Sự đánh đổi đằng sau giấc mơ xuất khẩu lao động

Huyền Anh |

Hàng triệu người Philippines đi xuất khẩu lao động để mong hỗ trợ cải thiện cuộc sống gia đình ở quê nhà. Dẫu vậy, thực sự thì họ không muốn rời xa con mình nhưng cảm thấy không còn sự lựa chọn nào khác. Chưa kể, còn nhiều nguy cơ trong cuộc sống nơi đất khách quê người.

Nỗi buồn xa con

Cơ quan Thống kê Philippines cho biết, ước tính có khoảng 2,2 triệu người Philippines làm việc ở nước ngoài vào năm 2019. Đa số là phụ nữ, trong đó nhiều người hy vọng sẽ cho con mình một tương lai tốt đẹp hơn.

Họ làm công việc y tá, nhân viên khách sạn, bảo mẫu và dọn dẹp vệ sinh. 5 điểm đến hàng đầu là ở Châu Á và Trung Đông, bao gồm Arab Saudi (22,4%), Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (13,2%), Kuwait (6,2%), Hongkong - Trung Quốc (7,5%), Đài Loan - Trung Quốc (6,7%), CNN cho hay. Năm ngoái, kiều hối từ họ gửi về nước là 33,5 tỉ USD - một mức cao kỷ lục, theo ngân hàng trung ương nước này.

Song mức thu nhập đó cũng đi kèm với những mất mát cá nhân khác. Người mẹ có thể vắng bóng suốt tuổi thơ của đứa con. Đôi khi, mối quan hệ mẹ - con bị hủy hoại vì sự xa mặt cách lòng, thậm chí nhiều năm sau khi họ đã trở về. Ở những thời điểm khác, cuộc sống của con cái họ có thể còn thay đổi theo hướng không mong muốn khi chúng không có cha mẹ ở bên.

Tại Hongkong, đại đa số người Philippines di cư làm lao động giúp việc gia đình, thường chăm nuôi con người khác. CNN đã trò chuyện với một số phụ nữ và những người trưởng thành lớn lên ở Philippines mà thiếu vắng mẹ, thì họ đều nói trong xúc động về nỗi buồn xa cách trong nhiều năm.

Dolores đếm trên lòng bàn tay về số lần gặp mặt đứa con trai 7 tuổi của mình. Cô đã để cậu bé ở với bà ngoại tại Philippines từ khi mới 6 tháng tuổi. Cô cần trở lại Hongkong để làm việc nuôi chính bản thân cũng như cháu gái cùng các thành viên khác trong gia đình. Chồng cô cũng đi xuất khẩu lao động.

Không có nhiều ngày nghỉ phép hàng năm hoặc không có tiền để đi lại nên Dolores không gặp con trai mình cho đến khi cậu bé được 2,5 tuổi. "Thật sự rất khó cầm lòng để lại rời đi. Bạn sẽ không muốn đi tiếp... (nhưng) tôi thực sự không còn cách nào khác" - Dolores nói. "Con trai không biết về bạn. Sau đó, bạn trở về, nó có thể nói chuyện hay bỏ chạy, nhưng nó không nhận ra bạn".

Những năm đầu tiên mới đi xuất khẩu lao động đó thật đau lòng như vậy. Dolores chỉ có thể gọi về nhà 2 lần mỗi tuần vì gia đình cô không có internet. Cô thường gọi điện vào đêm khuya sau khi đã hoàn thành công việc, chỉ để nghe con trai bi bô.

Mọi thứ đã trở nên dễ dàng hơn trong những năm qua. Giờ đây, gia đình cô đã lắp đặt internet nên họ có thể gọi video ba lần/ngày. Song cô lo lắng như thế vẫn chưa đủ. "Làm thế nào để có thể nuôi dạy con mình ở quê nhà? Khi nó đi học về, tôi không thể hướng dẫn nó làm bài tập" - Dolores tâm sự.

Cô cảm nhận rõ sự xa xôi cách trở nhất là vào 2 năm trước, khi con trai cô phải đi viện vì tắc nghẽn ống thính giác. Cả Dolores cùng chồng đều không thể trở về nhà, chỉ có thể nói chuyện với con trai qua điện thoại sau khi ca phẫu thuật kết thúc. "Tôi buồn vô cùng khi không ở bên vỗ về con trai lúc nó trải qua ca phẫu thuật. Chúng tôi đã khóc khi con trai nói rằng nó rất đau mà không thể ở bên để dỗ dành" - Dolores chia sẻ.

Con cái lớn lên không có mẹ

Ở Philippines, tỉ lệ sinh cao đã tạo ra một lực lượng lao động tăng nhanh hơn mức nền kinh tế có thể tạo ra việc làm. Tình trạng thất nghiệp đã đẩy nhiều người vào con đường xuất khẩu lao động.

Ở Hongkong, gần 400.000 lao động giúp việc gia đình, trong đó phần lớn là phụ nữ đến từ Philippines. Họ được trả ít nhất 600 USD/tháng - cao hơn nhiều so với mức thu nhập trung bình ở Philippines (khoảng 213 USD/tháng), theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).

ILO cho biết, những thực trạng này kéo dài trong nhiều thập kỷ đã khiến hơn 1 triệu người Philippines rời đất nước để ra nước ngoài làm việc mỗi năm. Khoản thu nhập thêm ra cung cấp sự an toàn rất cần thiết, không chỉ cho việc học hành của trẻ em, mà còn cho các nhu cầu thiết yếu khác như chi phí y tế hay phục hồi sau thiên tai.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã ca ngợi những người lao động này vì sự đóng góp cho nền kinh tế tại một sự kiện năm 2019. Song cuộc tha hương đi làm việc này cũng khiến hàng triệu trẻ em Philippines không có cha mẹ ở nhà.

Francis Tumpalan (22 tuổi) không nhớ cha mẹ đã rời nhà đi xuất khẩu lao động từ lúc nào vì khi đó anh mới 4 tuổi. Điều anh nhớ chỉ là được ông bà ngoại nuôi nấng và mặc những bộ đồng phục nhăn nhúm đến trường. Cứ 2 năm một lần, cha mẹ về thăm khiến anh buồn vui lẫn lộn. Cảm giác đó giống như "sống trong mộng tưởng" mà anh biết thời gian đoàn tụ sẽ không lâu, Francis tâm sự.

Sự hy sinh của mẹ đã mang lại cho anh cơ hội vào đại học. Song nay anh phải hối tiếc vì đã bỏ học trước khi tốt nghiệp vì mải chơi và yêu đương. Mẹ của anh hiện vẫn làm việc ở Hongkong. Họ trò chuyện hàng đêm về cuộc sống hàng ngày, về cô con gái nhỏ của anh - Phoebe. Những cuộc liên lạc kéo dài này khiến họ xích gần nhau hơn và giúp Francis hiểu rằng tại sao mẹ lại chọn đi xuất khẩu lao động nhiều năm trước.

"Những hy sinh của mẹ là quá lớn. Mẹ đã đáp ứng nhiều nhu cầu của tôi. Nhưng tôi mong rằng mẹ sẽ trở về nhà cũng như hy vọng mình có thể mang lại cho mẹ một cuộc sống tốt hơn vào một ngày nào đó" - Francis nói.

Còn với Francis, anh hy vọng công việc tại một cửa hàng ôtô cùng với cửa hàng nhỏ của vợ sẽ giúp họ kiếm đủ tiền để trang trải cuộc sống mà không phải tính đến chuyện rời Philippines, cũng như cho phép mẹ anh về nước.

"Thật khó để lớn lên mà không có mẹ... Tôi muốn Phoebe lớn lên trong một gia đình hoàn chỉnh. Một cuộc sống giản đơn là được, miễn là chúng tôi bên nhau đủ đầy" - Francis nói.

Ảnh hưởng đến cuộc sống của con

Bất chấp tỉ lệ thất nghiệp cao đối với sinh viên tốt nghiệp, nhiều người Philippines vẫn tin rằng giáo dục đại học có thể giúp con cái họ thoát khỏi đói nghèo. Nhưng đó là một giấc mơ đắt giá.

Các trường công lập giá cả phải chăng thường bị thiếu ngân sách thường xuyên, chất lượng không cao, vì vậy nhiều phụ huynh cố gắng cho con học trường tư song phải có nguồn lực tài chính tốt hơn. Theo đó, học phí đại học có thể lên tới 6.600 USD/năm, vượt xa "tầm với" của hàng triệu người Philippines. Nhiều người đi xuất khẩu lao động hàng chục năm để tiết kiệm tiền dành cho những khoản chi phí này. Tuy nhiên, không có gì đảm bảo rằng bằng cấp có thể mang lại thành công và ổn định như nhiều bậc cha mẹ kỳ vọng.

Catalina Magno và chồng đều mất việc làm vào năm 2001 nên tài chính cạn kiệt sau nhiều tháng thất nghiệp. Để nuôi nổi hai con trai, Magno tìm kiếm việc làm ở Hongkong và để 2 con lại cho chồng nuôi (1 đứa mới 1 tuổi, còn đứa còn lại 4 tuổi). Cô có mục tiêu là kiếm đủ tiền để cho 2 con vào đại học. "Đó là điều mà mọi bà mẹ đều mơ ước" - Magno nói.

Nhưng những năm sau đó, các con của Magno bắt đầu hỏi tại sao mẹ không có nhà. Khi con trai lên 6, cậu bé cắc cớ: "Tại sao mẹ trông nom chăm sóc những đứa trẻ khác mà không thể chăm chúng con?" - Magno cho hay khi về thăm nhà hai lần một năm (tần suất cũng là nhiều hơn nhiều người giúp việc gia đình khác).

"Tôi đã nói với nó rằng, đây là một sự đánh đổi. Nếu mẹ chăm sóc những đứa trẻ khác, mẹ có thể cho con đi học, rồi học cao lên. Nhưng thường chúng không hiểu điều đó" - Magno chia sẻ.

Hai con trai cô hiện 21 và 24 tuổi. Cả hai đều học đại học, theo ngành kỹ thuật, như cô đã rất hy vọng. Nhưng rồi, họ đều bỏ học trước khi tốt nghiệp. Magno thất vọng vô cùng. Mối quan hệ mẹ - con giữa họ thì vẫn có khoảng cách.

Khi được hỏi liệu cô có đi Hongkong không nếu biết con trai mình sẽ không học hết đại học, câu trả lời là "không" ngay lập tức. "Mục tiêu của tôi khi đi xuất khẩu lao động là kiếm tiền cho chúng đi học. Đó là mục tiêu duy nhất" - Magno khẳng định.

Song các chuyên gia cho rằng, những đứa trẻ có bố mẹ đi xuất khẩu lao động có thể học kém hơn ở trường hoặc bỏ học, ngay cả khi việc đầu tư cho giáo dục con cái là lý do chính khiến bố mẹ chúng quyết định ra đi.

Một nghiên cứu năm 2013 của các nhà nghiên cứu Philippines tại Đại học De ​​La Salle còn cho biết thêm, các bà mẹ phải luôn xác định sự vắng mặt của họ trong cuộc sống sẽ ảnh hưởng khá lớn đến con cái họ.

Những nguy cơ khác

Bên cạnh sự hy sinh to lớn về mặt tinh thần, người lao động Philippines tại Hongkong cũng thường xuyên phải đối mặt với những điều kiện sống và làm việc khắc nghiệt, đôi khi là nguy hiểm.

Người giúp việc gia đình được yêu cầu sống tại nhà của người sử dụng lao động. Và đó là cái bẫy đối với phụ nữ mà trong nhiều tình huống có thể bị bóc lột hoặc lạm dụng. Một cuộc khảo sát với 5.023 người giúp việc gia đình vào năm ngoái cho thấy, 15% bị lạm dụng thể chất trong quá trình làm việc và 2% cho biết bị tấn công hoặc quấy rối tình dục. Gần 1/2 nói rằng, họ làm việc hơn 16 tiếng/ngày. Hongkong không có luật về giờ làm việc tối đa mỗi ngày hay mỗi tuần.

Những vấn đề khác bao gồm không được cho ăn no đủ, không có chỗ nghỉ thích hợp và riêng tư và bị yêu cầu làm việc vào những ngày nghỉ. Song đối với một số người, phần khó nhất của công việc là phải xa con cái của họ.

Huyền Anh
TIN LIÊN QUAN

Lưu ý các dạng toán để đạt điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT

Phan Liên |

Thầy Nguyễn Viết Thiện - giáo viên môn Toán Trường THPT Cô Tô, Quảng Ninh đưa ra một số dạng Toán giúp học sinh đạt điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Những tuyến vỉa hè mất hoàn toàn công năng ở Hà Nội: Đã có sự chuyển biến

Thế Kỷ |

Hà Nội - Như báo Lao Động đã phản ánh, thời gian qua nhiều vỉa hè ở các tuyến phố tại Hà Nội đã mất hoàn toàn công năng là dành cho người đi bộ. Tuy nhiên, sau vài ngày lực lượng chức năng ra quân xử lý đã có những chuyển biến tích cực.

Chiêm ngưỡng chiếc cúp vàng World Cup 2023

AN NGUYÊN |

Lễ rước cúp vàng World Cup 2023 mang đến sự cổ vũ tinh thần cho đội tuyển nữ Việt Nam trước thềm giải đấu lớn nhất hành tinh.

Cà Mau: Nhóm học sinh rủ nhau dàn cảnh trói tay, 6 đánh 1 để quay clip

NHẬT HỒ |

Cà Mau - 7 em học sinh là bạn thân rủ nhau đến một khu dân cư vắng, dàn cảnh 6 người đánh 1 người rồi quay clip. Clip sau đó bị rò rỉ trên mạng xã hội gây hiểu lầm, hoang mang trong dư luận.

Dẹp loạn Tiktoker chửi bậy: Phạt hành chính thôi chưa đủ

Nhóm PV |

Dù đã có mức xử phạt hành chính cho việc văng tục, chửi bậy trên các nền tảng mạng xã hội, song, mức phạt này vẫn là quá nhẹ với số tiền mà các Tiktoker, KOLs kiếm được nhờ việc đăng tải clip nói tục để bán hàng.

Bắt tạm giam một giám đốc trung tâm dạy nghề ở Long An về tội nhận hối lộ

An Long |

Đối tượng đã thông qua các đầu mối trung gian nhận tiền của người dân để cung cấp chứng chỉ sơ cấp và báo cáo, đề xuất Sở Giao thông vận tải tỉnh Long An tổ chức thi cấp Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng, máy trưởng.

Box Office Vietnam nói về ồn ào Trấn Thành: Sẽ có suất chiếu mở ra rồi huỷ

DI PY |

Lên tiếng về ồn ào của Trấn Thành, theo Box Office Vietnam, việc một suất chiếu được tạo ra sau đó bị hủy trước giờ công chiếu (vì không bán được vé, vì kế hoạch thay đổi) là chuyện rất bình thường trong kinh doanh rạp chiếu phim.

Sau 6 năm phá dỡ, bậc thềm lấn chiếm vỉa hè lại tái diễn ở Hà Nội

PHẠM ĐÔNG |

Sau 6 năm lực lượng chức năng ra quân xử lý vi phạm lấn chiếm vỉa hè, các bậc tam cấp ở Hà Nội từng bị đập bỏ nay lại xuất hiện với nhiều kiểu dáng khác nhau.