Đại tá, Thầy thuốc Nhân dân Phạm Quốc Cường:

“Sống để làm thầy thuốc chứ không phải làm thầy thuốc để sống”

DIỄM ANH THỰC HIỆN |

Đó là suy nghĩ và cũng là phương châm sống và làm việc của Đại tá, Thầy thuốc Nhân dân Phạm Quốc Cường - Phó Giám đốc, kiêm Trưởng khoa Thận Khớp Bệnh viện 198 (Bệnh viện đầu ngành của Bộ Công an).
Theo ông, trong một xã hội văn minh thì người thầy thuốc và người thầy giáo phải được tôn vinh, nhưng hiện nay, có vẻ như xã hội đang dựa vào những hiện tượng không phổ biến để có những đánh giá thiếu công bằng và cho rằng, họ là những người chỉ biết mải miết kiếm tiền… Nhân ngày Thầy thuốc VN (27.2), chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông về chuyện đời, chuyện nghề.

“Tôi không phủ nhận có một bộ phận thầy thuốc và nhà giáo chưa thật hết lòng với nghề, chưa tận tâm với nghề… Nhưng nếu ta chưa có cơ chế gì để có thể kiểm soát tối đa những hành vi tiêu cực ở đâu đó, giúp họ tốt lên thì cũng đừng phóng đại những lỗi lầm của họ, vì như thế sẽ làm mất hết hình ảnh của những người thầy chân chính. Người thầy thuốc hay thầy giáo, dù có kém đến đâu thì người ta cũng không bao giờ muốn tình trạng bệnh nhân của họ lại xấu đi hay những người trò của mình lại trở thành những người kém cỏi…

Nếu không may xảy ra tai biến trong nghề nghiệp thì cũng phải bình tĩnh suy xét và quan trọng nhất là đừng đánh đồng, chụp mũ cho cả một quá trình làm việc của họ… Hãy so sánh và đánh giá của dư luận giữa hai cái chết khác nhau: Trong một ngày Tết vừa qua có tới 141 người chết về TNGT - giống như một trận khủng bố vậy, nhưng chỉ được truyền thông đưa con số có tính chất thống kê như vậy thôi. Tất nhiên, người nghe đều cảm nhận được nỗi đau đó của cộng đồng và vẫn có người phải chịu trách nhiệm, nhưng sẽ không có ai bị lên án có tính chất “quy chụp” về mặt bản chất, quá trình của những con người ấy phải chịu trách nhiệm ấy. Xong rồi vụ việc cũng nhanh chóng rơi vào quên lãng…

Nhưng nếu như chỉ có 1 người ở trong bệnh viện chẳng may bị chết vì lý do nào đó (phần lớn là bệnh lý, nhưng có thể vì thái độ phục vụ chưa được tận tình) thì sẽ bị dư luận làm ầm ĩ cả lên, ngay khi chưa tìm hiểu cặn kẽ nguyên nhân. Không những danh dự, sự nghiệp của người thầy thuốc ấy bị ảnh hưởng nghiêm trọng, mà quan trọng hơn là ảnh hưởng đến tâm lý, tình cảm của vợ/ chồng, con cái, đồng nghiệp của họ - thậm chí cả bệnh viện, nơi họ làm việc…

Trong khi đó, những lao động thầm lặng của bác sĩ ít người được biết đến. Phần lớn các bác sĩ ngoại khoa ít nhiều đã từng phải đứng mổ hàng chục tiếng đồng hồ liên tục, thậm chí hạ cả đường huyết và gục ngay xuống sau ca mổ để cố cứu sinh mạng con người thì lại không được ghi nhận, tôn vinh. Nhiều người còn cho rằng, đó là việc đương nhiên…” - Đại tá, thầy thuốc Nhân dân Phạm Quốc Cường nói.

Người bệnh khi đến bệnh viện là đã đặt hết niềm tin vào người thầy thuốc. Bởi thế, thật dễ hiểu khi họ phản ứng quá mức khi niềm tin ấy không được xác tín, thưa ông…

- Thầy thuốc cũng là con người! Như trên tôi đã nói, bất kỳ người thầy thuốc nào, dù có dốt đến đâu cũng không bao giờ có ý muốn làm cho tình trạng của bệnh nhân xấu đi. Vì thế, tôi có thể khẳng định và vẫn nói với đồng nghiệp của mình rằng, văn hóa ứng xử đối với người bệnh là quan trọng nhất. Khi bệnh nhân được đưa vào phòng cấp cứu thì đương nhiên nghĩa vụ của người bác sĩ là phải làm hết sức mình để cứu sống và giảm thiểu tới mức thấp nhất tình trạng rủi ro của bệnh nhân.

Nếu như thái độ của y bác sĩ tận tình, ân cần thì người bệnh hoặc người nhà của họ không thể trách cứ được gì, nếu như họ không qua khỏi. Người thầy thuốc đúng nghĩa cần giỏi cả chuyên môn lẫn ứng xử. Như thế mới có thể tạo được sự yên tâm, tin tưởng cho người bệnh cũng như người nhà của họ… Tôi cho rằng, đến 99,99% việc kiện tụng là do thái độ phục vụ. Nhiều người ở các địa phương xa bán cả trâu, bò, lợn, gà, nhà cửa để về chữa bệnh mà bác sĩ vẫn tỏ ra không quan tâm, không tận tụy thì sẽ khiến họ đau khổ, mất niềm tin vì chất thêm gánh nặng tốn kém tiền bạc cho họ…

Ở một khía cạnh khác, hiện nay, có nhiều ý kiến cho rằng, thái độ của y bác sĩ tại các bệnh viện lại có vẻ tận tụy “quá mức cần thiết”, biểu hiện qua việc chỉ định cho bệnh nhân làm quá nhiều các xét nghiệm, gây tốn kém. Vậy, theo ông, nhận xét ấy có công bằng?

- Tôi cho rằng, hiện tượng ấy là có thật, nhưng không phải là phổ biến. Chỉ có những thầy thuốc lười biếng hoặc không chịu học hỏi mới làm như vậy. Ví dụ, với người bệnh bị phù chẳng hạn, bác sĩ phải hỏi rõ người ta bị phù ở đâu trước: Mí mắt hay chân? Nếu là ở mí mắt thì phải nghĩ đến bệnh thận, còn nếu ở chân thì phải nghĩ đến bệnh tim mạch. Và khi ấy chỉ cho đi xét nghiệm những thứ có liên quan đến từng loại bệnh, không xét nghiệm tràn lan, bắt người bệnh chờ đợi mệt mỏi. Sau đó phải kê đơn thuốc đúng và đủ chứ đừng vì lý do hợp tác với các hãng dược nọ, hãng dược kia mà bắt bệnh nhân mua thêm những thứ thuốc không cần thiết.

Ông nói, có bác sĩ không chịu học hỏi? Đã là bác sĩ thì phải trải qua một quá trình đào tạo, học hỏi rất vất vả rồi chứ, thưa ông? Hay đó là cách nói tránh, chỉ những người kém năng lực?

- Công tác đào tạo hiện nay cũng có vấn đề. Ngành y phải là ngành được đào tạo hết sức cơ bản, phải được chọn lọc từ khi còn ngồi ghế nhà trường phổ thông. Sinh viên y khoa ngày nay hầu như chỉ học chẩn đoán bệnh dựa trên các xét nghiệm kỹ thuật cao. Trước kia chúng tôi học làm gì có chụp CT, làm gì có siêu âm màu, chụp cắt hàng trăm lớp như bây giờ; làm gì có các xét nghiệm máu chuyên sâu…

Hoàn toàn là khám bằng bàn tay và trí óc. Sinh viên hiện nay, kể cả bác sĩ nội trú không thăm khám bệnh theo kiểu đó nữa. Giờ tìm được các thầy như thầy Hồ Đắc Di, thầy Tôn Thất Tùng… - những người thăm khám bệnh bằng bàn tay và trí óc là rất khó. Ngày xưa chúng tôi được học theo nguyên tắc: Nhìn - sờ - gõ - nghe - hỏi (bệnh nhân)… Với cùng một loại bệnh, nhưng không phải bệnh nhân nào cũng đáp ứng được cùng một loại thuốc giống nhau bởi mỗi người có một đặc điểm sinh lý khác nhau, đáp ứng miễn dịch khác nhau. Chính vì thế bác sĩ phải hỏi bệnh, khám bệnh, tận tụy với từng triệu chứng bệnh để phát hiện đúng, trúng bệnh và kê đơn chính xác cho bệnh nhân. Những lời kể triệu chứng, đôi khi có giá trị hơn hẳn kết quả xét nghiệm.

Ví dụ với bệnh nhân tiểu đường, nếu thăm khám và hỏi bệnh cặn kẽ sẽ biết được bệnh nhân đó bị tiểu đường do di truyền hay do một nguyên nhân nào khác. Các nguyên nhân khác nhau sẽ có những phác đồ điều trị khác nhau. Nếu chỉ dựa trên kết quả xét nghiệm không cho được những kiến thức đó. Người thầy thuốc phải biết đặt mình vào hoàn cảnh của người bệnh, thăm hỏi người bệnh, tận tụy với người bệnh thì mới tích lũy được kinh nghiệm, qua năm tháng mới giỏi được.

Còn một thực tế nữa là nghề thầy thuốc hiện nay kiếm tiền khá dễ, nhiều người trở nên giàu có - chắc chắn không phải từ đồng lương mà tích lũy được. Vậy, thu nhập ấy được lấy từ nguồn nào, nếu không phải là do người bệnh và người nhà họ “cảm ơn”, thưa ông?

- Tôi cho rằng, hành động cảm ơn của người bệnh đối với bác sĩ không có gì là xấu, là tiêu cực - khi người ta cảm nhận được giá trị cũng như chất lượng cuộc sống mà bác sĩ đã tận tình mang lại cho họ. Vấn đề là cách ứng xử của cả hai bên là như thế nào. Tôi tin rằng, không có một y bác sĩ nào dám đặt vấn đề “bồi dưỡng” đối với bệnh nhân hay gia đình họ - như một điều kiện để được khám chữa bệnh…

Người ta cho mình một đôi triệu rồi thì mình cũng tiêu hết đi, nhưng để có được cái danh, cái đức như các bậc tiền bối thì không có tiền nào mua được. Vì thế, điều quan trọng nhất vẫn là thái độ đối với công việc của người thầy thuốc. Ấn tượng, uy tín, tay nghề, đạo đức nghề nghiệp mới là điều mỗi thầy thuốc coi trọng… Tôi tâm niệm rằng “Sống để làm thầy thuốc, chứ không phải làm thầy thuốc để sống”.

Cũng phải nói thêm rằng, chế độ đãi ngộ đối với thầy thuốc và thầy giáo hiện nay là chưa tương xứng nên một bộ phận các đối tượng này phải tìm cách kiếm thêm ngoài tiền lương, không toàn tâm, toàn ý với nghề, thậm chí có thể nói là vì lợi ích cá nhân, chất thêm gánh nặng (chi phí) lên vai người bệnh - không làm đúng với lương tâm nghề nghiệp.

Vậy theo ông, có cơ chế nào để hạn chế tình trạng đó?

- Nhiều bệnh viện hiện nay đã thành lập khoa quản lý chất lượng. Cán bộ ở đó đi xuống các buồng bệnh, kiểm tra các đơn thuốc. Tôi cho rằng, ngoài việc hội chẩn về bệnh lý, cần có cả công đoạn hội chẩn về đơn thuốc. Bởi ngoài việc tránh tình trạng kê đơn thừa, gây thêm khó khăn cho gia đình bệnh nhân, việc hội chẩn đơn thuốc sẽ góp phần chữa bệnh hiệu quả hơn. Bởi cùng một bệnh, nhưng sự đáp ứng thuốc mỗi người bệnh lại không hoàn toàn giống nhau. Bên cạnh đó, bệnh viện cũng cần lựa chọn bác sĩ làm việc ở phòng khám phải có kinh nghiệm và đạo đức nghề nghiệp…

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Năm 2014, Thầy thuốc Ưu tú Phạm Quốc Cường báo cáo thành công đề tài khoa học cấp Bộ: “Đánh giá hiệu quả sử dụng quả lọc Highflux và Medium trong chạy thận nhân tạo chu kỳ, suy thận mạn tính”, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.

- Năm 2016, nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba; Bằng Lao động Sáng tạo của Tổng LĐLĐVN.

- Nhân Ngày thầy thuốc VN năm 2017, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân.

DIỄM ANH THỰC HIỆN
TIN LIÊN QUAN

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Hệ luỵ từ vụ Công đoàn ACB mua chui cổ phiếu bị xử phạt 3 tỉ đồng

Lan Hương |

Thông tin Công đoàn ngân hàng ACB mua chui cổ phiếu ACB đã thu hút sự quan tâm đặc biệt. Động thái trên đã ảnh hưởng đến sự minh bạch của thị trường chứng khoán Việt Nam trong bối cảnh niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán đang bị ảnh hưởng nặng nề.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.

Cận Tết, showroom xe ôtô cũ chấp nhận bán hòa, cắt lỗ để thu hồi vốn

LÂM ANH |

Cuối năm thường là mùa thu hoạch của thị trường xe ôtô cũ nhưng năm nay điều này đã không đến bởi việc ngân hàng siết cho vay, lãi suất cao đã khiến lượng khách hàng giảm đi đáng kể. Những ngày cuối cùng trước khi nghỉ Tết, chủ showroom chấp nhận bán hòa vốn hay thậm chí, bán cắt lỗ để thu hồi vốn trước Tết.

Xu hướng công khai tiền lương ở Mỹ: Ai sẽ được hưởng lợi?

Thanh Hà |

Luật thanh toán minh bạch ở Mỹ góp phần giảm chênh lệch tiền lương.

3 phim Việt ra rạp đúng mùng 1 Tết: Tác phẩm nào có khả năng thắng thế?

Chí Long |

3 phim điện ảnh Việt đồng loạt ra mắt đúng mùng 1 Tết Quý Mão 2023 là Chị chị em em 2, Siêu lừa gặp siêu lầyNhà bà Nữ.