Quy Nhơn biển biếc

GHI CHÉP CỦA PHAN THẾ CẢI |

Quy Nhơn (tỉnh Bình Đình) có vẻ đẹp hiếm thấy để níu lòng du khách, đấy là thành phố nằm sát bên bờ biển. Khi nắng càng đượm, biển lại càng xanh. Màu xanh bất tận ấy đâu chỉ dành riêng cảm xúc cho người nghệ sĩ, nó là màu xanh bất diệt nuôi trong lòng biển một nguồn hải sản vô tận. Càng nhìn ra biển rộng những con thuyền càng lướt sóng khơi xa.

Bức tranh tráng lệ

Trên con đường đến thành phố Quy Nhơn, bỗng dưng những câu thơ của nhà thơ Xuân Diệu như ngọn gió rong ruổi trong hồn tôi: "Cha đàng ngoài, má ở đàng trong/ Ông đồ nho lấy cô làm nước mắm" nhưng chính nhờ giọt nước mắm Vạn Gò Bồi ấy và tấm lòng bao dung nhân hậu của người mẹ ấy, đã nuôi lớn tâm hồn thi sĩ đa tình, đa cảm, tài hoa. Bài thơ "Biển" nổi tiếng của ông có những câu thơ tung tẩy như sóng, như gió: "Anh không xứng là biển xanh/ Nhưng cũng xin làm bể biếc/ Để hát mãi bên gành/ Một tình chung không kết/ Để những khi bọt tung trắng xóa/ Lại trở về bay tỏa muôn nơi/ Như hôn mãi ngàn năm không thỏa/ Bởi yêu bờ lắm lắm em ơi".

Cầu Thị Nại nối thành phố Quy Nhơn với đảo Phương Mai.

Ảnh: Phan Thế Cải. 

Tôi vẫn nhiều lúc tự vấn mình, nếu không có biển Quy Nhơn nhà thơ Xuân Diệu có những câu thơ đẹp như thế không? Bây giờ tôi có dịp được thả bộ trên con đường mang tên ông và bao quát nhìn biển đẹp rỡ ràng, tận hưởng gió Quy Nhơn mát rượi trong cao điểm mùa hạ. Quy Nhơn uốn hình cánh cung với độ dài hơn 5km, biển cũng uốn bờ mi cong theo dải đất hướng Nam từ Mũi Tấn đến Ghềnh Ráng. Chiều nay tôi vẫn nghe biển hát, tiếng hát của biển hòa với tiếng hát của những rừng dừa sóng đôi tít tắp, thức dậy một Quy Nhơn: Dừa xanh, trời xanh và biển xanh. Bờ biển trải cát vàng thoải thoải, trong nắng vàng đã dịu, nô nức người tắm biển. Họ là những du khách nước ngoài, du khách trong nước, các chàng trai tinh tú, các cô gái kiều diễm của Quy Nhơn. Những chiếc phao bơi hồng, trắng, xanh cùng với đa sắc về trang phục quần áo tắm, càng điểm xuyết thêm những gam màu huyền thoại.

Anh Nguyễn Quốc Cương, một cán bộ giảng dạy của Trường Đại học Quy Nhơn chở tôi một lượt để làm giàu thêm đôi mắt và bồi bổ thêm sức sống khỏe khoắn thành phố. Hơn 10 năm rồi, tôi quay trở lại Quy Nhơn thấy thay đổi nhiều quá. Đặt bàn chân mình trên chiếc cầu Thị Nại dài tới 7km, chiếc cầu như phím đàn piano, lướt trên biển nối thành phố Quy Nhơn ra với đảo Phương Mai.

Quy Nhơn càng về đêm lại càng đẹp. Dọc theo bờ biển dòng người đi lại như mắc cửi, trên các ngã ba, ngã tư đường phố đèn màu hiện lên nhấp nháy, ngỡ như trời đang đổ "mưa sao". Dưới màn "mưa sao" dăng dăng là những âm thanh cuộc sống hiện đại đang trỗi dậy từ mùi hương cà phê phảng phất bên ghế đá công viên, đến những sóng nhạc réo rắt từ nhà hàng, khách sạn, quán karaoke, vũ trường… Anh Cương chỉ cho tôi bao công trình nhà nước và dân mới xây, điểm nào quy hoạch để làm dịch vụ thương mại, điểm nào dành cho khu vui chơi văn hóa và du lịch. Tôi càng chiêm ngưỡng, càng thấy thú vị kiến trúc Quy Nhơn khá khoa học. Rất tân tiến hiện đại, nhưng không phá vỡ cảnh quan, những nét đẹp từ thời văn hóa Tây Sơn vẫn được tôn tạo, trùng tu, gìn giữ. Quy Nhơn không bị ô nhiễm về môi trường vì nhà máy này xả nước bẩn, nhà máy kia xả rác như ở một số địa phương khác. Từ ý thức này càng tăng thêm vẻ đẹp trẻ trung, dịu dàng và hào phóng của biển.

Đứng trên tầng cao vời vợi khách sạn Hải Âu, tôi đã nhìn rõ ngọn hải đăng từ đảo Cù Lao Xanh. Đảo Cù Lao Xanh, cách Quy Nhơn gần 30 hải lý. Ngọn hải đăng là "đèn thần" của biển, chính nhờ cây "đèn thần" này hàng trăm tàu thuyền ra khơi vào lộng giữa mịt mùng đêm tối vẫn quay về tới đích an toàn.

Đến Ghềnh Ráng ngắm trăng

Đây là lần thứ ba tôi trở lại Ghềnh Ráng, vẫn là con đường mang tên An Dương Vương, vẫn bãi tắm Hoàng Hậu... Thế nhưng phong cảnh đã khác xưa nhiều lắm. Trên ngọn đồi cao hút tầm mắt nhìn ra biển kia, vẫn hòn Đá Chồng trầm mặc, giấu trong mình một nỗi chờ đằng đẵng, bi thương cùng nhân thế. Đó là mối tình thủy chung người vợ "ngóng trông chồng" xa tít dặm khơi từ trong truyện cổ dân gian. Không còn thấy lau hoang cỏ dại, chỉ thấy những dãy giàn hoa đỏ rực đậu kín bờ vai người qua lại. Tiếng ve sầu mùa hạ như át đi tiếng sóng đang rì rào dưới chân núi. Đường xuống Ghềnh Ráng hiện lên một bãi đá dài, hòn đá nọ xếp lên hòn đá kia, to tròn giống như quả trứng, người ta thường quen gọi bãi "đá trứng". Có những hòn đá màu trắng, màu nâu lại có những hòn màu xanh lam do sự vắt nặn của thần đất, thần biển. Có hòn đá cầm được trong lòng bàn tay, nhưng có hòn 3 người ôm không xuể... Từ lâu bãi "đá trứng" trở thành nơi vui chơi, chụp ảnh của khách thập phương.

Anh Quang Khanh, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Bình Định giải nghĩa cho tôi hiểu "Tại sao lại có tên Ghềnh Ráng?". "Nơi đây đá chất ngổn ngang do sự phong hóa từ hàng triệu năm đã tạo thành hang, thành ghềnh, thành rạn. Do nhiều ghềnh và lắm rạn, nên mỗi khi tàu thuyền qua đây, các thủy thủ phải tìm cách đổ bớt gió trong buồm cho tàu thuyền đi chậm lại. Với cách làm này theo nghề đi biển gọi là ráng, lâu dần thành tên vùng này gọi là Ghềnh Ráng".

Bãi đá trứng.

Anh Quang Khanh "giải mã" cho tôi hiểu thêm tên gọi ấy còn gắn với sự tích: "Thuở xưa ở Bồng Sơn có một người con gái đẹp, nết na thùy mị nổi tiếng. Nàng và một chàng trai trong làng đã thầm yêu nhau. Nhưng rồi sắc đẹp của nàng làm một viên quan huyện mê say. Hắn cho người theo dõi và tìm cách chiếm đoạt. Để giữ trọn tình chung thủy với chàng trai kia, nàng khóc lạy cha mẹ, từ biệt chàng, rồi bỏ làng trốn vào Quy Nhơn. Biết tin viên quan huyện lập tức sai tùy tùng đuổi theo. Lúc tới Ghềnh Ráng thì trời nổi dông bão, sấm chớp đùng đùng, núi nứt một khe lớn và nàng biến mất. Chàng trai mất người yêu cũng chạy khắp nơi tìm kiếm. Chàng leo hết tảng đá này đến tảng đá khác, cất tiếng gọi người yêu. Tiếng chàng tha thiết vọng khắp núi rừng và biển cả. Nhưng trong đêm tối chàng chỉ thấy hình bóng nàng thấp thoáng ẩn hiện, khi thiết tha trên rừng khi nhấp nhô trên sóng biển như tiếc thương vẫy gọi. Từ đó mỗi khi chớp sáng trên Ghềnh Ráng, người trong vùng lại ngước tìm hình bóng cô gái thấp thoáng hiện lên. Vì thế, địa danh này còn gọi là Ghềnh Ráng Tiên Sa".

Câu chuyện Quang Khanh kể vừa xong, ly cà phê sữa tại nhà hàng Hoàng hậu Phương Nam cũng vừa cạn, cả 4 đứa chúng tôi cùng lên mộ thi sĩ Hàn Mặc Tử, thả hồn mình chơi trăng cùng thi sĩ. "Đồi cao ngả nghiêng bọc trăng ngủ/ Bên mình lốm đốm ánh hào quang". Vầng trăng trong thơ Hàn thuở trước, giờ lại hiện hữu trên mộ Hàn, vầng trăng đắm đuối mà Hàn đã từng thốt lên: "Trăng nằm sóng soải trên cành liễu/ Đợi gió đông về để lả lơi/ Cây lá ngây tình không muốn động/Lòng em hồi hộp chị Hằng ơi".

Có phải trái tim của Hàn Mặc Tử "hồi hộp với trăng", để cho hàng ngàn trái tim yêu thơ thi sĩ và hôm nay đến thăm ông, lại thương cảm và ngưỡng mộ ông. Trên đỉnh đốc Mộng Cầm, bao nhiêu cây trái cũng ngập ngụa trăng, trăng ngan ngát quanh mộ ông nằm. Hình như tất cả đang nín thinh để nghe tiếng ông gọi "Ai mua trăng tôi bán trăng cho", khiến tượng Đức mẹ đồng trinh Maria cũng mỉm cười.

Đến cảng cá hiểu tiềm năng biển

"Muốn hiểu được ngư dân Bình Định đánh bắt cá như thế nào mời bạn đến thăm Cảng cá Quy Nhơn. Nhưng tốt nhất vào chợ từ lúc 2 giờ sáng" - Luật, người đồng hương xứ Nghệ, nhưng đã thành công dân Quy Nhơn hơn 3 thập niên, bảo tôi. Tôi ngạc nhiên hỏi lại: “Thế cảng cá ấy biến thành chợ cá đêm à?”. “Chứ sao nữa, vô đó thỏa sức nhìn cá, nhìn tôm và mua thứ gì cũng có”.

Qua vài phút trao đổi "nóng", Luật cho tôi biết, cảng cá Quy Nhơn được khởi công xây dựng từ năm 2001 và chính thức đưa vào sử dụng năm 2003, đây là chợ trung tâm đầu mối lớn nhất tỉnh Bình Định và là điểm tiếp nhận, phân phối, tiêu thụ, sơ chế bảo quản hải sản, để cung ứng cho các thị trường mua bán hải sản trong tỉnh và khu vực Tây Nguyên. Chả thế mà dưới chân cầu cảng, các thuyền đánh bắt cá của ngư dân đậu dày như nấm. Đèn thuyền, đèn hệ thống cao áp, đèn neon của các tổ hợp kinh doanh sáng rực suốt đêm.

Đúng theo lời hẹn với Luật, vào 2 giờ sáng một ngày trung tuần tháng 5 tôi đã theo chân anh bạn xuống Cảng cá Quy Nhơn. Tôi lúc này không còn cảm giác ngái ngủ nữa, bởi không khí nhộn nhịp tất bật của khu chợ đêm này diễn ra khá lạ lùng. Lạ lùng từ những bước chân khỏe khoắn, từ những tấm lưng trần vạm vỡ màu đồng hun đang ngồi uống rượu và hút thuốc lá phì phèo dưới thuyền. Những đội quân bốc vác thuê đều là cánh thanh niên trẻ khỏe, nên khi khách tới họ chạy như diễn viên xiếc, bê một lúc cả hai khay cá lớn trên vai. Cạnh ngay chân cảng thấy hàng trăm chiếc xe máy cũ kỹ và những người phụ nữ đã chờ sẵn. Mọi công đoạn trao đổi hàng hóa giữa chủ thuyền với khách được diễn ra rất mau lẹ, trật tự. Cá tươi được phân ra nhiều loại, hành trình nhiều ngả: Thứ đựng vào giỏ, rổ, rá xếp ngay lên những chiếc xe máy cà tàng "phượt" nhanh xuống các chợ. Một tổ hợp khác đang xúm lại ngổn ngang thau chậu, vòi nước xả... để làm công tác vệ sinh sản phẩm trước khi đưa vào các tủ đông.

Lân la trò chuyện với người bán cá tại chợ, tôi gặp vợ chồng ông Nguyễn Hữu Lành (trú tại phường Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn). Ông Lành cho biết: “Nhà tôi ở cách thành phố Quy Nhơn hơn 40 km, thế nhưng đã hơn hai chục năm nay vợ chồng tôi thường phải dậy vào lúc một giờ sáng, để kịp đến chợ cá này mang hàng tươi sống về bán tại chợ quê. Cá ở Bình Định ngon lắm, nên dân chúng tôi cả làng đều ăn cá ở đây cả.

Nhờ vậy nghiệp buôn cá của tôi tuy vất vả thật, nhưng cũng đủ tiền nuôi con ăn học".

Vĩ thanh

Dạo quanh Cảng cá Quy Nhơn, tôi lại càng hiểu thêm thế mạnh kinh tế biển của tỉnh Bình Định. Hàng chục thập niên qua, ngư dân Bình Định đã đánh bắt được hàng vạn tấn cá mỗi năm, đóng góp một phần không nhỏ cho ngân sách địa phương. Bắt đầu từ năm 2012, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Bình Định đã có những bước đi vững chắc. Tính ra mỗi năm kim ngạch xuất khẩu đạt từ 51 triệu USD - 53 triệu USD.

Những ngọn gió lành đang mang lại sức sống bất diệt của biển, khi Bình Định đã biết vận hành uyển chuyển mọi chủ trương, chính sách mới Nhà nước để ngư dân yên ổn làm ăn. Vươn dài ra biển lớn, ngư dân Bình Định đã mạnh dạn đầu tư đóng mới tàu thuyền công suất lớn. Hiện nay ở làng biển nào trên đất Bình Định cũng xuất hiện nhiều chủ thuyền đầu tư các con thuyền có công suất 250CV - 400CV. Một số chủ tàu có kinh nghiệm lâu năm, lại có "bà đỡ ", nên phương tiện thuyền đánh cá của họ có công suất lớn từ 800CV - 900CV. Điều mới mẻ hơn từ đánh bắt cá hàng ngày trên biển, một số ngư dân làng biển ở Hoài Nhơn, Phù Mỹ, thành phố Quy Nhơn đã xây dựng được một đội hình với 245 tổ đoàn kết tàu thuyền và gần 1.000 người tham gia.

Sức mạnh ấy xuất phát từ tầm nhìn lớn ra đại dương, những người dân Bình Định quê hương của người anh hùng áo vải Quang Trung lại càng yêu biển hơn bao giờ hết. Trời của ta, biển của ta và mỗi con thuyền ngư dân là một "pháo đài" bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Cầu Thị Nại nối thành phố Quy Nhơn với đảo Phương Mai.
Cầu Thị Nại nối thành phố Quy Nhơn với đảo Phương Mai.
GHI CHÉP CỦA PHAN THẾ CẢI
TIN LIÊN QUAN

Hợp tác đầu tư cụm dự án du lịch nghỉ dưỡng tại TP.Quy Nhơn – Bình Định

M.T |

Ngày 29.9, tại TP. HCM đã diễn ra Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư cụm dự án Khu Du lịch biển Casa Marina Islands & Khu du lịch Nghỉ dưỡng biển quốc tế Bãi Xép tại Tp. Quy Nhơn, Bình Định giữa ba đối tác là Công ty TNHH MTV Đầu tư Phát triển Trường Thành Việt Nam, Công ty Cổ phần Dịch vụ Du lịch Bến Thành và Công ty Cổ phần Đầu tư Việt Tài Chính.

Huấn luyện viên Troussier ra mắt vào ngày 27.2

AN NGUYÊN |

Lễ ra mắt tân huấn luyện viên trưởng đội tuyển quốc gia và U23 Việt Nam - ông  Philippe Troussier sẽ diễn ra vào ngày 27.2 tới đây.

Bóng đá nam SEA Games 32: Cơ hội và thách thức cho U22 Việt Nam

AN NGUYÊN |

Quy định không sử dụng cầu thủ quá tuổi ở môn bóng đá nam tại SEA Games 32 vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức cho U22 Việt Nam.

Số phận của hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân cuối cùng giữa Nga - Mỹ

Khánh Minh |

Nga tuyên bố đình chỉ New START - hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân cuối cùng với Mỹ nhằm ngăn chặn ngày tận thế hạt nhân.

Bất bình chó thả rông công viên, không rọ mõm, không ai xử phạt

MINH HÀ - HÀ CHI |

Theo ghi nhận tại một số địa điểm công cộng ở Hà Nội như công viên Thống Nhất, bãi đất trống khu vực Hồ Tây mặc dù đã có biển cảnh báo cấm chó thả rông tuy nhiên tình trạng này vẫn diễn ra khiến người dân không khỏi bất an, lo lắng.

Một nghìn lẻ một tranh chấp phổ biến trong quản lý chung cư

ĐỨC MẠNH |

Hiệp hội Bất động sản Việt Nam thống kê hiện có 129/845 tòa nhà, cụm tòa chung cư tại Hà Nội có tranh chấp, khiếu kiện trong khi con số trên tại TPHCM là 105/935.

Bộ Quốc phòng Việt Nam trao tặng gần 25 tấn hàng viện trợ cho Thổ Nhĩ Kỳ

VĂN HIẾU (từ Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ) |

Đoàn cứu hộ, cứu nạn của Quân đội nhân dân Việt Nam đã trao gần 25 tấn hàng viện trợ của Bộ Quốc phòng Việt Nam tới Thổ Nhĩ Kỳ nhằm khắc phục hậu quả do động đất gây ra.

Khởi tố, bắt giam Giám đốc Bệnh viện Da liễu Thái Bình

TRUNG DU |

Bà Trần Kim Thúy (53 tuổi) - Giám đốc Bệnh viện Da liễu Thái Bình - vừa bị Công an tỉnh Thái Bình khởi tố, bắt tạm giam về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Hợp tác đầu tư cụm dự án du lịch nghỉ dưỡng tại TP.Quy Nhơn – Bình Định

M.T |

Ngày 29.9, tại TP. HCM đã diễn ra Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư cụm dự án Khu Du lịch biển Casa Marina Islands & Khu du lịch Nghỉ dưỡng biển quốc tế Bãi Xép tại Tp. Quy Nhơn, Bình Định giữa ba đối tác là Công ty TNHH MTV Đầu tư Phát triển Trường Thành Việt Nam, Công ty Cổ phần Dịch vụ Du lịch Bến Thành và Công ty Cổ phần Đầu tư Việt Tài Chính.