"Thao túng tâm lý" từ mạng xã hội

VIỆT PHONG- ĐÌNH DY |

Với xu thế phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, con người được tiếp cận nhiều hơn các xu hướng văn hoá và truyền thông mới trên thế giới. Tuy nhiên điều này dần trở thành "con dao hai lưỡi" khi phía sau màn hình, trí tuệ nhân tạo đang giám sát mọi hoạt động, thao túng tâm lý, tạo ra nhiều điều tiêu cực cho người dùng trong thế giới thực.

"Con rối" của hào quang mạng

Câu chuyện đám tang của nghệ sĩ Vũ Linh vẫn còn là điều băn khoăn của rất nhiều người rằng "mạng xã hội có đang làm xấu người khác chỉ vì chạy theo những miếng view?". Nhiều YouTuber, TikToker đã livestream, giẫm đạp mộ phần người khác để mong mình có thông tin "hot" nhất nhằm mang đến tin tức độc lạ cho công chúng. Dĩ nhiên, chúng ta hoàn toàn hiểu rằng, với sức ép từ câu chuyện "miếng cơm manh áo", sự cạnh tranh trong thế giới ảo, nhiều người bị cuốn theo những trào lưu, những cách kiếm tiền bất chấp từ nhu cầu nghe - nhìn của công chúng.

Nhưng sự thật thì sao? Nội dung sáng tạo bất chấp, những YouTuber kiếm được tiền nhưng nỗi đau lại ở lại với gia đình các nạn nhân, người đã khuất? Và rồi đã có bao nhiêu người dựng lên lớp "hào quang ảo" nhằm thỏa mãn ham muốn nổi tiếng của bản thân. Còn nhớ sự việc TikToker Nờ Ô Nô có hành vi miệt thị, xúc phạm người nghèo được cho là giọt nước tràn ly, trở thành tâm điểm gây nhiều sự chú ý của dư luận và bị xử phạt, xoá tài khoản vĩnh viễn.

Việc tìm mọi cách gây chú ý nhằm tìm kiếm sự nổi tiếng khiến nhiều người phải đối diện với những trái đắng không thể cứu vãn. Ấy vậy mà, không ít nhà sáng tạo nội dung có tư tưởng non trẻ, “chân ướt chân ráo” muốn đi lên bằng tai tiếng từ việc sản xuất những nội dung bẩn, độc hại cho người dùng.

Với sự cạnh tranh quyết liệt để chứng tỏ kênh của mình mới lạ, hấp dẫn, thu nhập cao, nhiều người dùng mạng xã hội đã tiến tới việc sáng tạo nội dung bất chấp.

"Chúng ta đã bao giờ bị mạng xã hội chi phối?" - đó là câu hỏi được rất nhiều người đặt ra trong bối cảnh thời đại bùng nổ công nghệ thông tin. Mạng xã hội không chỉ để giải trí, để kết nối với nhau mà nó còn là "cần câu cơm" của nhiều người dùng.

Chúng tôi có cuộc trò chuyện với Thạc sĩ tâm Lý Nguyễn Thế Huy - giảng viên Đại học Ngân hàng TPHCM, ông nhận định: "Những nội dung này dễ thu hút sự chú ý của đám đông, khiến mọi người bàn tán... thậm chí là chỉ trích bản thân người làm nội dung.

Và càng nhiều lời tranh cãi, bàn tán lại khiến chủ nhân của những nội dung đó đạt được mục đích cá nhân của mình là trở nên nổi tiếng. Từ sự nổi tiếng này có thể giúp người trẻ được nhiều người biết đến hơn, hỗ trợ cho công việc tốt hơn, có thêm thu nhập...".

Khi người trẻ bị mạng xã hội "thôi miên"

Không chỉ mang đến sự nổi tiếng, mạng xã hội còn khiến mọi người hình thành cảm giác "tự do ảo". Chúng ta tin mình nắm quyền chủ động nhưng lại bị chi phối bởi chính môi trường ấy.

Hiện nay, các nền tảng mạng xã hội như: TikTok, YouTube, Facebook... đang cung cấp quá nhiều "tiện nghi" khiến người dùng dần xa rời thế giới thật. Chẳng hạn như việc các nền tảng dễ dàng "thôi miên" người dùng bằng cách đánh trúng sở thích qua chính dữ liệu mà họ tự động cung cấp.

Song, có một vấn đề nảy sinh là, thay vì nằm ở vị trí là công cụ "hỗ trợ" giúp thể hiện năng lực hay cá tính thì với nhiều người, đặc biệt là giới trẻ lại xem đây như một thứ tất yếu mà nếu thiếu đi hằng ngày sẽ cảm thấy bứt rứt khó chịu, không thể tập trung vào đời sống thực.

Thay vì giải quyết những vấn đề trong cuộc sống, nhiều người trẻ lại dành thời gian quan tâm đến những lời bình luận, số lượng like, cân nhắc xem sẽ phải đăng lên một thông tin nào để người xung quanh chú ý và tương tác. Nhìn sâu hơn, đấy chính là nỗi ám ảnh về sự hiện diện. Viễn cảnh phải nằm ngoài các cuộc bàn tán và các sự kiện trên mạng xã hội khiến ta lo ngại, giống như bị lãng quên.

Đặc biệt, tính chất "ảo" của mạng xã hội cho phép mọi người sử dụng công cụ biến họ trở nên khác xa ngoài đời, thậm chí là lố bịch và phản cảm. Và nghiễm nhiên khi đó, đây sẽ trở thành nơi phơi bày "cái tôi giả" của mỗi người, chi phối cách nhìn nhận của bản thân cũng như những người xung quanh.

Tiến sĩ Văn hoá - Tùng Hiếu trầm tư khi trải lòng với chúng tôi về thực trạng một số người dùng mạng xã hội hiện nay: "Ngày nay công chúng, đặc biệt là người trẻ dễ dàng tiếp cận mạng xã hội. Điều này khiến họ nhanh chóng nắm bắt thông tin, trào lưu mới nhưng nếu lạm dụng rất có thể mạng xã hội điều khiển hành vi".

Không chỉ vậy, mạng xã hội còn đang đánh lừa chúng ta về việc gia tăng kết nối giữa người với người trong cuộc sống. Bằng cách gây ra ảo tưởng rằng, những mạng xã hội cho phép con người giao tiếp và kết nối với nhau dễ dàng hơn.

Tuy nhiên trên thực tế chúng ta đang bị cách ly với thế giới tương tác thực. Dần dần, lối tư duy, cảm xúc hay các mối quan hệ bị mạng xã hội "thao túng", qua đó khiến chúng ta mất đi bản năng giao tiếp mặt đối mặt.

Vun đắp thế giới thực để xây dựng mạng ảo

"Mạng xã hội là con dao hai lưỡi" - câu nói nổi cộm giờ đây lại hiện hữu rõ ràng hơn bao giờ hết. Sự thành công của TikTok kéo theo dạng nội dung "mì ăn liền" xuất hiện nhan nhản trên Facebook. Trong đó, một bộ phận người dùng, đặc biệt giới trẻ đang bị lệ thuộc vào mạng xã hội sẽ phải giật mình khi nhìn lại những giá trị họ tìm kiếm bấy lâu nay là gì.

Tuy nhiên, rõ ràng không thể có chạy trốn khi phía bên kia cán dao, chúng ta dễ dàng được tìm thấy những thông tin, kiến thức quý giá lưu trữ vất vả qua hàng nghìn năm. Hay dù cho chúng ta có tìm mọi cách né tránh thì những thứ cực đoan, tin giả, nội dung bẩn, sự hoài nghi, lo lắng... vẫn sẽ còn tiếp tục tồn tại.

Tiến sĩ Hiếu cho rằng, người dùng mạng xã hội cũng cần tỉnh táo trước những thông tin độc hại, nên tìm những nguồn chính thống từ báo chí, truyền hình... để đọc, tìm hiểu chứ không thể dựa vào những nhà sáng tạo nội dung thiếu kiểm chứng.

Hơn hết, hãy dành thời gian vừa đủ cho mạng xã hội bởi lẽ những giá trị sống đích thực nằm ở trải nghiệm bên ngoài chứ không phải sau màn hình máy tính. Và chỉ khi ta xây dựng và vun đắp cuộc sống thực mỗi ngày nội dung mang lên mạng xã hội mới đem đến giá trị thật sự.

Tựu trung, dù cho thế giới thực hay mạng ảo cũng luôn cần phải được xây dựng bởi các cá nhân lành mạnh và tích cực, có như vậy thì mới bền vững được.

Chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng mạng xã hội một cách thông minh, biến nó trở thành công cụ để học tập, thu nạp thêm kiến thức. Từ những câu chuyện ồn ào thời gian qua, rõ ràng thế giới mạng luôn có những mặt tích cực và tiêu cực của nó, quan trọng là chúng ta nhìn nhận nó theo thiên hướng như thế nào?

Câu chuyện về những trái đắng từ thế giới ảo cũng nhắc nhở bản thân mỗi chúng ta "Hãy hành xử văn minh trên không gian mạng". Bởi cốt lõi của mọi vấn đề, câu chuyện đều quy cho cùng chỉ có điều tốt đẹp mới có thể tồn tại và phát triển.

VIỆT PHONG- ĐÌNH DY
TIN LIÊN QUAN

Số lượng trẻ em Vương quốc Anh dùng TikTok, Snapchat tăng lên

NGUYỄN ĐĂNG |

Theo số liệu được công bố bởi cơ quan quản lý truyền thông Ofcom, số lượng trẻ em sử dụng TikTok và Snapchat tại Vương quốc Anh đã tăng lên vào năm ngoái.

Quân đội Thụy Điển cấm quân nhân dùng TikTok

Anh Vũ |

Ngày 27.3, quân đội Thụy Điển thông báo cấm quân nhân dùng ứng dụng TikTok trên các thiết bị, sau loạt quyết định tương tự từ chính quyền các nước như Mỹ, New Zealand.

Lệnh cấm TikTok sẽ có lợi nhất cho Meta, Google và Snap

Diễm Quỳnh |

Theo công ty nghiên cứu và môi giới Bernstein, Meta, YouTube và Snap có thể sẽ là những người chiến thắng lớn nhất nếu nền tảng mạng xã hội TikTok bị cấm ở Mỹ, TechCrunch đưa tin

Quán cafe view sông Hàn phong cách Châu Âu giữa lòng Đà Nẵng

Mộc Anh |

Những quán cafe với gam màu ấm, nội thất và trang trí tinh tế, mang đậm phong cách châu Âu thu hút giới trẻ và du khách thập phương tại Đà Nẵng.

Gói 120.000 tỉ đồng BIG4 cho vay mua nhà lãi suất chỉ từ 8,2%/năm

Lan Hương |

Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank là chủ lực triển khai chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỉ đồng với lãi suất  ưu đãi.

Nhà xe sân bay Tân Sơn Nhất bỏ thu phí taxi theo lượt

MINH QUÂN |

TPHCM - Nhà giữ xe TCP ở ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất chính thức bỏ thu phí taxi theo lượt sau khi bị Cảng vụ hàng không miền Nam tuýt còi.

Nợ thuế, nợ nhà nước phình to tại Công ty Than Hà Tu

Quang Dân |

Kết thúc năm 2022, kết quả kinh doanh Than Hà Tu gây ấn tượng khi doanh thu và lợi nhuận bứt phá. Tuy nhiên, đến 92% doanh thu của đơn vị này lại phụ thuộc vào Than Hòn Gai. Chưa kể bức tranh tài chính tồn tại nhiều điểm gợn khi nợ thuế và các khoản phải nộp nhà nước có xu hướng phình to.

Nghìn tỉ đắp chiếu tại dự án tái định cư: Đã đến lúc xem xét lại quy hoạch

Phan Anh - Minh Hà |

Những năm qua, nhiều dự án nhà tái định cư tại Hà Nội rơi vào cảnh đắp chiếu. Chuyên gia nhận định, đã đến lúc cần xem xét lại quy hoạch để xây dựng dự án tái định cư.

Số lượng trẻ em Vương quốc Anh dùng TikTok, Snapchat tăng lên

NGUYỄN ĐĂNG |

Theo số liệu được công bố bởi cơ quan quản lý truyền thông Ofcom, số lượng trẻ em sử dụng TikTok và Snapchat tại Vương quốc Anh đã tăng lên vào năm ngoái.

Quân đội Thụy Điển cấm quân nhân dùng TikTok

Anh Vũ |

Ngày 27.3, quân đội Thụy Điển thông báo cấm quân nhân dùng ứng dụng TikTok trên các thiết bị, sau loạt quyết định tương tự từ chính quyền các nước như Mỹ, New Zealand.

Lệnh cấm TikTok sẽ có lợi nhất cho Meta, Google và Snap

Diễm Quỳnh |

Theo công ty nghiên cứu và môi giới Bernstein, Meta, YouTube và Snap có thể sẽ là những người chiến thắng lớn nhất nếu nền tảng mạng xã hội TikTok bị cấm ở Mỹ, TechCrunch đưa tin