Phụ huynh hành hung giáo viên, gieo mầm bạo lực lên con trẻ”

đặng chung |

Chưa bao giờ xã hội phải chứng kiến cảnh bục giảng trở thành nơi để gieo rắc bạo lực như thời gian qua. Thay vì phối hợp với nhà trường trong việc giáo dục con, phụ huynh lại chọn cách giải quyết bằng nắm đấm, bằng vũ lực. Thay vì dạy trẻ con biết tha thứ, sống nhân từ, thì một số phụ huynh đang gieo vào đầu con cách trả thù, thói quen “ăn miếng trả miếng” từ chính những hành động họ đối xử với thầy cô của con.

Cách ứng xử đau lòng!

Trong vòng 1 tháng qua, hàng chục vụ bạo hành giáo viên, học sinh đã xảy ra ở ngay trong môi trường vốn được coi là an toàn và nhân văn nhất, đó là trường học. Giáo viên dùng bạo lực dạy dỗ học sinh và nhận lại bằng bạo lực từ chính người mình từng dạy dỗ và cha mẹ của chúng.

“Cú sốc” đầu tiên là việc ông Võ Hòa Thuận có hành động ép cô giáo của Trường Tiểu học Bình Chánh (Long An) phải quỳ gối suốt 40 phút vì cô đã phạt con của ông quỳ. Từng có những vụ việc phụ huynh hành hung giáo viên, nhưng việc ép cô giáo quỳ gối, nhằm sỉ nhục danh dự, nhân phẩm nhà giáo là chưa từng có trong lịch sử giáo dục. Nhiều người cho rằng, giáo viên phạt học sinh quỳ là không nên, cần bị lên án. Nhưng việc phụ huynh biết hành động của cô giáo là sai, mà lại dùng cái sai đó để “trả thù” giáo viên, thì còn đáng trách, đáng lên án nhiều lần.

Tiếp đó, cũng trong tháng 3.2018, một cô giáo ở Bến Tre đã bị học sinh nhảy lên bóp cổ ngay trong lớp học, khi cô thu vở của một người bạn trong lớp. Một thầy giáo ở Nghệ An thì bị học sinh đánh gãy mũi vì trót tát học sinh này khi em vi phạm kỷ luật trong lớp học. Rồi nhiều giáo viên một trường mầm non ở Đắc Nông bị phụ huynh lao vào trường đánh đập, chửi bới chỉ vì các cô không cho người này đón con sớm.

Mới đây nhất, việc một giáo sinh ở Nghệ An bị phụ huynh đánh đến dọa sảy thai tiếp tục tạo thêm một cú sốc lớn đối với những người làm nghề giáo và dư luận xã hội.

“Trường học có phải là cái chợ không, đương nhiên không phải chợ, nhưng tôi có cảm giác nó đang giống cái chợ” - GS.TSKH Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam - trong cuộc trao đổi với phóng viên đã tự hỏi và trả lời như vậy. Ông ngạc nhiên khi ở Việt Nam, tất cả mọi người đều có thể ra vào trường học một cách dễ dàng, việc giám sát an ninh quá lỏng lẻo, dẫn đến việc phụ huynh xông vào tận lớp đánh đập giáo viên. Đồng thời cũng không thể ngờ, đến một lúc nào đó, phụ huynh lại có thể xưng “mày - tao”, chỉ mặt giáo viên gọi “con này, con kia” ngay trước mặt học sinh như vậy.

“Cần phải xử lý thật nghiêm những phụ huynh có hành động côn đồ trong trường học. Cả xã hội cần lên án hành động không thể chấp nhận này. Nhà giáo cần được bảo vệ, được làm việc trong môi trường an toàn nhất, để được yên tâm làm nghề” - GS Phạm Tất Dong nói.

“Không có lửa làm sao có khói”

Những người đã từng qua thời cắp sách đến trường, chắc hẳn đôi lần từng bị thầy cô trách phạt. Có người bị cho “ăn roi”, hoặc đứng xó lớp. Khi xã hội ngày càng hiện đại, quyền trẻ em được coi trọng và tuyên truyền, thì quan niệm “dạy dỗ bằng đòn roi” đã không còn phù hợp.

Có điều, không ít giáo viên vẫn có suy nghĩ, có lúc mọi lời nói đều bất lực trước sự lì lợm, khó bảo của trò, thì việc đánh một roi vào tay hoặc vào mông, hoặc trách phạt học sinh để đưa trẻ về đúng khuôn khổ là điều cần thiết. Theo TS Nguyễn Tùng Lâm (Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng), việc dùng bạo lực để giáo dục học sinh chỉ thể hiện sự bất lực của người thầy.

Ông cũng cho rằng, trong các vụ việc giáo viên bị hành hung trong thời gian qua, có những vụ phụ huynh vô cớ dùng bạo lực với giáo viên, những trường hợp này cần phải bị xử lý nghiêm để tạo tính răn đe. Còn có không ít vụ, phụ huynh nổi nóng xuất phát từ việc giáo viên đã không tôn trọng học sinh, dùng bạo lực để dạy dỗ học sinh. Đối với những vụ việc này, cần nhìn nhận một cách công bằng “không có lửa làm sao có khói”. Dù với lý do gì, giáo viên cũng không nên dùng bạo lực để dạy dỗ học sinh. Bạo lực chỉ truyền đi thông điệp về bạo lực.

Còn theo GS.TSKH Hoàng Xuân Sính - nguyên giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội, chỉ cần nhìn những hiện tượng xảy ra trong thời gian qua cũng đủ hiểu lý do vì sao truyền thống tôn sư trọng đạo phai nhạt. Muốn làm giáo viên phải chạy việc, muốn con đi học phải chạy trường, chạy lớp; muốn con không bị trù dập phải lót tay thầy cô; muốn con được đối xử công bằng phải đi học thêm. Nhà trường thì tận thu, mối quan hệ giữa phụ huynh và giáo viên như người bán - kẻ mua. Môi trường giáo dục đã bị thương mại hóa đương nhiên làm ảnh hưởng đến văn hóa ứng xử trong trường học.

Trường học phải là môi trường nhân văn nhất

Việc giáo dục nhân cách của trẻ đòi hỏi sự kiên trì và tỉ mỉ, sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường. Nhưng khi mối quan hệ giữa giáo viên và phụ huynh bị xa cách hay gặp mâu thuẫn trong quan điểm giáo dục, thì đối tượng chịu thiệt thòi nhất chính là đứa trẻ.

Hiện nay, nhiều cha mẹ cưng chiều con quá mức, đến nỗi có hành động chửi bới, quát mắng cô giáo ngay trước mặt con, khi chỉ cần con trẻ mách bị giáo viên trách phạt trên lớp. Theo chuyên gia xã hội học Trịnh Hòa Bình, điều này chỉ khiến đứa trẻ trở nên ngạo mạn, gieo vào đầu trẻ mầm mống bạo lực, không biết trên dưới, đúng sai. Việc phụ huynh có những hành vi hành hung giáo viên còn xúc phạm đến truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc và vi phạm các quy định về pháp luật.

Nhìn vào hiện tượng xảy ra liên tiếp các vụ bạo hành trong trường học thời gian qua, GS.TSKH Phạm Tất Dong cho rằng, môi trường giáo dục đang trở nên bạo lực và còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Đứa trẻ đến trường phải được đảm bảo an toàn, được tôn trọng quyền con người, tuy nhiên, thực tế cho thấy, học sinh có nguy cơ bị bạo hành bởi chính giáo viên của mình. Ngược lại, việc phụ huynh xông vào tận trường học bắt cô giáo quỳ, đánh cô giáo dã man như một kẻ côn đồ cũng cho thấy trường học đã không còn là môi trường nhân văn và an toàn nhất trong việc giáo dục nhân cách học sinh.

Để lấy lại niềm tin của nhà giáo, để trường học trở về đúng nghĩa – là môi trường nhân văn nhất - GS Phạm Tất Dong cho rằng, Bộ GDĐT không chỉ lên tiếng, nói suông, mà cần hành động, đưa ra các quy định, giải pháp để siết chặt hơn nữa vấn đề an ninh trong trường học. Trước tiên cần quán triệt, yêu cầu giáo viên tuyệt đối không dùng bạo lực trong việc giáo dục học sinh. Tiếp đó, cần có những quy định, cơ chế bảo vệ vị thế, đảm bảo an toàn cho nhà giáo. Đồng thời cần tuyên truyền để mỗi phụ huynh thấy việc dùng bạo lực để dạy dỗ con trẻ hay hành xử với giáo viên theo kiểu côn đồ, thì người tổn thương và ảnh hưởng nhiều nhất chính là con cái của chính họ, khi phải lớn lên trong môi trường “lệch chuẩn” về đạo đức và nhân cách.

đặng chung
TIN LIÊN QUAN

Dự báo thời tiết 16.1: Miền Bắc rét đậm mưa vài nơi, nhiệt độ giảm sâu hơn

AN AN |

Dự báo thời tiết hôm nay 16.1.2023, Bắc Bộ trời rét đậm, vùng núi rét hại. Nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ phổ biến từ 9 - 12 độ C, khu vực vùng núi Bắc Bộ phổ biến 6 - 9 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 3 độ C.

Chứng khoán: Thiếu sự đồng thuận của dòng tiền để bứt phá

Gia Miêu |

Với nhiều thông tin hỗ trợ thị trường chứng khoán, nhà đầu tư kỳ vọng chỉ số VN-Index có thể sẽ sớm vượt mức kháng cự 1.067 điểm và hướng về gần mức 1.100 điểm trong tuần giao dịch cuối cùng trước khi nghỉ Tết.

Thực phẩm online ngày Tết tiềm ẩn nhiều rủi ro

Ngọc Chi - Đức Trung |

Cận Tết, việc mua sắm thực phẩm online tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Để có một cái Tết trọn vẹn và bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình, hãy là người tiêu dùng thông minh.

So sánh đội hình tuyển Việt Nam vs Thái Lan chung kết AFF Cup 2022

Bảo Bình - Dương Anh |

So sánh đội hình tuyển Việt Nam vs Thái Lan AFF Cup 2022. Với lợi thế sân nhà, có 44,51% lượt bình chọn trên sofascore tin rằng Thái Lan giành chiến thắng, 28,38% dự đoán kết quả hoà và 27,11% nhận định đoàn quân của HLV Park Hang-seo sẽ nâng cao chức vô địch.

Mâm cúng tất niên của người Việt Nam khắp ba miền

LÝ VIẾT TRƯỜNG |

Trong ngày tết Nguyên đán của người Việt, mâm cỗ cúng tất niên được mọi gia đình chuẩn bị rất kỹ lưỡng, với mong muốn bày tỏ lòng thành kính với ông bà tổ tiên để được ông bà phù hộ cho năm mới mạnh khỏe và thành công.

Móc túi người về hưu: Từ gửi tiền nhờ giữ hộ đến bỗng dưng... trúng thưởng

Bảo Hân |

Hiện nay, trên mạng xã hội có rất nhiều đối tượng, hình thức lừa đảo nhắm tới những người đã về hưu – những người có khoản tiền dành dụm và thường không rành về công nghệ.

Những hòn đảo Châu Âu sở hữu vẻ đẹp “cách ly” với thế giới

Thảo Phương |

Bên cạnh những địa điểm du lịch sôi động, Châu Âu còn nổi tiếng với một số hòn đảo giúp du khách đến gần hơn với thiên nhiên.

Đội tuyển Việt Nam cần làm gì trên đất Thái?

TAM NGUYÊN |

Sự thay đổi của huấn luyện viên Park Hang-seo và bản lĩnh của các cầu thủ là thứ đội tuyển Việt Nam cần…