Gặp gỡ cuối tuần

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn - Phó Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam: “Đừng lo nhạc hàn lâm không có công chúng!”

THANH HƯƠNG THỰC HIỆN |

Sự kiện đặc biệt kỷ niệm 60 năm thành lập Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam (qua các tên gọi: Trường Âm nhạc Việt Nam, Nhạc viện Hà Nội), đã đến gần, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn - với sự tâm huyết và tình yêu của mình dành cho ngôi trường có bề dày truyền thống này - đã có những trao đổi với phóng viên Lao Động về cơ hội và thách thức của Học viện, cũng như của âm nhạc hàn lâm...

Tìm chỗ đứng cho nhạc hàn lâm đã là vấn đề nan giải từ lâu. Trào lưu nghệ thuật giải trí tưởng chừng như đang lấn át những dòng nghệ thuật bác học, tạo nên sự mất cân bằng trong thưởng thức nghệ thuật. Trước buổi trò chuyện với TS. Lê Anh Tuấn - người đã có gần 30 năm tham gia giảng dạy, đào tạo nên các nhà sư phạm, các cán bộ hoạt động trong lĩnh vực giáo dục âm nhạc - người viết vẫn có suy nghĩ ấy.

Ông Tuấn trầm ngâm, nói suy nghĩ đó không sai. Hàng trăm giảng viên, sinh viên của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam - nơi vốn được coi là cái nôi của âm nhạc hàn lâm - luôn tự hào với truyền thống 60 năm đào tạo, phát triển tài năng đỉnh cao cho âm nhạc nước nhà của mình, nhưng cũng không AQ để giữ mãi suy nghĩ “đặt âm nhạc đỉnh cao ấy trong một cái tháp ngà, rồi đòi hỏi dân chúng phải đến với nó, thưởng thức nó”.

“Chảy máu nhân tài thì ngành nào cũng có, chứ không riêng âm nhạc”

Cơ duyên nào đưa ông đến với nghề luôn được ví là "đào tạo ngôi sao" này?

- Tôi bị ảnh hưởng bởi Nhà giáo nhân dân Thái Thị Liên, một trong những giảng viên đầu tiên của Nhạc viện Hà Nội. Từ nhỏ, tôi đã may mắn được bà dạy, không phải ở nhạc viện mà tại nhà riêng. Bằng tài năng và những ngón đàn điêu luyện của mình, bà đã truyền tình yêu âm nhạc sang tôi.

Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Lý luận âm nhạc tại Liên Xô vào năm 1988, tôi về công tác tại Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội. Đến 2004, tôi chuyển đến Đại học Sư phạm Hà Nội, giảng dạy và làm công tác quản lý tại khoa Nghệ thuật cho đến năm 2015. Việc kinh qua 2 trường, trong đó có trường Sư phạm đã giúp tôi có nhiều cơ hội học hỏi kinh nghiệm quản lý, kinh nghiệm giảng dạy. Còn hiện tại, với tư cách là người quản lý tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, tôi nhận thấy nghề giáo tại Học viện chúng tôi có những đặc thù và nhiều thú vị. Người thầy thực hiện chức năng 2 trong 1, vừa là thầy, vừa là nghệ sĩ. Họ phải đóng một lúc cả hai vai.

Mỗi giảng viên của Học viện luôn thấy tự hào khi được giảng dạy tại nơi được coi là “cánh chim đầu đàn” trong việc đào tạo tài năng âm nhạc. Nơi đây đã đào tạo được rất nhiều các thế hệ nhạc sĩ, nhạc công, nhà giáo, người nghiên cứu lý luận âm nhạc cho đất nước. 60 năm xây dựng và trưởng thành, đó là một chặng đường dài, với biết bao thăng trầm.

Tạo ra một tài năng âm nhạc chưa khó bằng việc nuôi dưỡng cho tài năng ấy tiếp tục gắn bó với nghề sau khi tốt nghiệp và cống hiến cho nghệ thuật. Ông có nghĩ đang diễn ra tình trạng “chảy máu nhân tài” trong âm nhạc hàn lâm, khi sinh viên của Học viện và nhiều nghệ sĩ tài năng vẫn chọn cách du học và thường ít khi trở về?

- Đó là bài toán không riêng gì với việc đào tạo tài năng âm nhạc. Chúng tôi ngoài việc đào tạo, cũng khuyến khích các em phát triển, nhưng không nhiết thiết phải yêu cầu các em ở lại, bởi mỗi người sẽ có một lựa chọn riêng. Các em trưởng thành ở một môi trường chuyên nghiệp hơn, ở những cái nôi của nền âm nhạc khu vực và thế giới cũng là những thành quả của Học viện.

Hiện nay nhiều nghệ sĩ tên tuổi, thậm chí luôn ở trong Top những giọng hát hàng đầu của làng nhạc Việt bây giờ từng là học viên của trường. Kể cả những trung tâm âm nhạc đang mọc lên như nấm khắp nơi, cũng đều xuất phát từ đội ngũ giảng viên, cán bộ của trường lập ra để giảng dạy.

Cũng có một điều đáng buồn là hầu hết giảng viên âm nhạc đều nhận được lời đề nghị từ học sinh, sinh viên: “Hãy giúp em trở thành ca sĩ nổi tiếng”. Dù bất ngờ trước nhận thức của giới trẻ về âm nhạc nhưng không ít tài năng của Học viện đã trở thành giảng viên thanh nhạc để đáp ứng nhu cầu của xã hội với giá luyện thanh vài trăm ngàn đồng/giờ!

- Cơ chế thị trường, đời sống phát triển, rất nhiều gia đình có điều kiện đầu tư cho con cái học âm nhạc. Vì thi vào các trường chuyên nghiệp đòi hỏi khắt khe hơn về mặt chuyên môn, nên họ thường cho con em họ học ở trung tâm hoặc nhờ các giảng viên của trường giảng dạy.

Tôi không bình luận về điều này, vì chẳng người giảng viên nào có thể giúp học trò trở nên nổi tiếng cả. Họ chỉ đóng vai trò cung cấp nền tảng, kiến thức, là bệ đỡ mà thôi. Nhưng trong thời gian tới chúng tôi sẽ hướng đến tổ chức hiệp hội các trung tâm đào tạo âm nhạc để định hướng cho họ (những trung tâm tư nhân - PV), để xây dựng quy chuẩn về đào tạo chất lượng, định hướng trung tâm theo hướng chuyên nghiệp, chứ không chỉ chạy theo thương mại.

Như vậy Học viện đang trong xu hướng đào tạo hướng đến đại chúng?

- Nhiệm vụ cơ bản và trọng tâm của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam là đào tạo âm nhạc đỉnh cao, tài năng âm nhạc cho đất nước. Nhưng bao giờ mô hình đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp cũng là hình chóp. Chúng ta muốn có đỉnh cao thì phải có nền móng vững chắc. Từ sơ cấp, trung cấp, rồi cao đẳng, đại học, càng lên cao, hình chóp càng thu hẹp lại vì cái nhìn của xã hội cũng ngày càng khắt khe hơn. Muốn có âm nhạc đỉnh cao thì chúng ta phải có cái nền. Nền càng vững càng tốt.

Trong nghệ thuật, trước hết phải hiểu rồi mới có thể yêu!

Khác với nhiều năm trở về trước, nhu cầu thẩm mỹ âm nhạc bây giờ mang tính đại chúng, những yếu tố giải trí chi phối rất nhiều. Đó cũng là thách thức với những người làm công tác đào tạo trong môi trường âm nhạc hàn lâm?

- Rõ ràng trong thời buổi kinh tế thị trường, chúng ta sống trong một thế giới phẳng, hội nhập thì chúng ta chắc chắn bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhìn nhận đó là xu thế tất yếu, xu thế của thời đại, không cưỡng lại được, mà phải tuân theo, nhưng vẫn phải giữ vững vị trí, vai trò, thế mạnh của mình. Việc phổ cập hóa âm nhạc, đưa âm nhạc đến với đời sống xã hội cũng là trách nhiệm của Học viện, cùng với các phương tiện thông tin đại chúng.

Và cách định hướng thị hiếu thẩm mỹ ở đây là gì, khi mỗi người có một cách cảm thụ âm nhạc khác nhau, thưa ông?

- Khi chúng ta bước vào thời kỳ hội nhập với thế giới, thì âm nhạc cũng là một sản phẩm. Đó là sản phẩm về tinh thần, để người ta có quyền được thưởng thức, hưởng thụ nó. Nhưng vấn đề hưởng thụ thì vô cùng, cái gì dễ nghe, dễ chấp nhận thì được nghe nhiều hơn, còn những gì cao siêu quá thì người ta phải đắn đo, tìm hiểu. Nếu đang ở lĩnh vực âm nhạc chuyên nghiệp, đỉnh cao ấy, thì không kỳ vọng có một lượng lớn khán giả như ở nhạc đại chúng. Nhưng cũng đừng lo âm nhạc hàn lâm không có công chúng. Tôi tin số lượng đó sẽ lớn dần, tăng theo năm tháng. Bởi nếu nhìn vào các nước phát triển, họ cũng thế thôi, cũng song song tồn tại rất nhiều loại hình giải trí, âm nhạc. Nhưng khi đánh giá thành tựu âm nhạc của một quốc gia, người ta sẽ nhìn vào âm nhạc đỉnh cao, chứ không phải nhạc thị trường.

Nhưng chúng ta cũng phải nhìn vào thực tế và đặt ra câu hỏi: Khán giả trong nước của nhạc hàn lâm là ai? Rõ ràng, khán giả của âm nhạc hàn lâm, ở quốc gia nào cũng vậy, luôn là số ít!

- Cái đó phải quay ngược lại vấn đề đào tạo. Một ca sĩ chả học hành gì, có giọng, có tố chất, có thể trở thành ca sĩ. Cũng như trong lĩnh vực sáng tác ca khúc, có những ca khúc đi cùng năm tháng, đi cùng với lịch sử đất nước. Có những ca khúc hôm nay hát, ngày mai khán giả quên. Trong đời sống tinh thần đa dạng như hiện giờ, thì mọi cái chúng ta không thể đánh đồng, mọi sự so sánh đều là khập khiễng. Mỗi loại nhạc có đối tượng khác nhau. Xã hội có sự phân tầng, nghệ thuật - giải trí như món ăn tinh thần, mọi người có quyền thưởng thức theo các cách khác nhau. Người thích ra quán bia, người thích xuống đường thưởng thức âm nhạc, nhưng cũng có những người thích thưởng thức ở những không gian sang trọng. Đó là lẽ tự nhiên.

Ông vừa nói đến vấn đề đào tạo, bằng cách nào để dung hòa được chuyện “nhạc hàn lâm đi tìm công chúng” và “ngày càng nhiều công chúng tìm đến với nhạc hàn lâm”?

- Theo tôi, vấn đề là nền giáo dục của chúng ta cần phải tham gia vào một cách tích cực hơn. Đã từng có vài chục năm làm trong ngành giáo dục, tôi hiểu nền giáo dục phổ thông của mình còn nhiều câu hỏi, rất nhiều bài toán chưa tháo gỡ được. Tôi không so sánh đâu xa, công chúng ở nhiều nước trong khu vực, khi nghe một giai điệu đẹp, toàn thân họ bắt đầu lắc lư một cách thư giãn, để thưởng thức. Vì ngay ở bậc tiểu học, họ đã được giáo dục các kiến thức chuyên sâu về âm nhạc. Ở Việt Nam không phải khán giả nào cũng có khả năng cảm thụ đó, nhiều khi họ thích nhìn hơn thích nghe.

Hiện chúng tôi đang chủ trương đem âm nhạc hàn lâm đến các cơ sở đào tạo, các trường đại học. Ở đó học sinh - sinh viên được nghe nhạc giao hưởng và các loại hình âm nhạc khác kèm theo sự dẫn giải, để hiểu hơn về nhạc hàn lâm. Tôi tin cách đó sẽ giúp cải thiện trình độ thưởng thức. Vì trong nghệ thuật, trước hết phải hiểu rồi mới có thể yêu. Đó cũng là mục tiêu dài hơi mà Học viện Âm nhạc quốc gia muốn hướng đến trong tương lai: Bên cạnh việc đào tạo tài năng, mở rộng hợp tác quốc tế, còn góp phần định hướng dần thị hiếu và thẩm mỹ của công chúng.

Cảm ơn ông!

THANH HƯƠNG THỰC HIỆN
TIN LIÊN QUAN

Hà Nội: Sau chấn chỉnh, loạt lô cốt vẫn án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh

PHẠM ĐÔNG |

9 chiếc lô cốt đang án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh khiến giao thông đông đúc, quá tải dù đã cận kề Tết Nguyên đán Quý Mão. Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội lại yêu cầu chấn chỉnh tình trạng thi công hệ thống xử lý nước thải Yên Xá gây ùn tắc.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.

Cận Tết, showroom xe ôtô cũ chấp nhận bán hòa, cắt lỗ để thu hồi vốn

LÂM ANH |

Cuối năm thường là mùa thu hoạch của thị trường xe ôtô cũ nhưng năm nay điều này đã không đến bởi việc ngân hàng siết cho vay, lãi suất cao đã khiến lượng khách hàng giảm đi đáng kể. Những ngày cuối cùng trước khi nghỉ Tết, chủ showroom chấp nhận bán hòa vốn hay thậm chí, bán cắt lỗ để thu hồi vốn trước Tết.

Xu hướng công khai tiền lương ở Mỹ: Ai sẽ được hưởng lợi?

Thanh Hà |

Luật thanh toán minh bạch ở Mỹ góp phần giảm chênh lệch tiền lương.

3 phim Việt ra rạp đúng mùng 1 Tết: Tác phẩm nào có khả năng thắng thế?

Chí Long |

3 phim điện ảnh Việt đồng loạt ra mắt đúng mùng 1 Tết Quý Mão 2023 là Chị chị em em 2, Siêu lừa gặp siêu lầyNhà bà Nữ.

Thái Bình: Cả làng đỏ lửa nướng cá ngày đêm vẫn không đủ hàng bán Tết

Nguyễn Thúy |

Cận kề Tết Nguyên đán, làng nướng cá nổi tiếng ở Thái Xuyên (Thái Bình) luôn tất bật với các lò than đỏ hồng, hoạt động hết công suất để cho ra những mẻ cá nướng vàng óng, săn chắc, thơm nức phục vụ khách hàng dịp cuối năm.

Quả bóng vàng 2022: Tiến Linh sáng cửa

Thanh Vũ |

Nhìn vào phong độ hiện tại, có thể thấy tiền đạo Nguyễn Tiến Linh xứng đáng giành quả bóng vàng 2022.

Kênh đầu tư nào sẽ được hưởng lợi trong năm 2023?

Thái Mạnh |

Trong bối cảnh thị trường tài chính vẫn còn nhiều yếu tố khó lường, thì một số kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản sẽ được hưởng lợi nhờ định giá hấp dẫn và các chính sách được thúc đẩy trong năm nay.