Thuốc nam liệu có lành?

BS Văn Binh |

Ngày 12.11, cháu N, 4 tuổi ở Mỹ Đức, Hà Nội, bị bỏng nước sôi. Bố mẹ đi làm ở miền Nam, ông bà đắp lá cho cháu mà không đưa đi viện. Ngày 21.11, cháu sốt cao, da nhợt nhạt, đi phân đen mới đưa đi cấp cứu. BVĐK quận Hà Đông khám thấy bé bị bỏng nửa dưới lưng, mông phải, đùi, cẳng chân phải; vùng bỏng đắp lá viêm, loét, hoại tử. BV cho hạ sốt, truyền dịch, bù nước điện giải rồi chuyển bé sang Viện bỏng TW...

Nhiều dạng tai biến thuốc nam

Ngày 7.11, bệnh nhân nam giới, 50 tuổi, ở Gia Lâm, Hà Nội, nhập viện ĐK Đức Giang với mảng hoại tử da lớn ở lưng - mạn sườn phải, phải rạch rộng mảng hoại tử để thoát mủ. Bệnh nhân này bị đau vùng thắt lưng, đến khám thầy lang. Thầy phán thoái hoá cột sống, cho đắp cao, sau 3 - 4 ngày, đau không đỡ mà chỗ đắp cao rát, nóng đỏ... BS cho biết sau khi chữa lành loét da, nhiễm trùng phải làm phẫu thuật vá da, nằm viện ít nhất khoảng 3 tháng.

Tháng 1, ông N.V.N, 43 tuổi, ở quận Ô Môn, TP Cần Thơ, nhập viện vì viêm loét, hoại tử nặng vùng hậu môn, sốt rét run. Ông N bị trĩ đã ba năm, đã chữa thuốc tây ở BV nhưng không đỡ. Nghe nhiều người “khuyên”, ông đi đắp thuốc nam và uống thuốc của thày lang, sau mấy ngày thì viêm tấy lan tỏa vùng tầng sinh môn và bìu rất nặng, sinh mủ. Do tình trạng nhiễm trùng nhiễm độc nặng, BV phải chích, rạch để giải tỏa ổ nhiễm trùng...

Cả ba bệnh nhân nói trên may mắn chỉ nhiễm trùng, viêm loét, sinh mủ da, cơ, chưa nhiễm trùng huyết từ ổ loét...

Cuối năm ngoái, chị Kh, 30 tuổi, ở Hà Nội bị đau khớp, khám không phát hiện bệnh. Chị uống thuốc chữa phong hàn của một bà lang gần nhà, có cả bột, viên và thuốc sắc. Đầu tháng 4, sau hơn 3 tháng uống thuốc, chị sụt cân, xanh xao, liệt tứ chi, phải cấp cứu ở BV Bạch Mai. Xét nghiệm cho thấy hàm lượng chì trong máu lên đến 188,79 microgam/decilit (bình thường, người lớn 15 - 20, trẻ em dưới 10 mcg/dL); viên thuốc của bà lang có 2,95% chì, cực cao so với mức độ cho phép trong đông dược.

Sau đợt điều trị thải độc chì ở Trung tâm chống độc Bạch Mai, chị mới run rẩy đi được nhưng không ngồi hay xoay được người; mọi sinh hoạt hằng ngày phải do chồng trợ giúp; trước hơn 40kg, giờ còn 32kg.

BS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách trung tâm chống độc nói chị là bệnh nhân liệt nặng nhất do tác hại của chì mà ông gặp: Tổn thương rất nặng các dây thần kinh, khó có thể hồi phục như trước; thiếu máu; liệt; tứ chi teo; không thể tự nghiêng mình được. Trung tâm chống độc phải mời các BS cơ xương khớp và phục hồi chức năng hội chẩn để giúp chị hồi phục vận động. Chị phải điều trị thải độc chì nhiều đợt vì chì đọng rất nhiều trong xương và đào thải rất chậm, phải mất nhiều năm, thậm chí là cả đời mới thải hết!?

Tháng 6 năm ngoái, ông Nguyễn Văn H, 61 tuổi, ở TP Thái Nguyên và em vợ là bà Đỗ Thị X, 54 tuổi, ở Chợ Mới, Bắc Kạn, phải nhập viện BVĐK TW Thái Nguyên vì chóng mặt, vật vã, khó thở, bà X còn bị ngừng thở, tím tái... Nửa giờ sau, chị Nguyễn Thị Thanh Nh, 29 tuổi, con dâu ông H trên đường đến BV với bố và cũng bị chóng mặt, vật vã, khó thở, phải cấp cứu.

Sau hơn 2 giờ cấp cứu giải độc tích cực, cả 3 người được cứu sống; bà X vẫn phải thở máy. Ông H nói bài thuốc nam này ông tự chế cho bà Xuân để chữa thoái hóa cột sống cổ. Sau khoảng 1 giờ uống chừng 150ml thuốc sắc đặc, bà X chóng mặt, vật vã rồi khó thở. Không “tin” thuốc của mình có độc, ông “thử” uống nên cũng bị...!? Khi hai người được đưa đi BV thì chị Nh đi làm về, tưởng nước lá cây nên uống... Ông bảo bài thuốc này đã dùng cho nhiều người quen thân, thấy tốt nhưng không ngờ lần này...

Chuyện ông bà làm nhớ lại năm 1996, thuốc “thập toàn đại bổ” chế ở Lâm Đồng làm 9 người ở Quảng Ngãi chết, mẫu phủ tạng của 8 người được giám định pháp y có nồng độ cao tinh chất cây lá ngón và trong các gói thuốc thu giữ có nhiều cành, rễ loại cây siêu độc này! Vào viện cùng ngày với nhà ông H là anh Nông Văn Đ, 38 tuổi, ở huyện Phú Bình, đã vô niệu 2 ngày. Anh này uống thuốc nam chữa suy thận, bị ngộ độc, BV phải truyền dịch khẩn cấp, điều trị giải độc tích cực.

Qua giới thiệu, bà Phạm Thị Th và chị dâu Hà Thị Kh ở Thái Bình, đến một thầy lang để chữa thoát vị đĩa đệm, đau khớp gối và đau dạ dày. Bắt mạch xong, thầy bán cho thuốc bột và một túi thuốc hoàn, bảo mỗi ngày uống 2 gói thuốc bột và 2 viên thuốc. Uống khoảng nửa tháng, bà Th thấy sốt, vàng da và mắt, nước tiểu vàng sậm; bà Kh cũng bị như vậy... Hai bà cùng đến khám ở BVĐK tỉnh Thái Bình và được chuyển lên Trung tâm chống độc, BV Bạch Mai... Xét nghiệm thấy tổn thương gan nặng, chức năng gan suy giảm mạnh, men gan rất cao (tình trạng tế bào gan bị phá hủy nhiều).

Vì sao tai biến thuốc nam xảy ra nhiều?

BS Nghiêm Trung Dũng, khoa Thận - Tiết niệu BV Bạch Mai cho biết, mỗi tháng, khoa nhận 3 - 4 người bệnh bị suy thận cấp do sử dụng thuốc đông y không rõ nguồn gốc... PGS. TS Nguyễn Thị Dụ, nguyên Giám đốc Trung tâm chống độc Bạch Mai nói, ngộ độc đông dược đứng thứ 5 trong các loại ngộ độc thuốc và hiện số người ngộ độc đang có xu hướng tăng nhanh...

Với tập quán dùng đông được truyền thống vì cho là lành, không độc hại như thuốc tây, rẻ tiền, khám bệnh lại mất ít thời gian, chẳng mất tiền xét nghiệm, vả chăng nhà nước vẫn kêu gọi đông tây y kết hợp kia mà... Tuy nhiên, đã là thuốc thì phải được thầy thuốc chuyên khoa đông y kê đơn, không thể dùng tùy tiện theo kinh nghiệm của dân hay những ông lang vườn biết lỗ mỗ, thậm chí là (số ít) học hành qua loa và “chạy” được chứng chỉ hành nghề... Bởi trong đông dược có nhiều vị độc đến mức chết người như Ô đầu (Ấu tàu), Phụ tử, Mã tiền, Cà độc dược (cà gai), Thần sa (Chu sa), Sâu ban miêu...

Ngày 27.10, 7 người ở Đông Hưng, Thái Bình, ăn tiệc mừng nhà mới của ông Vũ Tiến Hồi, chỉ vừa uống một hai chén đã thấy bứt rứt, mặt nóng bừng, lơ mơ rồi ngã gục bên bàn rượu, có người co giật, ảo giác, vật vã… Tất cả phải nhập khoa chống độc BV Thái Bình, hai người hôn mê phải đi Bạch Mai. May mà đều qua được, nhưng một người bị tiêu cơ vân, được BV Bạch Mai chuyển về tỉnh điều trị tiếp.

Ông Hồi mua gói thuốc ở Lạng Sơn có Táo mèo, Chuối rừng và Cà gai... Với những “thày” lang vườn thì không biết họ cho vào thuốc mức độ nào các độc dược này?

Nguy hiểm nhất là nhiều năm nay, thuốc cam cho trẻ em vẫn được người ta dùng chì làm một thành phần bào chế. Kim loại này rất nguy hiểm cho sự phát triển thể chất và trí não của trẻ. Trung tâm chống độc Bạch Mai, Hà Nội thống kê từ 2011 - 2016, khám gần 2.800 trẻ thì gần 900 trẻ có chì máu cao hơn ngưỡng cho phép, trong số này 2 trẻ đã tử vong. Tháng 1.2017, xét nghiệm 100 trẻ ở Bắc Giang đã dùng thuốc cam thì 100% nhiễm chì, trong đó gần 1/2 số trẻ Chì máu vượt ngưỡng an toàn.

Hiện nay, thị trường tràn lan đông dược giả như hồng hoa, kim ngân, hoài sơn, sơn thù, nhân sâm, linh chi, tam thất, lộc nhung, thỏ ty tử, hà thủ ô... Những của giả này được bảo quản bằng Lưu huỳnh, Chì, Kẽm sunphur, Nhôm phosphur..., thủ phạm gây đau đầu; tiêu chảy; nôn; tăng huyết áp; suy gan, thận, tim; sảy thai; dùng lâu có thể gây ung thư gan hoặc vô sinh…

Người bệnh ai cũng muốn nhanh khỏi bệnh, nên không thiếu lang vườn hay “lương” y trộn thuốc kháng viêm dòng corticoid (Presnisolon, Dexamethason...) vào thuốc tán, hoàn hay thuốc sắc sẵn. Với những bệnh viêm, đau, dị ứng... loại thuốc “đông tây y kết hợp” này làm dịu rất nhanh do tác dụng của corticoid nên không ít người dùng nắc nỏm khen thầy giỏi, nhưng sau đó “lãnh” đủ hậu quả tác dụng phụ của corticoid với thận, huyết áp; nguy cơ loãng xương, đái tháo đường... Không ít “thày” còn “chữa” cả HIV, ung thư giai đoạn cuối!?

Đông dược bồi bổ sức khỏe rất tốt và chữa được nhiều bệnh, trong đó có bệnh tây y bó tay (nhưng không nhiều, như viêm đa khớp dạng thấp, thận hư nhiễm mỡ chưa suy thận...). Tuy nhiên, sùng tín đến mức dùng đông dược chữa chó dại hay rắn độc cắn sẽ rất dễ mất mạng. Người dân nên đến những cơ sở đông dược tin cậy để được an toàn.

BS Văn Binh
TIN LIÊN QUAN

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Cổ động viên tuyển Việt Nam mang cúp vô địch mô hình sang Thái Lan

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Hàng ngàn cổ động viên Việt Nam đã đi quãng đường gần 1000km, mang cúp tới Thái Lan cổ vũ cho thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo ở trận chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Thông xe đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, các phương tiện đi thế nào?

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội đồng ý cho các phương tiện được đi 2 chiều trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Đồng thời, cấm phương tiện tham gia giao thông đường bộ rẽ trái từ đường La Thành vào đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.