Thử nhìn sâu vào hoạt động truy lùng gốc gác súng đạn ở Mỹ

hương giang |

Hãy tưởng tượng rằng có một vụ án mạng vừa xảy ra ở Mỹ, với nạn nhân nằm chết gục bên vũng máu. Cảnh sát tới hiện trường muộn, nhưng nhờ kiểm tra kỹ nên họ tìm thấy khẩu súng gây án cùng số serial của nó. Sau khi dò thông tin trên máy tính, một cái tên xuất hiện và các điều tra viên đều rú lên phấn khích, vì họ biết rằng mình đã có manh mối để bắt kẻ thủ ác.

Khi đời không như phim

Câu chuyện ở trên nghe rất hay ho, nhưng thực tế khác xa như vậy. “Hãy thử suy nghĩ mà xem”, Charlie Houser, một chuyên viên của Cục kiểm soát Rượu, Thuốc lá, Vũ khí và Vật liệu nổ (ATF) nói với phóng viên tờ GQ, “Cảnh sát tra cứu thông tin về một khẩu súng ư? Một cái tên sẽ xuất hiện khi họ gõ thông tin tìm kiếm à? Cái tên đó sẽ chạy ra từ đâu? Sẽ có một kho dữ liệu nằm ở đâu đó à? Kiểu như ta sẽ có một cuốn sổ cái ghi lại thông tin về mọi khẩu súng, bắt đầu từ khẩu đầu tiên, cho tới khẩu 14 tỉ tỉ tỉ tỉ gì đó ư? Và họ nghĩ mọi khẩu súng đó, với số serial được in trên thân, sẽ đều gắn với một cái tên?”.

Charlie thường nhận được rất nhiều thư điện tử, ngay cả từ lực lượng cảnh sát, đề nghị kiểm tra lai lịch một khẩu súng. “Họ nói với tôi rằng “Liệu ông có thể gõ số serial này vào máy tính và cho tôi một cái tên được không?” Tuần nào cũng thế. Họ cứ nghĩ số serial của súng giống như số đăng ký VIN của xe hơi vậy. Họ còn giục tôi làm nhanh nữa”, ông kể. Và câu trả lời của Charlie luôn là: ATF chẳng có hệ thống dữ liệu nào như thế cả.

Bên cạnh các tài liệu, Trung tâm còn có một kho súng tham khảo, chứa đủ các loại súng hiếm thế giới đã chế tạo, gồm cả khẩu AK mạ vàng từng thuộc về ông Saddam Hussein.
Bên cạnh các tài liệu, Trung tâm còn có một kho súng tham khảo, chứa đủ các loại súng hiếm thế giới đã chế tạo, gồm cả khẩu AK mạ vàng từng thuộc về ông Saddam Hussein.

Thực vậy, dù là quốc gia sở hữu súng nhiều nhất thế giới, Mỹ lại không hề có một kho dữ liệu điện tử về súng. Nhà chức trách cũng chẳng biết có chính xác bao nhiêu người đang sở hữu súng, bao nhiêu người tham gia mua, bán súng và thậm chí là có bao nhiêu khẩu súng đang tồn tại. Nếu muốn biết lai lịch của một khẩu súng, họ buộc phải gửi đề nghị về Trung tâm tìm kiếm quốc gia thuộc ATF, nằm tại một tòa nhà buồn tẻ bên xa lộ số 9 ở Martinsburg, Tây Virginia.

Mỗi ngày, các nhân viên ở đây phải xử lý 1.500 đề nghị kiểm tra lai lịch vũ khí, tức khoảng 370.000 vụ mỗi năm. “Ngân sách dành cho chúng tôi rất eo hẹp”, Charlie, người điều hành Trung tâm, cho biết. “Chúng tôi không phải là một đơn vị với 10.000 nhân viên và sở hữu các thiết bị phức tạp tối tân. Ở đây chỉ có chừng 50 nhân viên ATF và một đống thùng chết dẫm”.

Khi nói tới những cái thùng, Charlie muốn nhấn vào thực tế rằng Trung tâm không có một chiếc máy tính nào cả. Theo luật liên bang ban hành kể từ năm 1986, nơi đây cũng không được phép lập kho dữ liệu tập trung về súng hoạt động trên máy tính.

Ngoài các thùng chứa tài liệu thì vi phim là lựa chọn duy nhất còn lại để lưu trữ thông tin về lai lịch của các khẩu súng.
Ngoài các thùng chứa tài liệu thì vi phim là lựa chọn duy nhất còn lại để lưu trữ thông tin về lai lịch của các khẩu súng.

Vì thế tất cả nhân viên ATF tại Trung tâm đều phải lưu trữ hồ sơ về súng dưới dạng văn bản. Trung tâm được phép chụp ảnh lại những hồ sơ giấy này và lưu lại dưới dạng vi phim. Tất cả chỉ nhằm đảm bảo không ai có thể tìm thấy thông tin chi tiết về một khẩu súng bằng các công cụ tìm kiếm bình thường trên máy tính.

Theo lời Charlie, mỗi tháng trung tâm đón nhận thêm 2 triệu bộ hồ sơ mới về súng đạn. Nếu dùng máy ảnh chụp lại và chuyển các hồ sơ đó thành thông tin điện tử, người của Trung tâm có thể tiết kiệm được chút không gian. Nhưng như thế có nghĩa họ sẽ phải chụp ít nhất 2 triệu bức ảnh mỗi tháng. “Để chụp số ảnh khổng lồ đó, anh sẽ cần ít nhất 7 chiếc máy chụp liên tục 16 giờ mỗi ngày. Và anh không được phép nghỉ ngơi, bởi tài liệu sẽ nhanh chóng ùn ứ khiến anh phải xử lý công việc nhiều hơn nữa”, ông nói. Do lưu trữ kiểu cũ nên Trung tâm đã có 15.000 thùng gỗ cỡ lớn chứa đầy hồ sơ lai lịch súng và con số này đang tăng lên rất nhanh sau mỗi ngày.

Vì đâu nên nỗi

Tới đây có thể bạn sẽ băn khoăn tự hỏi rằng vì sao người Mỹ không quản lý súng đạn giống như cách họ làm với xe hơi, hay đồ ăn? Charlie nói rằng súng đạn không tuân theo luật chơi chung đó vì có lý do.

Lần gần đây nhất Quốc hội Mỹ nghiêm túc cân nhắc bàn cách kiểm soát tốt hơn súng đạn ở Mỹ là vào năm 1968. Khi đó, lý do chính để người ta làm việc này là vì số lượng của các vụ ám sát nổi tiếng. Đầu tiên Tổng thống J.F. Kennedy bị giết. Sau đó là Martin Luther King Jr. rồi Robert Kennedy, em trai tổng thống quá cố. Dư luận sục sôi, với những ý kiến gần giống như hiện nay, mỗi khi các vụ xả súng đẫm máu xảy ra: Mỹ có quá nhiều súng và quá ít quy định quản lý, trong khi xã hội có quá nhiều kẻ điên rồ sẵn sàng bắn người không suy nghĩ.

Luật kiểm soát súng 1968 ra đời như một nỗ lực nhằm thiết lập trật tự. Nó làm nền tảng để Hệ thống giấy phép sử dụng súng liên bang (FFL) ra đời, trong đó các cửa hàng súng phải được cấp phép để hoạt động và chúng phải tuân thủ các quy định riêng.

Tội phạm, người nhập cư trái phép và người bất ổn định tinh thần sẽ bị cấm mua súng. Dân Mỹ cũng phải điền thông tin và ký vào mẫu đơn liên bang số 4473, còn gọi là hồ sơ mua bán súng, trong đó cam kết họ không thuộc vào ba nhóm người bị cấm sử dụng súng. (Hoạt động kiểm tra lý lịch để đảm bảo người mua không khai man chỉ đi vào hoạt động từ năm 1993).

Tổng thống Lyndon Johnson, người ký ban hành luật, khi đó cũng muốn thiết lập một cơ quan lưu trữ và quản lý thông tin về súng đạn mang tầm quốc gia. Nhưng Quốc hội, chịu tác động từ nỗ lực vận động hành lang không mệt mỏi từ Hiệp hội súng trường quốc gia (NRA), đã không đồng ý với điều này.

Thiết bị duy nhất trông giống máy tính ở Trung tâm là một máy phóng hình, dùng để đọc thông tin về lai lịch súng, đã được chụp lại và lưu trữ trong các tấm vi phim.
Thiết bị duy nhất trông giống máy tính ở Trung tâm là một máy phóng hình, dùng để đọc thông tin về lai lịch súng, đã được chụp lại và lưu trữ trong các tấm vi phim.

Lý lẽ của NRA là nếu chính quyền lập kho dữ liệu và biết rõ dân đang sở hữu bao nhiêu súng, với những chủng loại cụ thể nào, do nơi nào sản xuất... họ sẽ có trong tay công cụ hữu hiệu để tịch thu súng khi cần thiết. Họ gieo rắc vô số thuyết âm mưu vào đầu những người ủng hộ súng đạn, rằng những kẻ xấu trong chính quyền ngày nào đó sẽ ra tay gây hại tới quyền sở hữu súng đã được ghi vào Hiến pháp Mỹ. Họ xem Luật kiểm soát súng 1968 là một sản phẩm quái thai và đặc biệt căm ghét mẫu đơn 4473, bởi từ nay mỗi lá đơn đã gắn với một cái tên và như thế sự tự do sở hữu súng đạn đã bị đe dọa.

Vì những lý do lịch sử này nên người Mỹ hiện vẫn phải điền mẫu đơn 4473 mỗi khi họ mua súng. Chúng sẽ được lưu giữ tại cửa hàng bán súng, với số lượng đã lên tới hơn 55.000 cửa hàng trên khắp đất nước - gần gấp 4 lần số cửa hàng ăn nhanh McDonald. Chúng chỉ được chuyển về Trung tâm của Charlie khi cửa hàng súng đóng cửa ngừng hoạt động.

Cho tới nay, không ai rõ nước Mỹ đang sở hữu cụ thể bao nhiêu khẩu súng. Tuy nhiên chỉ riêng trong năm 2013, các nhà sản xuất súng Mỹ đã cho ra lò tổng cộng 10.844.792 khẩu. Người Mỹ cũng nhập khẩu thêm 5.539.539 khẩu nữa. Trong năm 2012 và các năm trước nữa, con số cũng gần tương tự.

Với số lượng súng khổng lồ như thế, trong khi công tác quản lý hồ sơ lại vô cùng thủ công và gây tốn kém thời gian, việc khớp một khẩu súng với chủ sở hữu của nó cũng giống như tìm kim đáy biển vậy. Tuy nhiên, điều gây kinh ngạc là những con người ở Trung tâm vẫn làm việc rất hiệu quả, bất chấp việc phải đối mặt với các trở ngại cực lớn.

Tháng 12.2015, hai tay súng đã vãi đạn vào một bữa tiệc văn phòng ở San Bernardino, California, giết chết 14 người. Sau vụ xả súng, cảnh sát thu hồi một khẩu súng ngắn hiệu Smith & Wesson, một khẩu súng ngắn Llama, một khẩu súng trường Smith & Wesson M&P và một khẩu DPMS Panther Arms.

Thông qua Trung tâm, cảnh sát đã lần ra những khẩu súng này tới từ đâu và ai đã mua chúng. Cụ thể Syed Rizwan Farook và vợ Tashfeen Malik đã mua tất cả số súng này trong khoảng thời gian từ 3 - 8 năm trước tại nhiều cửa hàng súng khác nhau ở Corona, California. Cả hai đều đã tải những bài viết ủng hộ nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng lên mạng trước khi ra tay. Vụ lần ngược dấu vết súng đó giống nhiều vụ khẩn cấp khác đã được Trung tâm xử lý. Họ lần ra nguồn gốc của toàn bộ các vũ khí chỉ sau có vài giờ làm việc.

Một công việc không đơn giản

Ở đây một câu hỏi khác lại được đặt ra: Người ta đã làm được điều đó bằng cách nào? Quay trở lại ví dụ ở đầu bài, giả sử nhà chức trách nhận tin về một vụ trọng án giết người và thu được một khẩu súng. Viên cảnh sát điều tra sẽ gọi tới Trung tâm và mô tả về nó - bước đầu tiên trong quy trình tra cứu lai lịch. Hãy thử ví dụ rằng viên cảnh sát mô tả vũ khí đó là một khẩu súng bán tự động Beretta 92 bắn đạn 9mm.

Có một thực tế rằng cảnh sát Mỹ rất kém trong việc mô tả khẩu súng gây án, bởi nhiều khẩu trông giống hệt nhau. “Chắc bạn không thể tưởng tượng được rằng Ai Cập cũng sản xuất súng ngắn. Đúng vậy, họ làm ra những khẩu Beretta nhái”, chuyên gia Scott Hester của ATF nói.

Tay cầm một quyển bách khoa toàn thư về súng, Hester nói nhanh: “Những khẩu Beretta xịn được sản xuất từ Italy. Nhưng dựa vào đặc điểm mà viên cảnh sát mô tả, tôi biết anh ta đang nói về khẩu Taurus được sản xuất ở Brazil và nó không phải là khẩu súng nhái của Ai Cập. Hai khẩu Beretta 92 và Taurus PT 92 trông giống hệt nhau, ngoại trừ khóa an toàn của chúng nằm ở các vị trí khác nhau”.

Sau khi biết được khẩu súng gây án, bước tiếp theo là xác định số serial của súng. Từ đây vấn đề trở nên khó khăn hơn cho những người làm công tác tra cứu lai lịch. Hester cho biết có quá nửa thời gian cảnh sát đọc cho Trung tâm số đăng ký bản quyền súng, thay vì số serial. Ngoài ra họ còn nhầm lẫn số nhận diện của công ty nhập khẩu, nhầm số 0 với chữ O, số 1 với chữ I hoa hoặc chữ l thường. Còn phải kể tới việc nhiều khẩu súng bị lặp số serial (nhiều khẩu do Trung Quốc sản xuất và một số mẫu súng Mỹ ra đời trước 1968).

Thường khi rơi vào các trường hợp trên, Trung tâm sẽ không thể lần ra được lai lịch của khẩu súng. Nhưng trong tình huống Trung tâm nhận được số serial hợp lệ, họ sẽ chuyển qua bước tiếp theo. Trong bước này, Hester sẽ gọi cho nhà sản xuất (nếu khẩu súng được làm ở Mỹ) hoặc nhà nhập khẩu với trường hợp còn lại. Anh muốn biết công ty đã bán súng cho nhà bán buôn nào.

Ở Mỹ, các công ty nhập súng - nơi đưa những khẩu như Taurus PT 92 vào Mỹ - phải được ATF cấp phép và họ luôn lưu giữ hồ sơ về mọi thương vụ. Sau khi nhận được yêu cầu từ ATF, họ sẽ phải lục lại hồ sơ và tìm đúng khẩu Taurus PT 92 với số serial, xem nó thuộc lô hàng nào và đã bán cho nhà bán buôn nào. Các thông tin này sẽ được chuyển tới ATF.

Sau bước này, Hester sẽ gọi cho nhà bán buôn và hỏi xem họ chuyển súng cho cửa hàng súng nào. Nhà bán buôn sẽ thực hiện đúng một quy trình lật ngược hồ sơ như nhà nhập khẩu đã làm và cho biết tên cửa hàng mua khẩu súng đó, lấy ví dụ là Walmart.

Từ đây sẽ có hai tình huống xảy ra. Nếu cửa hàng súng Walmart này vẫn còn hoạt động, Hester sẽ gọi điện tới đó và hỏi xem họ bán súng cho ai. Theo luật định, mọi cửa hàng súng ở Mỹ phải giữ một cuốn sổ ghi lại chi tiết mọi hoạt động mua bán của họ và thông tin về khẩu súng, từ nhà sản xuất súng, nhà nhập khẩu tới mẫu súng, số serial, loại súng trường hay ngắn, cỡ đạn, ngày nhập kho, ngày bán. Các thông tin này cũng sẽ nằm trong các lá đơn 4473 mà mọi cửa hàng súng đều phải lưu trữ.

Họ sẽ phải lục lại các lá đơn này rồi đọc nội dung cho ATF hoặc đơn giản là gửi qua fax. Tới đây việc tra lai lịch khẩu súng đã hoàn tất. Nghe thì đơn giản, nhưng để thực hiện một cuộc lần ngược thành công thuận lợi như thế này, người ở Trung tâm phải thực hiện ít nhất 70 cuộc gọi điện khác nhau.

Vậy trong tình huống cửa hàng súng đã ngưng hoạt động thì sao? Nếu điều này xảy ra, các chuyên gia sẽ gần như trở lại xuất phát điểm. Họ sẽ phải lục lại kho tài liệu nằm ở Trung tâm, vốn lưu mọi lá đơn 4473 do các cửa hàng súng đã ngừng hoạt động chuyển tới.

Lẽ phải và công lý là động lực

Toàn bộ các lá đơn 4473 được chuyển tới Trung tâm, khoảng 2 triệu tài liệu như thế mỗi tháng, tất cả đều sẽ được hình ảnh hóa và được sắp xếp theo tên cửa hàng đã gửi chúng tới đây. Lấy ví dụ một cửa hàng súng hiệu Dick’s Sporting Goods ở Cleveland có thể gửi đến 50.000 tờ đơn 4473 và chuyên gia ATF phải tìm lá đơn họ cần trong đống hồ sơ đó. Họ sẽ phải làm việc đó một cách thủ công, thông qua việc so sánh từng tờ một, cho tới khi tìm thấy thứ họ muốn tìm. Hơn 30% cuộc lần ngược khiến các chuyên gia ATF phải trở lại kho hồ sơ của Trung tâm, tìm kiếm thủ công qua từng thùng hồ sơ hoặc các kho hình ảnh.

GQ cho biết chuyên gia ở Trung tâm có tỉ lệ tra cứu lý lịch một khẩu súng thành công rơi vào khoảng 65%. Một cuộc tra cứu thường mất chừng 1 tuần nhưng trong tình huống khẩn cấp, như khi có trọng án nghiêm trọng, họ có thể tập trung nhân lực để lần ngược thông tin về khẩu súng trong 24 giờ. Vụ thảm sát San Bernardino là một trường hợp khẩn cấp. Tương tự là vụ đánh bom cuộc chạy marathon ở Boston, các vụ thảm sát ở Charleston, Aurora, Fort Hood, Columbine.

Hãy hình dung rằng cứ mỗi vụ án khủng khiếp liên quan đến súng xảy ra ở Mỹ, với hình ảnh được phát trên truyền thông trong nước và nước ngoài, công việc tra cứu lý lịch súng lại đổ lên vai những con người ở Trung tâm.

Những gì mà Trung tâm đang phải thực hiện cho thấy cách thức quản lý súng rất điên rồ và kém hiệu quả của người Mỹ. Điều quan trọng hơn là chẳng ai muốn động tay để công việc này trở nên dễ dàng hơn. Thật khó chấp nhận khi sau những ồn ào về việc tăng hạn chế với vũ khí tấn công, tăng kiểm tra lý lịch... lại chẳng ai quan tâm tới việc người Mỹ đang kiểm soát những khẩu súng được đưa vào sử dụng như thế nào.

Năm 2013, nhận ra tầm quan trọng của việc tra cứu lai lịch vũ khí gây án, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký một bản ghi nhớ yêu cầu lần ngược dấu vết mọi khẩu súng được tìm thấy trong quá trình tiến hành điều tra hình sự.

Nhưng Quốc hội không dành cho Charlie bất kỳ nguồn ngân sách hay nhân lực tăng thêm nào. Thứ duy nhất ông thấy càng lúc càng tăng là sự săm soi của các ông nghị. Những người này, dưới sự vận động hành lang rất mạnh của NRA, muốn chắc chắn rằng Charlie và người của ông không lạm dụng vị trí và đặc quyền tiếp cận với các lá đơn 4473 để bí mật xây dựng một cơ sở dữ liệu về súng đạn của người Mỹ.

Đối mặt với những trở ngại đó, Charlie cùng đồng nghiệp chẳng còn cách nào khác ngoài việc tự biến bản thân thành các cỗ máy sắp xếp và tìm kiếm hồ sơ sao cho hiệu quả nhất. Ông hy sinh cả sức khỏe và hạnh phúc riêng tư trong quá trình biến đổi đó.

Đổi lại cả nhóm có được gì? Chính là cảm giác mình đã làm được việc đúng đắn, đã đứng về lẽ phải khi sục sạo trong hàng núi tài liệu để lần ra được nguồn gốc của một khẩu súng gây án và vạch mặt kẻ thủ ác, với bằng chứng chắc chắn khiến chúng không thể chối cãi.

hương giang
TIN LIÊN QUAN

Bác bỏ tin đồn thất thiệt sinh viên Đại học Ngoại ngữ - Tin học bị hiếp dâm

Tuệ Nhi |

Trước những tin đồn lan truyền trên mạng xã hội về việc sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TPHCM (HUFLIT) đang học quân sự, Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh - Trường Quân sự Quân khu 7 đã có phản hồi chính thức về thông tin trên.

Người lao động rơi nước mắt khi về quê đón Tết trên chuyến bay 0 đồng

KHÁNH LINH - ANH TÚ |

TPHCM - Đêm 11.1 và rạng sáng 12.1, hàng trăm công nhân, người lao động đang làm việc tại TPHCM, tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Long An được về quê đón Tết trên 2 chuyến bay miễn phí do Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam và Công ty Tài chính TNHH HD SAISON cùng Vietjet tổ chức.

Đại hạ giá loạt siêu xe mạ vàng, du thuyền, biệt thự của đại gia Việt Nam

Trà My |

Một số chiếc siêu xe và du thuyền là tài sản thế chấp cho các khoản nợ quá hạn của đại gia vẫn chưa tìm được chủ nhân mới.

Sự thật vụ đồ đạc tự bốc cháy ở Hậu Giang: Do gia đình tự đốt

PHONG LINH |

Liên quan vụ việc được cho là đồ đạc tự bốc cháy ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, hồi cuối tháng 11.2022, sau thời gian điều tra, công an xác định nguyên nhân đồ đạc trong nhà anh Nguyễn Văn Mừng bị cháy là do... người nhà tự đốt.

Sai phạm ở Trung tâm đăng kiểm: Chi hàng trăm triệu đồng cho Cục trưởng

Chân Phúc |

TPHCM - Theo Công an TPHCM, để thành lập các Trạm đăng kiểm và dẫn tới các sai phạm, các đối tượng đã chung chi hàng trăm triệu đồng theo tháng, theo quý cho các lãnh đạo phòng ban và đặc biệt là cho đối tượng Đặng Việt Hà, Cục trưởng Cục Đăng kiểm.

Giảng viên Việt là nhà khoa học nữ duy nhất Châu Á đạt giải thưởng sáng tạo

HUYÊN NGUYỄN |

PGS.TS Lê Thị Kim Phụng - giảng viên Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia TPHCM là nhà khoa học nữ duy nhất toàn Châu Á nhận được Giải thưởng Sáng tạo xuất sắc nhất của Quỹ Toàn cầu Hitachi năm 2022.

Thái Lan sắp thu phí du lịch của du khách quốc tế

Thanh Hà |

Thái Lan có kế hoạch thu phí du lịch với người nước ngoài, ngoại trừ người nước ngoài có giấy phép lao động và giấy thông hành biên giới.

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương thưởng nóng cho tiền đạo Tiến Linh

AN NGUYÊN |

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã có buổi gặp gỡ, động viên huấn luyện viên Park Hang-seo và cá nhân tiền đạo Tiến Linh trước thềm chung kết AFF Cup 2022.