Quán ba ông cháu trên đảo Kota Kinabalu

di li |

Mùa hạ cách đây ít lâu, tôi tham dự một Festival văn học ở Kuala Lumpur, xong tiện đường thì bay luôn đi Kota Kinabalu. Kota là thủ phủ của Sabah, một bang của Malaysia, mà Sabah thì nằm trên đảo Borneo, hòn đảo lớn thứ ba thế giới. 

Đến Kota thực cũng chẳng có gì hay ngoài việc leo núi, bơi lặn, tắm táp. Những con đường buồn tẻ chạy dọc theo sống núi tố cáo rằng những kẻ không biết bơi như tôi đi sai đích rồi. Chiều hôm đó chúng tôi đói đến run người sau một chầu bơi lội (ngâm nước thì đúng hơn).

Trong lúc lang thang ở khu chợ bán đồ tầm tầm trước cổng khách sạn, tôi tìm thấy một tiệm hàng bình dân chỉ cách có vài trăm mét nên mừng húm. Đó là một quán ăn đậm vị cà ri dành cho dân bản xứ. Đồ ăn của người Sabah nửa phong cách Tàu nửa phong vị Ấn. Người Tàu và người Ấn dường như đi khắp thế giới để truyền bá ẩm thực.

Hồi vào Sài Gòn có bận tôi bắt gặp một anh chàng Ấn Độ béo tốt đang đứng rán bánh crepe ngay trên vỉa hè đường Thủ Khoa Huân gần chợ Bến Thành. Bánh crepe ngon, cuộn pho mát béo ngậy hoặc chocolate chuối thơm phức. Lúc ấy nom người bán cũng tội. Ở xứ xa đâu mà sang tận đây đứng bán bánh vỉa hè. Đêm về khách sạn mở gói bánh cuộn mà chén sạch chẳng còn một mảy.

Năm sau tôi quay lại Sài Gòn, vẫn ở khách sạn ấy thôi mà anh bánh crepe Ấn Độ đi đâu mất rồi. Chẳng hiểu bánh ế hay kẻ có nhà mặt phố đổi ý không cho anh chàng đứng cửa nhà mình nữa. Đồ Ấn cơ bản là khó ăn, nhưng có vài món ngon đến mắc nghiện. Đặc biệt là loại bánh mì Nan thơm mềm đến ngây ngất.

Quán “cơm bình dân” này có vẻ ngon nên đông khách phải biết. Những chiếc bàn gỗ phủ vải nhựa đơn sơ kê sắp hàng, khách nào cũng chễm chệ một đĩa bánh, bát cà ri và ly trà sữa trước mặt. Tôi cũng gọi y như thế. Bánh Nan thì tôi ăn mãi rồi. Ở nhà cứ thi thoảng lên cơn thèm mà phải chạy ra Khazaana hay Tandoor chén đồ Ấn, vì chủ yếu là nhớ vị bánh Nan.

Nan thực chất là một loại bánh của người vùng Ấn và Trung Đông, làm từ bột mì không lên men rồi đưa vào lò nướng (Tandoor – loại bếp lò hình trụ tròn nướng than củi). Nan có hình tròn dẹt, mềm mịn và thơm phức lên. Nếu so với Nan thì món bánh mì Kebab dai nhách của người Thổ chỉ còn nước ngượng ngùng.

Bữa hàng ngày của người Trung Đông và Ấn Độ là một bánh Nan và bát cà ri là xong, chỉ đơn giản ấy thế mà thôi. Nhưng nếu bột bánh lại được trộn thêm pho mát và bơ tỏi thì càng tuyệt, tôi sẽ ăn không biết chán mà chẳng cần đến cà ri gà. Lần này thì tôi được tận mắt nhìn thấy người ta làm bánh.

Ngay tại quầy đồ ăn với các khay nhôm đựng đủ loại cà ri, một bếp lò cháy rực đang hun nóng chiếc chảo gang phẳng kiểu Nhật, cùng kiểu dùng để tráng bánh crepe. Ông chủ quán rán bánh trên đó. Ông ta phết chút mỡ lên chảo gang, quẳng thêm một túm bột mì rồi vừa nhào vừa véo vừa cán cho đến khi túm bột mỏng dẹt và to bằng chiếc đĩa tây, ngoạn mục như một tay bếp cừ làm xiếc với đống bột bánh pizza.

Gió biển hây hây thổi phớt qua bếp lò, ngõ hầu thuyên giảm bớt nhiệt độ đang hầm hập từ chảo gang. Bánh đã gần “ra lò”, vàng ruộm và thơm lựng, đập thêm quả trứng vào nữa là xong. Sau này tôi mới biết đấy là Paratha, chứ không phải Nan là loại bánh vẫn được nướng trong lò Tandoor.

Paratha luôn được tráng trên bếp gang với dầu hoặc bơ nên khi đặt lên bàn ăn vẫn giữ nguyên độ ẩm mềm mà không khô như bánh Nan. Tôi xé từng miếng Paratha rồi chấm với cà ri gà. Vị béo ngậy của bánh và cà ri quyện vào nhau khiến kẻ đói ngấu chuẩn bị bội thực, dù sáng mai tôi sẽ lại bay tiếp đi Ấn Độ, chuẩn bị tinh thần phải chén Nan thêm một tuần nữa.

Quán không có đàn bà, cả người mua lẫn kẻ bán. Mỗi tôi là khách nữ duy nhất ở đây. Ở xứ sở Hồi giáo và Hindu giáo chiếm đa số này, đàn bà đến giờ ăn mà đi lê la hàng quán là cũng chẳng hay ho gì. Còn người đàn ông tử tế cũng không đời nào để vợ hay mẹ chường mặt ra bán hàng cho người ta “xem”.

Chủ quán là ba ông cháu. “Chủ quán ông” chuyên rán Paratha rất giỏi nhưng chẳng biết nói tiếng Anh. Khách cần thức gì thì “chủ quán bố” làm chân phiên dịch. Còn “chủ quán cháu” lăng xăng chạy đi pha trà sữa cho khách. Cả ba ông cháu thi thoảng tủm tỉm cười vui thích và tò mò vì cả đời chẳng thấy khách nước ngoài nào lại ngồi chén cà ri tì tì ở quán cơm bình dân dành riêng cho người Sabah.

Đến năm giờ chiều thì những sạp hàng ngay con phố trước cửa lục tục bày biện. Khá đông khách túm tụm xem đồ mặc dù hàng hóa hết sức vớ vẩn và đắt vô lý. Màn đêm xuống dần, tôi đi bộ ra khu chợ ngoài bãi biển. Ở đó là một vũng đen tối mò không gợn sóng. Chợ đêm trên bãi biển bán rau quả, thịt cá như bất kỳ khu chợ thị trấn nào (mà chẳng hiểu sao lại “tối trời giở thóc ra phơi” thế). Ở đó có một ông cụ ngồi bán nước dừa đựng trong vại thủy tinh khổng lồ.

Thứ nước dừa trong như nước lã, ngâm thêm đá và cùi dừa vào giá 2 Ringhit một ly cho những người lao động nghèo bán hàng ở chợ đêm không có lựa chọn nên đành đoạn vui lòng với ly nước nhạt hoét chẳng chút vị dừa. Đã là sống trên đảo thì phải chấp nhận thứ gì cũng hiếm và đắt, nông sản và cây trái thì không ngon, dù ở Maldives, Santorini hay Phú Quốc, Côn Đảo đều như vậy thôi.

Ngay phía bên kia đường là khách sạn Sheraton đang quảng cáo tuần lễ ẩm thực Việt Nam với sự trình diễn của những đầu bếp Việt hàng đầu, giá vé vào cửa là 92USD/người. Mới có năm ngày mà tôi đã thèm quá được về nhà, cũng chừng ấy tiền thôi là sẽ có quả dừa non tuyệt hảo thơm lịm, và cũng chẳng cần tới 92USD để được chén món Việt thượng thặng.

Thôi thì... đã ra tít ngoài đảo Borneo mà cứ đòi được ăn vừa ngon vừa rẻ là cớ làm sao. Lúc ấy bỗng lại thấy dậy lên cơn cồn cào, mà hẳn giờ này tiệm “Ba ông cháu” cũng đóng cửa cả rồi, cái quán Paratha bình dân ngon nhất đảo ấy.

di li
TIN LIÊN QUAN

Bác bỏ tin đồn thất thiệt sinh viên Đại học Ngoại ngữ - Tin học bị hiếp dâm

Tuệ Nhi |

Trước những tin đồn lan truyền trên mạng xã hội về việc sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TPHCM (HUFLIT) đang học quân sự, Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh - Trường Quân sự Quân khu 7 đã có phản hồi chính thức về thông tin trên.

Người lao động rơi nước mắt khi về quê đón Tết trên chuyến bay 0 đồng

KHÁNH LINH - ANH TÚ |

TPHCM - Đêm 11.1 và rạng sáng 12.1, hàng trăm công nhân, người lao động đang làm việc tại TPHCM, tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Long An được về quê đón Tết trên 2 chuyến bay miễn phí do Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam và Công ty Tài chính TNHH HD SAISON cùng Vietjet tổ chức.

Đại hạ giá loạt siêu xe mạ vàng, du thuyền, biệt thự của đại gia Việt Nam

Trà My |

Một số chiếc siêu xe và du thuyền là tài sản thế chấp cho các khoản nợ quá hạn của đại gia vẫn chưa tìm được chủ nhân mới.

Sự thật vụ đồ đạc tự bốc cháy ở Hậu Giang: Do gia đình tự đốt

PHONG LINH |

Liên quan vụ việc được cho là đồ đạc tự bốc cháy ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, hồi cuối tháng 11.2022, sau thời gian điều tra, công an xác định nguyên nhân đồ đạc trong nhà anh Nguyễn Văn Mừng bị cháy là do... người nhà tự đốt.

Sai phạm ở Trung tâm đăng kiểm: Chi hàng trăm triệu đồng cho Cục trưởng

Chân Phúc |

TPHCM - Theo Công an TPHCM, để thành lập các Trạm đăng kiểm và dẫn tới các sai phạm, các đối tượng đã chung chi hàng trăm triệu đồng theo tháng, theo quý cho các lãnh đạo phòng ban và đặc biệt là cho đối tượng Đặng Việt Hà, Cục trưởng Cục Đăng kiểm.

Giảng viên Việt là nhà khoa học nữ duy nhất Châu Á đạt giải thưởng sáng tạo

HUYÊN NGUYỄN |

PGS.TS Lê Thị Kim Phụng - giảng viên Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia TPHCM là nhà khoa học nữ duy nhất toàn Châu Á nhận được Giải thưởng Sáng tạo xuất sắc nhất của Quỹ Toàn cầu Hitachi năm 2022.

Thái Lan sắp thu phí du lịch của du khách quốc tế

Thanh Hà |

Thái Lan có kế hoạch thu phí du lịch với người nước ngoài, ngoại trừ người nước ngoài có giấy phép lao động và giấy thông hành biên giới.

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương thưởng nóng cho tiền đạo Tiến Linh

AN NGUYÊN |

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã có buổi gặp gỡ, động viên huấn luyện viên Park Hang-seo và cá nhân tiền đạo Tiến Linh trước thềm chung kết AFF Cup 2022.