Thưởng trà ở Tây Tạng

nhà văn di li |

Tôi đến Tây Tạng chỉ để uống trà. Tôi cần một tách trà bơ trên Everest. Cuốn sách của tôi tháng chín này sẽ ra mắt, và nếu thiếu trà bơ, sách của tôi sẽ như trà thiếu muối.

Tôi nhắc đi nhắc lại với Tenzin, sợ gã quên, hoặc thậm chí lười biếng mà thoái thác. Giữa khoảnh sân chang chang chính Ngọ bên trong ngôi đền Jokhang, gã trai Tây Tạng 34 tuổi chưa vợ mặt mũi thản nhiên như mọi ngày. Gã nhìn tôi vô cảm, có chăng thì từ khóe mắt điềm tĩnh như một con bò Yak trên đỉnh núi thoáng qua ánh uể oải: Dở hơi đấy à, sách với vở, trà với cháo. Bỏ ngần ấy công đi bao đường đất lên độ cao hơn năm nghìn mét, chưa kể tốn cả bọc tiền và chảy máu mũi vì sốc độ cao chỉ để uống cốc trà.

1. Ở Tây Tạng không có rạp chiếu phim và nhà hát, càng chả có mấy nhà văn. Tenzin chưa bao giờ vô rạp hay mua tiểu thuyết về đọc. Gã chẳng hiểu nhà văn là cái thứ gì, và những điều tôi vừa giới thiệu về cuốn sách trà sắp tới, dù có đưa vị trí của trà bơ Tây Tạng lên ngang hàng Everest cũng chẳng khiến gã ấn tượng được mấy nả. Tenzin, hướng dẫn viên kỳ cựu của Tibet Vista đã đi cùng chúng tôi ba buổi, nhưng ngày nào gã cũng lờ đi mục uống trà. Mãi đến lúc rời khỏi tu viện Sera, tôi bèn đứng im không nhúc nhích trước cánh cổng gỗ đen thẫm của dòng Cách lỗ1, đầu đội cái vung nắng khổng lồ đầy ắp tia tử ngoại độc hại từ vùng núi cận mặt trời, nhất định không chịu di chuyển ra bãi đậu xe, coi như đình công:

- Tenzin, cậu đã hứa là dẫn tôi đi uống trà bơ.

- Đây đây, để tôi đi tìm xem chỗ này người ta có bán trà không.

Tenzin vội chạy quáng đi tìm trà ở mấy hàng quán luộm thuộm rẻ tiền ngoài cổng tu viện khiến tôi lập tức hối hận. Trà gì ở quán cơm bình dân nóng nực thế kia. Khác nào trà đá uống kèm phở, loại nhạt hoét ba nghìn đồng một cốc. Biết thế chờ tới lúc về Bakhor2 mình mới nhắc trà.

- Có trà rồi - Tenzin quay lại báo tin, khuôn mặt chẳng biểu lộ thái độ gì - Ở đây người ta không bán trà nhưng đồng ý pha trà cho mình.

Lại còn thế nữa. Vậy thì càng không chuyên môn. Người phụ nữ trung niên bảo chúng tôi ngồi đợi trà bên những chiếc giá bày đầy cốc tách bằng gốm xanh đẹp đẽ. Ở đây người ta bán cơm bình dân với các món canh làm từ thịt bò Yak và ít đồ gốm cho khách du lịch để kiếm thêm, trừ trà. Chắc Tenzin nói khó thì chị ta mới pha cho thôi. Lát sau người phụ nữ mang ra cho chúng tôi một cái phích hoa và thêm lũ cốc giấy tí hon, ánh mắt bình thản không thể hiện cảm xúc y hệt Tenzin và hầu hết những người Tạng trên núi cao. Tenzin rót trà từ phích ra cốc giấy rồi trịnh trọng mời từng người. Trà đã không chuyên, cốc cũng nghiệp dư nốt. Sao phải uống khổ thế này, cho tôi cái cốc gốm đèm đẹp kia có được không. Tiếng ồn ào đòi hỏi nổi lên. Không, cốc ấy là để bán, cốc này uống được có sao đâu. Tenzin ngạc nhiên. Khổ quá, thế này thì còn gì là thưởng trà nữa.

2. Tôi nhớ lại những tấm hình chụp các thiền sư mặc áo tía đang cầm muôi nguấy một nồi trà khổng lồ bốc hơi nghi ngút. Làn khói xám buông tỏa trên khuôn mặt bình lặng của người tu hành, như mây sớm đương trờ qua đỉnh Himalaya. Cảnh tượng mới hư ảo nhường nào, trà trông mới ngon làm sao. Trà ấy có bơ có muối. Nghe đã thấy hơi hướng phiêu lưu lều trại đầy chất điện ảnh rồi. Nhìn là biết ngoài trời hẳn lạnh lắm, chắc đang âm độ. Cả những người phụ nữ Tây Tạng đang nấu trà trong lều kia nữa. Chiếc nồi nhôm móp méo ám muội than chứa nước trà đương sôi sùng sục, và người đàn bà mặc áo dài đen tỉ mẩn bốc từng món nhỏ từ mấy chiếc hộp cũ kỹ trên giá gỗ rồi bỏ vào nồi nước, nguấy lên, theo cách một nhà giả kim già nua cẩn trọng trước nồi chất lỏng đang thí nghiệm. Xong lại xắt ít bơ lạt, rót thêm tí sữa tươi, tất cả được đưa tuốt vào một thanh ống kỳ lạ, đoạn tra chày vào giã. Sau cùng mới đổ thứ trà thần thánh màu be ấy vào chiếc ấm nhôm rồi hâm nóng lên mà rót ra cho khách. Khách đến chơi nhà kiên nhẫn chờ đợi ngần ấy quy trình, xong khẽ khàng bưng tách trà mà hít hà, mà nhấm nháp. Thế kia mà. Ai lại đi uống trà cốc giấy giữa trời nực nội mấy chục độ này. Không đúng kiểu!

Không phải, Tenzin xua tay. Toàn là clip quay lấy cảnh cả thôi. Giờ chỉ vùng sâu vùng xa thiếu tiện nghi mới còn nấu trà kiểu ấy, chứ người ta dùng máy xay sinh tố hết rồi. Tôi nhấp một ngụm trà bơ cốc giấy. Ô là là! Nó thậm chí còn ngon hơn tôi hình dung. Người chưa quen nghe trà pha với bơ thấy hơi kinh kinh, nhưng vị của nó chứng minh cho học thuyết “Mọi sự tồn tại đều có lý do riêng của nó”. Đằng này trà bơ có lý do chung, vì nó đã được ưa chuộng trên khắp các lãnh thổ dọc theo dãy Himalaya suốt cả thiên niên kỷ. Trà bơ không chỉ tăng cường năng lượng ngang một lon Bò húc cho những cư dân vùng không khí loãng, nó còn gây nghiện với các mút dây thần kinh trên đầu lưỡi nữa. Chưa khi nào tôi uống trà mà vị giác lại bơi ngụp trong béo ngậy đến thế. Matcha Nhật Bản, Masala Chai Ấn Độ, hay trà Thái đều có vị béo nhưng đọ thế nào được với béo mẫm của bơ. Món Po cha3 này ánh lên chút đậm đà của những tinh thể muối (chứ không mặn chát như tôi tưởng) và kéo theo sau dư vị dìu dịu, thanh thoát của trà đen. Tuy nhiên hương đầu vẫn cứ phải là bơ. Nhắc đến bơ thì tôi đồ rằng “mùi xứ sở” của Tây Tạng ắt phải là mùi bơ, mà là bơ bò Yak. Ngay cả khi đã rời khỏi dãy Himalaya cả tháng trời, hoặc dễ hồ cho đến tận lúc thăng thiên về cõi Niết bàn, hễ nhắc đến Tây Tạng là lập tức bầu không khí xung quanh tôi lại phảng phất mùi hoi hoi của bơ Yak. Dường như Tây Tạng được phủ trong bơ và bò. Trong khu phố Bakhor và ngay cả giữa đại lộ Bắc Kinh4, nhác lại xuất hiện một cửa tiệm nhỏ xíu chừng vài mét vuông. Tiệm kê mỗi cái ghế gỗ cho người bán, và một chiếc bàn gỗ tạp. Trên bàn bày hai súc thịt bò Yak, hoặc chơ lơ mỗi tảng bơ Yak nặng hàng cân. Nhìn đã biết ấy là hai thứ thiết yếu hàng ngày của các công dân Tibet.

Bơ đâu chỉ ở bếp ăn người Tạng mà còn cần cho cả nhà chùa. Chùa ngự khắp nơi trên những đỉnh núi, và trong chùa thì luôn có những khay bơ lớn. Chùa đây không dùng dầu, nến mà đốt bấc bằng bơ. Người đi chùa cũng chẳng mang xôi oản, giò thủ, rượu trắng, hương hoa gì cả mà vác theo... bơ. Thoạt trông những khay nhiên liệu đắt đỏ ấy tôi đã thoáng lo chùa lấy đâu ra tiền mà ngày nào cũng mua bơ thay dầu hỏa. Sau mới thấy các Phật tử đi qua mỗi khay bơ đều đổ hoặc xúc một ít vào khay, thay cho tiền giọt dầu. Việc ấy vô cùng vui mắt, vì tấp nập người ra vô tay xách theo những phích nước sặc sỡ, tới khay là mở nắp phích, đổ ít bơ lỏng vào trong. Các lão bà người Tạng mặc áo dài truyền thống e chừng xách cái phích nhọc mệt mới cầm theo mấy hộp bơ đông, tới đâu lại lấy thìa phết vào khay. Mấy cậu trai làm biếng thường ra ngay cổng chùa mua những túi nylon đựng bơ khô đóng sẵn, đi qua khay bơ đèn thì bốc nhúm thả vô. Bơ vì thế mà ứa tràn. Ở chùa nhà thấy các sư chốc chốc lại đi thu gom hương cháy dở bỏ vào một chỗ cho bớt cơn ngạt thở trầm kha thì ở chùa Tạng, sẽ có những sư trẻ trực sẵn ở khay bơ. Khay được thiết kế ống thoát để bơ lỏng cứ đến cữ ấy thì chảy dần xuống một thùng nhựa hứng phía dưới, tránh bị tràn khay. Sư sẽ đi thu gom các thùng bơ rồi đưa về kho dùng dần. Bơ ấy chẳng phải bơ thường mà là bơ Ghee, loại tinh chất được tách lỏng sau khi chưng cất thêm lần nữa, như thế mới đảm bảo độ thanh sạch để dâng lên Đức Phật. Người Tạng vốn sùng đạo, hầu như 24/7 ngồi cầu nguyện trong chùa, cả ngày úm mùi bơ cháy vào người, tối về lại ăn bơ, rồi uống trà bơ. Họ di chuyển đến đâu thì đổ mùi bơ vào không khí đến đấy. Bơ ám vào vách nhà, cửa chùa, và từng bậc thang gỗ, luẩn quẩn giữa những gian thờ tối tăm, lưu cữu trong các thiền viện năm này qua năm khác. Sau hàng thiên niên kỷ đằng đẵng, bơ thơm tinh khiết biến thành một mùi hoi ngấy đến phát ốm. Trước khi được nếm trà bơ cốc giấy, có mấy bận tôi nhòm trộm thấy các sư trong cung điện mùa đông5 ngồi thưởng trà, cũng là đồ cúng dường của các Phật tử cả. Các lão bà đi chùa, tay này cầm phích bơ lỏng, tay kia cầm phích trà bơ, tới đâu là cung kính rót trà cho các tăng. Nhìn cốc trà màu be nóng hổi, tôi tò mò cực độ, chả có nhẽ xin phép sư thầy cho khách đường xa được thử một nhấp.

3. Người Tạng uống trà bơ đã hơn nghìn năm, từ thời nhà Đường. Sống trên nóc nhà thế giới, không khí vừa lạnh vừa loãng, địa hình nhấp nhô cằn cỗi, thiếu thực phẩm, thiếu chất đốt, thiếu nước ngọt, trà bơ đã cứu rỗi họ. Dân Tibet coi trà bơ muối như oxygen của cuộc đời mình. Người Siberia giữa mùa đông giá rét cần một chai Vodka như lửa cần không khí thì người Tạng cũng tôn thờ trà bơ như thế. Công thức nấu Po cha chỉ gồm có ba thứ trộn vào nhau thôi nhưng trà bơ nguyên bản là món đồ uống rất cầu kỳ trong từng công đoạn.

Đầu tiên là trà đen. Người Tạng dùng lá trà sấy khô rồi đóng bánh cứng như cục gạch, vì thế mỗi lần đun trà trong nồi nước trên bếp lò cũng phải mất nửa ngày trời. Công dụng của trà đen nguyên lá đối với sức khỏe đã được các nhà khoa học diễn giải thành luận án tiến sĩ. Thứ hai là bơ Ghee. Bơ tinh chất tốt cho tim mạch, xương cốt, dạ dày, da dẻ như thế nào thì các tạp chí dinh dưỡng đương thời không khi nào thôi nhắc đến. Thứ ba là muối đá hồng Himalaya. Thành phần này mới thực lung linh, thần bí và thuần khiết. Nó được giới chuyên gia phân tích tới 84 khoáng chất. Có nhúm muối thôi mà như nuốt vào bụng cả một bảng tuần hoàn hóa học hoàn hảo: Natri clorua, Canxi, Magie, Kali, Sulfat, Borat, Florua, Stronti, Bromide, Biocarbonate... Muối đá núi hiếm có khó tìm, vì thế cũng bổ béo hơn muối biển. 250 triệu năm trước, các mảng đại lục tự di chuyển sau những cơn địa chấn tầm cỡ Thiên Hà, sức va chạm khủng khiếp này tạo nên cơn đại hồng thủy huyền thoại, khiến bề mặt trái đất thay đổi hoàn toàn. Nhiều vùng đất bị chôn vùi dưới lòng đại dương, và những phần khác lại nhô lên bất thường, trong đó có dãy Himalaya. Các mỏ đá muối hình thành từ sự kết tinh diệu kỳ giữa các khoáng chất tự nhiên trong lòng đất và những tinh thể muối còn mắc kẹt sau đại hồng thủy. Muối hồng vì thế không chỉ có mỗi màu hồng, mà biến ảo từ trắng ngà, vàng nhạt, cam đất, đỏ hồng. Ăn muối hồng thực chất là đang tiêu hóa những mảng hóa thạch từ thuở hồng hoang. Người núi cao dùng muối hồng để pha trà, còn dân thành thị giữa thế kỷ 21 mang ra để tắm trắng, ngâm chân, tẩy tế bào da chết, thành công cụ làm đẹp. Ba thức bổ dưỡng đầy tính chữa bệnh ấy trộn với nhau sẽ tăng cường sinh lực cho người uống tới khi nào khỏe bằng bò Yak thì thôi. Càng lên cao, các cư dân núi đá sẽ càng bổ sung thêm muối vào trà để giữ nhiệt. Khi thời tiết xuống đến -150C thì một tách trà bơ mặn trong lều sẽ là đỉnh cao của sự lý tưởng và thi vị.

4. Cuối cùng thì dụng cụ để pha Po cha mới thực lạ lùng. Tôi đã nhìn thấy toàn bộ kho trà cụ vĩ đại trong căn bếp của tu viện Drepung6. Sau khi đun trà trong những chiếc nồi kim loại to đến mức ba người ngồi lọt, tất nhiên là trên một bếp lò cũng tương ứng, nước trà sẽ được đổ vào một ống đánh trà truyền thống, gọi là chandong. Chandong của nhà dân thường cao đến đầu gối, có hình ống điếu, làm từ thân mộc nguyên khối đục rỗng rồi chằng tròn lại bằng những sợi dây đồng, thêm chiếc tay cầm bằng da nối từ miệng đến trôn ống. Khi đánh trà, người ta dùng một chiếc chày gỗ dài để vừa giã vừa nguấy cho bơ và muối tan chảy vào trong nước trà. Nhà đông người thì chandong cao đến tận đùi, còn chandong của tu viện Drepung cao hơn đầu người, ôm hết một vòng tay. Chandong của Drepung được ghép bằng gỗ đen dày sụ. Nó bóng lên tay người qua bao thế kỷ thăng trầm cùng các triều đại Đạt Lai Lạt Ma. Những sợi dây đồng quấn quanh ống cũng to gấp mười lần chandong nhà dân thường, vững chãi như niềm tin của người Tạng với Đức Phật. Trên giá bếp thiền viện có vài chục ấm trà bằng đồng được bày ngay ngắn. Ấm cũng to bằng cái xô. Trà khô được đóng kìn kìn trong các bao tải và bơ tảng nặng cả yến để ngổn ngang trên bệ đá. Giờ thiền viện chỉ còn 700 tu sĩ, nhưng trong thời hoàng kim thịnh trị, có tới cả vạn tu sĩ sống trên Gambo Utse. Phục vụ ba cữ trà ngày cho ngần ấy sư tăng, căn bếp bé tí này liệu đã quá tải?

Nhưng ấy là thời quá vãng đã qua, giờ các ống chandong khổng lồ chỉ còn để trưng bày. Khắp Lhasa không ai còn dùng chandong nữa. Cách pha trà cũng có nhiều thay đổi. Người ta có thể cho thêm sữa bò vào trà để dịu mùi, dù tất cả những ly trà tôi uống dọc đường từ Lhasa lên Everest đều chỉ có bơ chứ không bỏ sữa. Đấy cũng là kiểu của người Mông Cổ, uống trà Suutei Tsai với sữa dê, cừu và ngựa, tuy quy trình có đôi chút khác nhau. Do sự khan hiếm của bơ và sữa bò Yak7, người pha trà dùng luôn sữa bò tươi đóng hộp và bơ mua ngoài siêu thị. Trà cũng không mấy ai dùng loại đóng bánh cục gạch như thời xưa nữa mà xài luôn trà túi lọc cho tiện lợi. Muối tinh ra tạp hóa nào cũng sẵn, thay vì muối hồng cao quý từ các mỏ muối Himalaya. Trà vì thế không cần đun tới nửa ngày mà chỉ mất năm phút. Tất cả cho vào máy xay sinh tố đánh tan là xong, rồi đổ vào phích dùng dần.

Quán bar Anglamedo nằm giữa phố chính Lhasa do một người đàn ông đến từ Bắc Kinh sở hữu và Luntum làm quản lý. Luntum hơn tôi một tuổi nhưng trông ít hơn cả chục tuổi. Anh ta dáng cao mảnh khảnh và da bóng mỡ màng vì kem nền. Lúc mới vào Luntum chạy ra đón, thấy tôi yêu cầu một suất trà ngọt và một trà bơ mặn, gã dịu dàng chỉ chỗ ngồi cho ba người tôi. Chừng mươi phút sau, nhân viên của Luntum đã đặt lên quầy hai cái phích xanh nước biển, in hoa hồng vàng và đỏ. Chúng tôi sợ chết khiếp nghĩ đến khoản tiền phải chi trả cho hai phích trà. Giá đồ uống ở bar lúc nào chả gấp ba, bốn lần ngoài quán, giờ lại thanh toán cho cả đống trà thế này thì ốm tiền. Tôi bảo chỗ trà này cho mười người uống, tôi chỉ gọi có hai tách thôi kia mà.

- Không, trà Tây Tạng không ai uống tách. Cứ bình tĩnh mà xả hơi đi, các bạn còn nhiều thời gian mà, đúng không?

Xót tiền, ba chúng tôi uống lấy uống để một bụng trà, dễ hôm ấy mỗi người cũng nuốt đến hơn lạng bơ vào bụng. Lượng bơ dùng để pha Po cha thường rất lớn, một tách trà nhỏ cần tới cả thìa bơ. Chúng tôi tính có thể bỏ trà vào hộp nhựa mang về dùng dần, là đang tiếc của thì nghĩ quẩn thế chứ biết thừa về nhà chả ai tải nổi đống chất lỏng mỡ màng này nữa. Thi thoảng Luntum lại rời đám bạn để chạy ra tiếp chuyện tôi bằng những âm tiết tiếng Anh điệu chảy nước. Thấy được khen trẻ đẹp, gã kéo ống quần lên cho chúng tôi xem da gã mịn đến thế nào, đồng thời khoe luôn một hình xăm trên vai trái. Luntum chả giống bất kỳ người Tây Tạng nào ở đây. Gã hiện đại, hay chuyện, đầy cảm xúc, tiếp cận đủ loại khách Tây Tàu thập phương vào quán nên thông tin vỉa hè bằng tất cả người Tạng cộng lại. Da dẻ gã trắng bóc thay vì nám đen nứt nẻ như những người Tạng phải hứng tia tử ngoại từ lúc cha sinh mẹ đẻ. Tên gã theo tiếng Tạng nghĩa là “Biến giấc mơ thành hiện thực”. Luntum chỉ ao ước được quản lý một quán bar và giờ gã đã làm cho Anglamedo được 14 năm kể từ ngày ông chủ người Bắc Kinh đến Lhasa tìm đất mở nhà hàng.

5. Tôi ngồi vắt vẻo quầy bar đèn mờ với hai cái phích trước mặt, há hốc miệng nghe Luntum liến thoắng đủ thứ chuyện, tách trà bơ bỏ quên nguội ngắt. Từ lúc đó tôi mới phát hiện ra một điều rằng trà bơ cần uống ngay lúc nóng. Để nguội, bơ sẽ nồng lên một mùi gây đặc trưng của những sản phẩm làm từ sữa bò. Khi ấy vị trà biến mất, uống vào chỉ muốn ói. Trà bơ để nguội gợi lên thứ mùi ám vách tường lưu niên cả nghìn năm trong các tu viện, và từ xống áo tầng tầng lớp lớp của những lão bà người Tạng hiếm khi tắm gội. Tôi khiếp đảm đẩy tách trà ra xa, thôi luôn cái ý nghĩ vác trà về nhà để mai làm bữa sáng. Tuy nhiên, sau tôi cứ tiếc giá mà Luntum mang hóa đơn tính tiền ra ngay từ đầu thì chúng tôi đã được uống trà trong “bình yên”. Hai phích trà cho ba người xả láng cuộc đời có giá 65 tệ (hơn hai trăm nghìn đồng). Tội nghiệp, thì quán có ai đâu mà chẳng phải phá giá thị trường. Tối thứ bảy mùa hè mát mẻ cũng không mấy nả khách. Chính phủ Trung Quốc không khuyến khích quần tam tụ ngũ trên đất Tây Tạng, nên tìm được vài quán bar phích nước cũng đã là may lắm rồi.

Đêm cuối cùng trên đất Tạng, tôi ngủ trong khu lều trại Everest. Ngồi bên vách lều đầy hoa văn, tôi ngắm hai cái phích trên chiếc bàn in hoa hồng đỏ, nghĩ rằng trong đó chỉ có nước sôi. Cô chủ lều ngoài 30 tuổi tên Akar nghĩa là “Pha lê trắng”, dù cô đen như bóng hoàng hôn cuối cùng rơi trên Everest. Akar cúi xuống xúc than phân bò bỏ vào lò cho ngọn lửa bùng lên, hai bím tóc tết sợi xanh đỏ rủ xuống ấm nước đang sôi ùng ục. Một vài người trong đoàn ủ rũ cuộn mình dưới chiếc chăn bông to sụ góc lều. Họ bị những cơn đau đầu khủng khiếp do sốc độ cao hành hạ. Akar rót thứ gì đó vào một cốc giấy rồi ra hiệu đưa cho người đang gặp cơn sang chấn nguy hiếm.

- Trà bơ sẽ giúp bạn phục hồi và duy trì qua đêm nay - Akar nói bằng tiếng Quan Thoại và bạn tôi dịch lại.

Ồ, trong phích là trà bơ. Thì ra Tenzin chẳng phải lờ đi đề nghị của tôi, cũng không phải cậu ấy coi thường lời hứa của mình, mà vì trà bơ có mặt ở khắp mọi nơi trên đất Tây Tạng. Và đã phàm là người Tạng thì ai cũng biết pha nó cho ngon cả. Tenzin biết trước tôi sẽ có vô số cơ hội để được thưởng thức Po cha. Tôi xin một cốc của người ốm, hít hà mùi thơm thanh khiết của bơ Yak đang vồn vã bay lên từ trà nóng. Trong hơi ấm sực của ngọn lửa cam vàng bập bùng trên bệ bếp, tôi ngồi bình yên giữa chiếc nệm hoa, cạnh những người bạn đồng hành đang yên lặng. Ngoài kia là con suối hầu muốn đóng băng trước khi chuồi được xuống chân núi, và Everest, đỉnh cao của dương gian đang trần mình trước sức gió hơn trăm kilômét trên giờ. Đỉnh băng tuyết vĩnh cửu đương -300C, còn ngoài cửa lều thôi cũng đã khiến người ta ngạt thở vì khô, vì lạnh, và gió. Mọi sự tồn tại đều có lý do riêng của nó. Và trà bơ mặn Po cha, đã có lý suốt cả nghìn năm qua.

Chú thích:

1. Cách lỗ phái hay còn gọi là phái Mũ vàng (Gelugpa) là một trong bốn tông của Phật giáo Tây Tạng. Thiền viện Sera ở Lhasa, thủ phủ Tây Tạng, đại diện cho dòng phái này.

2. Bakhor là khu phố du lịch và thương mại sầm uất nhất Lhasa.

3. Po cha là trà bơ.

4. Đại lộ Bắc Kinh là con phố chính của thủ phủ Lhasa, nơi có cung điện Potala.

5. Cung điện Potala.

6. Drepung là một trong ba tu viện lớn nhất Tây Tạng, nằm trên núi Gambo Utse.

7. Ở những vùng núi cao người ta chỉ có thể lấy sữa bò Yak từ tháng sáu đến tháng tám, còn dưới thảo nguyên thấp hơn lấy vào cả xuân và hạ.

nhà văn di li
TIN LIÊN QUAN

Những cách bài trí không gian sống đón Tết thú vị của sao Việt

DI PY, ẢNH: Nghệ sĩ cung cấp. |

Nhiều sao Việt như Ngọc Diễm, Đàm Thu Trang, Đàm Vĩnh Hưng bài trí tổ ấm đón Tết theo nhiều phong cách khác nhau.

Dự báo thời tiết 16.1: Miền Bắc rét đậm mưa vài nơi, nhiệt độ giảm sâu hơn

AN AN |

Dự báo thời tiết hôm nay 16.1.2023, Bắc Bộ trời rét đậm, vùng núi rét hại. Nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ phổ biến từ 9 - 12 độ C, khu vực vùng núi Bắc Bộ phổ biến 6 - 9 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 3 độ C.

Chứng khoán: Thiếu sự đồng thuận của dòng tiền để bứt phá

Gia Miêu |

Với nhiều thông tin hỗ trợ thị trường chứng khoán, nhà đầu tư kỳ vọng chỉ số VN-Index có thể sẽ sớm vượt mức kháng cự 1.067 điểm và hướng về gần mức 1.100 điểm trong tuần giao dịch cuối cùng trước khi nghỉ Tết.

Thực phẩm online ngày Tết tiềm ẩn nhiều rủi ro

Ngọc Chi - Đức Trung |

Cận Tết, việc mua sắm thực phẩm online tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Để có một cái Tết trọn vẹn và bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình, hãy là người tiêu dùng thông minh.

So sánh đội hình tuyển Việt Nam vs Thái Lan chung kết AFF Cup 2022

Bảo Bình - Dương Anh |

So sánh đội hình tuyển Việt Nam vs Thái Lan AFF Cup 2022. Với lợi thế sân nhà, có 44,51% lượt bình chọn trên sofascore tin rằng Thái Lan giành chiến thắng, 28,38% dự đoán kết quả hoà và 27,11% nhận định đoàn quân của HLV Park Hang-seo sẽ nâng cao chức vô địch.

Mâm cúng tất niên của người Việt Nam khắp ba miền

LÝ VIẾT TRƯỜNG |

Trong ngày tết Nguyên đán của người Việt, mâm cỗ cúng tất niên được mọi gia đình chuẩn bị rất kỹ lưỡng, với mong muốn bày tỏ lòng thành kính với ông bà tổ tiên để được ông bà phù hộ cho năm mới mạnh khỏe và thành công.

Móc túi người về hưu: Từ gửi tiền nhờ giữ hộ đến bỗng dưng... trúng thưởng

Bảo Hân |

Hiện nay, trên mạng xã hội có rất nhiều đối tượng, hình thức lừa đảo nhắm tới những người đã về hưu – những người có khoản tiền dành dụm và thường không rành về công nghệ.

Những hòn đảo Châu Âu sở hữu vẻ đẹp “cách ly” với thế giới

Thảo Phương |

Bên cạnh những địa điểm du lịch sôi động, Châu Âu còn nổi tiếng với một số hòn đảo giúp du khách đến gần hơn với thiên nhiên.