Sứ mệnh thầm lặng của áo dài

Hào Hoa |

Câu chuyện về lễ phục, quốc phục tiếp tục làm nóng các diễn đàn màn trình quốc thư của một vị đại sứ. Câu chuyện này đã được bàn đi bàn lại trong hơn một thập kỷ nhưng đến nay vẫn chưa thể ngã ngũ.

Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch từng làm Đề án Quốc phục, đến năm 2012 đề án này đổi thành Đề án Lễ phục Nhà nước với mục đích tìm kiếm ra bộ trang phục dành cho công chức, viên chức nhà nước mặc thực hiện các nghi lễ, đặc biệt là nghi lễ ngoại giao. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có bất kỳ văn bản chính thức nào được ban hành về lễ phục hay quốc phục.

Trong hơn một thập kỷ, kể từ khi được đề xuất là quốc phục, lễ phục, áo dài với thân phận chìm nổi của mình đã trải qua muôn vàn lận đận.

Danh phận và số phận một chiếc áo

Khi đề xuất áo dài (cho cả nam, nữ) trở thành lễ phục nhà nước, nếu áo dài nữ nhận được sự ủng hộ nhiệt thành thì áo dài nam lại vướng vào nhiều tranh cãi, phản ứng.

Nhìn lại hành trình phát triển của áo dài cũng cho thấy, áo dài nữ thuận lợi hơn áo dài nam. Trong lịch sử, áo dài cho nam xuất hiện trước, áo dài nữ xuất hiện sau. Áo dài nữ luôn được yêu thích, ủng hộ, dù trải qua nhiều lần cách tân, cải biến từ chiếc áo dài ngũ thân truyền thống.

Theo đó, những năm 1930 của thế kỷ XX, họa sỹ Cát Tường đã khởi xướng cách tân áo dài nữ. Sự thay đổi này phù hợp với phong trào Âu hóa cũng như phong trào đòi quyền bình đẳng của phụ nữ. Những kiểu áo dài mới là hình ảnh biểu tượng việc giải phóng phụ nữ khỏi lễ giáo của chế độ phong kiến và đạo Nho.

Trong khi đó, áo dài nam có số phận thăng trầm, lận đận hơn hẳn. Qua hình ảnh do người Pháp ghi lại giai đoạn trước năm 1945, trong đời sống thường nhật, lễ hội, đàn ông Việt luôn mặc áo dài ngũ thân. Tuy vậy, do ảnh hưởng văn minh phương Tây, phong trào Âu hóa, dần dần trang phục áo dài của đàn ông Việt thay đổi, mờ nhạt trong đời sống.

Chưa kể, áo dài nam còn bị gắn với nhiều định kiến. Theo họa sĩ Nguyễn Đức Bình - Chủ nhiệm Trung tâm hỗ trợ phát triển áo dài ngũ thân truyền thống Đình làng Việt: “Sân khấu cuối những năm 1950 luôn để nhân vật phản diện như lý trưởng, hương lão, thầy cúng, thầy bói, phú ông, quan tham... mặc áo dài, điều này ăn sâu vào định kiến về áo dài nam của nhiều khán giả”.

Trong những biến thiên của lịch sử xã hội, áo dài nam trở thành biểu tượng cho chế độ phong kiến cổ hủ, lạc hậu. Chính vì điều này, áo dài nam luôn vướng tranh cãi, bị phản ứng khi được đề xuất là lễ phục hay quốc phục.

Là trang phục gắn với chiều dài lịch sử, được cho là thấm đẫm văn hóa truyền thống, thế nhưng đến hiện tại, áo dài vẫn chưa thể có được bất kỳ danh phận nào. Áo dài không được công nhận là quốc phục, không được công nhận là di sản. Gần nhất, trong kế hoạch mang tính chiến lược về “Phát triển thương hiệu quốc gia bằng văn hóa” của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch có nhắc đến rất nhiều “mũi nhọn” như phim ảnh, ẩm thực, du lịch... nhưng không nhắc đến áo dài.

Chính vì không có “danh phận”, không có chiến lược phát triển và bảo tồn, nên số phận áo dài còn chìm nổi bởi sự may, mặc vô tội vạ trong cả thập kỷ nay.

Theo họa sĩ Nguyễn Đức Bình, tình trạng may, mặc áo dài đang diễn ra tràn lan, không theo bất kỳ một quy chuẩn nào. “Hầu hết mọi người đều không am hiểu về lịch sử, ý nghĩa, vẻ đẹp tiềm ẩn của áo dài. Mặc áo dài có những nghi lễ riêng về cách đi đứng. Áo dài cũng có quy chuẩn riêng về vẻ đẹp, tạo phom, tạo dáng. Nhưng hiện nay, ai thích thế nào, mặc vậy. Ai muốn khoe hình thể sẽ chọn mẫu áo cắt xẻ táo bạo, hoặc xuyên thấu, bó sát... Ai thích phối áo dài với quần, hay với váy đụp, cũng tùy thích” - họa sĩ Nguyễn Đức Bình nói.

Hàng loạt mẫu áo dài đã bị chỉ trích phản cảm, thảm họa, khi bị biến tấu quá đà. Người mẫu Hà Anh vừa bị xử phạt vì mặc áo dài xuyên thấu hở hang ở chung kết Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam. Tình trạng mặc và may áo dài vô tội vạ - cũng là hành vi xâm phạm văn hóa - theo đánh giá của nhà thiết kế (NTK) áo dài Minh Hạnh.

Áo dài. Ảnh: NTKCC
Áo dài. Ảnh: NTKCC

Sứ mệnh thầm lặng

Dù chưa có được “danh phận”, nhưng áo dài đã thực hiện sứ mệnh của mình khi nỗ lực quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Qua nhiều sự kiện quốc tế, thiết kế áo dài được ngợi khen, yêu thích. Áo dài vừa kín đáo, quyến rũ, vừa thướt tha, dịu dàng, tôn lên vẻ đẹp hình thể của phụ nữ. Nhiều nhà thiết kế áo dài như Minh Hạnh, Ngọc Hân, Ngô Sĩ Hoàng... đã đưa chất liệu văn hóa lên áo dài để quảng bá trong những tuần lễ thời trang quốc tế.

NTK Minh Hạnh sử dụng vải thủ công như zèng, thổ cẩm, lụa tơ tằm... vào thiết kế áo dài và đưa thổ cẩm trở nên nổi tiếng thế giới. Trong gần một thập kỷ, những chiếc áo dài thổ cẩm, lụa tơ tằm của NTK Minh Hạnh đã ra mắt và gây ấn tượng mạnh ở nhiều sàn diễn quốc tế. NTK Minh Hạnh kể lại, “không chỉ yêu thích, khách quốc tế còn kinh ngạc trước vẻ đẹp tinh tế của thổ cẩm, và cách người Mông, người Tà Ôi của Việt Nam dệt nên thổ cẩm”.

NTK Ngọc Hân đưa tranh Hàng Trống và nhiều nét đẹp văn hóa đặc sắc trở thành họa tiết trên áo dài. Nhiều NTK khác như Cao Sĩ Tiến, La Hằng... đã đưa vẻ đẹp của Thăng Long, của văn hóa vùng miền lên áo dài mang đến ấn tượng riêng. Từ tà áo dài, văn hóa Việt đã bước ra thế giới.

Theo đánh giá của họa sĩ Nguyễn Đức Bình - Chủ nhiệm Trung tâm hỗ trợ phát triển áo dài ngũ thân truyền thống Đình làng Việt, có thể nhìn thấy những tiềm lực mà áo dài mang lại cho văn hóa, du lịch, kinh tế của Việt Nam trong những năm tới.

“Quảng bá áo dài, có chiến lược đầu tư cho áo dài, chính là thúc đẩy sự phát triển của ngành dệt may thủ công. Hiện nay, những chất liệu có thể may áo dài như the, lụa tơ tằm... có giá thành khá đắt, vì ít người dùng. Nếu có nhiều người tiêu dùng, giá thành sẽ giảm đi.

Đằng chiếc áo dài thấm đẫm văn hóa truyền thống còn là cả ngành dệt may thủ công, là chất liệu vải quý - được truyền từ đời này sang đời khác. Chúng ta nâng tầm, phát triển hình ảnh áo dài ra thế giới, chính là tìm lối ra cho dệt may, vải thủ công của Việt Nam” - họa sĩ Nguyễn Đức Bình nhận định.

Theo NTK Minh Hạnh, giữa bối cảnh toàn cầu hóa, khi công nghệ thông tin biến thế giới thành một mặt phẳng đồng bộ - thì bản sắc văn hóa riêng biệt chính là cách để tạo nên diện mạo của một quốc gia.

“Áo dài với bản sắc văn hóa thấm đẫm sẽ giúp Việt Nam mở ra nhiều cánh cửa - mà chúng ta chưa chạm tới” - NTK Minh Hạnh nói.

Hào Hoa
TIN LIÊN QUAN

NTK Minh Hạnh: Không có quốc phục ở thời đại toàn cầu hóa là một thiệt thòi

Trang Ngọc |

Nhà thiết kế (NTK) Minh Hạnh - Giám đốc Học viện Thiết kế Thời trang Việt Nam có cuộc trò chuyện với phóng viên Lao Động xoay quanh những tranh cãi về áo dài, quốc phục.

Số phận khác biệt của áo dài nữ và áo dài nam khi đề xuất là quốc phục

Mi Lan |

Áo dài từng được đề xuất là quốc phục, lễ phục nhà nước, tuy nhiên sau những tranh cãi, đến nay đề án quốc phục vẫn bỏ ngỏ.

Quốc phục phải là bộ trang phục mang bản sắc văn hóa Việt Nam

ThS. Lý Viết Trường (Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, ĐHQGHN) |

Quốc phục là quốc áo theo kiểu riêng từ xưa truyền lại của một đất nước, thường được mặc trong những ngày lễ hội và lễ nghi ngoại giao. Là sản phẩm mang tính biểu trưng của quốc gia, nên quốc phục cần phản ánh được bản sắc của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Cô gái Singapore sốc khi nhờ AI lên kế hoạch du lịch Việt Nam

Thúy Ngọc |

Melissa Tan sử dụng Notion AI để lên kế hoạch chuyến du lịch Việt Nam một mình trong 12 ngày, bắt đầu từ Hà Nội. Kết quả khiến cô sững sờ.

TPHCM: Hơn 31.000 xe hết hạn tạm giữ chưa được xử lý

MINH QUÂN |

TPHCM - Thời gian dài, thủ tục nhiều khiến hơn 31.000 phương tiện giao thông vi phạm quá thời hạn bị tạm giữ tại các kho tang vật của Cảnh sát giao thông TP Hồ Chí Minh chưa được xử lý.

Đà Nẵng: Kẻ gian đập phá trụ ATM ngân hàng trộm tiền giữa phố

Mai Hương |

Chiều 23.3, nhân viên Ngân hàng Thương mại CP Đông Á phát hiện trụ ATM trên đường Lê Duẩn (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) bị kẻ gian đập phá.

Hai tấm thẻ đỏ và bài học cho U23 Việt Nam

PHẠM ĐÌNH |

U23 Việt Nam đã nhận bài học sau trận đấu với U23 Iraq ở giải giao hữu quốc tế Doha Cup 2023.

Tài chính thông minh: Tất tần tật về đầu tư vàng để sinh lời tối ưu

Nhóm PV |

Vàng là tài sản tích trữ và đầu tư phổ biến với người dân Việt Nam. Kim loại quý còn công cụ phòng thủ vững chắc trước những biến động kinh tế và bảo toàn giá trị tăng trưởng qua thời gian. Ông Tạ Thanh Tùng - chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân tại FIDT - sẽ tiết lộ chi tiết trong số Tài chính thông minh (laodong.vn) hôm nay.

NTK Minh Hạnh: Không có quốc phục ở thời đại toàn cầu hóa là một thiệt thòi

Trang Ngọc |

Nhà thiết kế (NTK) Minh Hạnh - Giám đốc Học viện Thiết kế Thời trang Việt Nam có cuộc trò chuyện với phóng viên Lao Động xoay quanh những tranh cãi về áo dài, quốc phục.

Số phận khác biệt của áo dài nữ và áo dài nam khi đề xuất là quốc phục

Mi Lan |

Áo dài từng được đề xuất là quốc phục, lễ phục nhà nước, tuy nhiên sau những tranh cãi, đến nay đề án quốc phục vẫn bỏ ngỏ.

Quốc phục phải là bộ trang phục mang bản sắc văn hóa Việt Nam

ThS. Lý Viết Trường (Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, ĐHQGHN) |

Quốc phục là quốc áo theo kiểu riêng từ xưa truyền lại của một đất nước, thường được mặc trong những ngày lễ hội và lễ nghi ngoại giao. Là sản phẩm mang tính biểu trưng của quốc gia, nên quốc phục cần phản ánh được bản sắc của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.