Pháp lam Huế hồi sinh

Ghi chép của thái hoàng |

Nhắc tới pháp lam Huế, giới nghiên cứu ngày nay đều thống nhất cho rằng đây là một di sản có giá trị đặc biệt không hề thua kém bất kì di sản nào mà triều Nguyễn (1802-1945) để lại cho Huế như lăng tẩm, đền đài, thành quách, miếu mạo, thơ văn, nhạc họa...

Nghệ thuật tráng men lên cốt kim loại

Sử cũ chép rằng, mùa Đông năm Đinh Hợi (1827), vua Minh Mạng (1820 - 1841) lệnh cho Nội phủ lập nên một cơ quan mới đặt tên là Pháp lam tượng cục chuyên lo việc sản xuất đồ pháp lam. Cơ quan này gồm 15 nghệ nhân, do ông Vũ Văn Mai - một thợ vẽ nổi tiếng ở xưởng Nội tạo (cơ quan chuyên việc vẽ vời, trang trí trong cung Nguyễn) - đứng đầu.

Ngoài xưởng chế tác pháp lam ở Huế, triều đình nhà Nguyễn còn mở thêm xưởng pháp lam tại Ái Tử (Quảng Trị) và Ðồng Hới (Quảng Bình) để sản xuất pháp lam phục vụ cho nhu cầu xây dựng, trang trí nội ngoại thất các cung điện, lăng tẩm ở Huế, cũng như làm đồ sinh hoạt và tế tự trong cung. Như vậy, có thể nói năm 1827 là năm đánh dấu sự xuất hiện của nghệ thuật pháp lam Huế.

Hình tượng mặt trời, mây và hoa lá thực hiện bằng pháp lam trên nghi môn trong Hoàng thành Huế. Ảnh: Thái Hoàng
Hình tượng mặt trời, mây và hoa lá thực hiện bằng pháp lam trên nghi môn trong Hoàng thành Huế. Ảnh: Thái Hoàng

Pháp lam hiểu một cách đơn giản là tên gọi loại sản phẩm mĩ thuật có cốt làm bằng đồng, bên ngoài được vẽ một hoặc nhiều lớp men màu rồi đem nung mà thành. Do cách thức chế tác đặc biệt nên pháp lam không chỉ đẹp về mặt hình thức mà còn có độ bền về mặt cơ, hóa, lý, tức có khả năng chống chịu cao trước sức va đập, hoặc sự ăn mòn của môi trường và khí hậu...

Theo một số nhà nghiên cứu, kỹ thuật làm pháp lam thời Nguyễn được các nghệ nhân ở Huế tiếp thu trực tiếp từ vùng Quảng Đông, Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất sản xuất pháp lam. Nhiều nước trên thế giới như Anh, Pháp, Hà Lan, Đức, Ý, Nhật Bản... đều có pháp lam nhưng với những tên gọi khác nhau. Điển hình như người Pháp vùng Limoges và người Anh vùng Battersea ngay từ thế kỉ 15 đã có kỹ nghệ chế tác loại hình họa pháp lam khá giỏi.

Hệ thống các ô hộc được bài trí theo lối “nhất thi nhất họa” bằng pháp lam trên nóc điện Thái Hòa trong Hoàng thành Huế. Ảnh: Thái Hoàng
Hệ thống các ô hộc được bài trí theo lối “nhất thi nhất họa” bằng pháp lam trên nóc điện Thái Hòa trong Hoàng thành Huế. Ảnh: Thái Hoàng

Về tên gọi “pháp lam”, đây quả là một đề tài thú vị và cũng tốn khá nhiều giấy mực. Trên thế giới, sản phẩm này được người Anh gọi là “painted enamels”, Pháp là “émail peint sur cuivre”, Nhật Bản là “shipouyaki”, Trung Quốc là “pháp lang”... và ở Việt Nam thì nó mang cái tên mới tên là “pháp lam”.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc nhà Nguyễn tiếp thu kỹ thuật từ Trung Quốc nhưng thay đổi tên gọi “pháp lang” thành “pháp lam” là để tránh trùng âm với những chữ quốc húy của triều Nguyễn. Chẳng hạn như họa sĩ Phạm Đăng Trí cho rằng, có thể do thổ ngữ Huế phát âm không phân biệt được “lang” và “lan” nên đã đổi “lang” thành “lam” để tránh âm “Lan” trong tên của chúa Nguyễn Phúc Lan. Còn theo nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn ở Huế, việc thay đổi này có thể là để tránh tên gọi hoàng hậu Tống Thị Lan - vợ vua Gia Long, vị vua đầu tiên của triều Nguyễn. Một hướng giải thích khác cho rằng, sở dĩ đồ kim khí có tráng men được gọi chung là pháp lam vì “pháp” có nghĩa là luật lệ, khuôn phép, còn “lam” đơn giản là chỉ màu men lam. Như vậy, có thể hiểu pháp lam là nghệ thuật tráng men lên cốt kim loại theo những cách thức, luật lệ định sẵn.

Cốt bình bằng đồng trước khi được vẽ pháp lam lên bề mặt. Ảnh: Thái Hoàng
Cốt bình bằng đồng trước khi được vẽ pháp lam lên bề mặt. Ảnh: Thái Hoàng

Vàng son lộng lẫy

Mặc dù nguồn gốc tên gọi cho đến nay vẫn còn nhiều ý kiến lí giải khác nhau nhưng có một thực tế được nhiều người thừa nhận và khẳng định, đó là triều Nguyễn đã ứng dụng kĩ nghệ pháp lam vào cuộc sống sáng tạo hơn các nước. Nếu như người Trung Quốc, người Nhật Bản, cũng như người phương Tây... chỉ coi pháp lam như một thứ chất liệu để sản xuất ra các vật dụng sinh hoạt, thờ tự hay những món đồ lưu niệm, thì các nghệ nhân pháp lam thời nhà Nguyễn đã vận dụng pháp lam như một loại vật liệu kiến trúc trong công cuộc kiến thiết, xây dựng các cung điện, lăng tẩm ở Huế.

Theo đó, các nghệ nhân Huế với kĩ thuật phối màu độc đáo mang đặc trưng theo lối cung đình Huế cùng với việc nắm bắt được tính chất độ bền, khả năng chống chịu của pháp lam trước điều kiện thời tiết, khí hậu khắc nghiệt của miền Trung nên họ đã khéo léo sử dụng pháp lam để tạo thành các đồ án trang trí, gắn lên ngoại thất các công trình kiến trúc cung điện, đền đài, lăng tẩm.

Nét đặc sắc và đặc biệt của việc ứng dụng pháp lam trong trang trí trên các công trình kiến trúc cung đình Huế đó là tùy vào tính chất, quy mô và tầm quan trọng của công trình mà người ta sẽ có những thể thức, lề lối trang trí khác nhau. Về cơ bản, hình thức thể hiện của các đồ án pháp lam Huế xoay quanh các chủ đề về rồng phượng, chim muông, hoa lá, phong cảnh, thơ văn, câu đối chữ Hán Nôm, và các loại họa tiết trang trí mang phong cách cổ điển và truyền thống...; màu sắc thì tươi vui, nhã nhặn với những gam màu truyền thống như tím, đỏ, xanh lam, vàng chanh, hồng phấn, xanh đậm...

Nhờ vậy mà trải qua gần hai thế kỉ, màu sắc và hình thái các chi tiết trang trí pháp lam trên các công trình kiến trúc cung đình ở Huế vẫn giữ nguyên nét vàng son lộng lẫy một thời, góp phần làm cho các di tích ở cố đô Huế bớt đi vẻ u buồn, sầu lắng, và đặc biệt hơn là còn góp phần đưa quần thể di tích cố đô Huế trở thành di sản văn hóa của thế giới vào năm 1993. Đây chính là nét đặc sắc và đặc biệt của pháp lam Huế so với pháp lam của các nước trên thế giới.

Bên cạnh thành tựu nổi bật trong việc ứng dụng pháp lam trang trí cho các công trình kiến trúc cung đình, pháp lam Huế thời bấy giờ cũng được ứng dụng nhiều trong việc sản xuất các đồ gia dụng, đồ tế tự và cả đồ lưu niệm dùng trong hoàng cung. Ngày nay, tại Bảo tàng Mĩ thuật Cung đình Huế vẫn còn lưu giữ khoảng 100 hiện vật pháp lam Huế được chế tác theo lối này.

Đáng chú ý, đồ pháp lam Huế còn được phát hiện có mặt tại một số bảo tàng lớn ở Châu Âu như Bảo tàng Dân tộc học Berlin (Đức), Bảo tàng Dân tộc học Muenchen (Đức), Bảo tàng Mỹ thuật Rennes (Pháp)... và cả trong những bộ sưu tập của một số nhà sưu tầm cổ ngoạn trên thế giới.

Tranh pháp lam của nghệ nhân Đỗ Hữu Triết. Ảnh: Thái Hoàng
Tranh pháp lam của nghệ nhân Đỗ Hữu Triết. Ảnh: Thái Hoàng

Phục dựng và hồi sinh

Dựa vào các kết quả nghiên cứu có thể nhận thấy rằng, kĩ nghệ pháp lam Huế ra đời vào năm 1827, phát triển mạnh vào các triều vua Minh Mạng (1820 - 1841), Thiệu Trị (1841 - 1847) và Tự Đức (1848 - 1883). Đến thời vua Đồng Khánh (1885 - 1889) thì sa sút dần rồi mất hẳn.

Như vậy, tính tổng thể từ khi xuất hiện cho đến lúc suy tàn rồi mất hẳn, pháp lam Huế chỉ tồn tại trong khoảng 60 năm. Thời gian tuy ngắn nhưng cũng đã kịp để lại những dấu ấn đáng nể, góp phần không nhỏ trong việc định hình dấu ấn văn hóa, mỹ thuật của một triều đại.

Trải qua khoảng 200 năm tồn tại, đến nay, nhiều hạng mục trang trí pháp lam trên các công trình kiến trúc cung đình Huế đang dần bị hư hỏng và xuống cấp. Những năm gần đây, một số nhóm và cá nhân đã ra sức tìm tòi hướng khôi phục lại kỹ thuật chế tác pháp lam Huế nhằm phục vụ cho công tác trùng tu, tôn tạo các di tích cũng như để bảo tồn nghề xưa. Trong đó đáng chú ý là những kết quả thành công khá ấn tượng của thạc sĩ Đỗ Hữu Triết và các cộng sự tại công ty Trách nhiệm Hữu hạn Thái Hưng ở Huế.

Thạc sĩ Đỗ Hữu Triết vốn xuất thân là dân vật lý và từng có thời gian khá dài làm công tác nghiên cứu tại Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế. Sau gần 10 năm tìm tòi nghiên cứu, năm 2005, anh bảo vệ thành công luận án thạc sĩ với đề tài "Phục dựng pháp lam Huế". Đây được xem như bước khởi đầu rất có ý nghĩa để anh tiếp tục đi sâu vào con đường nghiên cứu, phục hồi kĩ thuật chế tác pháp lam truyền thống Huế sau này.

Theo Thạc sĩ Đỗ Hữu Triết, cái khó của việc khôi phục pháp lam Huế là do kĩ thuật này đã bị thất truyền khá lâu và hầu như không có tài liệu nào từ thời xưa để lại, trong khi đó kĩ thuật pháp lam các nước và của Huế cũng rất khác nhau. Vì vậy, sau nhiều năm tự mày mò nghiên cứu thử nghiệm cùng với vô số lần thất bại, cuối cùng anh và các cộng sự cũng đã tìm ra nguyên lí cơ bản và làm chủ được kỹ thuật chế tác pháp lam Huế.

Từ những kết quả ấy, thạc sĩ Đỗ Hữu Triết được tin tưởng giao thực hiện trùng tu, phục hồi thành công nhiều hạng mục pháp lam trên các di tích cung đình quan trọng ở Huế. Không dừng lại ở đó, Đỗ Hữu Triết và các cộng sự còn tìm tòi mở rộng hướng ứng dụng nghệ thuật pháp lam sang các lĩnh vực mới đang thịnh hành trong đời sống như sáng tác tranh pháp lam theo chủ đề truyền thống lẫn hiện đại, sản xuất các mặt hàng lưu niệm, các sản phẩm có tính ứng dụng cao trong xây dựng, kiến trúc và đời sống, thử nghiệm kết hợp pháp lam với sơn dầu, sơn mài trong sáng tác tranh...

Tranh pháp lam Huế trưng bày tại Festival Nghề truyền thống Huế 2019. Ảnh: Thái Hoàng
Tranh pháp lam Huế trưng bày tại Festival Nghề truyền thống Huế 2019. Ảnh: Thái Hoàng

Hiện nay, đến với cơ sở sản xuất và trưng bày pháp lam Huế của thạc sĩ Đỗ Hữu Triết đặt tại 66 Chi Lăng, TP.Huế, du khách không chỉ được tận mắt chiêm ngưỡng những tác phẩm pháp lam Huế độc đáo và đầy sáng tạo mà còn được giao lưu, học hỏi và tự tay khám phá thử nghiệm làm một trong những kĩ thuật chế tác mĩ thuật độc đáo nhất của cung đình nhà Nguyễn vốn từng đã bị mai một trong suốt gần 200 năm qua nay mới được khôi phục.

Với những bước đi kiên trì, đầy đam mê, sáng tạo và vững chắc của thạc sĩ Đỗ Hữu Triết và các cộng sự, có thể nói rằng Huế đã hồi sinh được pháp lam - một trong những di sản độc đáo, quý báu và có một không hai của nhà Nguyễn.

Ghi chép của thái hoàng
TIN LIÊN QUAN

Khởi tố cựu Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM vừa khởi tố thêm 5 bị can khác.

Không khí lạnh suy yếu dần, Bắc Bộ nắng hanh và tăng nhiệt

AN AN |

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định không khí lạnh tác động mạnh đến Bắc Bộ từ đêm nay đến ngày mai 18.1. Từ ngày 19.1, ngày có nắng hanh và nhiệt độ có xu hướng tăng nhẹ.

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.

Vì sao gốc đào Nhật Tân được chào bán với giá 200 triệu đồng?

Quỳnh Trang |

Sáng 17.1, dọc đại lộ Lê-Nin, thành phố Vinh (Nghệ An) tấp nập cảnh mua - bán hoa, cây cảnh phục vụ Tết Nguyên đán. Trong đó, thu hút nhiều người xem nhất là gian trưng bày gốc đào Nhật Tân của anh Đặng Văn Cường (36 tuổi, trú TP Vinh) bởi nơi đây trưng bày gốc cổ thụ độc đáo với thế "rồng bay".

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Khởi tố Giám đốc Trung tâm đăng kiểm duy nhất ở Hòa Bình

PV |

Hoà Bình - Cơ quan công an vừa khởi tố các bị can liên quan đến vụ án “Nhận hối lộ” xảy ra tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 28-01S thuộc Sở Giao thông vận tải Hòa Bình.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.