Doanh nghiệp thua lỗ ồ ạt phát hành trái phiếu:

Thận trọng với miếng mồi lãi suất cao

Văn Nguyễn |

Đổ xô mua trái phiếu được các doanh nghiệp phát hành với lãi suất cao trong các tháng đầu năm 2020 mà không hề hay biết các doanh nghiệp này đang kinh doanh như thế nào, thậm chí là thua lỗ khiến các nhà đầu tư cá nhân gặp rất nhiều rủi ro.

Thua lỗ vẫn trả lãi suất cao

Trong các nhóm doanh nghiệp đang huy động vốn thông qua thị trường trái phiếu, nhóm các doanh nghiệp bất động sản và ngân hàng hiện dẫn đầu về số lượng trái phiếu phát hành cũng như mặt bằng lãi suất. Số liệu của chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho thấy, trong 4 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp phát hành hơn 65,6 nghìn tỉ đồng trái phiếu nhằm huy động vốn trên thị trường, trong đó các doanh nghiệp bất động sản phát hành hơn 29,2 nghìn tỉ đồng và nhóm các ngân hàng phát hành hơn 15,3 nghìn tỉ đồng. Theo đánh giá của chứng khoán SSI, chỉ riêng trong quý I/2020, lãi suất bình quân trái phiếu của nhóm doanh nghiệp bất động sản là 10,8%/năm (tăng khoảng 1,19% so với lãi suất 2019) và theo đó đưa lãi suất phát hành bình quân trong quý I/2020 là 9,98%/năm, tăng tới 1,43% so với lãi suất trái phiếu bình quân cả năm 2019 là 8,55%/năm.

Dù chỉ có doanh số phát hành trái phiếu khiêm tốn trong thời gian qua, song các công ty chứng khoán lại đang gây rất nhiều chú ý tới thị trường do kết quả kinh doanh thua lỗ trong quý I/2020, gây nhiều lo ngại đến khả năng thanh toán cho người mua trái phiếu. Cụ thể, theo báo cáo tài chính quý I/2020, dù ghi nhận khoản lỗ tới hơn 24,5 tỉ đồng trong kỳ, Công ty Cổ phần Chứng khoán IB lại là đơn vị đang phát hành số trái phiếu lên tới 200 tỉ đồng nhằm huy động vốn để đầu tư kinh doanh chứng khoán, cho vay giao dịch ký quỹ cũng như tăng quy mô vốn cho các hoạt động khác với lãi suất được công bố lên tới 9,5%/năm. Cũng trong 3 tháng đầu năm, Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt dù lỗ tới hơn 88,3 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế nhưng đang ghi nhận khoản nợ 933,6 tỉ đồng do phát hành trái phiếu. Chưa kể doanh nghiệp này còn đang lên kế hoạch phát hành thêm 800 tỉ đồng trái phiếu từ nay đến tháng 7.2020 với lãi suất 9-9,5%/năm.

Một doanh nghiệp khác là chứng khoán Ngân hàng Á Châu (ACBS) cũng vừa thông qua kế hoạch phát hành 500 tỉ đồng trái phiếu với lãi suất không vượt quá 8,2% nhằm bổ sung vốn hoạt động kinh doanh, đầu tư trái phiếu Chỉnh phủ cũng như đầu tư chứng chỉ tiền gửi và giấy tờ có giá. Các đợt phát hành trái phiếu của ACBS có thể hoàn thành trong tháng 7.2020 và tháng 8.2020 nhưng các nhà đầu tư có lẽ sẽ cần quan tâm nhiều hơn tới kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này trong các tháng qua. Bởi theo báo cáo tài chính quý I/2020 được ACBS công bố, doanh nghiệp này ghi nhận khoản lỗ gần 31 tỉ đồng trong 3 tháng đầu năm nay. Báo cáo giải trình về biến động lợi nhuận lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Tổng Giám đốc ACBS Trịnh Thanh Cần cho biết, doanh thu hoạt động trong kỳ giảm 27 tỉ đồng trong khi chi phí hoạt động kinh doanh tăng thêm 34 tỉ đồng và chi phí quản lý cũng tăng 5 tỉ đồng khiến doanh nghiệp chuyển từ lãi quý trước sang lỗ trong quý I/2020. Chưa kể cùng kỳ 2019, ACBS từng ghi nhận khoản lãi tới gần 30 tỉ đồng.

Mua trái phiếu không phải là gửi tiết kiệm

Đánh giá hoạt động của thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong 4 tháng đầu năm dựa trên các dữ liệu báo cáo của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, Bộ Tài chính cho hay, khối lượng phát hành TPDN trong 4 tháng đầu năm 2020 chỉ giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2019 dù hoạt động sản xuất kinh doanh chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19. Trong đó, có hai diễn biến đáng chú ý là doanh nghiệp bất động sản chiếm 49,1% khối lượng trái phiếu phát hành với lãi suất phát hành bình quân tăng và nhà đầu tư cá nhân cũng có xu hướng tăng mua TPDN.

Trước tình hình các nhà đầu tư cá nhân đang tăng mạnh việc mua vào TPDN, Bộ Tài chính cảnh báo các nhà đầu tư cá nhân cần cân nhắc kỹ và thận trọng khi mua TPDN phát hành riêng lẻ, bước đầu cần phân biệt rõ phương thức phát hành TPDN ra công chúng và phát hành TPDN riêng lẻ. Cụ thể, đối với TPDN phát hành ra công chúng, doanh nghiệp phải tuân thủ nguyên tắc công bố thông tin cho tất cả công chúng đầu tư, làm thủ tục đăng ký chào bán và phải được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy chứng nhận đăng ký chào bán trái phiếu ra công chúng. Trong khi đó, đối với TPDN phát hành riêng lẻ, doanh nghiệp chỉ cần đáp ứng điều kiện phát hành, công bố thông tin trực tiếp cho đối tượng mua trái phiếu đồng thời công bố thông tin cho Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội mà không cần cơ quan quản lý nhà nước cấp phép.

Do đó, Bộ Tài chính cho rằng, các nhà đầu tư cá nhân cần lưu ý việc mua TPDN khác với gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng. “Theo thông lệ, TPDN phát hành riêng lẻ chỉ phù hợp với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, có khả năng phân tích và đánh giá rủi ro. Luật Chứng khoán năm 2019 (có hiệu lực thi hành từ 1.1.2021) cũng đã quy định TPDN riêng lẻ chỉ phát hành cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp” – văn bản khuyến nghị các nhà đầu tư trái phiếu vừa được Bộ Tài chính phát đi cho biết.

Cần lường trước khả năng trả nợ của doanh nghiệp

Trong khi đó, nhận định về mức lãi suất cao của trái phiếu doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho rằng, nhà đầu tư cần lưu ý là lãi suất cao thường đi kèm với rủi ro cao. Vì vậy, chỉ khi nắm rõ thông tin về trái phiếu và đánh giá được các rủi ro, nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân mới nên mua TPDN riêng lẻ. “Nhà đầu tư không nên mua trái phiếu chỉ vì lãi suất cao mà chưa tìm hiểu kỹ về đặc điểm của trái phiếu và những rủi ro có thể xảy ra. Đồng thời, nhà đầu tư cũng phải hết sức thận trọng với cam kết mua lại của tổ chức bảo lãnh, phân phối trái phiếu (ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán) do có rủi ro là các tổ chức này có thể không thực hiện được cam kết mua lại do phải đáp ứng các quy định về chỉ tiêu an toàn tài chính theo quy định của pháp luật hoặc không mua lại được do có khó khăn về tài chính” – Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Các chuyên gia tài chính cũng cho rằng, để phòng tránh các rủi ro từ thực tế trên đây, nhà đầu tư cần yêu cầu doanh nghiệp phát hành trái phiếu hay tổ chức bảo lãnh, phân phối TPDN phải cung cấp đầy đủ các thông tin bao gồm (i) trái phiếu do doanh nghiệp nào phát hành, mục đích phát hành; (ii) có tài sản đảm bảo hay không có tài sản đảm bảo; (iii) cam kết của doanh nghiệp phát hành, tổ chức bảo lãnh, phân phối trái phiếu; (iv) kỳ hạn phát hành và phương thức trả nợ gốc, lãi; (v) tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành.

Ngược lại, để hạn chế rủi ro cho các doanh nghiệp phát hành, các doanh nghiệp có nhu cầu huy động vốn trái phiếu phải tính toán cụ thể dòng tiền để xây dựng phương án phát hành trái phiếu khả thi, gắn với nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh và đảm bảo khả năng trả các khoản nợ đến hạn, trong đó có trả nợ lãi, gốc trái phiếu. Đồng thời, phải tuân thủ quy định của pháp luật, công bố thông tin cụ thể về mục đích phát hành trái phiếu, điều kiện, điều khoản của trái phiếu và tình hình tài chính cho nhà đầu tư.

Báo cáo thị trường ngân hàng vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố cho thấy, đến tuần thứ 2 của tháng 5.2020, lãi suất huy động VND cao nhất trên thị trường đang phổ biến trong khoảng 6,6 – 7,4%/năm với các kỳ hạn huy động từ 12 tháng trở lên. Trong khi đó, lãi suất cho vay VND trung và dài hạn hiện cũng phổ biến trong khoảng 9-11%/năm. Như vậy, lãi suất trái phiếu doanh nghiệp hiện cao hơn lãi suất huy động VND khoảng 3,4%/năm và tương đương lãi suất cho vay trên thị trường. N.V

Văn Nguyễn
TIN LIÊN QUAN

Giờ thứ 9: Bóng tối của hôn nhân - Phần 2

Nhóm PV |

Giờ thứ 9 - Nếu chỉ nhìn bề ngoài, ai cũng tin chắc rằng chị rất hạnh phúc, một thứ hạnh phúc thật khó kiếm tìm. Nhưng như những gì chị viết trong lá thư gửi tới chương trình Giờ thứ 9 thì đó chỉ là cái bề nổi che giấu những đợt sóng ngầm dữ dội trong cuộc sống hôn nhân của chị mà thôi.

Nóng Sài Gòn: 4 trung tâm đăng kiểm tại TPHCM được hoạt động trở lại

NGUYỄN LY - CHÂN PHÚC |

4 trung tâm đăng kiểm tại TPHCM được hoạt động trở lại; Phố ông đồ những nét đẹp văn hoá cho chữ du xuân được tiếp nối; Người phụ nữ điều khiển xe máy tử vong sau va chạm với xe ben;... là những thông tin chính có trong bản tin Nóng Sài Gòn ngày 15.1.

Đen Vâu lên tiếng về chuyện đám hỏi với Hoàng Thùy Linh

ĐÔNG DU |

Sau thông tin Đen Vâu và Hoàng Thuỳ Linh bí mật tổ chức đám hỏi đăng trên một số trang tin, chiều 15.1, nam rapper đã lên tiếng.

Hà Nội: Phố phường tấp nập ngày cận Tết, nhiều tiểu thương vẫn than ế

Thơm Bùi - Đinh Thiện |

Nhiều tiểu thương kinh doanh các mặt hàng phục vụ dịp Tết Nguyên đán 2023 chia sẻ, dù là ngày cuối tuần và phố phường khá đông đúc nhưng sức mua của người dân chưa đạt kỳ vọng.

Mai anh đào nở rộ, đợi khách du xuân Mộc Châu dịp Tết Nguyên đán

Ý Yên |

Quảng trường Mộc Châu, sân 224, đồi anh đào Nậm Tôm, chùa Tân Cương... đang rực rỡ sắc hoa mai anh đào dịp cận Tết Nguyên đán.

Là con trưởng có nhất thiết phải về quê ăn Tết?

Hải Minh |

Nhiều người quan niệm, là trai trưởng trong nhà phải có trách nhiệm về quê ăn Tết cùng gia đình vào mỗi năm.

Không còn cảnh công nhân xếp hàng rút tiền ATM để về quê ăn Tết

Bảo Hân - Hải Nguyễn |

Hà Nội - Tại khu vực các cây ATM cạnh Khu công nghiệp Thăng Long (xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội) sáng 15.1, không có cảnh công nhân xếp hàng dài để chờ rút tiền về quê ăn Tết.

Vì sao linh vật mèo ở Quảng Trị khiến người xem trầm trồ?

HƯNG THƠ |

Linh vật mèo vừa được đưa đến Quảng trường trung tâm huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị đã được nhiều người quan tâm vì giống mèo thật.