Quảng Sơn - xã miền núi giàu tiềm năng du lịch

Đinh Xuân Trường |

Du lịch trải nghiệm làng quê đã từng được một số công ty, đơn vị làm du lịch khai thác, song vẫn còn nhiều nơi chưa được lọt vào “bản đồ du lịch”, tour, điểm du lịch. Xã miền núi Quảng Sơn, thị xã Ba Đồn (tỉnh Quảng Bình) là một ví dụ.

Hấp dẫn cho khám phá về lịch sử, văn hóa

Tính theo đường ôtô, xã Quảng Sơn cách trung tâm thị xã Ba Đồn khoảng 10km; thị xã Ba Đồn cách TP.Đồng Hới 40km. Từ xã Quảng Sơn, bạn có thể đi ôtô hoặc tới ga Minh Lệ để đi tàu hỏa vào TP.Đồng Hới rất thuận tiện. Từ xã Quảng Sơn, bạn có thể đi đò dọc sông Nan rồi rẽ theo sông Son để vào Động Phong Nha – một trong những hang động nổi tiếng nhất của Quảng Bình và cả nước.

Quảng Sơn là quê hương của lãnh binh Mai Lượng – một danh tướng phò Vua Hàm Nghi trong phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp xâm lược, được Nhà nước tôn vinh là danh nhân lịch sử. Hiện tại, trong xã có mộ, đền thờ lãnh binh Mai Lượng đã được Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Trường Tiểu học xã Quảng Sơn tiền thân là Trường Tiểu học Thọ Linh – một trong 5 trường tiểu học được thành lập sớm nhất, nổi tiếng nhất tỉnh Quảng Bình. Trường Tiểu học Thọ Linh do ông Đinh Xuân Trạc - người phát khoa cử nhân của làng, được Triều đình Nhà Nguyễn bổ dụng làm quan ở nhiều tỉnh và khi nghỉ hưu được thụ chức Tham tri trí sĩ Trung phụng đại phu hàm nhị phẩm đại thần - sáng lập vào năm 1921. Trường Tiểu học Thọ Linh không những tạo điều kiện học hành cho con em trong làng mà còn cho cả con em các xã trong huyện Quảng Trạch (nay là thị xã Ba Đồn) và các huyện Bố Trạch, Tuyên Hóa. Hồi bấy giờ chỉ có tỉnh lỵ, huyện lỵ lớn mới có trường tiểu học hoàn chỉnh. Học sinh theo học 6 năm từ lớp Đồng Ấu cho đến lớp Nhất; trải qua hai kỳ thi, hết năm thứ ba thi yếu lược, năm cuối cùng thi primaire. Cả tỉnh Quảng Bình bấy giờ chỉ có 5 trường như thế gồm: Đồng Hới, Lệ Thủy, Ba Đồn, Roòn và Thọ Linh. Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên; Trung tướng Tư lệnh Phòng không Không quân Lê Văn Tri; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Trung tướng, nguyên Phó Đô đốc, Tư lệnh Hải quân Mai Xuân Vĩnh; nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Trần Đình Luyến; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, đại tá Trần Đình Lư; các Giáo sư Lương Duy Trung, Lương Duy Thứ... đều là cựu học sinh của trường này. Trường Tiểu học Thọ Linh còn vinh dự là trường tiểu học duy nhất của tỉnh Quảng Bình sớm có phong trào và tổ chức học sinh cứu quốc vào những năm 1938 - 1943.

Làng Thọ Linh có Đình thờ thủy tổ các dòng họ sinh sống lâu đời nơi đây gồm các họ: Mai, Trần Ngọc, Trần Đình, Phan, Đinh, sau có thêm người họ Nguyễn đến lập nghiệp. Quảng Sơn cũng là quê hương của bà nội nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Nơi đây nổi tiếng với các các câu hò đối đáp gắn liền với địa danh, công việc cụ thể của người địa phương, như: “Ngọn gió tây từ Động Cao thổi xuống/Ngọn gió nam từ Hòn Hà, Động Trửa thổi sang/Hiệp sức nhau như thiếp với chàng/Tát nước rào Nan cũng cạn/Có đêm thâu ngày tận, đình làng ta cũng dựng xong”.

Quảng Sơn là xã sông núi hữu tình, không khí trong lành, thoáng đãng. Nơi đây có đồi thông nằm dưới chân Động Ngùi đẹp chẳng khác gì những đồi thông ở Đà Lạt. Giữa trưa hè rừng thông vẫn rượi mát rất dễ chịu. Cách đó không xa là đập thủy lợi Rào Nan có nhiệm vụ ngăn nước mặn từ biển vào và cung cấp nước ngọt cho đồng ruộng các xã phía Nam thị xã Ba Đồn. Đây cũng là xã có truyền thống đua thuyền hằng năm vào dịp kỷ niệm Quốc khánh 2.9.

Ông Đinh Xuân Tiếp - người con út của Tham tri trí sĩ Trung phụng đại phu hàm nhị phẩm đại thần Đinh Xuân Trạc - đọc văn bia ký sự về sự tích làng Thọ Linh.  Ảnh: Đinh Xuân Trường
Ông Đinh Xuân Tiếp - người con út của Tham tri trí sĩ Trung phụng đại phu hàm nhị phẩm đại thần Đinh Xuân Trạc - đọc văn bia ký sự về sự tích làng Thọ Linh. Ảnh: Đinh Xuân Trường

Mảnh đất linh thiêng với nhiều sự tích

Quảng Sơn là vùng đất linh thiêng có nhiều đền, miếu; trong đó, nổi bật nhất là Miếu Thần Cụt và Đền thờ Thành hoàng làng Thọ Linh với những sự tích vô cùng thú vị.

Về sự tích vị Thần Cụt, cố nhà thơ, nhà báo quê Quảng Sơn Phan Văn Khuyến đã ghi lại như sau: “Chuyện kể rằng: Ngày xưa, có hai vợ chồng ở xã Cảnh Hóa rời bỏ quê hương, chèo thuyền theo sông Gianh, rồi ngược rào Nan lên định cư lâu dài bằng nghề chài lưới ở bến Ván. Khi thuyền hư, lưới thủng, họ đành lên bờ làm thuê khai phá ruộng đất, cày cấy. Nhờ ăn ở phúc hậu nên dân làng thương mến, trời, Phật cũng động lòng. Sau nhiều lần đi cầu khấn ở các chốn linh thiêng, bà vợ ứng mộng và thụ thai sinh được cái trứng nở ra con rắn. Con rắn miệng có ria, mình có 4 chân rồng, như con linh vật người ta trang trí trên các nóc đình, chùa. Bà vợ chăm sóc rắn như chăm con. Tối đến, rắn leo lên nằm giữa hai vợ chồng. Một hôm, người chồng vác cuốc ra bàu Truông đắp lỗ mội quanh bờ ruộng. Rắn dùng đuôi ngoáy để xem chỗ nào nước rò rỉ thì báo, không may một lần vô ý người chồng chắn phải đuôi rắn. Rắn quằn quại đau đớn rồi lội qua sông nằm chết trên tảng đá Cha Ngai. Nhiều người đi đánh cá hay hái củi chèo thuyền qua thấy xác con rắn liền lấy sào đẩy xuống sông, nhưng hôm sau lại thấy rắn nằm chỗ cũ. Dân làng cho là hiện tượng thần linh hay ma quái. Hai vợ chồng thương xót được rắn báo mộng: “Ta là con Vua Thủy Tề ở vực Chợ Tràng (Tiên Lang) thấy hai vợ chồng nhà ngươi nghèo khó nhưng nhân nghĩa nên đầu thai để giúp đỡ. Nay vì số phận, ta không ở lại được phải về âm cung. Khi nhà ngươi và dân làng cần thì ta sẽ giúp”. Biết chuyện, dân làng tổ chức chôn cất rắn cẩn thận và lập miếu thờ dưới chân rú Cấm ngay bên mép bờ sông Nan, gọi đó là Miếu thờ Thần Cụt. Năm nào hạn hán, dân làng Thọ Linh và các xã trong vùng, có khi có cả Tri phủ Quảng Trạch lên Miếu Thần Cụt tổ chức lễ cầu mưa. Tuần phủ Quảng Bình có lần được tin đã ra viếng và cúng lá cờ thêu dòng chữ “Hiển tử Long Vương”. Lạ thay, sau mỗi lần tế lễ ở đây là trong vùng có mưa.

Thành Hoàng làng Thọ Linh (xã Quảng Sơn) tên là Trần Nu, con của Tùng Sơn Trai Chưởng Thái giám Minh Nghĩa Phú Diễn Hầu (gọi tắt là Đức Hầu Phù Diễn). Ngài là vị tướng tài thời Hậu Lê. Mới 18 tuổi ngài đã được cha giao dẹp quân Chiêm Thành và bình định vùng Thọ Linh, phía bắc Linh Giang (tên cũ sông Nan lúc bấy giờ). Sau khi dẹp xong quân Chiêm Thành ở phía bờ nam Linh Giang, giúp người dân yên ổn làm ăn, ngài cưỡi ngựa đi thăm thú cảnh vật trong vùng. Khi đến vùng Biệu Lệ (nay thuộc xã Quảng Trung) nghe tiếng đồn bà Lợn có người con gái đẹp như tiên nên ngài muốn lấy cô này làm vợ. Lúc ấy, có vị Quận Công tên là Trùng Lang ở vùng Mỹ Hòa (xã Quảng Phúc ngày nay) cũng muốn cưới nàng. Bà Lợn rất khó xử bèn ra điều kiện ai làm đường rộng rãi đem đồ lễ đến trước thì gả con gái cho. Vị tướng ở Thọ Linh đắp đường nhanh hơn và cho xe ngựa tới trước. Trong lúc chén chú chén anh, vị tướng không để ý đã bị Trùng Lang đến sau rút gươm chém đứt đầu. Nhanh như chớp, vị tướng ở Thọ Linh đã vung gươm giết Trùng Lang rồi phi ngựa về nhà. Đến đầu làng Lâm Xuân nhỏ một giọt máu, sau đó làng Lâm Xuân có lập miếu thờ ở đó. Về đến kiệt Năm Thôn gặp một bà bán nước, vị tướng Thọ Linh dừng ngựa hỏi: Người bị chém đứt đầu có sống được không bà? Bà bán nước trả lời: Xưa nay chưa thấy người mất đầu rồi lại đâm dược đầu khác. Biết không sống nổi, vị tướng chọn đất bên bờ sông Nan rồi xuống ngựa nằm ở đó. Sau khi ngài qua đời, con ngựa buồn rầu cũng chết theo. Dân làng thương tiếc ngài đã chôn thi hài ngài tại nơi ngài nằm xuống và lập đền thờ để thờ ngài; còn con ngựa thì đem chôn cách đó khoảng 5 thửa ruộng, gần giếng Da. Tại đền thờ ngài, dân làng đã dâng câu đối: “Anh linh truyền thế công thần tại/ Hình chúc thiên thu bản thổ thần” (dịch nghĩa: Vị công thần linh thiêng truyền tụng mãi/ Đời đời phúng viếng thần bản thổ). Về sau, Vua Minh Mạng ban sắc phong: “Đương Cảnh Thành Hoàng Dực Bảo Trung Hưng Trung Đẳng Thần”. Đền thờ Thành Hoàng làng Thọ Linh nổi tiếng linh thiêng. Các cụ xưa kể rằng, trước kia đã có những người làng khác, xã khác đến xin chân nhang ở đây về cắm trong đền thờ Thành Hoàng làng họ.

Nơi đây còn nhiều di tích, câu chuyện khác có thể khai thác phục vụ du lịch.

Đinh Xuân Trường
TIN LIÊN QUAN

Đà Nẵng liên tiếp đón khách du lịch tàu biển Âu Mỹ

THUỲ TRANG |

Trong vòng 3 ngày, Đà Nẵng đã đón 2 tàu biển với gần 350 khách du lịch Âu, Mỹ ghé thăm thành phố. Đây được xem là tín hiệu tích cực với du lịch Đà Nẵng giữa mùa dịch bệnh COVID-19 đang ảnh hưởng đến nhiều ngành kinh tế.

Du lịch Chùa Hương 2020: Khách vẫn bị chèo kéo, tận thu

Tùng Giang |

Đặt chân đến bến đò suối Yến (chùa Hương), du khách có thể bắt gặp cảnh "cò đò" đi xe máy, bám theo từng đoàn khách chèo kéo mời đò. Cò dẫn đò bắt khách không chỉ ở khu vực quanh chùa, mà có thể "săn" khách từ xa vài cây số.

Du lịch Ninh Bình lao đao

NGUYỄN TRƯỜNG |

Dịch do virus COVID-19 gây thiệt hại to lớn cho đời sống, kinh tế Ninh Bình, đặc biệt là ngành du lịch. Chỉ tính riêng trong 10 ngày đầu tháng 2.2020, lượng khách du lịch đến Ninh Bình đã giảm tới 90%, khiến không ít các doanh nghiệp lữ hành lao đao.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Hệ luỵ từ vụ Công đoàn ACB mua chui cổ phiếu bị xử phạt 3 tỉ đồng

Lan Hương |

Thông tin Công đoàn ngân hàng ACB mua chui cổ phiếu ACB đã thu hút sự quan tâm đặc biệt. Động thái trên đã ảnh hưởng đến sự minh bạch của thị trường chứng khoán Việt Nam trong bối cảnh niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán đang bị ảnh hưởng nặng nề.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.

Đà Nẵng liên tiếp đón khách du lịch tàu biển Âu Mỹ

THUỲ TRANG |

Trong vòng 3 ngày, Đà Nẵng đã đón 2 tàu biển với gần 350 khách du lịch Âu, Mỹ ghé thăm thành phố. Đây được xem là tín hiệu tích cực với du lịch Đà Nẵng giữa mùa dịch bệnh COVID-19 đang ảnh hưởng đến nhiều ngành kinh tế.

Du lịch Chùa Hương 2020: Khách vẫn bị chèo kéo, tận thu

Tùng Giang |

Đặt chân đến bến đò suối Yến (chùa Hương), du khách có thể bắt gặp cảnh "cò đò" đi xe máy, bám theo từng đoàn khách chèo kéo mời đò. Cò dẫn đò bắt khách không chỉ ở khu vực quanh chùa, mà có thể "săn" khách từ xa vài cây số.

Du lịch Ninh Bình lao đao

NGUYỄN TRƯỜNG |

Dịch do virus COVID-19 gây thiệt hại to lớn cho đời sống, kinh tế Ninh Bình, đặc biệt là ngành du lịch. Chỉ tính riêng trong 10 ngày đầu tháng 2.2020, lượng khách du lịch đến Ninh Bình đã giảm tới 90%, khiến không ít các doanh nghiệp lữ hành lao đao.