Siêu máy bay A380 - giấc mơ tan vỡ

Huyền Anh |

Airbus A380 - cỗ máy khổng lồ kỳ diệu chưa bao giờ thực sự "cất cánh". Mặc dù sở hữu những công nghệ tiên tiến nhất, song dự án trị giá 25 tỉ USD của Hãng sản xuất máy bay Airbus đã thất bại ngay từ đầu!

Siêu máy bay

Không có cảm giác nào giống như khi bạn nhìn thấy một chiếc máy bay Airbus A380 lần đầu tiên. Nó cực lớn, là chiếc máy bay chở khách lớn nhất từng được chế tạo, với sải cánh rộng đến mức gần như chiếm hết chiều dài của một sân bóng đá. Sức chứa của nó có thể tới hơn 800 người, nếu tất cả số ghế đều là hạng phổ thông.

Trải nghiệm trên chuyến bay đặc biệt thoải mái. Thêm một điểm cộng là nó có thể bay liên tục 16 tiếng và đưa bạn đi đúng nửa vòng trái đất. Khoang (cabin) cung cấp nhiều không gian và tiện nghi sang trọng, khiến hành khách và phi hành đoàn đều yêu thích. Các hãng hàng không ban đầu còn hứng thú với nó nhiều hơn. Do đó, Airbus hy vọng sẽ bán được tới 750 chiếc. Song, thay vào đó, tập đoàn này dự kiến sẽ dừng sản xuất vào năm 2021 sau khi hơn 250 chiếc Airbus A380 sẽ ngừng hoạt động tại Toulouse, miền nam nước Pháp. Nhiều chiếc máy bay này đã hoạt động được 13 năm.

Với giá niêm yết khoảng 450 triệu USD/chiếc, A380 là một chiếc máy bay chở khách tuyệt vời với những kỹ thuật, công nghệ tiên tiến nhất. Song đáng tiếc, nó được ra đời lúc thời kỳ hoàng kim của hàng không đã qua. Thời gian hoạt động của các siêu máy bay có thể còn bị rút ngắn hơn nữa do sự tàn phá của đại dịch COVID-19 đối với ngành hàng không.

Gió đổi chiều

A380 được tạo ra với mục tiêu đánh đổ sự thống trị của Boeing từ thập niên 1970 với chiếc máy bay 747 - biệt danh "Jumbo Jet" hay nữ hoàng bầu trời. Song trong một thời gian ngắn, hai hãng chế tạo máy bay Airbus và Boeing đã cân nhắc nhanh về một điều không thể tưởng tượng được: Cùng nhau chế tạo ra một siêu máy bay mới.

Năm 1993, Boeing và một số công ty trong tập đoàn Airbus bắt đầu nghiên cứu và phát triển chung một mẫu siêu máy bay chở khách cỡ lớn nhằm mục tiêu hình thành một quan hệ đối tác để chia sẻ thị trường hạn chế. Nhưng nghiên cứu chung bị hủy bỏ 2 năm sau đó khi mối quan tâm của Boeing giảm sút bởi các chuyên gia nhận định rằng, một sản phẩm lớn như vậy sẽ vượt quá mức chi phí phát triển dự tính là 15 tỉ USD.

"Trong những năm 1990, chúng tôi chỉ chiếm 20% thị phần máy bay và không có mặt trong phân lúc máy bay cỡ lớn. Chúng tôi muốn hợp tác với Boeing vì nghĩ rằng, không nên cạnh tranh trong phân khúc đó. Nhưng sau một thời gian, chúng tôi hiểu rằng, Boeing chưa sẵn sàng có loại máy bay kế nhiệm 747. Do đó, năm 1996, chúng tôi quyết định tự mình sản xuất" - Robert Lafontan, cựu Kỹ sư trưởng của dự án A380 tại Airbus, cho biết.

Đến năm 2000, Airbus nhìn thấy trước nhu cầu về 1.200 máy bay chở khách khổng lồ vào hai thập kỷ tới, nên đã lên kế hoạch "đánh chiếm" một nửa thị trường này. Còn Boeing ước tính chỉ 1/3 con số đó, vì vậy, hãng này quyết định đầu tư chế tạo một biến thể mới của 747 hơn là sản xuất ra một chiếc máy bay hoàn toàn mới.

Airbus thì vẫn ép mình vào dự án này. Dự án, được biết đến với tên A3XX, sau đó được đổi thành A380, thu hút được 50 đơn đặt hàng ban đầu đáng khích lệ từ 6 hãng hàng không. "Boeing đã kiếm bộn tiền với 747 và Airbus muốn có thể sải cánh trên các hành trình giống như 747, ví như từ London tới Singapore mà không có bất cứ hạn chế nào. Mục tiêu của chúng tôi là cung cấp một chiếc siêu máy bay tiết kiệm được từ 20-25% kinh phí cho các hãng hàng không" - ông Lafontan nói.

Airbus lập lập rằng, chiếc siêu máy bay này có thể chuyên chở nhiều hành khách hơn ra khỏi các sân bay lớn vốn luôn tắc nghẽn, mà không làm gia tăng số lượng các chuyến bay.

Nhưng... gió đã đổi chiều. Thay vì mua những chiếc máy bay lớn hơn để chuyên chở được nhiều hành khách, các hãng hàng không chọn cách mua nhiều máy bay nhỏ hơn để kết nối đến các sân bay nhỏ vốn không bao giờ bị tắc nghẽn.

Kẻ khổng lồ hiền lành

Máy bay A380 lần đầu được công bố ra mắt tại Toulouse (Pháp) vào đầu năm 2005 và cất cánh lần đầu tiên vào ngày 27.4.2005. Kỹ sư trưởng Robert Lafontan cũng từng là phi công lái thử nghiệm A380 trong thời gian đó.

Airbus A380 là chiếc máy bay chở khách thân rộng hai tầng, bốn động cơ, hai lối đi đầu tiên trên thế giới và lớn nhất tính đến thời điểm hiện tại. Bốn động cơ đặc biệt nằm ở các cánh máy bay do cả Rolls-Royce ở Anh và Engine Alliance ở Mỹ sản xuất. Động cơ phản lực với lực đẩy 240.000 pound có khả năng nâng trọng lượng cất cánh tối đa của máy bay là 650 tấn và đạt được cao độ trong 15 phút. A380 có tầm bay xa gần 15.000km, đủ để bay không nghỉ từ Dallas đến Sydney, với tốc độ bay ổn định vào khoảng 900km/h.

Vì động cơ chiếm một tỉ lệ đáng kể trong tổng chi phí máy bay nên bị đội giá. So với máy bay hai động cơ, thì chúng cũng cần mức độ bảo dưỡng gấp đôi, sử dụng nhiều nhiên liệu hơn, đồng nghĩa thải ra nhiều khí carbon hơn. Về mặt công nghệ, động cơ của A380 vượt mặt cả hiệu quả và công nghệ của Boeing 787 mà vài năm sau hãng Boeing mới công bố.

Mục tiêu tạo sự thoải mái

Chiếc siêu máy bay này có một số công nghệ mới về kết cấu khung và hệ thống điện tử, song cũng đã xem xét đặc biệt về cabin nhằm làm giảm mệt mỏi cho hành khách, tăng "chất lượng sống" trên máy bay như giảm tiếng ồn, ánh sáng xung quanh... Những điều này đã trở thành tiêu chuẩn trên các máy bay mới hơn.

Theo ông Lafontan, sự thoải mái là một trong những tiêu chí thiết kế ngay từ ngày đầu tiên. Thậm chí, Airbus còn chế tạo ra một cabin giả lập và gửi nó đi khắp thế giới để khảo sát, lấy ý kiến nhằm có một thiết kế nội thất hoàn hảo, vừa ý khách hàng nhất. "Tôi cao 1m77. Với Boeing 737 hay A320, tôi không thể đứng thẳng, bên chiếc ghế cạnh cửa sổ. Nhưng với A380, các bức tường cabin gần như thẳng đứng nên ở khoang chính, bạn có thể đứng bên cửa sổ" - Graham Simons, một nhà sử học hàng không và tác giả của cuốn sách "Airbus A380: A history", nói.

Cabin cũng có những dịch vụ đáp ứng nhu cầu cao và các dịch vụ xa hoa, chẳng hạn như khoang tắm có vòi hoa sen đối với hành khách hạng thương gia. Chiếc máy bay này mang đến sự thoải mái không thể chối cãi. Nico Buchholz quyết định đã mua 14 chiếc A380 cho hãng hàng không Đức này. "Đối với hành khách cũng như phi hành đoàn, đó là một chiếc máy bay tuyệt vời vì nó yên tĩnh và dễ chịu, nằm ở yếu tố không khí. Tiếng ồn trong cabin thấp, áp suất và độ ẩm cũng ở mức độ tuyệt vời mà khó có thể thấy được trong các loại máy bay trước đây" - ông cho biết. "Tuy nhiên, về mặt kinh tế, khi giá nhiên liệu bắt đầu tăng và các động cơ hoạt động hiệu quả hơn bắt đầu xuất hiện từ năm 2005 trở đi, thì nó bắt đầu đi sai hướng" - Nico Buchholz nói.

Trì hoãn và hủy bỏ

Vào thời điểm chiếc A380 đầu tiên được giao cho khách hàng - hãng Singapore Airlines - vào ngày 25.10.2007, nó đã đi theo con đường thực sự là tụt hậu. Hàng không thương mại đã thay đổi và các máy bay được thiết kế cho việc di chuyển từ sân bay này đến sân bay khác hiệu quả hơn, ví như Boeing 787 và A350 của chính Airbus. Ngay khi được công bố, hai dòng máy bay này đã nhận được hàng trăm đơn đặt hàng.

Dự án A380 cũng bị chậm trễ, dẫn đến một số khách hủy đơn đặt hàng. Chưa kể Boeing 777-300ER, biến thể thành công nhất của Boeing 777, cho phép các hãng hàng không đạt lợi nhuận cao hơn khi phạm vi hoạt động như A380 mà công suất lại nhỏ hơn. "Boeing 777-300ER bắt đầu tiêu diệt máy bay bốn động cơ, cho dù đó là của hãng Boeing hay Airbus" - ông Buchholz tuyên bố.

Thất bại!

Sự sống còn của A380 gắn liền với Hãng hàng không Emirates khi hãng này mua gần một nửa số lượng A380. Việc sản xuất A380 có thể dừng lại sớm hơn nếu hãng hàng không có trụ sở tại Dubai (Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất) không đặt mua thêm 30 chiếc A380 vào năm 2018. Nhưng ngay cả khi Emirates không cắt giảm đơn đặt hàng A380 từ 53 chiếc xuống còn 14 chiếc vào đầu năm 2019 và thay vào đó chọn mua A350, thì Airbus cũng không có lựa chọn nào khác ngoài việc ngừng sản xuất vì nó đang lỗ trên mỗi chiếc máy bay.

Vậy là, dự án trị giá 25 tỉ USD của Airbus đã thất bại. Tại thị trường hàng không quan trọng nhất thế giới - Mỹ, Airbus không bán được một chiếc nào! Và Airbus đã thừa nhận sai lầm của mình với dự án A380.

"Đã có suy đoán rằng chúng tôi đi trước 10 năm. Song tôi nghĩ, rõ ràng chúng tôi đi trễ 10 năm" - Tom Enders, cựu CEO của Airbus, nói vào năm 2019 khi ông tuyên bố việc dừng sản xuất A380 vào năm 2021. Ông cũng từ chức ngay sau đó.

Những chiếc A380 đã hoạt động thì vẫn sẽ bay trên bầu trời cho đến những năm 2040. Nhìn vào ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 tác động nặng nề đến ngành công nghiệp hàng không, có thể thấy A380 bị giáng đòn nặng nề nhất.

Huyền Anh
TIN LIÊN QUAN

Hãng hàng không lớn nhất Mỹ Latinh đệ đơn xin phá sản vì đại dịch COVID-19

Phương Linh |

Hãng hàng không lớn nhất Châu Mỹ Latinh LATAM đã nộp đơn xin phá sản ở Mỹ vào ngày 26.5.

Tin tặc tấn công, một hãng hàng không Anh lộ thông tin 9 triệu khách hàng

Bảo Châu |

EasyJet ngày 19.5 công bố đã phải chịu một cuộc tấn công mạng lớn từ một nguồn rất tinh vi trên mạng.

Thái Lan cứu hãng hàng không quốc gia Thai Airways khỏi phá sản

Ngọc Vân |

Chính phủ Thái Lan đồng ý với kế hoạch tái cấu trúc Thai Airways để cứu hãng hàng không quốc gia khỏi phá sản.

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.

Vì sao gốc đào Nhật Tân được chào bán với giá 200 triệu đồng?

Quỳnh Trang |

Sáng 17.1, dọc đại lộ Lê-Nin, thành phố Vinh (Nghệ An) tấp nập cảnh mua - bán hoa, cây cảnh phục vụ Tết Nguyên đán. Trong đó, thu hút nhiều người xem nhất là gian trưng bày gốc đào Nhật Tân của anh Đặng Văn Cường (36 tuổi, trú TP Vinh) bởi nơi đây trưng bày gốc cổ thụ độc đáo với thế "rồng bay".

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Khởi tố Giám đốc Trung tâm đăng kiểm duy nhất ở Hòa Bình

PV |

Hoà Bình - Cơ quan công an vừa khởi tố các bị can liên quan đến vụ án “Nhận hối lộ” xảy ra tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 28-01S thuộc Sở Giao thông vận tải Hòa Bình.

Hãng hàng không lớn nhất Mỹ Latinh đệ đơn xin phá sản vì đại dịch COVID-19

Phương Linh |

Hãng hàng không lớn nhất Châu Mỹ Latinh LATAM đã nộp đơn xin phá sản ở Mỹ vào ngày 26.5.

Tin tặc tấn công, một hãng hàng không Anh lộ thông tin 9 triệu khách hàng

Bảo Châu |

EasyJet ngày 19.5 công bố đã phải chịu một cuộc tấn công mạng lớn từ một nguồn rất tinh vi trên mạng.

Thái Lan cứu hãng hàng không quốc gia Thai Airways khỏi phá sản

Ngọc Vân |

Chính phủ Thái Lan đồng ý với kế hoạch tái cấu trúc Thai Airways để cứu hãng hàng không quốc gia khỏi phá sản.