Người Việt có nguy cơ rơi vào tình trạng "chưa giàu đã già"
Theo nghiên cứu, cơ cấu "dân số vàng" thường kéo dài từ 30 - 35 năm, thậm chí là 40 - 50 năm. Điều đó đồng nghĩa với chừng ấy thời gian đất nước có được lực lượng lao động trẻ hùng hậu, đủ sức làm xoay chuyển nền kinh tế đất nước nếu chúng ta biết khai thác tối đa nguồn tài nguyên quý giá này. Cơ hội "dân số vàng" được phát huy khi tỉ lệ lao động có việc làm cao.
Bắt đầu từ năm 2007, với tỉ số người phụ thuộc chung dưới 50%, Việt Nam chính thức bước vào thời kỳ cơ cấu dân số vàng. Các chuyên gia nhận định thời kỳ dân số vàng sẽ kéo dài trong vòng 20 - 30 năm nữa, tức 2027 - 2037. Như vậy, Việt Nam còn hơn 10 năm "dân số vàng", để có thể tận dụng thời cơ cho phát triển.
Khi thời kỳ "dân số vàng" kết thúc, nước ta sẽ chuyển sang giai đoạn dân số già vào khoảng năm 2038. Nếu không phát huy tối đa lợi thế dân số vàng thì người Việt Nam có nguy cơ rơi vào tình trạng "chưa giàu đã già", nhất là khi nước ta được đánh giá là nước có tốc độ già hóa dân số nhanh.
Theo thống kê, dân số Việt Nam hiện nay hơn 100 triệu người, đứng thứ 15 thế giới, thứ 8 châu Á và thứ 3 cộng đồng ASEAN. Việt Nam đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng với 66,6 triệu người trong độ tuổi lao động, chiếm 68% tổng dân số cả nước.
Chia sẻ về vấn đề này, GS.TS. Nguyễn Đình Cử - Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện nghiên cứu Dân số, Gia đình và Trẻ em cho rằng, đây là dư lợi lớn của "dân số vàng" cho tăng trưởng kinh tế. Hơn nữa, với khoảng một nửa dân số trong độ tuổi lao động dưới 34, thuận lợi cho việc tiếp thu khoa học, kỹ thuật và linh hoạt trong chuyển đổi nghề. Mỗi năm, nước ta có từ 1,5 - 1,6 triệu người bước vào độ tuổi lao động, tuy nhiên lực lượng này vẫn chưa tạo nên sức bật cho nền kinh tế, vì có trên 70% là lao động giản đơn. Sự thiếu hụt trầm trọng lao động kỹ thuật trình độ cao và lao động dịch vụ cao cấp trong các ngành thương mại, tài chính, ngân hàng, du lịch... là những thách thức không nhỏ đặt ra cho giai đoạn cơ cấu “dân số vàng”.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy tính chung năm 2023, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 52,4 triệu người, chiếm 52% dân số. Trong khi đó năm 2010, khi dân số đạt gần 87,5 triệu dân thì lực lượng lao động trong độ tuổi từ 15 trở lên là hơn 50,5 triệu người.
Năm 2023, lực lượng lao động đã qua đào tạo có bằng, chứng chỉ ước tính 14,1 triệu người, chiếm 27%. Như vậy cả nước vẫn còn 38 triệu lao động chưa qua đào tạo. Năm 2010, trong tổng số 50,8 triệu người lao động, chỉ có 7,4 triệu người qua đào tạo, chiếm 14,7% tổng lao động.
GS.TS. Giang Thanh Long - Giảng viên Khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng hiện nay số lao động qua đào tạo tại Việt Nam tăng trưởng rất chậm. Thực tế, các ngành sản xuất ở Việt Nam đóng vai trò ngày càng quan trọng trong đảm bảo tăng trưởng, cải thiện thu nhập cho nền kinh tế. Tuy nhiên, nhiều ngành sản xuất đang hướng tới xuất khẩu sử dụng nhiều lao động như dệt may, giày da... và nằm ở vùng thấp của chuỗi giá trị.
"Chúng ta chỉ lắp ráp, hoàn thiện gia công sản xuất chứ chưa sáng tạo, thiết kế độc lập và bị phụ thuộc, nói cách khác nếu có cú sốc kinh tế thì người lao động dễ gặp tổn thương. Do đó trước mắt là thay đổi trình độ kỹ năng người lao động, cùng với đó là thay đổi cấu trúc của nền kinh tế.
Sự phát triển của công nghệ, khoa học kỹ thuật cần những lao động có trình độ cao. Việc đào tạo, tạo cơ chế cho lĩnh vực này phát triển sẽ là bước đệm giúp Việt Nam phát triển trong thời gian tới", GS. Long nhận định.
Chất lượng nguồn nhân lực - phải lo từ rất sớm, từ rất xa
Với quy mô dân số đạt 100 triệu dân – Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ hội để tăng trưởng về mọi mặt. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng đặt ra nhiều thách thức, nhất là khi dân số có sự phát triển thiếu đồng đều giữa các vùng, miền. Thế nên, điều quan trọng phải kể đến đó là nâng cao chất lượng dân số. Theo GS.TS. Nguyễn Đình Cử, việc đẩy mạnh thực hiện các hoạt động chăm lo cho chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực chính là chiến lược dài hơi trong công tác dân số hiện nay.
"Bây giờ vận động các bà mẹ mang thai phải tầm soát trước sinh và ngay sau khi sinh con ra phải tầm soát sơ sinh, để phát hiện sớm bệnh tật bởi vì tỉ lệ bệnh tật mà cao thì làm sao đến tuổi lao động anh có thể trở thành một lao động có chất lượng cao được nếu anh có bệnh bẩm sinh. Ngay từ lúc tư vấn trước hôn nhân đã phải chú trọng khám sức khỏe trước hôn nhân. Chúng ta phải lo từ rất sớm, từ rất xa như vậy. Đến tuổi đi học các cháu được giáo dục tốt, được rèn luyện sức khỏe, nâng cao thể lực tốt. Đến tuổi lao động được rèn luyện nâng cao chuyên môn kỹ thuật"- GS.TS Nguyễn Đình Cử chia sẻ.
GS. Giang Thanh Long thì cho rằng, một trong những "điểm sáng" của lao động Việt Nam trong 10 năm qua là tỉ lệ lao động năng suất gia tăng. Tức những lao động này có mức lương cao hơn nhiều lần so với lương tối thiểu vùng. Nhóm lao động này tập trung từ 30 tuổi đến 44 tuổi, đây cũng là "nhóm đỉnh" của cơ cấu dân số vàng.
"Chúng ta cần hiểu rõ, dân số vàng chỉ là cơ cấu của dân số, nhưng để biến dân số vàng thành vàng thật thì còn do việc sử dụng nguồn lao động có hiệu quả hay không.
Cần đẩy mạnh về đào tạo mà còn là cơ cấu kinh tế. Hiện nay, Việt Nam đã và đang đẩy mạnh phát triển các ngành công nghệ, kỹ thuật cao... Sẽ là cơ hội cho việc phát triển vô cùng lớn. Bên cạnh đó, cần chuẩn bị cho một thế hệ già hóa. Ngay từ bây giờ, cần thúc đẩy các chính sách về chăm sóc sức khỏe, để dân số già sống khỏe mạnh, vẫn có môi trường làm việc, sinh sống và không trở thành gánh nặng cho xã hội", GS. Long chia sẻ.
Việt Nam đang khai thác lợi thế về cơ cấu dân số vàng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhưng để nắm bắt được cơ hội, tận dụng được thời cơ thì cần phải có những đột phá quan trọng về phát triển chất lượng nguồn nhân lực. Xét cho cùng, con người trong mọi lĩnh vực, trên mọi phương diện và ở mọi thời điểm luôn là yếu tố quyết định, bảo đảm thành công cho tất cả các mục tiêu.
GS. Trần Đình Cử cho rằng, một số giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong quá trình già hóa dân số hiện nay như hoàn thiện chính sách dân số, trong đó thực hiện duy trì mức sinh thay thế hợp lý, kéo dài thời kỳ cơ cấu “dân số vàng”, làm chậm quá trình già hóa dân số, đảm bảo nguồn nhân lực cho sự phát triển đất nước. Phát triển các dịch vụ dân số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phù hợp với thời kỳ già hóa dân số. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội, đảm bảo sự phát triển bền vững của nguồn nhân lực.
Thêm nữa, cần xây dựng chính sách việc làm đa dạng và phát triển thị trường lao động phù hợp với thời kỳ già hóa dân số.