà rằng tình yêu Cao Bằng nảy nở trong tôi nhờ một phần đọc những tản văn của Y Phương. Thế là bà cười khoe: “Y Phương ngày xưa là học trò của bà đấy”. Bà là Nguyễn Thị Lịch, người Tày, sinh năm 1938, trước đây là giáo viên dạy văn ở trường cấp ba Trùng Khánh, nghỉ hưu mới mở quán nước vừa cho vui vừa kiếm đồng ra đồng vào. Bà nói về học trò cưng của mình với giọng điệu rất trìu mến, rằng Y Phương tên thật là Hứa Vĩnh Sước, yêu cô Phương nên lấy tên ghép vào thành bút danh. Y Phương nghĩa là yêu Phương.

Người Tày, Nùng rất thích ăn măng và chế biến rất nhiều món ăn ngon từ măng. Ảnh: Đỗ Quang Tuấn Hoàng
Người Tày, Nùng rất thích ăn măng và chế biến rất nhiều món ăn ngon từ măng. Ảnh: Đỗ Quang Tuấn Hoàng

Nhà văn Y Phương, sinh năm 1948, người Tày sinh ra và lớn lên ở làng Hiếu Lễ, xã Lăng Hiếu, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, học trò yêu của bà giáo Lịch thì lại có cách lý giải khác. Ông bảo: Co Xàu xưa là chợ huyện to nhất, đẹp nhất của vùng miền đông tỉnh Cao Bằng. Đây là nơi thông thương gạo, muối, vải vóc với các huyện Hạ Lang lên, Trà Lĩnh xuống, Quảng Nguyên sang. Phích nước, vỏ chăn con công, nước hoa bà đầm xòe... từ thành phố Tĩnh Tây (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) đến. Hai chữ Co Xàu, theo dân gian là từ co mạy xau (cây xau xau) mà ra. Các mẹ các chị vẫn hái lá xau xau mang về giã lấy thứ nước có màu đen nhánh thơm dịu rồi đổ gạo nếp vào ngâm. Nửa ngày sau vớt ra mang lên bếp đồ xôi. Thứ xôi đen nhức trở thành một món ăn đặc sản không ở đâu có. Lại nghe một ông đồ già nói rằng Co Xàu từ cổ lâu (ngôi nhà cổ) mà ra. Nghĩa là vùng đất này có chủ từ rất lâu đời. Giải thích thế nào cũng có lý. Hậu sinh chỉ biết nghe vậy.

Ông viết những dòng đầy yêu thương về chợ quê mình: “Có thể nói phố cổ Co Xàu mang dáng dấp đô thị thời Xuân Thu Chiến Quốc. Những ngôi nhà xây bằng đá hộc. Đá kết dính với nhau bằng vôi tôi trộn với đất đồi Kéo Lồm. Quê tôi ngày đó làm gì có xi măng cốt thép như bây giờ. Thế mà nhà cửa vẫn được xây cất bề thế, kiên cố và khá đẹp mắt. Nhà một gian, hai, ba gian, hình ống, kế tiếp nhau. Nhà nọ sát nách nhà kia, xếp thành hàng thành lối.

Thị trấn dù nhỏ, vẫn được cổ nhân phân chia rành rẽ thành phố Háng Vài (Hàng Trâu), phố Háng Mu (Hàng Lợn), phố Háng Cáy (Hàng Gà), phố Nhả Nhùng (Hàng Cỏ)... Kẻ đi chợ thong thả vung tay, từ phố nọ sang phố kia cháy chưa hết điếu thuốc là đã hết đất.

Người ra chợ, không nhất thiết phải mua bán. Trong túi có mấy hào quà. Mẹ tôi hay nói: “Đi chợ khắc có tiền. Vung tay khắc có bạn”. Đến bây giờ tôi mới hiểu ra. Họ đi chợ là để tiêu buổi tâm tình. Uống với nhau bát rượu gạo. Nhìn thấy mặt nhau là đỡ khát.

Ngày ấy có các thầy giáo trẻ người miền xuôi lên phủ Trùng dạy học. Các thày cô rủ nhau đi chợ chơi như thanh niên làng. Họ xuất hiện ở đâu là người ta liếc trộm. Các thầy giáo người Hà Nội đấy. Đẹp trai chưa nào. Cô giáo kia xinh quá. Nhìn thích mắt lắm!

Ở vùng núi, đặc biệt phiên chợ đắp, tức ngày ba mươi tết, dù có bận như gạo cho vào nồi, người ta cũng phải đi chợ. Mua bán chỉ là phụ. Cái chính là để nhìn người. Người đông như nêm cối. Người lèn người chặt đến nỗi lồi cả bốn mắt cá chân. Một rừng người lao xao vừa đi vừa chào. Ai cũng diện áo mới, quần mới, khăn mũ mới, giày dép mới. Mới từ mười ngón chân đến hằng hà sa số sợi tóc. Khắp nơi khắp chốn bay ra mùi chàm thơm nức nở. Khắp nơi khắp chốn phát ra tiếng kêu sột soạt của áo quần, may bằng thứ vải tự dệt, dày và thô như da bò. Các chị em đeo vòng bạc, dây xà tích, túi đựng trầu bằng thổ cẩm. Cả năm mới có một ngày để khoe. Khoe hai bàn tay dính đầy nhựa chàm. Ngón nào cũng có một bông hoa xoay tròn. Những người như thế, là họ vừa giỏi giang vừa chăm chỉ. Khéo tay hay làm là đáng tiền lắm. Các dzả, các mú tha hồ chọn dâu kén rể.

Chợ Co Xàu ngày ấy không có tiếng còi, không tiếng động cơ xe máy. Chỉ có tiếng người và tiếng các cong rượu chạm nhau lum cum, lủm củm. Tiếng các bếp lửa nhà hàng eo éo, xồ xòa. Người nói với nhau rì rầm như bầy ong về tổ. Người làng nào nói giọng thổ âm làng đó.

Cả một năm dài đằng đẵng đến tận Lòng Chu, mà chỉ có mỗi một ngày chợ đắp là đông đủ nhất. Dù ai đi đông đi tây cũng cố mà về gặp lại người mình. Nhìn thấy nhau là quý lắm rồi. Nói với nhau đôi lời, uống với nhau bát rượu, hút với nhau điếu thuốc. Thế là toại nguyện. Chỉ đơn giản thế thôi, nhưng đắm đuối tình người. Quyến luyến tình duyên lắm lắm”.

Thị trấn Trùng Khánh được hình thành trước thế kỷ 18, từ xưa được gọi là phố Co Sầu, xã Lăng Hiếu, tổng Lăng Yên, huyện Thượng Lang, tỉnh Cao Bằng. Những cư dân đầu tiên là người dân tộc Nùng. Rồi đất lành chim đậu, người Tày, người Kinh từ các nơi di cư đến ngày một đông. Hiện nay thị trấn Trùng Khánh với ba dân tộc chính: Tày, Nùng, Kinh, trong đó dân tộc Tày chiếm 75%, dân tộc Nùng chiếm 20%, dân tộc Kinh chiếm 5%.

Phố Co Sầu xưa nằm ở trung tâm huyện Trùng Khánh, là đầu mối giao lưu giữa các xã trong huyện và các huyện Trà Lĩnh, Hạ Lang, Quảng Uyên, thành phố Cao Bằng và tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Tương truyền xưa kia, đây là nơi hội tụ nhiều người ở các vùng, miền qua lại trao đổi hàng hóa, nơi hẹn hò của các đôi trai gái yêu nhau, cho nên kinh tế phố Co Sầu phát triển. Chợ Co Sầu họp năm ngày một phiên, người đến chợ phải đi từ chiều hôm trước, họ chờ đợi, hẹn hò nhau, góp tiền mua thực phẩm “hắt co kin sầu”, rồi cùng nhau sai mả, hát sli, hát lượn đối đáp... dần dần tạo thành thói quen tiền lệ đến chợ nên phố nhỏ có tên Co Sầu, dần dần phố xá phát triển thành tên gọi phố Co Sầu. Giữa phố chợ Co Sầu có một ngọn núi độc lập hình bát úp mang tên núi Phja Phủ, dưới chân núi có nhiều hang động, các hang xưa là nơi luyện võ của thanh niên trai tráng Trùng Khánh. Dưới chân núi trông ra phía tây có hang sâu vào trong lòng núi, dân chúng xưa đã đặt miếu thờ thần núi, ở cửa hang trước miếu là cánh đồng rộng, có một con suối nhỏ nước trong như ngọc chảy qua.

Hồi đó, giặc cờ vàng do Ngô Côn, Hoàng Sùng Anh, Diệp Tài cầm đầu, đã nổi lên cướp phá vùng Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang... Năm 1868, Ngô Côn cho quân đánh chiếm thành Cao Bằng, trong đó có khu vực Trùng Khánh, các võ sĩ Phja Phủ đã anh dũng chiến đấu chống lại giặc cướp, trả lại thanh bình cho phố chợ và vùng Thượng Lang. Để ghi nhớ công lao của các anh hùng hảo hán một thời, miếu thờ thần núi Phja Phủ có tên gọi là miếu Phú Sơn. Trong tâm thức của người dân Co Sầu; phố Co Sầu thanh bình, buôn bán phát triển mùa màng bội thu là nhờ miếu Phú Sơn phù hộ, người dân trong phố đã quyên góp, tôn tạo rộng hơn để mọi người đến lễ miếu có chỗ hội họp, ăn uống... Tương truyền rằng, ngày xưa vào một đêm nọ, có một quả cầu lửa to bay qua phố Co Sầu và rơi xuống trước cửa miếu Phú Sơn, đúng dịp các võ sĩ đi dẹp giặc cướp chiến thắng trở về, dân chúng cho rằng miếu linh thiêng nên mọi người góp của, góp công và nâng cấp miếu Phú Sơn thành đền Phú Sơn, trên vách núi của đền khắc chữ “Quan sơn vệ dân” (thần núi bảo vệ dân). Hồn thiêng các võ sĩ Phja Phủ đã nhập vào ngọn núi và trường tồn trong lòng người dân Co Sầu. Sau đó, người dân đưa Quan Vân Trường, Bách Linh, phật bà Quan Âm vào thờ, nhân dân thị trấn vẫn gọi là đền Phú Sơn, và một số gọi là đền Quan Thánh cho đến ngày nay. Đền Quan Thánh thờ các anh hùng hảo hán có công bảo vệ sự bình an cho thị trấn và tôn thờ các bậc thánh hiền với tài năng, đức độ sáng ngời với ý nghĩa sâu xa rằng người Trùng Khánh xưa đã tôn vinh những giá trị đạo đức cao đẹp của con người, từ đó gửi gắm ước nguyện và khát vọng chân chính: Các bậc anh hùng, các bậc thánh hiền sẽ phù hộ độ trì cho muôn dân, tấm gương về tài năng, đức độ của họ sẽ giáo dục đạo lý làm người cho con cháu muôn đời sau. Từ đó, lễ hội đền Quan Thánh (lễ hội phố Co Sầu) được duy trì và được các thế hệ tổ chức hằng năm vào ngày 15.2 âm lịch nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh và đời sống tinh thần vui tươi của nhân dân các dân tộc ở thị trấn Trùng Khánh. Trong phần hội, bà con nhân dân và du khách tham quan cùng thưởng thức các tiết mục văn nghệ đặc sắc, thưởng thức ẩm thực cổ truyền: Lợn quay, vịt quay, khâu nhục..., tham gia các trò chơi dân gian và thi đấu thể thao vui tươi, sảng khoái. Mấy năm về trước, UBND tỉnh Cao Bằng ra quyết định công nhận đền Quan Thánh là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Chợ Trùng Khánh, chợ Co Sầu, chợ Co Xàu, đi một buổi chợ mà tiêu bao nhiêu cái tâm tình.

Tỉnh Cao Bằng có 55 phiên chợ huyện, chợ liên xã của 28 dân tộc là Tày, Nùng, H’Mông, Dao, Sán Chỉ, Lô Lô, Việt, Hoa, Ngái... Chợ họp năm ngày một phiên, ngoài giao thương còn là nơi người dân giao lưu văn hóa bằng các điệu hát sli, lượn, páo dung, hà lều, hài sli...

Đỗ Quang Tuấn Hoàng
TIN LIÊN QUAN

Phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, tạo đột phá cho sự phát triển

Phạm Đông - Trần Vương |

Hướng tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước kỳ vọng, đại hội sẽ có những quyết sách đúng đắn, những định hướng tạo đột phá cho sự phát triển của đất nước trong nhiệm kỳ tới.

Đảng đồng hành cùng đất nước, dân tộc

Việt Văn |

Chào mừng Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Hãng phim Tài liệu và Điện ảnh Nhân Dân (Báo Nhân Dân) đã chọn lọc một số tập của bộ phim “Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh - Biên niên sử truyền hình” (đoạt giải đặc biệt giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng - Giải Búa liềm vàng lần thứ V) chiếu phục vụ các đại biểu trong Đại hội XIII của Đảng (diễn ra từ ngày 25.1 đến ngày 2.2 tại Hà Nội).

Trao 110 suất học bổng cho con em ngư dân, học sinh dân tộc thiểu số

NGUYỄN TRI |

Ngày 24.11, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn Bình Định phối hợp với Văn phòng phía Nam Quỹ học bổng Vừ A Dính, Câu lạc bộ “Vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu” tổ chức lễ trao học bổng năm học 2020 - 2021 cho các em học sinh.

Rét buốt 13 độ C, người dân vẫn chen chân đến chợ hoa Quảng An ngày cận Tết

Minh Hà - Việt Anh |

Mặc dù Hà Nội đang rét buốt, nhiệt độ về đêm giảm sâu dưới 13 độ C nhưng chợ hoa Quảng An (Tây Hồ, Hà Nội) vẫn tấp nập, nhộn nhịp người bán, kẻ mua trong những ngày cận Tết Nguyên đán 2023.

Giờ thứ 9: Điếng người khi biết con nuôi của chồng chính là con riêng (P1)

Nhóm PV |

Trong cuộc sống hiện đại, quan niệm "con nào cũng là con" được rất nhiều người ủng hộ. Và dù rằng là con trai hay gái cũng được yêu thương, chăm sóc như nhau. Tuy nhiên, vẫn có những người còn giữ những tư tưởng cổ hủ, lạc hậu, mong muốn có một cậu con trai để nối dõi và để hương hỏa cho ông bà tổ tiên. Vì lí do đó, nhiều người đã đánh mất niềm hạnh phúc của gia đình và những đứa con của chính họ.

Chương trình Giờ thứ 9 do NSND Khải Hưng là đạo diễn. Giọng đọc: NSND Minh Hòa – NSƯT Phú Thăng. Âm nhạc: Xuân Phương.

Bạn đang có những câu chuyện riêng muốn chia sẻ với độc giả của Báo Lao Động? Hãy liên hệ với chúng tôi qua địa chỉ email: media@laodong.vn.

Bản tin dự báo thời tiết đêm nay và ngày mai 19.1

NHÓM PV |

Dự báo thời tiết mới nhất 19.1: Khu vực Nam Bộ ngày mai có mây, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác, ngày nắng, đêm không mưa.

Hà Nội: Tết vẫn chưa về đến... làng chài

Kim Sơn |

Hà Nội - Những ngày này không khí xuân đã tràn ngập khắp phố phường, người người nhà nhà ra đường sắm Tết. Tuy nhiên, ở làng chài Văn Đức (Gia Lâm) người dân vẫn đang tất bật mưu sinh, kiếm con tôm con cá cho bữa ăn hàng ngày.

Nhiều lý do để trừ, cắt thưởng Tết của người lao động

Bảo Hân |

Vụ việc một công ty tại Bạc Liêu có thông báo về việc cắt thưởng cuối năm do không like, share bài của giám đốc đang thu hút sự chú ý của dư luận.

Phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, tạo đột phá cho sự phát triển

Phạm Đông - Trần Vương |

Hướng tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước kỳ vọng, đại hội sẽ có những quyết sách đúng đắn, những định hướng tạo đột phá cho sự phát triển của đất nước trong nhiệm kỳ tới.

Đảng đồng hành cùng đất nước, dân tộc

Việt Văn |

Chào mừng Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Hãng phim Tài liệu và Điện ảnh Nhân Dân (Báo Nhân Dân) đã chọn lọc một số tập của bộ phim “Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh - Biên niên sử truyền hình” (đoạt giải đặc biệt giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng - Giải Búa liềm vàng lần thứ V) chiếu phục vụ các đại biểu trong Đại hội XIII của Đảng (diễn ra từ ngày 25.1 đến ngày 2.2 tại Hà Nội).

Trao 110 suất học bổng cho con em ngư dân, học sinh dân tộc thiểu số

NGUYỄN TRI |

Ngày 24.11, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn Bình Định phối hợp với Văn phòng phía Nam Quỹ học bổng Vừ A Dính, Câu lạc bộ “Vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu” tổ chức lễ trao học bổng năm học 2020 - 2021 cho các em học sinh.