Tại sao chúng ta lại hút thuốc, uống rượu, sử dụng chất gây nghiện?

thế vinh (tổng hợp) |

Với cuốn sách “Loài tinh tinh thứ ba”, tác giả nổi tiếng Jared Diamond lý giải vì sao trong một khoảng thời gian rất ngắn, loài người đã tìm ra phương thức thống trị thế giới... cũng như hủy diệt nó vĩnh viễn.

1. Cuốn sách gồm 5 phần, trình bày về các đặc điểm giúp phân biệt loài người và các loài động vật khác. Tác giả nhận thấy chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, con người đã có một bước tiến hóa nhảy vọt để trở thành giống loài thống trị.

Phần I: Sự xuất hiện của con người từ hàng triệu năm cho tới trước khi xuất hiện nông nghiệp vào khoảng 10.000 năm trước. Các bằng chứng về xương, công cụ và gen cung cấp những thông tin trực tiếp nhất về việc con người đã biến đổi thế nào từ một tổ tiên chung. 98% bộ gen của con người giống với tinh tinh, vậy thì 2% mã gen còn lại đóng vai trò ra sao đối với bước nhảy vọt vĩ đại của chúng ta?

Phần II: Những biến đổi trong vòng đời con người, chúng có tầm quan trọng sống còn với sự phát triển ngôn ngữ và nghệ thuật.

Phần III: Những đặc điểm văn hóa giúp phân biệt chúng ta với động vật: Ngôn ngữ, nghệ thuật, công nghệ và nông nghiệp. Có phải sự phát triển của chúng là điều tất yếu trong lịch sử sự sống trên Trái đất? Có phải trên các hành tinh khác ngoài không gian cũng có những sinh vật phát triển ở mức độ cao như chúng ta?

Phần IV: Xu hướng giết người ngoài nhóm của các nhóm người khác. Đặc điểm này có tiền lệ trực tiếp ở động vật - được gọi là mâu thuẫn giữa các cá thể và giữa các nhóm cạnh tranh, và có thể được giải quyết bằng hành động giết chóc trong nhiều loài, kể cả chúng ta. Tính bài ngoại và sự cô lập sâu sắc vốn là nét đặc trưng của loài người trước khi các nhà nước chính trị xuất hiện, khiến chúng ta bắt đầu đồng nhất hơn về văn hóa. Những tư liệu lịch sử trên toàn thế giới về các cuộc thảm sát bài ngoại sẽ cho thấy việc quay lưng lại với lịch sử nhân loại đã khiến chúng ta tái phạm các sai lầm quá khứ ở mức độ còn nguy hiểm hơn.

Phần V: Con người đã khá thành công trong việc thoát khỏi những sự kiểm soát trước đó về số lượng. Từ lâu, chúng ta đã tiêu diệt những thú dữ ăn thịt mình. Như nhiều loài thú dữ ăn tạp khác, chúng ta hủy hoại một số loại con mồi khi chúng ta xâm chiếm một môi trường mới hay có được sức mạnh hủy diệt mới; chúng ta có nguy cơ tự tiêu diệt bằng cách tiêu diệt nền tảng tài nguyên của mình, như việc sụp đổ dây chuyền nền thống trị của Trung Đông, sau đó là Hy Lạp, rồi đến La Mã. Việc tự hủy diệt môi trường là một bước chuyển quan trọng trong lịch sử loài người. Cuộc tuyệt chủng lớn nhất, kịch tính nhất và gây nhiều tranh cãi nhất là khoảng 11.000 năm trước đây, hầu hết những loài thú lớn của hai lục địa Bắc Mỹ và Nam Mỹ đã bị tuyệt chủng. Cùng khoảng thời gian đó xuất hiện bằng chứng đầu tiên không rõ ràng về sự xâm chiếm châu Mỹ của con người, do tổ tiên của thổ dân châu Mỹ thực hiện.

Trong cuốn sách này, Jared Diamond đã đưa ra những luận giải thú vị về việc tại sao chúng ta lại hút thuốc, uống rượu và sử dụng các chất gây nghiện nguy hiểm. Xin lược trích và giới thiệu cùng bạn đọc.

2. Hiếm có tháng nào trôi qua mà chúng ta không biết thêm những cách ta và con cái đang bị phơi nhiễm với những hóa chất độc hại do sự bất cẩn của kẻ khác. Sự chỉ trích của công luận, cảm giác bất lực và yêu cầu phải thay đổi đang tăng lên. Vậy tại sao, chính chúng ta lại làm với bản thân những điều mà chúng ta không chấp nhận để người khác làm với mình? Chúng ta giải thích ra sao cái nghịch lý rằng nhiều người đang hấp thụ, tiêm, hay hít vào cơ thể họ một cách có ý thức những hóa chất độc hại, chẳng hạn như cồn, cocain và tạp chất trong khói thuốc lá? Tại sao rất nhiều biến thể của việc hủy hoại bản thân có chủ ý này lại là tự nhiên trong nhiều xã hội đương đại, từ những bộ lạc nguyên thủy tới các thành phố công nghệ cao, và trải dài về tận quá khứ khi chúng ta có tài liệu thành văn? Làm thế nào sự lạm dụng thuốc trở thành một đặc trưng hiển nhiên - độc nhất chỉ có ở loài người?

Một phần là bởi chúng có thể gây nghiện. Nhưng bí ẩn lớn hơn là xét cho cùng điều gì đã thúc đẩy chúng ta bắt đầu làm như vậy, dù bằng chứng về sự hủy hoại hay những tác hại chết người của rượu, cocain và thuốc lá giờ đây trở nên quá nhiều và quá quen thuộc? Chỉ có sự tồn tại của một số động lực mạnh mẽ mới có thể giải thích tại sao con người hấp thụ những chất độc đó hoàn toàn tự nguyện, thậm chí còn hăng hái. Như thể có những chương trình vô thức đang dẫn dắt chúng ta làm những việc mà chúng ta biết là nguy hiểm.

Vậy những chương trình đó có thể là gì? Lẽ tự nhiên, chẳng có cách giải thích đơn lẻ nào hết: Các động cơ khác nhau có ảnh hưởng khác nhau với mỗi người và ở từng xã hội riêng biệt. Chẳng hạn, một số người mượn rượu để giải tỏa những ức chế hay nhập hội với bạn bè, số khác là để kìm nén cảm xúc và quên sầu, số khác nữa thì lại thích hương vị của các đồ uống có cồn. Cũng là lẽ tự nhiên, những khác biệt giữa các cộng đồng người và các giai tầng xã hội trong quan điểm về sự thỏa mãn cuộc đời chủ yếu là do những khác biệt về địa lý và giai tầng khi lạm dụng hóa chất. Không có gì đáng ngạc nhiên khi việc tự hủy hoại bằng rượu tại những khu vực của Ireland có tỉ lệ thất nghiệp cao nghiêm trọng hơn tại vùng Đông Nam nước Anh, hay tệ nạn nghiện ma túy, cocain thường gặp ở Harlem (phía Bắc quận Manhattan của New York, nổi tiếng là một khu dân cư nghèo đói và tệ nạn của người da màu Mỹ thế kỷ 20) hơn là ở những khu vực thành thị giàu có.

Tuy nhiên, chẳng có động cơ nào tôi vừa nêu trên đi thẳng vào tâm điểm nghịch lý là con người luôn tích cực săn tìm những thứ mà chúng ta biết là có hại. Tôi nhớ lại một bài báo đáng chú ý được nhà sinh học Israel, Amotz Zahavi, công bố năm 1975. Trong đó, Zahavi đề xuất một lý thuyết tổng quát mới lạ, hiện vẫn còn là đề tài tranh luận nóng hổi giữa các nhà sinh học, về vai trò của những dấu hiệu tự hủy hoại phải trả giá trong tập tính ở động vật. Tất cả động vật đều cần phát ra những tín hiệu nhanh chóng và dễ hiểu để truyền đạt thông tin tới bạn đời, bạn tình tiềm năng, con cái, bố mẹ, địch thủ và cả những loài có vẻ là thú dữ - đó là những tuyên bố về sự vượt trội. Lý thuyết của Zahavi lý giải rằng mọi con đực sống sót bất chấp trở ngại chắc chắn phải có những gen đặc biệt ở những khía cạnh khác. Nó chứng tỏ rằng nó đặc biệt nổi trội trong việc thoát khỏi con vật săn mồi, kiếm ăn và chống lại bệnh tật. Trở ngại càng lớn, bài kiểm tra mà nó đã vượt qua càng khắc nghiệt hơn. Việc con cái lựa chọn con đực ấy giống như những gì mà trinh nữ thời Trung cổ thử thách các hiệp sĩ muốn cầu hôn mình qua việc chứng kiến họ giết rồng. Khi cô ta thấy một hiệp sĩ chỉ còn một cánh tay vẫn có thể giết chết con rồng, thì cô ta biết rằng cuối cùng cũng đã tìm được một hiệp sĩ với bộ gen tuyệt vời. Và hiệp sĩ nọ, thông qua việc khoe khoang trở ngại, thực chất chính là đang khoe sự ưu việt của bản thân.

3. Theo tôi, lý thuyết của Zahavi có thể áp dụng cho nhiều hành vi nguy hiểm hay phải trả giá đắt của con người nhằm đạt được địa vị xã hội nói chung hay những lợi ích tình dục nói riêng. Ví dụ, nam giới thường quyến rũ nữ giới bằng quà cáp đắt tiền và những biểu hiện khác của sự giàu có mà thực chất là để nói, “Tôi có rất nhiều tiền để chu cấp cho em và con, và em có thể tin tưởng vào sự khoe mẽ của tôi bởi em thấy tôi hiện đang tiêu nhiều tiền tới mức nào mà không sợ trắng tay”.

Lý thuyết của Zahavi cũng có thể được mở rộng cho việc lạm dụng hóa chất ở con người. Đặc biệt là ở tuổi thanh niên và vị thành niên, độ tuổi thường bắt đầu lạm dụng hóa chất độc hại, chúng ta thường tiêu tốn quá nhiều năng lượng cho việc xác nhận vị thế của mình. Tôi cho rằng chúng ta cũng có chung bản năng vô thức với việc say mê những màn trình diễn nguy hiểm. 10.000 năm trước đây, chúng ta thể hiện mình bằng việc thách thức một con sư tử hay một bộ lạc đối thủ khác. Ngày nay, chúng ta thể hiện theo những cách khác, chẳng hạn như lái xe nhanh hay nốc các loại thuốc nguy hiểm.

Những màn trình diễn dù cũ hay mới đều mang chung một thông điệp: Tôi khỏe và ưu việt. Ngay cả khi mới chỉ dùng chất gây nghiện có một hay hai lần, tôi cũng đủ khỏe để vượt qua cảm giác bỏng rát hay buồn nôn khi hút điếu thuốc lá đầu tiên trong đời mình, hay át được sự khủng khiếp của dư vị còn sót lại sau lần nốc rượu đầu tiên. Để chuyện đó diễn ra trường kỳ mà vẫn sống sót và mạnh khỏe, tôi hẳn là người giỏi nhất (tôi tưởng vậy). Nó là thông điệp gửi tới các đối thủ, bạn bè cùng lứa, bạn đời tương lai của chúng ta, và cho chính ta nữa. Nụ hôn của người hút thuốc có thể có mùi khó chịu, và người uống rượu thì bất lực trên giường, nhưng anh ta hay cô ta vẫn hi vọng gây được ấn tượng hay hấp dẫn bạn tình qua thông điệp tiềm ẩn về sự ưu việt.

4. Than ôi, thông điệp đó có thể giá trị với động vật, nhưng với chúng ta lại là một sai lầm. Giống như nhiều bản năng động vật còn tồn tại trong chúng ta, điều này không còn phù hợp với xã hội con người hiện đại. Nếu bạn vẫn có thể tự đi sau khi uống hết một chai whiskey, điều đó có thể chứng tỏ rằng bạn có nồng độ cồn dehydrogenase trong gan cao, nhưng nó không hàm ý sự ưu việt ở những khía cạnh khác. Nếu bạn không bị ung thư phổi sau khi hút vài bao thuốc mỗi ngày trong một thời gian dài, có lẽ là bạn có một thứ gen miễn dịch với ung thư phổi, nhưng gen đó không chuyển tải sự thông minh, nhạy bén trong kinh doanh, hay khả năng tạo ra hạnh phúc cho bạn đời và con cái của bạn.

Sự thật là động vật với đời sống và thời gian tán tỉnh ngắn ngủi không còn cách nào khác ngoài việc phát triển những chỉ thị nhanh, vì chúng không có đủ thời gian để tìm hiểu giá trị thực của bạn tình tương lai. Nhưng chúng ta, với đời sống, thời gian tìm hiểu, và các quan hệ làm ăn lâu dài hơn, thì có dư thời gian để xem xét kỹ lưỡng giá trị của nhau. Chúng ta không cần phải dựa vào những chỉ thị mang tính hình thức và dễ gây nhầm lẫn đó. Việc lạm dụng chất gây nghiện là một ví dụ cổ điển về bản năng đã từng có giá trị - sự phụ thuộc vào những dấu hiệu bất lợi - mà giờ đây đã trở nên sai lầm với chúng ta. Nó là bản năng xưa cũ mà nhờ đó những công ty sản xuất rượu và thuốc lá tạo nên các quảng cáo láu cá, bẩn thỉu của mình. Nếu chúng ta hợp pháp hóa cocain, thì hẳn các ông trùm cocain cũng sẽ nhanh chóng đưa ra những quảng cáo hấp dẫn về bản năng này.

Các đặc tính động vật này tuy có vẻ là sự tự hủy hoại, nhưng thực ra lại là cách tự nâng tầm bản thân. Nhưng với trường hợp lạm dụng hóa chất ở con người, cái giá phải trả vượt quá cả lợi ích. Nghiện ngập và say xỉn không chỉ dẫn tới cuộc sống ngắn ngủi hơn, mà còn khiến con người đánh mất, thay vì sở hữu, nét hấp dẫn trong mắt của bạn đời lương lai, và mất đi khả năng chăm sóc con cái. Những đặc tính này không thể duy trì vì các lợi thế ẩn giấu kém xa cái giá phải trả, chúng tồn tại chủ yếu vì chúng là sự nghiện ngập hóa chất mà thôi. Nói chung, chúng là những hành vi tự hủy hoại chứ không giúp nâng tầm bản thân. Sự lạm dụng hóa chất để tự hủy hoại đã tách khỏi những tiền thân ở động vật, để thực sự trở thành một dấu hiệu đặc trưng (nguy hiểm) của con người.

thế vinh (tổng hợp)
TIN LIÊN QUAN

Quản lý thuốc lá làm nóng thế nào để ngăn giới trẻ tiếp cận

Minh Linh |

Theo định nghĩa của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá 2012, thuốc lá làm nóng là “dạng khác” của thuốc lá, nên sản phẩm này cần phải chịu sự quản lý dưới luật. Tuy nhiên, việc quản lý phải hiệu quả trong việc ngăn chặn giới trẻ tiếp cận sản phẩm, bên cạnh các vấn đề liên quan tới lợi ích kinh tế của quốc gia và giảm gánh nặng quản lý cho các cơ quan chức năng.

Các nước làm gì để ngăn giới trẻ tiếp cận với thuốc lá không khói?

Minh Luân |

Trong chính sách quản lý các sản phẩm thuốc lá không khói tại nhiều quốc gia như Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc,… nỗ lực ngăn chặn thanh thiếu niên tiếp cận các sản phẩm này luôn được đặt lên hàng đầu.

Thuốc lá không khói: Dùng luật nào để quản lý?

Trung Đức |

Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá Việt Nam năm 2012 ra đời đã góp phần quan trọng trong chiến lược kiểm soát tác hại của khói thuốc lá đối với cộng đồng. Trước diễn biến mới của thị trường với sự xuất hiện của thuốc lá không khói, việc rà soát lại các quy định để hiểu đúng và đủ từ góc độ luật pháp là một điều cần thiết.

Kiểm soát thuốc lá toàn diện: Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ

Thùy Anh |

Trước yêu cầu của Chính phủ cần sớm đưa thuốc lá không khói vào quản lý để ngăn chặn tình trạng buôn bán bất hợp pháp đang ngày càng gia tăng, nhiều ý kiến xung quanh vấn đề tác động đến giới trẻ và cách nào quản lý các sản phẩm này.

Thuốc lá điện tử tràn lan: Thiếu chế tài quản lý, nhiều mối nguy hại

ÁI VÂN |

Hiện nay, việc hút thuốc lá điện tử đang rộ lên trong giới trẻ như một thú vui thời thượng, trào lưu lan rộng tại nhiều địa phương của cả nước. Dù được bày bán tràn lan trên thị trường, trên mạng xã hội và có chứa nicotine nhưng hiện vẫn chưa có chế tài quản lý đối với loại thuốc lá này.

Tăng cường củng cố tin cậy chính trị Việt Nam - Hàn Quốc

Thanh Hà |

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin-pyo nhất trí tiếp tục tăng cường củng cố tin cậy chính trị.

Tướng hàng đầu Mỹ thị sát quân đội Ukraina

Ngọc Vân |

Tướng Mỹ Mark Milley đến Đức để giám sát chương trình huấn luyện binh sĩ Ukraina của Lầu Năm Góc.

Hà Nội ngày cận Tết, ra khỏi nhà là gặp... tắc đường

Tô Thế |

Hà Nội - Cũng như mọi năm vào dịp cận Tết Nguyên đán, các tuyến đường ở Hà Nội luôn có mật độ phương tiện lưu thông rất cao. Nhiều tuyến phố ùn tắc bất kể ngày đêm.

Quản lý thuốc lá làm nóng thế nào để ngăn giới trẻ tiếp cận

Minh Linh |

Theo định nghĩa của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá 2012, thuốc lá làm nóng là “dạng khác” của thuốc lá, nên sản phẩm này cần phải chịu sự quản lý dưới luật. Tuy nhiên, việc quản lý phải hiệu quả trong việc ngăn chặn giới trẻ tiếp cận sản phẩm, bên cạnh các vấn đề liên quan tới lợi ích kinh tế của quốc gia và giảm gánh nặng quản lý cho các cơ quan chức năng.

Các nước làm gì để ngăn giới trẻ tiếp cận với thuốc lá không khói?

Minh Luân |

Trong chính sách quản lý các sản phẩm thuốc lá không khói tại nhiều quốc gia như Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc,… nỗ lực ngăn chặn thanh thiếu niên tiếp cận các sản phẩm này luôn được đặt lên hàng đầu.

Thuốc lá không khói: Dùng luật nào để quản lý?

Trung Đức |

Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá Việt Nam năm 2012 ra đời đã góp phần quan trọng trong chiến lược kiểm soát tác hại của khói thuốc lá đối với cộng đồng. Trước diễn biến mới của thị trường với sự xuất hiện của thuốc lá không khói, việc rà soát lại các quy định để hiểu đúng và đủ từ góc độ luật pháp là một điều cần thiết.

Kiểm soát thuốc lá toàn diện: Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ

Thùy Anh |

Trước yêu cầu của Chính phủ cần sớm đưa thuốc lá không khói vào quản lý để ngăn chặn tình trạng buôn bán bất hợp pháp đang ngày càng gia tăng, nhiều ý kiến xung quanh vấn đề tác động đến giới trẻ và cách nào quản lý các sản phẩm này.

Thuốc lá điện tử tràn lan: Thiếu chế tài quản lý, nhiều mối nguy hại

ÁI VÂN |

Hiện nay, việc hút thuốc lá điện tử đang rộ lên trong giới trẻ như một thú vui thời thượng, trào lưu lan rộng tại nhiều địa phương của cả nước. Dù được bày bán tràn lan trên thị trường, trên mạng xã hội và có chứa nicotine nhưng hiện vẫn chưa có chế tài quản lý đối với loại thuốc lá này.