Son Bá Mười - dự cảm về những mùa xuân kế tiếp

Ghi chép của Nguyễn Huy Minh |

Mùa xuân năm 2000, năm đầu tiên của thiên niên kỷ mới, tôi đặt chân đến Bá Thước xứ Thanh và được thầy giáo Tào Khắc Thắng cho biết về Son Bá Mười - một miền xứ sở hiểm trở gian khó nhất vùng, nơi cư dân sống biệt lập giữa mây trời đã mấy trăm năm. Bởi không có đường cơ giới đi lên, ngoại trừ một vài lối mòn cheo leo triền núi.

Sau đó không lâu, thầy Tào Khắc Thắng chuyển về công tác tại Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa. Thi thoảng gặp mẹ tôi thầy vẫn hỏi: Con trai chị đang mải mê phiêu bạt ở đâu mà ít thấy về?

Năm 2019, đi từ thiện ở miền Tây xứ Thanh, được biết đường lên Son Bá Mười đã mở, chúng tôi rủ nhau đi qua xem nơi ấy ra sao. Tiếng là đã có đường ôtô nhưng khúc khuỷu dốc thăm thẳm dốc, chúng tôi xuống khỏi chiếc xe 16 chỗ để bác tài yên tâm vần vô lăng, tới đỉnh dốc ngợp bóng rừng già mới lại lục tục trèo lên đi tiếp. Lá đào nối nhau biếc xanh bên ruộng bậc thang, bên cửa ngõ nhà sàn. Chợt nhớ thơ chị Trần Kim Hoa: “Bây giờ bên cửa sổ/ Mùa xuân đã đến tìm/ Anh có chờ ngoài ngõ/ Với hoa đào cho em”. Xe dập dềnh trên con đường quanh co qua thung lũng, bản mường miên man trôi, bụng bảo dạ xuân này nhất định phải quay lại Son Bá Mười để ngắm hoa đào non cao nở trong mây.

Trong cái lạnh cắt da, Ngân Mạnh Hùng - trưởng bản Mười - đốt rượu ngô đo nồng độ cồn trước khi mời khách ăn cơm tối.
Trong cái lạnh cắt da, Ngân Mạnh Hùng - trưởng bản Mười - đốt rượu ngô đo nồng độ cồn trước khi mời khách ăn cơm tối.

1. Bá Thước nằm ở phía tây bắc của Thanh Hóa. Gió mùa đông bắc khô lạnh thổi đầu đông và lạnh ẩm thổi cuối đông, mỗi năm có đến 15-16 đợt gió mùa đông bắc. Tháng 8-9, Bá Thước thường mưa to đến rất to, có lúc đo được tới 334mm, tạo nên một hệ thống sông ngòi dày đặc; địa hình chia cắt, địa chất không đồng nhất với 14 loại đất khác nhau. Dãy núi đá vôi đoạn qua Bá Thước từ cao nguyên Lũng Vân đến giáp núi Con Voi thuộc huyện Thạch Thành cao trên nghìn mét. Phần lớn địa hình lởm chởm, đỉnh nhọn, vách đứng, như một bức trường thành rất khó đi lại, chỉ vài lối hẻm ở bình độ thấp, trong lịch sử, đây là những con đường đi ra Thăng Long.

Dọc theo bờ bắc sông Mã là các dãy đá vôi đứt quãng muôn hình muôn vẻ như vách núi Phú Trọng, vách đá Làn Ai soi hình xuống nước tạo nên các hình ảnh đẹp như tranh thủy mặc. Dọc theo bờ nam sông Mã nổi lên những dãy núi đất đỉnh tròn, sườn thoai thoải và các dãy núi đá thấp viền dưới chân, nơi từ xưa đồng bào thường làm nương rẫy, làm trang trại. Tầng tầng lớp lớp đất đai sâu dày văn hóa. Từ bao đời nay, người Thái người Mường chọn đất canh tác, khai phá ruộng bậc thang, ruộng lầy thụt trong các thung lũng và bồn địa Bá Thước.

Người Mường nói: “Nơi trũng làm ruộng, nơi bằng làm nương, nơi sườn dốc làm nhà mà ở”. Người Thái nói: “Rẫy tốt dưới chân núi đá, nhà đẹp dưới chân bản”; lại có bài ca: “Con gái mường ta vừa đẹp vừa giòn, úp tay thành hoa, ngả tay thành nụ”. Hát dân ca, người Mường gọi là xường, người Thái gọi là khặp. Những truyện thần thoại kể về người khổng lồ thuở khai thiên lập địa như Ải Pu Té, Lung Quan Khà; các truyện cổ tích như “nàng ru võng” ở xã Văn Nho, “cây đèn bà chúa”, “ngai đá vua Xăm, chúa Xèo” ở Điền Hạ, “Nàng Chiêm Rôi” ở Cành Nàng; chuyện về các cô gái đẹp và người dưới thủy cung như “nàng Ú Nghia”, “Nong Ấm”, “Băng Panh”, “Mó Don”, “Mo Đòn” ở Vụng Chiếng. Các mẩu chuyện dã sử về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn; chuyện về quan Dôộc nuôi giấu hoàng tử Lê Duy Ninh, lớn lên làm vua gọi là Chù Chốm (Chúa Chổm), hé mở những phát hiện mới về lịch sử.

Bá Thước là quê hương hai truyện thơ nổi tiếng các dân tộc thiểu số Việt Nam: “Truyện nàng Ờm và chàng Bồng Hương” của người Mường mà dấu tích để lại là cây hoa bông trắng trên vách núi Làn Ai; truyện thơ “Khăm Panh” của người Thái mà dấu tích là mộ nàng Mứn ở Eo Điểu, xã Cổ Lũng. Thời kỳ Hùng Vương, người Mường nhắc nhớ cho con cháu đời sau bằng sử thi “Đẻ đất, đẻ nước” (còn gọi là Mo Trêu), kể về sự ra đời của các mường Thanh Hóa và Hòa Bình, trong đó có mường Ai, mường Ống - hai mường cổ trên đất Bá Thước. Cuộc hành trình của đoàn quân Lang Cun Cần (vị vua đầu tiên) đi chặt “Cây Chu đá, lá Chu đồng, bông thau, quả thiếc” trên núi Lai Li Lai Láng (dãy Pu Tên, nay thuộc xã Kỳ Tân và xã Thiết Kế) để mang về xây “Kinh Kỳ, Kẻ Chợ” đã được sử thi kể lại.

Người Mường có truyền thuyết rằng, thánh Tản Viên vốn là con rể của một người dân ở ven sông Vụng Ang, Vận Chiếng; hoa văn trống đồng bắt nguồn từ vằn lưng của con thuồng luồng ở một vụng sâu trên dòng sông Mã thuộc xã Thiết Ống ngày nay. Trong các mường nổi tiếng ở Bá Thước như Khô, Tiền, Khoòng, Lau, Ký đã tìm thấy trong lòng đất trống đồng Heger loại I-II. Trống đồng làng Cốc - mường Ống có kích thước, hoa văn gần giống với trống đồng Ngọc Lũ - trống đồng điển hình nhất nền văn hóa Đông Sơn. Đá đỏ đẹp không tì vết ở xã Điền Hạ đã được dùng làm cờ Tổ quốc và cờ Đảng trong lăng Hồ Chủ tịch.

Một góc Son Bá Mười.
Một góc Son Bá Mười.

2. Son Bá Mười (hay còn gọi là khu Cao Sơn) nằm ở phía tây bắc của Bá Thước, cách TP.Thanh Hóa khoảng 150km, cách Hà Nội qua lối đi tắt sang Tân Lạc, Hòa Bình khoảng 130km, thuộc vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, trên một hệ sinh thái núi đá vôi thấp duy nhất tại miền Bắc, độ cao trung bình 1.200m. Son Bá Mười được khai phá từ cách đây khoảng 400 năm, khởi đầu bởi 4 hộ dân sống biệt lập giữa đại ngàn hoang vắng. Chủ tịch huyện Bá Thước Nguyễn Văn Dũng nói với tôi, Son Bá Mười nằm giữa rừng nguyên sinh, nơi có voọc đầu trắng và những thân đại thụ 5-6 người ôm không xuể. “Rất thơ mộng”, ông nhận xét.

Vài năm trở lại đây, kể từ khi con đường giao thông tỉnh lộ 521B qua Son Bá Mười được mở, nhiều người đã đến và nhìn nhận xứ sở này là “bông hoa núi”, “vùng đất hoa đào nở 6 tháng mỗi năm”, “một vùng sơn cước bốn mùa mát xanh cây cối”, “bồng lai tiên cảnh”, “ốc đảo thiên đường nổi giữa lưng chừng trời”, “Sapa say ngủ trong lòng xứ Thanh”, “Đà Lạt thu nhỏ”, “thung lũng tu tiên”, “thung lũng trường thọ”. Nhiệt độ Son Bá Mười ôn hòa, trung bình trong năm từ 18-22 độ C, mùa hè cũng chỉ 28 độ C. Đã có những lúc trời lạnh tới mức, bông tuyết vương trên cây mơ cây mận, thực thực hư hư.

Cư dân Son Bá Mười.
Cư dân Son Bá Mười.

Đường mở, người bốn phương đến thăm thì cũng có người bắt đầu cất bước đi xa. Vi Thị Thao (SN 1993) đã đến tận Thủ đô Riyadh của Saudi Arabia để làm giúp việc từ 2015 - 2017. Bà chủ xưng là mama, gọi em là baby; ông chủ xưng là ana, gọi em là inti (tôi và bạn). “Họ coi em như con. Mỗi ngày họ lạy trời hai lần trước khi rời nhà và sau khi về nhà. Em quét nhà rửa bát hàng ngày, nhà họ rộng nên cũng vừa việc. Họ giầu lắm, em không biết tả thế nào”, bên khung cửa sổ nhà sàn thấp thoáng hoa đào và hoa hồng tầm xuân ở bản Mười, Thao kể.

Bùi Thị Định (SN 1982) nói với tôi về người ở đây: “Sống trong mây, chết trong mây”. Cô là vợ Ngân Mạnh Hùng - trưởng bản Mười. Nhà Hùng ở đây đã nhiều đời, mặt sàn ngôi nhà chúng tôi ngồi có độ cao chính xác 990m so với mực nước biển. Nghe các cụ kể lại, vùng này vốn là nơi ma thiêng nước độc, có cọp ăn người. Giữa núi đồi bạc trắng một màu sương, mọi sinh hoạt đều quanh bếp lửa, chia nhau chút hơi ấm chống lại đêm trường.

Bà Vi Thị Kiềng bên bếp lửa gia đình. Sinh năm 1915, nay bước sang tuổi 106, bà là người thọ nhất Son Bá Mười hiện nay.
Bà Vi Thị Kiềng bên bếp lửa gia đình. Sinh năm 1915, nay bước sang tuổi 106, bà là người thọ nhất Son Bá Mười hiện nay.

Vợ chồng Hùng - Định làm nương rẫy, mỗi năm thu nhập khoảng 50 triệu đồng. Hai người là bạn từ ấu thơ trong cùng một bản. Học hết cấp 1 ở trường lẻ gần nhà, cấp 2 cấp 3 Hùng mang theo ước mơ hoài bão xuống học nội trú dưới trường huyện. Đường rất khó, trâu ngựa cũng không đi nổi, phải bám vào đá vào cây trên vách núi cheo leo. 10km đường, người địa phương đi mất 2 tiếng rưỡi, dân dưới xuôi thì phải cả nửa ngày trời oằn người vượt dốc. 10 năm về trước, thi thoảng mới thấy có một người miền xuôi buôn lông gà lông vịt đổi nồi gang vượt vách núi lên đây, chứ chẳng có ai lên lõi rừng Pù Luông này để làm gì cả. Trước có 2 y tá người vùng cao chuyên làm sơ cứu nhưng nhiều người chết vì đường xá xa xôi, đi thì không có xe, mà cũng không biết chết vì bệnh gì, vì không chẩn đoán được. Chỉ có vài thầy giáo người Kinh cõng chữ lên non, cùng ở nhà dân, ăn củ mài, ăn sắn gác bếp trong cái đói cái lạnh.

Đêm đêm, yên tĩnh bao trùm, cả vùng không tiếng động. Đêm đặc sánh, chỉ nơi này nơi kia le lói chút đèn dầu. Năm 2008, có thầy giáo bản mang xe máy lên, còn phải nhờ dân vác qua vách núi. Cách Thủy điện Hòa Bình có sáu chục cây số, đến năm 2020 rồi mà vẫn chưa có điện. Son Bá Mười có cả thảy 190 hộ, 800 nhân khẩu, mọi người đều biết nhau. Các đoàn khảo sát thường ghé qua nhà trưởng bản nên Ngân Hùng biết, vùng mình ở chưa bị tác động nhiều bởi con người, khí hậu trong lành, lạnh hơn vùng khác.

3. Giờ cần làm gì với vùng đất nguyên sơ ấy?

Trịnh Văn Dũng - Chủ tịch xã Lũng Cao - nói với tôi rằng, ở Son Bá Mười mọi thứ đều còn nguyên bản, từ nhà sàn tới đường đi. Susu bản địa hết mùa tự lụi đến mùa tự mọc, cải hết mùa tự rơi hạt đến mùa tự lên. Trước Dũng là “thầy giáo cắm bản” trọn mười 10 năm trên Son Bá Mười, nên không còn ngôi nhà nào nơi đây anh chưa từng ghé chân qua. Bà con có tính cộng đồng rất cao, tất cả hoạt động, từ chung đến riêng, từ sinh đến tử, việc gì mỗi nhà cũng đóng góp ít nhất một người. Tính công bằng cũng rất cao, có việc họp hành mà nhà nào vắng mặt là đem tiền đến nộp để làm quỹ chung. Đã có nhiều người phương xa tới tính chuyện trồng hoa lan, trồng dược liệu, trồng rau sạch ở Son Bá Mười.

Đã có nhiều doanh nghiệp tìm tới để tính chuyện làm ăn ở đây, nhưng việc đầu tiên là tìm mua đất! Doanh nghiệp vào, Chủ tịch xã thường đặt ba câu hỏi: Dự kiến đầu tư theo hướng nào; Sẽ lấy bao nhiêu đất; Bà con sẽ cùng làm và hưởng lợi ra sao? Anh muốn hướng tới việc làm rau an toàn trái vụ, homestay dù bà con còn rụt rè khi tiếp xúc với người lạ, và trồng đào bản địa để phát huy những tiềm năng, lợi thế mà thiên nhiên đã ban tặng cho mảnh đất này.

Ngân Văn Đức - Trưởng bản Son - giới thiệu cây thuốc quý “Thất diệp nhất chi hoa” (cây bảy lá một hoa) mà anh trồng ở sân nhà. Đây là loài đã được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam (1996) với cấp đánh giá “hiếm” (Bậc R).
Ngân Văn Đức - Trưởng bản Son - giới thiệu cây thuốc quý “Thất diệp nhất chi hoa” (cây bảy lá một hoa) mà anh trồng ở sân nhà. Đây là loài đã được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam (1996) với cấp đánh giá “hiếm” (Bậc R).

Cây đào Son Bá Mười lạ lắm. “Hoa đào nở rực mùa đông/ Không tin anh thử lên Son mà tìm” – một nhà thơ từng viết. Cây con tự mọc đầy quanh các nhà sàn, trồng rất dễ, nhét xuống đất là sống, nửa năm đã cao nửa mét, một năm là ngang đầu người, 2 năm cao vượt đầu người, 3 năm đơm hoa kết trái. Hoa to, đẫm ánh hồng, 4 tháng trước tết đã nở, rồi bói quả, đến tết lại bừng nở thêm lần nữa. Thành ra cành đào đem về xuôi vừa có lá - hoa - nụ - quả, dân các vùng đều ưa chuộng. Chủ tịch Dũng dự tính sẽ quy hoạch hẳn một thung lũng đào ở Son Bá Mười, trồng đào thưa xen với trồng ngô để “lấy ngắn nuôi dài”. Vừa trồng lương thực vừa trồng đào, làm cỏ cho ngô cũng là làm cỏ cho đào. Ruộng bậc thang nên đưa máy móc vào hơi khó, mọi thứ đều dùng sức người là chính.

Son Bá Mười từng đói nghèo đến mức bà con ăn rau rừng, ốc đá thay cơm, lầm lũi sống hết đời này sang đời khác. Những năm trước đây, tỉ lệ hộ đói nghèo gần như tuyệt đối, là địa danh khó khăn nhất của Bá Thước. Nhưng tôi tin đó sẽ mãi là câu chuyện thuộc về quá khứ. Những mùa xuân kế tiếp, Son Bá Mười rồi sẽ ngập tràn sắc hoa đào bản địa. Hẳn rằng đây là một dự cảm tốt lành.

Ghi chép của Nguyễn Huy Minh
TIN LIÊN QUAN

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Hệ luỵ từ vụ Công đoàn ACB mua chui cổ phiếu bị xử phạt 3 tỉ đồng

Lan Hương |

Thông tin Công đoàn ngân hàng ACB mua chui cổ phiếu ACB đã thu hút sự quan tâm đặc biệt. Động thái trên đã ảnh hưởng đến sự minh bạch của thị trường chứng khoán Việt Nam trong bối cảnh niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán đang bị ảnh hưởng nặng nề.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.

Cận Tết, showroom xe ôtô cũ chấp nhận bán hòa, cắt lỗ để thu hồi vốn

LÂM ANH |

Cuối năm thường là mùa thu hoạch của thị trường xe ôtô cũ nhưng năm nay điều này đã không đến bởi việc ngân hàng siết cho vay, lãi suất cao đã khiến lượng khách hàng giảm đi đáng kể. Những ngày cuối cùng trước khi nghỉ Tết, chủ showroom chấp nhận bán hòa vốn hay thậm chí, bán cắt lỗ để thu hồi vốn trước Tết.

Xu hướng công khai tiền lương ở Mỹ: Ai sẽ được hưởng lợi?

Thanh Hà |

Luật thanh toán minh bạch ở Mỹ góp phần giảm chênh lệch tiền lương.