Tiềm năng, dư địa phát triển lớn
Theo GS.TSKH Nguyễn Mại, hiện nay FDI xanh đang là một xu hướng đầu tư tất yếu trong tất cả các ngành nghề bao gồm cả bất động sản. Các nước nhận đầu tư ngày càng chú trọng ban hành chính sách bảo vệ môi trường, giảm thiểu khí phát thải nhà kính. FDI có tác động tích cực tới môi trường thông qua những sản phẩm mới tiết kiệm năng lượng, giảm bớt sự phụ thuộc vào nguyên liệu, năng lượng truyền thống, thực hiện kinh tế tuần hoàn, biến rác thải thành nguyên liệu, kéo dài vòng đời của sản phẩm.
Các công ty đa quốc gia triển khai các dự án FDI có tác động lan tỏa đối với các công ty trong nước thông qua việc chuyển giao công nghệ tiên tiến, kỹ năng chuyên môn và những yêu cầu áp dụng tiêu chuẩn môi trường nghiêm ngặt.
"Ngày 1.10.2021 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg, phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, đề ra định hướng, chính sách khuyến khích thu hút FDI xanh vào chế biến, chế tạo, chuyển đổi sang doanh nghiệp sinh thái, khu công nghiệp, khu kinh tế sinh thái, hình thành các khu đô thị - công nghiệp, dịch vụ sinh thái.
Các doanh nghiệp FDI và nhà đầu tư nước ngoài tích cực hưởng ứng Chiến lược tăng trưởng xanh của Chính phủ; nhiều mô hình thành công đã được thực hiện tại nhiều ngành kinh tế, nhiều địa phương, cùng với doanh nghiệp trong nước tạo thành trào lưu xây dựng kinh tế xanh của Việt Nam" - GS.TSKH. Nguyễn Mại cho hay.
Đồng quan điểm, ông Võ Hồng Thắng - Giám đốc mảng dịch vụ tư vấn và Phát triển dự án DKRA Group cho biết, hiện nay bất động sản xanh đã từng bước trở thành một xu hướng phát triển tất yếu không chỉ riêng tại Việt Nam mà trên toàn thế giới. Đây không chỉ đơn thuần là những quy chuẩn áp cho phân khúc nhà ở mà còn còn được áp dụng đa dạng cho các loại hình như bất động sản khu công nghiệp, văn phòng, phân khúc nghỉ dưỡng...
Tại COP26 (Hội nghị Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 26), Việt Nam đã cam kết đến năm 2050 sẽ là quốc gia đạt mức phát thải ròng bằng “0”, qua đó thể hiện sự quan tâm đúng mức của Nhà nước đối với việc bảo vệ môi trường. Việc áp dụng chuẩn xanh trong phát triển bất động sản sẽ từng bước trở thành một “điều kiện cần” trong khâu phát triển của các dự án bất động sản.
Còn nhiều rào cản khi phát triển bất động sản xanh
Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Võ Hồng Thắng cho biết, mặc dù còn khá mới so với các nước trong khu vực, nhưng thị trường bất động sản xanh tại Việt Nam vẫn là mảnh đất màu mỡ đối với các nhà đầu tư. Thống kê trên cả nước hiện chỉ có khoảng 233 công trình hay trên dưới 6 triệu m2 sàn xây dựng đạt tiêu chí công trình xanh.
"Đây là con số khiêm tốn thể hiện rào cản trong việc đầu tư bất động sản xanh trên cả nước vẫn còn rất lớn, đặc biệt là trong vấn đề về chi phí đầu tư, cũng như giám sát và trong công tác duy tu bảo dưỡng... Đơn cử như việc áp dụng một số chuẩn xanh quốc tế phổ biến hiện nay vào phát triển bất động sản như: LEEDS, EDGE, Green Mark... có thể góp phần làm tăng chi phí đầu tư lên từ 10 - 15% đã khiến không ít nhà đầu tư bất động sản xanh phải cân nhắc khi đưa ra quyết định.
Ngoài ra, để được cấp chứng nhận bất động sản xanh, dự án cần có sự tham gia rất sớm của đơn vị tư vấn cấp chứng nhận ngay từ những bước đầu tiên của khâu lên thiết kế, ý tưởng. Đồng thời có thể sẽ phải thay đổi, điều chỉnh liên tục trong suốt quá trình thi công, nghiệm thu để công trình đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe được đề ra" - ông Võ Hồng Thắng cho hay.
Theo vị chuyên gia này, để thị trường bất động sản xanh có thể nhanh chóng chuyển mình, cần thiết phải có những giải pháp triệt để đến từ các quy định pháp luật. Điển hình như tại Điều 37 của Nghị định 35/2022/NĐ-CP yêu cầu: Tối thiểu 20% doanh nghiệp trong khu công nghiệp áp dụng các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên, sản xuất sạch hơn đạt kết quả tiết kiệm nguyên liệu, vật liệu, nước, năng lượng, hóa chất, chất thải, phế liệu và giảm phát thải ra môi trường, tuy nhiên để có thể lượng hóa và triển khai trên thực tế sẽ cần sự hướng dẫn một cách cụ thể hơn.
Bên cạnh đó theo ông Võ Hồng Thắng, ngoài những giải pháp về tiêu chuẩn vật liệu vốn thường rất khắt khe, chủ đầu tư vẫn có thể lựa chọn một số chuẩn xanh điều chỉnh các vấn đề liên quan đến cách bố trí các tiện ích, mặt đón gió, đón sáng, khí tươi tuần hoàn trong công trình... vừa giúp tối ưu được trải nghiệm của khách hàng sử dụng, vừa không làm đội chi phí đầu tư lên quá cao ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư dự án.