Tết sớm ở Điện Biên

Bài và ảnh VĂN THÀNH CHƯƠNG |

Điện Biên có 19 dân tộc với một nền văn hóa phong phú nhiều màu sắc. Sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc và để thích ứng với sự phát triển của đất nước, đến nay hầu hết đều ăn Tết Nguyên đán cùng người dân trên cả nước. Tuy nhiên, nhiều dân tộc vẫn duy trì ăn Tết truyền thống với những nét văn hóa rất riêng.

Tết Hoa mào gà của dân tộc Cống

Dân tộc Cống là một trong 5 dân tộc ít người nhất ở Điện Biên với dân số chỉ trên 1.000 người. Người Cống sống tập trung ở một số bản thuộc xã Pa Thơm (huyện Điện Biên), xã Nậm Kè (huyện Mường Nhé) và xã Pa Tần (huyện Nậm Pồ).

Đời sống văn hóa, tinh thần của người Cống khá phong phú được thể hiện thông qua trang phục truyền thống, các phong tục, tập quán và lễ hội. Trong đó Tết Hoa mào gà được coi là một lễ hội quan trọng vì nó chính là Tết cổ truyền với nhiều nghi lễ độc đáo mang yếu tố tâm linh. Tết Hoa mào gà còn có tên gọi “Mền loóng phạt ai” được tổ chức vào tháng 10 (Âm lịch) hàng năm khi những bông hoa mào gà rực rỡ khoe sắc trên nương. Đó là thời điểm đồng bào đã thu hoạch xong mùa màng và chuẩn bị cho một vụ mới.

Các nghi lễ chính trong ngày Tết được thực hiện tại nhà thầy mo, một người có uy tín trong cộng đồng với các nghi thức tâm linh để tạ ơn thần linh, cầu mong một năm mới cho mọi người mạnh khỏe, may mắn; một năm mới mưa thuận gió hòa đem lại một vụ mùa nhiều ngô, nhiều thóc; lợn gà đầy sân... Khi lễ cúng tại nhà thầy mo kết thúc, những tiếng chiêng sẽ vang lên, đó cũng chính là tín hiệu bắt đầu một năm mới của người Cống...

Ngay từ sáng sớm, chủ lễ mỗi gia đình sẽ lên nương hái hoa về trang trí trong nhà. Theo quan niệm của người Cống, hoa mào gà chính là biểu tượng của sự may mắn, tốt đẹp; loại hoa này được coi là cầu nối 2 thế giới âm - dương, là vật mở đường cho linh hồn tổ tiên đi từ thế giới thiêng về nơi thờ cúng...

Những cô gái Hà Nhì đi chơi Tết.
Những cô gái Hà Nhì đi chơi Tết.

Sản vật dâng cúng cũng được chuẩn bị đầy đủ theo cặp, theo đôi, trong đó không thể thiếu 2 loại hoa mào gà màu vàng và đỏ. Thầy cúng gọi thần thổ địa, tổ tiên về chứng kiến, thay mặt cho dân bản báo cáo tình hình mùa màng trong năm và cầu xin năm tới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, mọi người khỏe mạnh, an lành...

Sau đó mọi người dân trong bản cùng tham gia vào các tiết mục văn nghệ và trò chơi dân gian đặc sắc của dân tộc. Họ cùng nhau vui chơi ca hát đến đêm khuya và cùng nắm tay nhau trong điệu xòe đoàn kết...

Tết cổ truyền của dân tộc Si La

Cộng đồng dân tộc Si La sinh sống tập trung trên địa bàn tỉnh Điện Biên, ở một bản duy nhất đó là bản Nậm Sin (xã Chung Chải, huyện Mường Nhé) với khoảng 50 hộ dân. Tuy vậy, người Si La lại có một nền văn hóa khá phong phú và mang tính đặc trưng, nhận diện văn hóa riêng.

Cứ vào trung tuần tháng 12 hằng năm, đồng bào Si La lại tổ chức đón Tết cổ truyền của dân tộc. Tết của người Si La được gọi là “Cô tô cơ ồ xị” được tiến hành khi hoa Dã Quỳ nở vàng trên khắp các triền núi. Đây cũng là thời điểm các gia đình đã hoàn thành việc thu hoạch một vụ mùa. Người Si La đón Tết cổ truyền trong 3 ngày và ăn theo dòng họ, ngày đầu tiên không được trùng vào ngày giỗ của tổ tiên đời gần nhất của bất kỳ gia đình nào trong dòng họ và cũng không trùng với các ngày con hổ, con khỉ. Do đó, Tết của các dòng họ có thể không bắt đầu cùng trong một ngày.

Lễ cúng tổ tiên của người Si La gồm có 2 con cá, hai con cua, hai con sóc, cơm, bánh dày và một nhành lúa nếp. Ngày thứ nhất tổ chức đón Tết, các gia đình tiếp khách và ăn uống tại nhà. Đến xế chiều, đại diện các gia đình mang đồ lễ đến nhà trưởng họ để cúng tổ tiên cầu mong cho một năm mới đủ đầy, ấm no.

Ngày thứ hai là ngày lễ Tết bên ngoại, các cặp vợ chồng mang theo một chai rượu và một con sóc khô sang nhà bố mẹ vợ chúc Tết, thăm hỏi. Khác với các dân tộc là gói bánh chưng từ trước Tết, người Si La lại gói bánh chưng vào ngày thứ ba - ngày cuối cùng của Tết.

Trong 3 ngày Tết, ngoài việc thực hiện các nghi thức truyền thống và uống rượu chúc tụng nhau, người Si La còn chơi các trò chơi dân gian như đá cầu, bắn quả “lé”, đánh cù...

Tết Nào Pê Chầu của người Mông

Tại Điện Biên dân tộc Mông chiếm đa số với khoảng hơn 228.000 người, chiếm 38,1% dân số toàn tỉnh. Tết Nào Pê Chầu của người Mông thường được tổ chức vào tháng 12 Dương lịch hàng năm, sớm hơn Tết Nguyên đán từ 1 - 2 tháng tùy vào điều kiện thu hoạch mùa màng và việc chuẩn bị Tết của từng năm.

Nào Pê Chầu có nghĩa là “Ăn Tết ngày 30”, theo quan niệm của người Mông thì 30 Tết là ngày diễn ra các nghi lễ chính để bước sang một năm mới. Để chuẩn bị cho ngày Tết, từ ngày 25 tháng Chạp (theo cách tính lịch của người Mông), người dân bắt đầu mổ những con lợn to để làm lễ tạ ơn tổ tiên, trời đất.

Chiều 30 Tết, người Mông tiến hành dọn dẹp xung quanh nhà để sẵn sàng đón Tết. Sau đó, công việc trước tiên là lễ “quét bồ hóng”. Chủ nhà lấy chỉ trắng hoặc đỏ buộc vào 3 cành tre nhỏ còn lá xanh tạo thành một cái chổi. Sau đó tiến hành quét nhà, bắt đầu từ cột chính đến buồng ngủ của các thành viên trong gia đình, rồi đến gian bếp, cửa phụ, ra gian bàn thờ xử ca, qua cửa chính rồi vứt rác ra vườn với mong muốn vứt bỏ những gì không tốt trong năm cũ.

Nghi thức quan trọng tiếp theo trong Tết Nào Pê Chầu là lễ “Lập và thay bàn thờ xử ca”. Theo quan niệm của người Mông, xử ca là ma có vị trí quan trọng trong hệ thống ma nhà của người Mông, đó là ma có nhiệm vụ cai quản của cải, tiền bạc, phù hộ độ trì cho gia đình làm ăn phát đạt...

Sáng mồng một Tết, khi nghe tiếng gà gáy đầu tiên, người Mông thức dậy và đi lấy nước đầu năm mới. Đến nơi, gia chủ thắp hương khấn cầu xin lộc và xin lấy nước về nấu bữa sáng đầu năm mới. Nghi lễ cuối cùng của Tết diễn ra vào ngày mùng 3, có nhà làm vào mùng 4 hoặc mùng 5 gọi là “lễ hạ mâm”. Đó cũng là lúc báo hiệu Tết đã hết, mọi người lại cùng nhau bắt tay vào công việc lao động, sản xuất.

Tết của dân tộc Hà Nhì

Người Hà Nhì ở Điện Biên sống tập trung ở khu vực ngã 3 biên giới trên địa bàn xã Sín Thầu và Sen Thượng (huyện Mường Nhé). Đời sống văn hóa của người dân tộc Hà Nhì khá phong phú với sự tinh tế trong trang phục của người phụ nữ, tập quán sinh hoạt cộng đồng, văn hóa ẩm thực và văn hóa tâm linh...

Để thích ứng với điều kiện phát triển của xã hội, trải qua nhiều năm, có những phong tục tập quán đã được điều chỉnh, thay đổi cho phù hợp hoặc một số nét văn hóa đã mai một như không còn làm nhà trình tường, bỏ tập quán săn bắn; các nghề thủ công truyền thống như đan lát, trạm khắc... cũng ít gặp.

Mâm cơm ngày Tết của dân tộc Hà Nhì.
Mâm cơm ngày Tết của dân tộc Hà Nhì.

Tuy vậy, nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc vẫn còn được duy trì trong đời sống thường ngày, nhất là đối với những bản sắc văn hóa thể hiện rõ nét nhất vào các dịp lễ Tết gồm Lễ Tết tháng 2 (Gạ ma thú); lễ cầu mưa; lễ cúng rừng và đặc biệt là Tết cổ truyền Hồ Sự Chà (Tết cơm mới).

Tết Hồ Sự Chà thường được tổ chức vào tháng 12 Dương lịch hằng năm, bắt đầu vào một ngày Thìn trong tháng và kéo dài trong 3 ngày. Đây là lúc người dân đã thu hoạch song mùa màng, gặt hái những thành quả sau một năm lao động sản xuất và chuẩn bị đón một năm mới. Những công việc không thể thiếu trong ngày Tết là làm bánh trôi nước, giã bánh dày; mổ lợn cúng tổ tiên, thần linh... Mỗi công việc ấy lại phải kèm theo một nghi thức rất đặc biệt mang yếu tố tâm linh...

Ngoài ra, trong ngày Tết còn có những tiết mục văn nghệ độc đáo như múa xòe, múa nón để mô phỏng các động tác điển hình trong lao động, sản xuất và trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày...  Có lẽ từ những nét văn hóa độc đáo ấy cùng sự thân thiện, hiếu khách vốn có của người Hà Nhì mà Tết Hồ Sự Chà được nhiều người biết đến và đã trở thành một “thương hiệu”, một địa chỉ yêu thích trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Bài và ảnh VĂN THÀNH CHƯƠNG
TIN LIÊN QUAN

Khai mạc Ngày hội VHTTDL các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XV

Hương Mai |

Tối 2.12, tại TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch (VHTTDL) các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XV năm 2022 đã chính thức khai mạc.

Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền đến đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

KHÁNH LINH |

TPHCM - Sáng ngày 25.11, tại TPHCM, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn "Nâng cao kỹ năng tuyên truyền về chính sách pháp luật cho công chức, viên chức các sở thông tin và truyền thông, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo, đài Trung ương và địa phương".

Bảo tồn và phát huy bản sắc trang phục truyền thống dân tộc thiểu số

Hương Mai |

Trong Kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 đề cập đến vấn đề bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Thời gian qua, nhiều địa phương trên cả nước đã luôn quan tâm đến việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Đặc biệt, đối với việc bảo tồn và phát huy bản sắc trang phục truyền thống dân tộc thiểu số.

Cô gái Singapore sốc khi nhờ AI lên kế hoạch du lịch Việt Nam

Thúy Ngọc |

Melissa Tan sử dụng Notion AI để lên kế hoạch chuyến du lịch Việt Nam một mình trong 12 ngày, bắt đầu từ Hà Nội. Kết quả khiến cô sững sờ.

TPHCM: Hơn 31.000 xe hết hạn tạm giữ chưa được xử lý

MINH QUÂN |

TPHCM - Thời gian dài, thủ tục nhiều khiến hơn 31.000 phương tiện giao thông vi phạm quá thời hạn bị tạm giữ tại các kho tang vật của Cảnh sát giao thông TP Hồ Chí Minh chưa được xử lý.

Đà Nẵng: Kẻ gian đập phá trụ ATM ngân hàng trộm tiền giữa phố

Mai Hương |

Chiều 23.3, nhân viên Ngân hàng Thương mại CP Đông Á phát hiện trụ ATM trên đường Lê Duẩn (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) bị kẻ gian đập phá.

Hai tấm thẻ đỏ và bài học cho U23 Việt Nam

PHẠM ĐÌNH |

U23 Việt Nam đã nhận bài học sau trận đấu với U23 Iraq ở giải giao hữu quốc tế Doha Cup 2023.

Tài chính thông minh: Tất tần tật về đầu tư vàng để sinh lời tối ưu

Nhóm PV |

Vàng là tài sản tích trữ và đầu tư phổ biến với người dân Việt Nam. Kim loại quý còn công cụ phòng thủ vững chắc trước những biến động kinh tế và bảo toàn giá trị tăng trưởng qua thời gian. Ông Tạ Thanh Tùng - chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân tại FIDT - sẽ tiết lộ chi tiết trong số Tài chính thông minh (laodong.vn) hôm nay.

Khai mạc Ngày hội VHTTDL các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XV

Hương Mai |

Tối 2.12, tại TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch (VHTTDL) các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XV năm 2022 đã chính thức khai mạc.

Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền đến đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

KHÁNH LINH |

TPHCM - Sáng ngày 25.11, tại TPHCM, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn "Nâng cao kỹ năng tuyên truyền về chính sách pháp luật cho công chức, viên chức các sở thông tin và truyền thông, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo, đài Trung ương và địa phương".

Bảo tồn và phát huy bản sắc trang phục truyền thống dân tộc thiểu số

Hương Mai |

Trong Kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 đề cập đến vấn đề bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Thời gian qua, nhiều địa phương trên cả nước đã luôn quan tâm đến việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Đặc biệt, đối với việc bảo tồn và phát huy bản sắc trang phục truyền thống dân tộc thiểu số.