Ngày 1.2.1947, Đại tướng Võ Nguyên Giáp (khi đó là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng) đã viết thư gửi các chiến sĩ Tây Tiến, trong đó có đoạn: “Tôi viết thư này cho tất cả các đồng chí, người đồng chí hiện đã ở tiền tuyến miền Tây cũng như người vừa nhận được lệnh lên đường, vạch rõ nhiệm vụ nặng nề thiêng liêng Nhà nước đã giao phó. Trên mặt trận này phải đương đầu với hiểm nghèo, khổ sở. Nhưng điều đó có bao giờ chinh phục được lòng anh dũng của những thanh niên hăng hái, có bao giờ chinh phục được chí hướng của một dân tộc”.
Trong những thanh niên trí thức Hà Nội lên đường Tây Tiến có rất nhiều nhạc sĩ, họa sĩ, nhà thơ đã vừa cầm súng vừa cầm bút sáng tác. Chính những chiến sĩ Tây Tiến dũng cảm mà vẫn mang nét hào hoa Hà Thành đã ghi lại được nhiều câu chuyện về tình quân trong các tác phẩm âm nhạc, thi ca, hội họa như nhạc phẩm “Trấn Biên Cương”, “Tiếng cồng quân y” của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Như Trang, bài hát “Vì nhân dân quên mình” của nhạc sĩ - chiến sĩ Doãn Quang Khải, các tác phẩm hội họa của họa sĩ Văn Đa, Quang Thọ và thi phẩm bất hủ - bài thơ “Tây Tiến” của nhà thơ Quang Dũng ra đời năm 1948.
Tua lại ký ức
Lớp chiến binh Tây Tiến ngày ấy nhiều người đã rời cõi tạm. Người ở lại nay cũng đã thất thập cổ lai hy. Ký ức họ mảnh còn mảnh mất, nhưng lạ thay nhắc đến Tây Tiến là cứ như cuộn băng cũ chầm chậm tuôn. Cụ Nguyễn Xuân Sâm, cựu chiến binh Tây Tiến (97 tuổi) kể: “Chúng tôi là những thanh niên Hà Nội khởi nghĩa cướp chính quyền ở trại Bảo an binh (Hàng Bài), sau đó được lệnh Tây Tiến. Lúc đó đội gọi là ‘Võ trang trinh sát miền Tây” gồm 160 anh em, do đồng chí Đệ làm đội trưởng, đồng chí Sơn là đội phó và đồng chí Mai là ủy viên Chính phủ cử đi để lãnh đạo. Chúng tôi tập kết ở Nông lâm đại học đường (nay là Bộ Nông nghiệp), theo đường số 6 đi Xuân Mai đến thị xã Hòa Bình rồi đi đường tắt sang Lào”.
Hồi đó tinh thần khởi nghĩa của mọi người cao lắm, lí tưởng giành độc lập đặt lên trên tất cả. Sau khi qua Lào, ngày 20.10.1945 chúng tôi đánh trận đầu tiên ở Mường Láp và toàn thắng (lúc đó toàn đội mới có 2 tháng tuổi quân). Chúng tôi là lớp đầu Tây Tiến vào năm 1945. Đến 1947 tiếp tục có nhiều đội quân tham gia, hình thành Trung đoàn 52 Tây Tiến”.
Thế hệ thứ 2 Tây Tiến: Tiếp nối truyền thống cha ông
Hiếm có một hội cựu chiến binh (CCB) nào mà ban liên lạc lại chính là con em của họ. Ban liên lạc truyền thống Tây Tiến do chị Bùi Phương Thảo - con gái út nhà thơ Quang Dũng - làm trưởng ban. Năm 2015 ban phối hợp với Viện Khoa học Lịch sử Quân sự tổ chức Tọa đàm "Chiến thắng Mường Láp - Hủa Phăn (Lào)", chiến thắng mang ý nghĩa quốc tế lớn đầu tiên của Đội trình sát miền Tây (Tây Tiến 1). Năm 2016, ban tiếp tục tổ chức thành công chuyến đi cho các CCB Tây Tiến và thân nhân dự buổi khánh thành Di tích lịch sử Lâm Viên Tây Tiến tại Mộc Châu, Sơn La; công trình do chính các CCB Tây Tiến đóng góp tư liệu và phối hợp thực hiện với UBND huyện Mộc Châu.
Hàng năm, ban liên lạc tổ chức họp tổng kết cuối năm tại nhà cụ Nguyễn Xuân Sâm, nhân chứng duy nhất còn sống của Tây Tiến 1, không chỉ tổng kết năm cũ mà còn lên kế hoạch cho năm tiếp theo. Ban liên lạc truyền thống Tây Tiến liên tục tổ chức những chuyến hành trình tiếp lửa Tây Tiến nhằm lan toả tinh thần lạc quan, yêu nước tới cộng đồng như: Dâng hương tại các tượng đài Liệt sĩ Tây Tiến, trao học bổng khuyến học tại các trường mang tên Tây Tiến thuộc địa bàn nhiều xã, huyện ở tỉnh Hòa Bình, huyện Mộc Châu, Sơn La; huyện Mường Lát, Thanh Hóa.
Các di tích gắn với Tây Tiến trên địa bàn 3 tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Thanh Hóa cũng được tôn tạo xây dựng lại khá nhiều. Có thể kể đến kể đến Khu di tích Lâm Viên Tây Tiến ở Mộc Châu, Sơn La. Ban đầu khu vực này chỉ có một tấm bia Tây Tiến giản dị do các cụ CCB Tây Tiến xây dựng. Năm 2015, huyện Mộc Châu bắt đầu nâng cấp xây dựng thành Di tích lịch sử cấp quốc gia khang trang, với kiến trúc mô phỏng những hình ảnh trong bài thơ Tây Tiến. Khu Lâm Viên Tây Tiến hiện nay ngày ngày đón tiếp các đoàn khách trong nước và quốc tế đến thăm viếng.
Công trình điểm nhấn thứ 2 là Bia lưu niệm Tây Tiến tại Sài Khao, Thanh Hóa do hội tự huy động kinh phí. Không chỉ đóng góp để dựng bia, hội còn gây dựng được Quỹ khuyến học cho trường tiểu học Tây Tiến tại đây.
Đúng dịp kỷ niệm 22.12.2022, ban liên lạc phối hợp với Huyện đoàn Mai Châu (Hòa Bình) tổ chức Tọa đàm - giao lưu “Tuổi trẻ Mai Châu với Đoàn quân Tây Tiến” thu hút hơn 300 người tham dự. Tại sự kiện, bà Bùi Phương Thảo - Trưởng ban liên lạc truyền thống Tây Tiến đã kể lại nhiều kỷ niệm về cha mình, lý giải tại sao ông đưa các địa danh đoàn quân Tây Tiến đi qua vào bài thơ nổi tiếng một cách nhuần nhuyễn, độc đáo đến thế.
Những chuyến dâng hương các anh hùng liệt sĩ Tây Tiến và trao quà khuyến học tại các điểm di tích lịch sử Tây Tiến vào ngày thành lập Trung đoàn và dịp 27.7 hàng năm càng gắn kết thêm tình quân dân. Xúc động trước tình cảm keo sơn ấy, họa sĩ Quang Hải - con trai họa sĩ cựu chiến binh Quang Thọ - đã cảm khái nhân chuyến dâng hương tại Sài Khao: “Chứng kiến cảnh vật nơi đây, chứng kiến con người nơi đây và chứng kiến sự khó khăn của đồng bào nơi đây, những chiến sĩ biên phòng, những thầy cô giáo ở trường tiểu học Tây Tiến, tự nhiên tôi thấy tinh thần của bộ đội Tây Tiến”.
Những tượng đài, cột mốc mà các CCB Tây Tiến và thế hệ con cháu các cụ xây dựng thể hiện tấm lòng tri ân với những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập hòa bình thống nhất đất nước. Điều quan trọng, cao quý hơn cả là tinh thần Tây Tiến mà các cụ để lại trên miền đất, con người nơi đây. Đó chính là hình ảnh Tây Tiến trong lòng dân./.