Thương người Mẹ chưa bao giờ thật xa

kiều bích hậu |

Thời gian này, vào mỗi cuối ngày, trước khi đóng máy tính kết thúc công việc, tôi thường vào kênh của Đài tiếng nói Việt Nam, kênh VOV3 để nghe bài hát “Thăm Mẹ”, sáng tác của nhạc sĩ Quang Hiển, lời thơ Trần Tựu, qua giọng hát ca sĩ Hoàng Nga. Thật lạ bởi càng nghe, bài hát càng như dẫn dụ tôi vào chốn sâu lắng tình cảm, thương nhớ Mẹ thiết tha.

Sợi dây linh ứng gắn với Mẹ

Mẹ tôi thì vẫn còn sống, nếu muốn, tôi có thể lập tức đặt một chuyến xe về quê thăm Mẹ. Nhưng người Mẹ trong tác phẩm “Thăm Mẹ” thì đã khuất núi lâu rồi. Chỉ có điều, vì tình thương bí ẩn Mẹ dành cho con, mà Mẹ chưa bao giờ thật xa trong đời sống tinh thần người con của Mẹ, tác giả Trần Tựu. Thế rồi, có lần ông mời tôi cũng một nữ nhà văn khác về quê thăm Mẹ ông, tôi cứ nghĩ rằng chúng tôi sẽ được đến ngôi nhà tranh như trong bài hát. Nào ngờ, về đến vùng quê ông ở Hà Nam, chúng tôi được dẫn ra cánh đồng xanh bát ngát, nơi có ngôi mộ tĩnh lặng mà bố mẹ ông vĩnh viễn ở lại. Thì hóa ra, chính ngôi mộ ấy là “ngôi nhà cha mẹ” mà mỗi lần từ miền Nam ra Hà Nội công tác, ông Trần Tựu lại đến thăm. Tôi rưng rưng đứng bên “ngôi nhà mãi mãi” của cha mẹ ông, thầm hỏi sợi dây linh ứng nào khiến Mẹ ông vẫn luôn hiện hữu trong tâm trí và trái tim của người con, từng là một dược sĩ trong chiến khu thời chiến tranh?

Vu Lan là dịp để chúng ta tri ân Cha Mẹ, Tổ tiên, nhưng với tác giả bài thơ “Thăm Mẹ” (đã trở thành bài hát phát trên kênh VOV3 Đài tiếng nói Việt Nam lần đầu tiên vào đúng dịp “Ngày của Mẹ” 14.5.2023, sau đó phát lại nhiều lần, đã ngấm dần vào tâm khảm người nghe, lan truyền tình cảm thương nhớ, sự biết ơn và động lực phấn đấu bền bỉ cho thế hệ trẻ), thì người Mẹ luôn ở bên chia sẻ mọi vui buồn của con theo cách vô cùng đặc biệt.

Người Mẹ trong bài thơ cùng tên của tác giả Trần Tựu là một nhân vật có mẫu số chung trong một giai đoạn lịch sử của dân tộc, thời chiến tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Người Mẹ ấy sớm góa bụa, một mình nuôi 5 con trai, và vì muốn đỡ đần cho Mẹ, người con trai cả sớm đi làm xa nhà. Ba người con trai sau của Mẹ lần lượt vào chiến trường, chỉ còn lại ở nhà một con trai Út cùng Mẹ sớm hôm tần tảo đồng áng. Chiến tranh kết thúc, miền Nam được giải phóng, đất nước độc lập, ba người con của mẹ ở chiến trường trở về chỉ còn hai. Thương con, Mẹ không chấp nhận nổi sự mất mát này, nước mắt thương con của Mẹ chảy cùng năm tháng.

Tác giả Trần Tựu, một dược sĩ tham gia phục vụ chiến trường từ năm 1972 tới ngày giải phóng, đã viết bài thơ “Thăm Mẹ” để hồi tưởng về người Mẹ của mình, sau khi chiến tranh qua đi đã 48 năm và người Mẹ của ông cũng đã qua đời gần 20 năm.

Tác giả Trần Tựu cho biết, dù Mẹ ông đã qua đời, nhưng hình ảnh và những thói quen của Mẹ, dường như chưa bao giờ qua khỏi tâm trí ông. Ban ngày ông bận rộn với việc điều hành ở công ty dược SaVipharm, nhưng mỗi khi đêm về nhà, chìm vào giấc ngủ, thì Mẹ của ông thường trở lại với ông trong giấc mơ. Thậm chí, Mẹ báo cho ông biết trước về những điều vui hay chuyện cần lo sắp tới. Mối liên kết kỳ lạ giữa ông với người Mẹ của mình khiến ông cảm thấy thật ấm áp, luôn có nguồn lực tinh thần cao cả nâng đỡ để ông tiếp tục dấn bước chinh phục mọi thách thức khó khăn, kiên định với sứ mệnh của mình - chế thuốc cứu người. Do đó mà ông trở thành người dược sĩ không tuổi hiếm hoi của nước ta, suốt nửa thế kỷ kiên tâm với sứ mệnh của mình, không chỉ nghiên cứu sản xuất thuốc phục vụ người dân Việt mà còn khát khao đưa viên thuốc Việt ra thế giới.

Tác phẩm nhạc hội tụ tình cảm và giá trị tinh thần

Với hình ảnh người Mẹ vẫn luôn hiện hữu trong đời sống tinh thần của mình, vào tháng 3.2023, Thầy thuốc ưu tú - Dược sĩ chuyên khoa II - Trần Tựu đã sáng tác bài thơ “Thăm Mẹ”, bài thơ lập tức được đăng trên Thời báo Văn học nghệ thuật và một số trang báo điện tử khác. Trong bài thơ có đoạn kết khá ám ảnh về sự hiện hữu của người Mẹ trong tinh thần của tác giả:

Thăm Mẹ
Tác giả: Trần Tựu

Về quê thăm ngôi nhà Cha Mẹ
Lặng trầm nhớ năm tháng tuổi thơ
Ngày Cha mất, Mẹ còn rất trẻ
Thương con, Mẹ nuôi dưỡng ước mơ...

Mấy sào ruộng, vần công, khuya sớm
Tất bật quanh năm hạt lúa, mớ rau
Chắt chiu, nuôi năm con khôn lớn
Xây niềm tin, mơ ước mai sau...

Tháng Tám, tháng Ba những ngày thiếu đói
Lo cho con rau, củ qua ngày
Gánh rau, Mẹ, chợ phiên đắp đổi
Cho con manh áo mới, Mẹ may

Đất nước gọi, ba chàng trai trẻ
Vượt Trường Sơn, giải phóng miền Nam.
Ngày chiến thắng, em không về với Mẹ
Nước mắt rơi, lòng mẹ quặn đau

Con về đây, bên Mẹ, tuổi thơ
Một ngày hè lặng lẽ thinh không
Gặp Mẹ rồi... Chỉ một giấc mơ
Mẹ vẫn xa, trong áng mây hồng...

Khi nhạc sĩ Quang Hiển đọc được bài thơ “Thăm Mẹ”, ông đã ngay lập tức cảm nhận dòng xúc cảm, hình ảnh biểu tượng chung của người Mẹ trong cuộc chiến trường kỳ của dân tộc. Bởi chính ông cũng là người cùng thời với tác giả bài thơ, từng trải qua cuộc chiến tranh khốc liệt với những mất mát, đau thương đằng đẵng. Tình yêu thương bất diệt của người Mẹ, niềm tin của Mẹ đặt nơi các con là dòng cảm xúc trào dâng mãnh liệt, cũng là nguồn năng lượng không bao giờ vơi cạn. Thẩm thấu dòng năng lượng được truyền từ bài thơ, thêm sự đồng điệu trong cảm xúc, nhạc sĩ Quang Hiển đã phổ nhạc bài thơ, và ca khúc “Thăm Mẹ” ra đời, là sự phối hợp và thăng hoa của hai tâm hồn nghệ sĩ cùng thời. Sự thăng hoa làm nên giai điệu vừa da diết, vừa bi tráng vừa hào hùng, sâu lắng, về cái tình riêng sâu thẳm của người Mẹ hòa cùng cái chung lớn lao của hồn cốt dân tộc bất khuất quật cường, khiến lời thơ với nhạc hòa quyện, thành tác phẩm âm nhạc không chỉ đẹp trong nhạc điệu, mà còn giá trị về tư tưởng.

Ca sĩ Hoàng Nga, dù là người sinh ra sau chiến tranh, nhưng đã thể hiện thành công bài hát “Thăm Mẹ”. Ngay khi phổ nhạc cho bài thơ, nhạc sĩ Quang Hiển đã nghĩ tới giọng hát Hoàng Nga. Ông cho rằng, Hoàng Nga có giọng rất đẹp, mang màu thính phòng - dân gian, người có giọng hát cực kỳ quý giá, chỉ có điều không được ai nâng đỡ nên cứ một thân một mình lặn lội trong nghề, từng bước nỗ lực đi lên. Quả vậy, khi Hoàng Nga thể hiện ca khúc “Thăm Mẹ” đã chạm đến trái tim người nghe, bởi sự rung động thực sự của người nghệ sĩ khi hát và cách luyến láy mềm mại, nhả chữ ngọt êm khó có của cô cũng đã chinh phục được giới trong nghề như các nhạc sĩ, vốn chỉ trọng thực chất giọng hát, chứ không bị lòe bởi danh hiệu.

Hoàng Nga cho biết hình dung và tình cảm của cô khi hát bài này: “Hình ảnh bà mẹ trong ca khúc chính là hình ảnh một bà mẹ Việt Nam anh hùng, tần tảo, chịu thương, chịu khó, một người mẹ hy sinh tất cả vì con, vì đất nước. Ca khúc này có giai điệu ca từ khiến Nga thực sự cảm động. Cảm động về tình cảm của người mẹ, đau đáu với người con đã hy sinh trong chiến trận để giành lại độc lập, tự do cho đất nước của chúng ta.

Đó chính là sự xúc động mạnh trước tình cảm của một người con khi về thăm lại ngôi nhà của cha mẹ, nhìn thấy tất cả những hình ảnh tuổi thơ ùa về, có mẹ, có anh, có em ở đó. Và cuộc sống vừa bình dị, vừa thiêng liêng cứ như thế hiển hiện làm cho tôi thấy thật sự cảm xúc, tự hào.

Bởi vì đây là một hoàn cảnh thật đã được nhạc sĩ Quang Hiển cùng với tác giả thơ Trần Tựu xây dựng, hình tượng hóa lên khung cảnh của một gia đình ở trong kháng chiến với sự hy sinh hết mình cho Tổ quốc. Tôi thực sự biết ơn nhạc sĩ Quang Hiển đã cho tôi cơ hội thể hiện ca khúc này. Xin cảm ơn tác giả thơ Trần Tựu đã có những lời thơ xúc động để hoàn thiện bức tranh âm thanh, với những hình ảnh tuyệt vời về người Mẹ”.

Ca khúc “Thăm Mẹ” được phát rộng rãi trên sóng phát thanh Đài tiếng nói Việt Nam. Hiện nay chính là tác phẩm tuyệt vời hội tụ được tài năng, cảm xúc và trí tuệ của ba tâm hồn nghệ sĩ: tác giả Trần Tựu, nhạc sĩ Quang Hiển và ca sĩ Hoàng Nga. Cuộc gặp gỡ của sự đồng điệu tâm hồn 3 nghệ sĩ không chỉ tựu thành một tác phẩm đẹp cho tất cả chúng ta, mà còn là thông điệp về tình yêu thương và sự phấn đấu bền bỉ mà thế hệ đi trước trao truyền.

kiều bích hậu
TIN LIÊN QUAN

“Ơn nghĩa sinh thành 2023” lan tỏa thông điệp nhân văn mùa Vu Lan

Thúy Huyền |

Tối 24.8, Chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề “Ơn nghĩa sinh thành 2023” thu hút đông đảo khán giả theo dõi trong tháng Vu lan báo hiếu cha mẹ.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt "Ơn nghĩa sinh thành 2023" tri ân mùa Vu Lan

Chí Long (Ảnh: Ngọc Hân) |

Chương trình nghệ thuật đặc biệt mùa Vu lan báo hiếu "Ơn nghĩa sinh thành 2023" được truyền hình trực tiếp từ Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô (số 91 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội) lúc 20h10 ngày 24.8.

Sự thay đổi của Lễ Vu Lan

Huyền Chi |

Trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt và nhiều quốc gia châu Á, Lễ Vu Lan diễn ra vào dịp Rằm tháng 7 hằng năm. Đây là dịp để những người con tưởng nhớ, tri ân công sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Trong ngày này, nhiều bạn trẻ đến chùa để cầu may cho gia đình, tự nhắc nhở bổn phận của mình đối với cha mẹ.

Chuyển nhượng V.League 2023-2024: Tâm điểm Quế Ngọc Hải, Văn Lâm

NGUYỄN ĐĂNG |

Thị trường chuyển nhượng cho V.League 2023-2024 đang sôi động, hứa hẹn sẽ có nhiều bản hợp đồng đình đám xung quanh những ngôi sao như Quế Ngọc Hải, Đặng Văn Lâm…

Mạng lưới logistics chiến lược của BRICS sau khi mở rộng khối

Thanh Hà |

Trong hội nghị thượng đỉnh BRICS 2023, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã kêu gọi thành lập ủy ban vận tải BRICS thường trực để giải quyết vấn đề phát triển các hành lang logistics, vận tải liên khu vực và toàn cầu.

Hơn 8 tỉ đồng nhận "lại quả" từ Việt Á được chia như thế nào?

Việt Dũng |

Sau khi được Phan Quốc Việt chi hơn 8 tỉ đồng "tiền phần trăm" ngoài hợp đồng của Việt Á, Nguyễn Bạch Thuỳ Linh ngoài chia Nguyễn Thị Thanh Thuỷ 2 tỉ đồng còn chuyển vào tài khoản nhiều người.

Hiện trường vụ tai nạn làm tài xế xe khách tử vong và nhiều người bị thương

QUÁCH DU |

Thanh Hóa - Hai xe khách và xe tải đều đâm vào một nhà xưởng tại khu vực ngã tư giữa đường quốc lộ 47 giao với đường tránh phía Tây TP.Thanh Hóa (phường Đông Tân). Vụ tai nạn khiến tài xế xe khách tử vong, tài xế xe tải và nhiều người có mặt trên xe khách bị thương.

Nga nêu bằng chứng xác đáng về cái chết của trùm Wagner

Ngọc Vân |

Ủy ban Điều tra Nga xác nhận, kết quả xét nghiệm ADN cho thấy trùm Wagner Evgeny Prigozhin đã thiệt mạng trong vụ rơi máy bay hôm 23.8.

“Ơn nghĩa sinh thành 2023” lan tỏa thông điệp nhân văn mùa Vu Lan

Thúy Huyền |

Tối 24.8, Chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề “Ơn nghĩa sinh thành 2023” thu hút đông đảo khán giả theo dõi trong tháng Vu lan báo hiếu cha mẹ.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt "Ơn nghĩa sinh thành 2023" tri ân mùa Vu Lan

Chí Long (Ảnh: Ngọc Hân) |

Chương trình nghệ thuật đặc biệt mùa Vu lan báo hiếu "Ơn nghĩa sinh thành 2023" được truyền hình trực tiếp từ Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô (số 91 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội) lúc 20h10 ngày 24.8.

Sự thay đổi của Lễ Vu Lan

Huyền Chi |

Trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt và nhiều quốc gia châu Á, Lễ Vu Lan diễn ra vào dịp Rằm tháng 7 hằng năm. Đây là dịp để những người con tưởng nhớ, tri ân công sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Trong ngày này, nhiều bạn trẻ đến chùa để cầu may cho gia đình, tự nhắc nhở bổn phận của mình đối với cha mẹ.