Sự minh định của Địa lý

GS.TS Đào Đình Bắc |

LTS: Cuốn sách “Sự minh định của Địa lý” của tác giả người Mỹ Robert D. Kaplan được xuất bản lần đầu tiên vào năm 2012 (New York, Random House, 2012) với phụ đề đầy đủ “Bản đồ nói với chúng ta điều gì về những Cuộc Xung đột sắp tới và Cuộc Chiến đấu chống lại số phận”, tái bản vào năm 2013 có bổ sung thêm một “Lời bạt” quan trọng với tiêu đề “Biên giới Thay thế cho Ranh giới” (Frontiers Replace Borders). Vừa qua, GS.TS Đào Đình Bắc đã dịch xong cuốn sách này, trong quá trình dịch ông luôn đối chiếu so sánh và đồng thời sử dụng bản dịch tiếng Pháp của Anais Goacolon, NXB Toucan, Paris, 2014 - La Révanche do la Gesographie. Báo Lao Động xin giới thiệu một vài suy nghĩ của ông về cuốn sách trên.

***

Là giáo sư tại Học viện Hải quân Annapolis, Robert D. Kaplan cũng là thành viên của của Hội đồng Quốc phòng Hoa Kỳ từ 2009 đến 2011. Sự trải nghiệm và kinh nghiệm của ông với tư cách một nhà báo trên khắp các nẻo đường thế giới cùng những hiểu biết trong lĩnh vực các Khoa học Chính trị đã giúp ông trở thành một chuyên gia về Địa Chính trị thường xuyên được Lầu Năm góc tham khảo ý kiến.

Cuốn sách có phần Mở đầu dài 10 trang, mang tiêu đề Những đường biên giới với nội dung khá phong phú. Tiếp theo là ba phần với khối lượng không đồng đều: Phần I - “Những người nhìn xa trông rộng” dài 181 trang; “Phần II - Bản đồ thế giới thế kỷ XXI” dài 244 trang; Phần III - “Châu Mỹ đứng trước vận mệnh của mình”, với một chương duy nhất dài 36 trang.

Lời nói đầu được viết theo kiểu dẫn dắt người đọc ra thực địa để chiêm nghiệm sức ép của hoàn cảnh địa lý đối với con người, qua đó tác giả định ra khuôn khổ, theo đó Địa Lý đã từng gắn với chủ nghĩa định mệnh nên đã bị lên án rằng tư duy theo kiểu Địa lý đồng nghĩa với việc giới hạn những sự lựa chọn của con người. Tuy nhiên, không cần phải là người theo Quyết định luận cũng có thể nhận ra rằng điều kiện địa lý luôn có tầm quan trọng sống còn. Nói cách khác, trong mớ bòng bong của những diễn biến đảo lộn xã hội và của một thế giới dường như ngày càng khó quản lý, Địa lý cho ta vũ khí để định ra một hướng đi.

Trong phần thứ nhất - “Những người nhìn xa trông rộng”, tác giả điểm lại lý thuyết Địa chính trị của Alfred Thayer Mahan, Halford J. Mackinder và Nicholas J. Spykman. Nhân đó ông nêu ý kiến: Ngày nay người ta không còn có thể khẳng định rằng chiều kích Địa lý đã không còn ý nghĩa, như có người đã từng khẳng định sau sự kiện Bức tường Berlin sụp đổ. Theo ông, thực ra Địa lý chưa từng bị bỏ qua, nhưng dường như nó đã bị lãng quên và có ai đó đã đưa ra định đề, theo đó việc cho rằng công nghệ đã xóa bỏ Địa lý chỉ là một ý kiến mơ hồ. Tuy nhiên, tác giả cũng cảnh báo về mối nguy của việc suy tôn quá mức vai trò của Địa lý, bởi vì tuy nó có ảnh hưởng đến các sự kiện, nhưng theo cách xác suất, tức là không hoàn toàn quyết định được chúng. Tác giả đã viện đến trường hợp mà Raymond Aron rất tâm đắc về dân tộc Do Thái. Đó là một trường hợp thách thức thực sự đối với Quyết định luận Địa lý: Lịch sử của dân tộc này đã diễn ra trái với tính liên tục cục bộ mà ta thấy trong phần lớn những tôn giáo lớn khác (cụ thể là Đạo Phật và Đạo Hindu). Lịch sử ấy đã kéo dài suốt 2.000 năm nay và tỏ ra trái ngược với mọi mệnh lệnh hay sự áp đặt của Địa lý, đồng thời cho thấy rằng những tư tưởng và hành động của con người cũng không kém phần quan trọng so với môi trường tự nhiên.

Trong phần thứ hai - “Bản đồ thế kỷ XXI”, Kaplan nhấn mạnh một nội dung mang tính luận giải độc đáo những đặc điểm của nước Nga và người Nga. Theo ông, do không có những đường biên giới biển ấm và ổn định, nên nước Nga rơi vào tình thế không yên ổn với các nước láng giềng. Đã mấy trăm năm nay, nước Nga mơ ước sở hữu những cảng biển nước ấm, không bị đóng băng về mùa đông..., mà có lẽ quân cảng Sevastopol cũng nằm trong số những giấc mơ ấy. Một nhận xét mang tính quyết định luận khác, nhưng cũng đáng được suy ngẫm, là ảnh hưởng sâu sắc của khí hậu lục địa khắc nghiệt và hình thể của lãnh thổ đối với tính khí người Nga và lịch sử của nước Nga. Do tính bằng phẳng của những đồng bằng thảo nguyên mênh mông không đủ sức ngăn chặn những cuộc xâm lấn của kẻ thù, nhất là trong thời Trung cổ, nên người Nga luôn mang tâm lý lo ngại những cuộc tấn công từ bên ngoài, trong khi khí hậu khắc nghiệt lại rèn cho họ sức chịu đựng phi thường. Tóm lại, hoàn cảnh địa lý là nhân tố trội trong tâm thức người Nga... Cũng trong chương này, tác giả còn đưa ra nhiều ví dụ để chứng minh cho vai trò quyết định của điều kiện địa lý.

Trong phần thứ ba - “Châu Mỹ đối diện với số phận của mình”, cuốn sách trình bày một vấn đề nóng hổi của thời đại, được nhìn từ cách tiếp cận theo dài hạn, dồn nén trong một chương duy nhất dài tới 36 trang: “Braudel, Mexico và Tầm nhìn chiến lược...”. Theo quan điểm này, các lực gây tác động của địa lý hợp sức tạo ra những khuynh hướng lớn trong lịch sử đôi khi diễn ra suốt nhiều thế kỷ. Tác giả tìm cách giải thích rằng nước Mỹ đang bị đe dọa bởi Mexico và bởi 111 triệu cư dân của nó. Các bang phía nam của Hoa Kỳ tiếp giáp với Mexico là những bang dễ bị tổn thương nhất bởi đường biên giới lỏng lẻo và hiện tượng di dân bất hợp pháp từ Trung Mỹ và từ chính Mexico. Những bang phía nam này sau khi bị Hoa Kỳ sáp nhập sau hai cuộc chiến tranh Hoa Kỳ - Mexico những năm 1830 - 1840 (các bang Texas, New-Mexico, Arizona, California, Nevada, Utah) nơi những người Mexico vẫn giữ nguyên văn hóa bản địa Tây Ban Nha và đến nay vẫn chủ yếu nói bằng tiếng nói vốn có của mình, lại thêm tỉ lệ tăng dân số tự nhiên cao của nhóm cư dân này, nên về lâu dài, nước Mỹ có thể sẽ bị Tây Ban Nha hóa (đến năm 2050 số dân Mỹ nói tiếng Tây Ban Nha có thể chiếm tới một phần ba)... Tác giả coi hiện tượng ấy như một dạng xâm lược bằng dân số học, hiện cũng đang là mối lo lớn của nhiều quốc gia khác trên thế giới. Rất có thể những gì Donal Trumph - tổng thống mới đắc cử của Hoa Kỳ - đang làm cũng có cơ sở từ nỗi lo này. Giờ đây có lẽ họ đang theo kế sách “lui về giữ gìn phên giậu quốc gia” (?).

***

Cuốn sách này được đón nhận rất khác nhau. Henry Kissinger thì coi đây là “một cuốn sách kỳ diệu” (un prodigieux livre), trong khi các tác giả trường phái Pháp thì có khuynh hướng phê phán, chê bai, thậm chí có người không ngần ngại cho rằng đây là một mớ những điều mâu thuẫn!

Đọc và nhận thức sách là niềm vui và trách nhiệm của mỗi độc giả, xin tranh thủ đưa ra đây một số điều gợi mở. Xuyên suốt cả công trình này, Kaplan nhắc nhớ không ngừng và tuyên truyền cho một khái niệm rất kinh điển về địa lý và hoàn cảnh địa lý, bao gồm những sự kết hợp khác nhau của mấy yếu tố chủ chốt là không gian, hình thể địa hình, vị trí theo vĩ độ, và trùm lên tất cả là khung cảnh tự nhiên được thể hiện qua các bản đồ tự nhiên. Những tương quan được đưa vào phép phân tích hầu như chủ yếu dựa trên các lý thuyết Địa chính trị được phát triển bởi các chuyên gia kinh điển Mackinder, Spykman và Mahan, tất cả đều là người Mỹ. Dường như tác giả muốn cố kiểm tra xem liệu các thuyết về Vùng đất Trái tim của Đại lục Á-Âu (Heartland trong sơ đồ của Mackinder), về Miền Duyên hải phía nam Đại lục Á-Âu (Rimland trong sơ đồ của Spykman) và về Sức mạnh Biển trong sơ đồ của Mahan có còn phù hợp để vận dụng cho những vùng miền Địa chính trị chủ chốt của hành tinh chúng ta trong thế kỷ XXI, nhất là gắn với vòng cung nóng bỏng vì khủng hoảng từ vùng đất Maghreb tới tiểu lục địa Ấn Độ và Châu Á nói chung.

Trước hết xin nói về Địa chính trị. Điều đầu tiên cuốn sách thu hút sự chú ý của người dịch là vấn đề Địa chính trị. Mục đích sau cùng của nó là phân tích, phán đoán tình hình thế giới trên quan điểm Địa chính trị. Nhưng đối với bạn đọc Việt Nam ta, khái niệm này còn khá xa xôi, bởi một lẽ là chúng ta không có nhiều sách để đọc về chủ đề này. Cho đến thời gian gần đây, nhiều người trong chúng ta còn lúng túng khi sử dụng thuật ngữ Địa chính trị, kể cả một số nhà địa lý! Có thể nói: Địa chính trị có đối tượng là nghiên cứu môi trường đối ngoại mà mọi quốc gia phải đối mặt trong khi xác định chiến lược của riêng mình: Môi trường ấy chính là sự hiện diện của những quốc gia khác cũng đang tranh đấu cho sự sống còn và lợi thế của mình (Chương IV). Nói cách khác, Địa chính trị là nghệ thuật xử lý những mối quan hệ đối ngoại trên những không gian lãnh thổ cụ thể tại những thời điểm cụ thể nhằm đảm bảo cho quốc gia - dân tộc mình được an toàn và phát triển thuận lợi.

Các quốc gia và các chuyên gia Địa chính trị tiếp cận nghiên cứu quan hệ giữa các quốc gia và quốc tế tùy thuộc vào vị thế và vị trí địa lý ở những cấp độ khác nhau. Cũng có thể nói: Địa chính trị là sự ảnh hưởng của hoàn cảnh địa lý tới những cuộc đấu tranh của loài người. Do vậy mà Napoleon đã nói rằng khi biết được Địa lý của một quốc gia, người ta đã biết được tất cả về chính sách đối ngoại của nó. Ý tưởng này đã được R. Kaplan phân tích và minh họa trong nhiều chương của sách, như một sợi chỉ xuyên suốt cả công trình nghiên cứu của mình.

Biết được tình thế Địa chính trị của thế giới và của chính đất nước mình là điều vô cùng quan trọng đối với hạnh phúc và vận mệnh của mỗi quốc gia. Chỉ trong điều kiện ấy, người ta mới có thể hành động đúng, không bỏ lỡ thời cơ và được an toàn. Nhưng tình hình hay là các mối quan hệ đối ngoại lại liên tục phát triển, bởi vì mọi quốc gia liên quan đều liên tục tranh đấu cho sự sống còn và lợi thế của mình (Chương IV), vì thế người thắng sẽ là kẻ biết nắm lấy thời cơ, đón trước và làm chủ được các tình huống. Trái lại, những quốc gia chỉ biết an hưởng thanh bình đều đi đến thất bại (Chương VIII). Những ví dụ minh họa cho kết luận này nhiều vô kể, ngay trong những thập niên đầu của thế kỷ XXI này.

- Về Quyết định luận địa lý, tác giả một mặt liên tục đánh giá cao tầm quan trọng của điều kiện địa lý (trong tất cả các chương của sách), nhất là vị trí và kết cấu địa lý, nhưng đồng thời cũng nhấn mạnh mối nguy của việc suy tôn quá mức vai trò của Địa lý, bởi vì tuy nó có ảnh hưởng đến các sự kiện, nhưng theo cách xác suất, tức là không hoàn toàn quyết định được chúng... Một trong những nhận xét sắc sảo là ý kiến cho rằng “Vị trí của một quốc gia trên bản đồ là điều đầu tiên quyết định nó, thậm chí còn hơn cả triết lý dùng để quản lý nó” (Chương II, V). Mackinder cho rằng chính hình thể của đất nước như thể đã góp phần vào sự ổn định phi thường của các Vương quốc trên đất Ai Cập: Nền văn minh thung lũng sông Nile đã được bảo vệ từ cả hai phía đông và tây bởi sa mạc, và chưa bao giờ bị những tên cướp biển Địa Trung Hải quấy nhiễu chỉ là nhờ có các đầm lầy của vùng châu thổ ở phía Bắc. Vai trò của địa lý cũng là câu hỏi vì sao quân Mông Cổ chỉ tiến được tới Lưỡng Hà về phía Trung Đông và tới Vienna về phía Châu Âu...

Tuy nhiên, địa lý thông báo nhiều hơn là quyết định, do đó nó không đồng nghĩa với Quyết định luận (Chương II). Có lẽ chỉ nên nói tới vai trò quyết định theo nghĩa tương đối, hoặc xác suất của Địa lý. Ngay cả Mackinder, người đánh giá rất cao vai trò quyết định của Địa lý, nhưng cũng không phải là người theo Thuyết Định mệnh đơn thuần. Ông tin rằng hoàn cảnh địa lý và môi trường có thể khắc phục được, nhưng đó là khi người ta xử lý chúng với sự tôn trọng và sự hiểu biết sâu sắc nhất (các Quy luật địa lý), đặc biệt là nhờ sự đổi mới công nghệ (Chương IV, chú thích 20).

Cũng có những yếu tố địa lý được con người tạo ra và đóng vai trò quyết định trong lịch sử. Đó là trường hợp Đại kênh đào (Chương XI, chú thích 5) ở Trung Quốc: Con kênh từng giữ vai trò chìa khóa cho sự thống nhất của đất nước này, bởi vì nó tạo dễ dàng cho công cuộc chinh phục của miền bắc đối với miền nam thời nhà Đường và nhà Tống, giúp cho việc củng cố địa lý nông nghiệp của Trung Quốc. Như vậy, một hành động riêng lẻ của con người - đào một con kênh - cũng tỏ ra có ý nghĩa lịch sử hết sức quan trọng. Chính vì thế, Quyết định luận Địa lý chỉ có ý nghĩa tương đối, hay là Quyết định mang tính xác suất, và “nhân định thắng thiên cũng nhiều”.

Có người lại hoàn toàn không chấp nhận Quyết định luận Địa lý. Ví dụ như Isaiash Berlin (Chương I, chú thích 5), người luôn bảo vệ chủ nghĩa thực dụng tư sản và những thỏa hiệp theo kiểu “chờ đợi và xem” trước sự thử nghiệm chính trị, là người ghét Quyết định luận Địa lý, văn hóa và mọi dạng Quyết định luận khác, không chấp nhận để bất kỳ ai tự phó thác đời mình cho số phận. Nhưng theo Sanguin (một tác giả người Pháp), việc coi thường địa lý sẽ chỉ tạo cơ hội sinh ra những tai họa, những thứ đến lượt mình lại biến chúng ta thành nạn nhân của chính địa lý (tức là phải gánh chịu sự minh định của Địa lý). Ngày nay, trên quan điểm môi trường, những ví dụ tương tự cũng nhiều vô kể (ví dụ như tai biến môi trường gắn với dự án Formosa và các đập thủy điện vừa và nhỏ ở miền Trung...).

Địa lý giúp ta nhìn nhận tình hình và các sự kiện theo dài hạn. Địa lý là yếu tố cơ bản nhất trong chính sách đối ngoại của các quốc gia, bởi vì nó là cố định nhất (Chương II). Một thời gian dài, chúng ta cũng đã quá quen với những khẩu hiệu “chinh phục thiên nhiên”, “làm chủ thiên nhiên”,”nghiêng đồng đổ nước ra sông”, “có sức người, sỏi đá cũng thành cơm”... nên thật khó chấp nhận thuyết Quyết định luận Địa lý. Từ ngàn đời, ông cha ta đã thực hành triết lý sống “hòa hợp với thiên nhiên” và đã gặt hái được những thành công nhất định. Nghĩa là ông cha ta rất coi trọng vai trò của hoàn cảnh địa lý và cũng đã khai thác thành công những lợi thế địa lý của đất nước mình với những chiến tích chói lọi nơi ải Chi Lăng, sông Bạch Đằng, kiến lập nên nền văn minh lúa nước trên châu thổ sông Hồng, tìm đường mưu sinh và mở mang bờ cõi... Giờ đây chúng ta đang cùng nhau xây dựng một nước Việt Nam giàu và mạnh bằng những phép quy hoạch ngày càng có sự hiểu biết và tôn trọng các quy luật địa lý hơn. Trong xã hội ta đang chín dần một ý thức dành cho địa lý chỗ đứng cao quý trong những sơ đồ quy hoạnh phát triển, mà biểu hiện rõ nhất và gần đây nhất là trường hợp Khu du lịch Tràng An - Bái Đính.

Tác giả đề cập tới Biển Đông với một dự báo đáng lo ngại. “Một Trung Quốc tương lai hiện đại, năng động và quân sự hóa... sẽ là mối đe dọa không chỉ với Nhật Bản, mà còn cả với vị thế của các cường quốc phương Tây trong “Địa Trung Hải của Châu Á”. Trung Quốc sẽ là một sức mạnh lục địa với kích cỡ khổng lồ trong việc kiểm soát một bộ phận rộng lớn duyên hải của biển kín này. Vị thế địa lý của nó sẽ giống như của Hoa Kỳ đối với “Địa Trung Hải của châu Mỹ”. Khi Trung Quốc trở nên mạnh, sự thâm nhập kinh tế hiện nay của nó vào khu vực này chắc chắn sẽ đảm nhận thêm những ngụ ý về chính trị. Hoàn toàn có thể mường tượng ra cái ngày khi vùng nước này sẽ được kiểm soát không phải bởi người Anh, Mỹ, hay sức mạnh trên biển của Nhật Bản, mà là bởi sức mạnh không quân Trung Quốc (Chương XI). Điều đó sẽ gây cho các quốc gia vây quanh vùng biển này những mối lo thường trực. Tuy nhiên, thời đại cũng đã khác xưa, thế giới ngày càng toàn cầu hóa sâu sắc hơn, nghĩa là có sự ràng buộc nhau nhiều hơn, đặc biệt là đã có Luật Biển năm 1982 để điều chỉnh các mối quan hệ.

Sự phân tích những xung đột và sự lèo lái địa chính trị xuyên suốt cuốn sách Sự minh định của Địa lý đã chứng tỏ tính vĩnh cửu của chủ nghĩa dân tộc. Tác giả cho rằng, tất cả các quốc gia đều kiên định đường lối duy trì hoặc mở rộng bờ cõi của mình qua mọi thời đại, bất luận đó là nước nào. Đặc biệt, tác giả còn cho rằng.. “các nhà cầm quyền danh nghĩa cộng sản Trung Quốc, thực ra, đã tạo thành một cơ cấu mới nhất trong số hai mươi lăm triều đại Trung Quốc kể từ bốn ngàn năm...” (Chương XI, chú thích 23, tr. 198 bản tiếng Anh).

Cũng cần nói thêm là tác giả là một công dân Mỹ, nên nhiều khi thiên về bảo vệ quyền lực của nước Mỹ, chứ không vì một trạng thái cân bằng quyền lực chung cho toàn cầu. Qua nghiên cứu này, R.D. Kaplan mong muốn đưa ra một cẩm nang mới về Địa chính trị cho lãnh đạo các cấp của chính quyền Mỹ. Dưới con mắt của ông, thế giới được phân chia thành những không gian ảnh hưởng không ngừng chen lấn xô đẩy lẫn nhau, lấn sân nhau. Sách gợi mở những đường đi nước bước nhằm giúp cho nước Mỹ không bị thua thiệt trong những cuộc đấu này: Ưu tiên sử dụng quyền lực mềm và sức mạnh thông minh, làm dịu quan hệ với Iran, duy trì một sự kiểm soát hàng hải chiến lược trên phạm vi toàn cầu.

Đây là một công trình nghiên cứu nghiêm túc, tư liệu phong phú, trích dẫn đầy đủ, chứa đựng nhiều nhận xét mới mẻ, đôi khi gây ngạc nhiên cho người đọc. Là một người làm việc trong lĩnh vực Địa lý học, tôi rất vui khi được đọc và dịch một cuốn sách trong đó Địa lý học được đánh giá cao một cách hợp lý.

Mong rằng, biết được vị thế địa chính trị của đất nước mình, chúng ta luôn hành động đúng theo logic địa lý để không bị bất ngờ trước những diễn biến của thời cuộc, không bị lừa phỉnh hay thậm chí bị lừa gạt bởi những cám dỗ nhất thời và quên mất tính dài hạn và gần như không thể thay đổi của Địa lý.

Là một chuyên gia địa mạo học, GS.TS.NGƯT Đào Đình Bắc đã dành hàng chục năm cho sự nghiệp nghiên cứu địa hình đất nước và nhiều nơi khác trên thế giới. Ông luôn đề cao ý nghĩa của cách sắp xếp của các thực thể địa hình, giá trị đặc biệt của vị trí và vị thế địa lý của các đơn vị lãnh thổ ở mọi cấp độ... Cuốn “Sự minh định của địa lý” đã nói thay ông nhiều điều và vì vậy đã cuốn hút ông trong dịch thuật.
Là một chuyên gia địa mạo học, GS.TS.NGƯT Đào Đình Bắc đã dành hàng chục năm cho sự nghiệp nghiên cứu địa hình đất nước và nhiều nơi khác trên thế giới. Ông luôn đề cao ý nghĩa của cách sắp xếp của các thực thể địa hình, giá trị đặc biệt của vị trí và vị thế địa lý của các đơn vị lãnh thổ ở mọi cấp độ... Cuốn “Sự minh định của địa lý” đã nói thay ông nhiều điều và vì vậy đã cuốn hút ông trong dịch thuật.
GS.TS Đào Đình Bắc
TIN LIÊN QUAN

Chứng khoán: Thị trường giữ trạng thái đi ngang trong ngắn hạn

Gia Miêu |

Xu hướng đi ngang ngắn hạn của thị trường chứng khoán dự báo sẽ tiếp tục được duy trì và chỉ số sẽ chuyển trạng thái vào sau kỳ nghỉ lễ.

Vì sao Đại học quốc gia Hà Nội giới hạn thi đánh giá năng lực 2 lần?

Linh Chi - Dương Anh |

Từ năm 2023, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) sẽ giới hạn mỗi thí sinh chỉ được đăng ký thi đánh giá năng lực tối đa 2 lần. Điều này được GS.TS Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm khảo thí ĐHQGHN lý giải là do muốn tạo công bằng cho các thí sinh.

Khán giả Việt Nam tiếc nuối chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo

Chi Trần |

Người hâm mộ Việt Nam tiếc nuối khi phải nói lời chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo sau hơn 5 năm gắn bó.

Tranh luận trả lương tháng 13 và thưởng Tết nguyên đán

TUỆ NHI |

Dù đã 26 tháng Chạp nhưng nhiều người vẫn chưa được nhận lương tháng thứ 13 hay tiền thưởng Tết và đùa rằng với họ niềm vui xuân vẫn chưa về.

Apple đang ấp ủ gì với dòng Mac Pro mới?

Anh Vũ |

Đã bước sang năm thứ tư kể từ lần cuối cùng Apple tung ra máy tính Mac Pro, mẫu máy tính mãnh mẽ nhất mà hãng có thể sản xuất. Vậy điều gì đang diễn ra với Mac Pro, và liệu nó có được làm mới vào năm 2023 hay không?

Chênh lệch sốc giữa tài sản 1% người giàu nhất thế giới và 99% còn lại

Song Minh |

1% người giàu nhất thế giới đã trở nên giàu có hơn rất nhiều, nhanh hơn rất nhiều so với 99% phần còn lại của thế giới.

Ghe chở hoa xuân rực rỡ, tấp nập về chợ hoa trên sông lớn nhất TPHCM

KHÁNH LINH - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Từ chiều nay 25 tháng Chạp (ngày 16.1), ghe hoa từ các tỉnh miền Tây đã tấp nập cập bến Bình Đông (quận 8, TPHCM), chợ hoa “Trên bến dưới thuyền” cũng chính thức khai mạc. Tết này, hoa về bến Bình Đông đa dạng về chủng loại, rực rỡ sắc màu, giá cả không tăng so với những Tết trước.

Ông Park Hang-seo: Tôi sẽ là người hâm mộ nhiệt thành của đội tuyển Việt Nam

AN NGUYÊN |

Huấn luyện viên Park Hang-seo bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể giành chức vô địch AFF Cup 2022 và nói lời tạm biệt sau hành trình 5 năm gắn bó với bóng đá Việt Nam.