Rộn ràng chạp mả ở quê

ĐINH XUÂN TRƯỜNG |

Từ xa xưa, cứ vào ngày cuối tháng 11, đầu tháng 12 âm lịch (tùy xã), người dân huyện Quảng Trạch và thị xã Ba Đồn (tỉnh Quảng Bình) lại tiến hành chạp mả (tảo mộ). Dịp này, con cháu đi làm ăn, sinh sống ở xa (gồm cả dâu, rể) lại ùn ùn kéo nhau về cùng người nhà, bà con họ hàng dâng lễ thắp hương, sửa sang, làm sạch đẹp mồ mả tổ tiên, ông bà, người thân, khấn mời tổ tiên, ông bà... chuẩn bị về ăn Tết.

Có thể không về Tết, nhưng nhất định về chạp mả

Người dân xã Quảng Sơn (thị xã Ba Đồn) cũng như người dân các phường, xã trong vùng cho biết, việc chạp mả rất quan trọng và ý nghĩa. Con cháu đi làm ăn xa có thể không về Tết, nhưng ít ai chịu vắng mặt ở quê trong ngày chạp mả. Ngày Tết thường thắp hương cúng ông bà, người thân trong gia đình đã khuất, đi chúc Tết bà con họ hàng, chòm xóm (chủ yếu là việc cá nhân, việc gia đình). Còn chạp mả (ngoài chạp mả những người trong gia đình đã khuất còn có chạp mả họ mang tính dòng tộc, cội nguồn rõ nét và rộng lớn hơn nên con cháu dòng họ nào cũng đều muốn tham gia). Đúng như câu ca dao: “Con người có tổ có tông. Như cây có cội, như sông có nguồn”.

Hầu hết người dân các xã thuộc thị xã Ba Đồn tiến hành chạp mả họ và chạp mả gia đình trong một ngày đã được ấn định từ xưa, như: Người dân xã Quảng Hòa tổ chức chạp mả vào ngày 1.12 âm lịch, người dân xã Quảng Lộc tiến hành chạp sau đó một ngày... Tuy nhiên, cá biệt như ở xã Quảng Sơn, việc chạp mả từ xưa được người dân tổ chức vào hai ngày: Ngày 30.11 âm lịch dành chạp mả họ (con cháu các dòng họ Trần Đình, Trần Ngọc, Mai, Phan, Đinh... theo dòng họ mình đi viếng mộ tổ tiên, dâng lễ xôi, gà, giò, rượu, hoa quả, trầu cau, thuốc, nước... ở nhà thờ họ); ngày 1.12 âm lịch (tháng chạp), các gia đình chạp tại nhà mình (chủ nhà có thể mời bà con họ hàng, những người láng giềng, những người từ xa về ăn uống, trò chuyện vui vẻ). Ngày chạp mả ở xã Quảng Sơn và các xã trong vùng từ xưa đến nay vẫn luôn rộn ràng như ngày hội. Nhà nào cũng đón hết lượt khách này đến lượt khách khác, có khi gần cả chục người vào một lúc, xe máy để chật sân. Mâm bát, rượu bia cứ thế thêm khách, nhưng ít ai say vì mọi người chỉ uống cầm chừng để còn tranh thủ đi thăm các gia đình khác trong dòng họ, thăm bạn bè, người ốm...

Con cháu về quê cùng bà con họ hàng dự chạp mả dòng họ. Ảnh: Đinh Xuân Trường
Con cháu về quê cùng bà con họ hàng dự chạp mả dòng họ. Ảnh: Đinh Xuân Trường

Hồi còn nhỏ, khi mà bữa cơm hằng ngày của các gia đình trong vùng độn đầy khoai sắn, củ chuối luộc... thì cứ mỗi khi gần đến ngày chạp mả là lũ trẻ con lại mong ngóng, vui sướng vì biết sắp được ăn ngon. Bây giờ khi cuộc sống đã no đủ, ngày chạp mả lại trở thành ngày vui theo kiểu mới của chúng, đó là dịp để tụm lại chọc ghẹo nhau, nghe nhạc, xem phim, chơi các trò chơi trên điện thoại di động.

Không khí ngày chạp mả trong vùng thật vui vẻ và ấm cúng. Con cháu thành kính hướng về tổ tiên, ông bà, mọi người ở quê, sống xa quê có dịp gặp nhau thăm hỏi, chuyện trò rôm rả. Đặc biệt, trong dịp này, dân làng và con cháu ở xa quê về đều không quên đến Miếu Thành hoàng làng, đình làng để thắp hương, cầu nguyện các ngài linh thiêng phù hộ, che chở cho bản thân và gia đình luôn được bình yên, làm ăn phát đạt, học hành tấn tới.

Những câu chuyện độc đáo về chạp mả

Xung quanh việc chạp mả có rất nhiều câu chuyện hấp dẫn, li kỳ gắn với các truyền thuyết xa xưa. Theo người dân trong vùng kể lại, cứ vào ngày 15 tháng Chạp hằng năm, người dân làng Phù Lưu, xã Quảng Lưu (huyện Quảng Trạch) lại tảo mộ, dâng lễ và đốt vải vóc bằng lụa do người dân dệt ra để ghi nhớ công ơn của Thành hoàng làng là bà Nguyễn Thị Quý Ba, người đến từ tỉnh Hà Nam. Chuyện kể rằng, vào lúc quân Nguyên Mông xâm lược nước ta, nghe lời vua Trần, bà vào trấn ở phía nam Hoành Sơn. Tại bắc sông Gianh, bà đã khai phá mở mang làng mạc và nghề trồng dâu nuôi tằm, được người dân tôn là Chủ quản của một vùng dân cư rộng lớn. Sau khi bà mất vào ngày 15 tháng Chạp năm 1336, ghi nhận công lao của bà, Vua Trần Hiển Tông đã phong cho bà là Tiên Sơn Khai khẩn Nguyễn Thị Quý Ba Hộ Củng Sinh Nhi Công Phù Hiển Hách, Dực Bảo Trung Hưng, Trung Đẳng thần.

Không chỉ hấp dẫn bởi câu chuyện về nữ Thành hoàng khai canh duy nhất của nước Nam Nguyễn Thị Quý Ba, cách đó không xa, ở làng Lũ Phong, xã Quảng Phong còn có chuyện tảo mộ cho chữ. Với tinh thần hiếu học, người làng Lũ Phong đã thờ chữ trong đình làng. Họ lập 5 chữ Thần, Dân, Văn, Võ, Lễ làm các mồ mả tượng trưng để bồi đắp hàng năm nhằm thể hiện sự trọng chữ. Theo quan niệm của người dân nơi đây, mộ Thần sẽ được thần phù hộ, mộ Dân sẽ được dân hỗ trợ, mộ Văn để hiểu dân, mộ Võ để giữ làng, giữ đất, bảo vệ dân, mộ Lễ để không quên gốc mình từ dân. Đúng là trên thần phù hộ, dưới dân là gốc vững bền, nhắc nhở cán bộ các cấp chính quyền thôn, xã phải hiểu dân, biết bảo vệ dân, người cán bộ không được quên gốc mình từ dân.

Ở thị xã Ba Đồn và huyện Quảng Trạch, hằng năm, cứ vào tháng Chạp, ngay trước Tết Nguyên đán là người dân các xã lại tiến hành chạp mả. Trong thời gian này, ngày này nối tiếp ngày kia, xã này tiếp theo xã khác, các nghĩa trang, khu mộ, nhà thờ họ, đình làng... lại nghi ngút khói hương, người xe đi lại rộn rả khắp cả vùng. Trước khi tiến hành chạp mả, những người con quê hương sống và làm việc ở xa như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh hay những tỉnh, thành khác lại í ới hẹn nhau về quê bằng máy bay, ô tô, tàu hỏa. Có những chuyến ô tô tuyến Hà Nội - Quảng Bình, TP.Hồ Chí Minh - Quảng Bình, Đà Nẵng - Quảng Bình... đầy những hành khách về thị xã Ba Đồn và huyện Quảng Trạch. Những người con quê hương lâu ngày lại có dịp gặp nhau, tay bắt mặt mừng, được vui với niềm vui trở về cội nguồn, được có những ngày sống ấm áp giữa miền đất tuổi thơ chất chứa kỷ niệm đẹp đẽ không thể nào quên.

ĐINH XUÂN TRƯỜNG
TIN LIÊN QUAN

TPHCM: Chợ dân sinh tấp nập người sắm đồ cúng Tết Đoan Ngọ

Ngọc Lê |

Sáng ngày 25.6 (tức mùng 5.5 Âm lịch), các khu chợ dân sinh trên địa bàn TPHCM từ sớm đã tập nập người dân đi mua sắm chuẩn bị đồ cúng cho ngày Tết Đoan Ngọ.

Cách chuẩn bị mâm cúng Tết Đoan Ngọ đầy đủ và chi tiết nhất

Hải Ngọc |

Ngày Tết Đoan Ngọ là một tục lệ cổ truyền, không bắt buộc mỗi gia đình phải sắm sửa, cúng bái linh đình mà tùy từng điều kiện gia đình.

Dự báo thời tiết đêm giao thừa Tết Nguyên đán Quý Mão 2023

AN AN - MINH HÀ |

Cơ quan khí tượng nhận định ít có khả năng xuất hiện thời tiết cực đoan trong đêm giao thừa Tết Nguyên đán 2023.

Vì sao Đại học quốc gia Hà Nội giới hạn thi đánh giá năng lực 2 lần?

Linh Chi - Dương Anh |

Từ năm 2023, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) sẽ giới hạn mỗi thí sinh chỉ được đăng ký thi đánh giá năng lực tối đa 2 lần. Điều này được GS.TS Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm khảo thí ĐHQGHN lý giải là do muốn tạo công bằng cho các thí sinh.

Khán giả Việt Nam tiếc nuối chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo

Chi Trần |

Người hâm mộ Việt Nam tiếc nuối khi phải nói lời chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo sau hơn 5 năm gắn bó.

Tranh luận trả lương tháng 13 và thưởng Tết nguyên đán

TUỆ NHI |

Dù đã 26 tháng Chạp nhưng nhiều người vẫn chưa được nhận lương tháng thứ 13 hay tiền thưởng Tết và đùa rằng với họ niềm vui xuân vẫn chưa về.

Độc đáo hoa mai đỏ giá mềm, hút khách chơi Tết Nguyên đán

Việt Anh - Linh Trang |

Dịp Tết Nguyên Đán năm nay, cây mai đỏ xuất hiện nhiều tại các chợ hoa Hà Nội. Với mức giá khá mềm, thế cây nhỏ độc lạ, mai đỏ trở thành lựa chọn của nhiều người chơi cây cảnh Tết.

Chênh lệch sốc giữa tài sản 1% người giàu nhất thế giới và 99% còn lại

Song Minh |

1% người giàu nhất thế giới đã trở nên giàu có hơn rất nhiều, nhanh hơn rất nhiều so với 99% phần còn lại của thế giới.

TPHCM: Chợ dân sinh tấp nập người sắm đồ cúng Tết Đoan Ngọ

Ngọc Lê |

Sáng ngày 25.6 (tức mùng 5.5 Âm lịch), các khu chợ dân sinh trên địa bàn TPHCM từ sớm đã tập nập người dân đi mua sắm chuẩn bị đồ cúng cho ngày Tết Đoan Ngọ.

Cách chuẩn bị mâm cúng Tết Đoan Ngọ đầy đủ và chi tiết nhất

Hải Ngọc |

Ngày Tết Đoan Ngọ là một tục lệ cổ truyền, không bắt buộc mỗi gia đình phải sắm sửa, cúng bái linh đình mà tùy từng điều kiện gia đình.