Gặp gỡ cuối tuần

PHAN MINH HẢI ĐẠP XE VÒNG QUANH CHÂU Á KÊU GỌI HỖ TRỢ HỌC SINH NGHÈO: “Tôi muốn truyền cảm hứng ham học cho các em nhỏ”

NHẬT LỆ THỰC HIỆN |

Đang là nhân viên marketing của Công ty Tia sáng mới, Phan Minh Hải xin nghỉ việc để đạp xe theo hành trình một vòng Châu Á với thông điệp “Học vì tương lai tươi sáng”, kêu gọi hỗ trợ cho học sinh nghèo.

Anh sinh năm 1989, muốn thực hiện ước mơ viết về học sinh nghèo ở những nơi mình đi qua, làm sao để thuyết phục những nhà hảo tâm trong và ngoài nước chung tay cho việc phổ cập giáo dục và xóa mù chữ. Công ty nơi anh đang làm việc cũng hỗ trợ hết sức cho chàng thanh niên nhiều ý tưởng này, như giúp thành lập trang web và tạo điều kiện để trong vòng hai năm, Phan Minh Hải bằng xe đạp thực hiện chuyến hành trình độc đáo của mình.

Với thanh niên ngày nay, đi phượt đã trở thành mốt thời thượng, không chỉ từ Bắc đến Nam, mà còn qua các nước Đông Nam Á bằng xe đạp, xe máy… Tuy nhiên, Phan Minh Hải nhận ra một điều, họ chỉ phượt vì thú vui của mình, chứ không phải làm một điều gì đó có ích cho cộng đồng; thậm chí nhiều người trong số đó đã bỏ mạng trên chặng đường dài vì chẳng may gặp phải tai nạn. Khi Hải ngỏ lời với cộng đồng phượt quen biết hãy cùng mình đi xe đạp kêu gọi hỗ trợ cho các học sinh nghèo ở Việt Nam và Châu Á, phần lớn các thành viên đều lắc đầu, thậm chí có người còn cho là anh “khùng”, hoặc có mục đích lừa đảo gì chăng. Hải quyết tâm lên đường theo cách của mình.

Xin anh cho biết, vì đâu anh quyết tâm thực hiện một cuộc hành trình dẫu biết trước là sẽ gặp nhiều khó khăn, thậm chí có khi chưa chắc đã thực hiện được?

- Lúc nhỏ, tôi đã phải sống trong nghèo khó, đi làm từ 6 tuổi. Tôi đã trải qua nhiều việc: Cấy lúa mướn, chằm nón, sau này lớn lên phụ hồ… nhưng tôi vẫn vừa học vừa làm, phấn đấu hết sức để tốt nghiệp đại học quản trị kinh doanh marketing chính quy.Tôi nghĩ rằng, việc học sẽ tạo cơ hội cho học sinh nghèo thay đổi số phận của mình, lớn lên có việc làm ổn định. Tôi thường đi phượt, chạy xe Honda đến các vùng Tây Nguyên, nên biết nhiều nơi người dân rất khó khăn.Với niềm tin mãnh liệt và phấn đấu từng ngày, anh em tôi lần lượt tốt nghiệp đại học và có một công việc ổn định tại Sài Gòn. Thế nhưng không một giây phút nào chúng tôi không đau đáu về ý định góp một phần công sức dù là nhỏ bé để mang ánh sáng tri thức đến cho những thế hệ tiếp theo, đặc biệt là những đứa trẻ sinh ra ở những vùng quê còn nhiều khó khăn.

Vì sao anh nhắm đến việc hỗ trợ giáo dục, xóa mù chữ, mà không phải là một mục đích nào khác?

- Là một cựu sinh viên của trường Đại học Tây Đô, từng tham gia những chuyến đạp xe dài ngày và ngắn ngày qua nhiều địa phương trong nước, nhận thấy sự thiếu thốn về điều kiện giáo dục, và sự xem nhẹ giáo dục tri thức của phần lớn người dân tại những vùng khó khăn trên khắp đất nước, tôi quyết định lên kế hoạch về hành trình đạp xe qua 63 đất nước Châu Á và Châu Âu nhằm tạo một cái nhìn tổng quan, trung thực về giá trị, vai trò của giáo dục cũng như điều kiện thực tế tại từng địa phương mà đặc biệt là những vùng khó khăn.

Khoan nói đến những hành trình xa xôi và khó khăn như Châu Âu, mà trước tiên hãy là những nước Đông Nam Á. Xin anh cho biết anh đã thực hiện hành trình đầu tiên của mình như thế nào?

- Tôi khởi hành từ ngày 20.6, đi cùng 2 người bạn nữa. Mục đích của chúng tôi là sang Campuchia, ghé Biển Hồ, nơi có nhiều người Việt sinh sống, xem thử tình hình học hành của trẻ em nơi này ra sao. Vietnamese Ride for Education (VRE) là một hành trình đạp xe xuyên Á - Âu, xuất phát tại Việt Nam. Hành trình đi qua những vùng quê, biên giới còn nhiều khó khăn, nâng cao ý thức của mọi người về tầm quan trọng của giáo dục tri thức, kêu gọi hỗ trợ về vật chất, tinh thần cho hoạt động giáo dục tại những địa phương. Vì lý do tôi không có giấy phép thành lập quỹ từ thiện nên hành trình sẽ không nhận bất kỳ khoản quyên góp nào cho "xóa mù chữ" hay giáo dục. Hình thức quyên góp dưới dạng cá nhân, tổ chức, có thể hỗ trợ trực tiếp đến các địa điểm khó khăn về vật chất (tập sách, quần áo), cơ sở vật chất (trường, lớp, đường sá, cầu), tiền mặt (khuyến khích nên quy đổi thành một chương trình khuyến học, học bổng…) hay tinh thần, trở thành tình nguyện viên, giảng dạy, xây dựng trường lớp…

Trước khi sang Campuchia, chúng tôi đi qua một số tỉnh Tây Nguyên, chứng kiến nhiều cảnh đời lam lũ, hiểu thêm vì sao người dân tộc phải phá rừng và không đầu tư cho con cái học hành đầy đủ. Họ chỉ nghĩ đến chuyện kiếm ăn, coi nhẹ chuyện đến trường của thế hệ sau. Chúng tôi ghé một số trường học và tìm hiểu thêm nhiều trường hợp khó khăn để sau này sẽ trở lại, mua tặng cho các em sách vở, đồ dùng học tập, thậm chí hỗ trợ học bổng cho các em, tùy theo khả năng của mình.

Cảm nhận của anh từ chuyến đi này, cho dù chưa trọn vẹn như mong đợi?

- Chúng tôi may mắn gặp được những người tốt bụng, cho trú ngụ qua đêm, tâm tình về người dân vùng đất nơi họ sống và cổ vũ cho chuyến đi của chúng tôi. Những tấm chân tình ấy khiến chúng tôi không bao giờ quên. Tuy nhiên, khi đến cửa khẩu Bu P’răng ở Đắk Nông vào tháng 7, các anh đồn biên phòng không cho chúng tôi qua. Trở lại Sài Gòn, hành trình vòng qua vài nước Đông Nam Á dang dở, chúng tôi đành khép lại hành trình này ngắn hơn dự định, nhưng vẫn trọn vẹn cái tình dành cho con người và vùng đất nơi đây. Chung quy lại, chuyến đạp xe Tây Nguyên vừa rồi, tôi thu nhập được rất nhiều. Điều duy nhất tôi vẫn nghĩ là cuộc sống khó khăn của người Châu Mạ và làm sao để khơi dậy đam mê học hành ở những đứa trẻ? Vài người bạn cũng bàn bạc kế hoạch hỗ trợ ít sách vở, quần áo cho các em. Hiện tại, có lẽ chúng tôi sẽ không làm được gì nhiều nhưng sẽ cố gắng giúp đỡ những gì có thể.

Nếu có lần bạn thăm Tây Nguyên, hãy dừng lại trò chuyện cùng người dân, bạn sẽ cảm nhận được cái tình của con người nơi đây và biết đâu bạn sẽ có cách hay để giúp đỡ phần nào những khó khăn của họ. Lần sau đến Tây Nguyên, tôi dự định đi bằng xe máy. Hiện tại, tôi đang kiếm việc làm mới để chuẩn bị cho chuyến đi tiếp theo.

Để chuẩn bị cho hành trình qua các nước Đông Nam Á của mình, anh từng có chuyến đi xuyên Việt thử nghiệm...

- Sau 3 tháng đi từ miền Nam ra miền Trung, bắt đầu chuyến xuyên Việt “tập sự”, tôi nhận ra một điều: Nhiều người Việt rất e ngại tiếp xúc với người lạ, thậm chí khi nghe trình bày mục đích của chuyến đi cũng không hề tỏ ra cảm thông; không những thế, có người còn xua đuổi. Tôi rất thất vọng khi từng ghé một số trường học, ngôi chùa xin nghỉ lại, nhưng bị từ chối, nên không ít lần phải ra ngủ ngoài công viên. Ngoài ra, những người mà tôi quen biết thì không muốn bỏ tiền ra giúp đỡ người nghèo hơn mình. Tại sao lại như vậy? Tôi tự tìm cách lý giải, và quyết tâm đi qua các nước Đông Nam Á để chứng minh ngược trở lại: Khi những người Thái, Campuchia, Lào, Malaysia, Philippines… sẵn sàng giúp đỡ cộng đồng, thì người Việt mình tại sao không?

Vì sao cả một chuyến đi dài thế này mà anh không kêu gọi nhà tài trợ hoặc một ai đó hậu thuẫn cho mình?

- Cũng có một số người thương thảo để tôi quảng bá sản phẩm cho họ trong chuyến đi, song tôi nghĩ, họ cũng cần tôi chứng minh quyết tâm và khả năng của mình trước đã thì mới có niềm tin. Chính vì thế, tôi tự bỏ tiền túi để đạp xe tới khoảng 5 nước Đông Nam Á, sau đó mới nghĩ đến chuyện kết nối và kêu gọi tài trợ cho chương trình.

Anh có thể cho biết quá trình lên ý tưởng cho chuyến đi ra sao?

- Ý tưởng này nảy ra cách đây 3 năm, từ lúc đó, tôi bắt đầu chăm chỉ tập luyện, đạp xe, lên kế hoạch cho chuyến đi. Sau chuyến đạp xe từ miền Nam ra miền Trung vào tháng 8 năm ngoái, tôi nảy ra ý nghĩ làm một hành trình ngược lại: Từ Việt Nam, tôi đi qua các nước Châu Á, sau đó trở về, ghi nhận lại những câu chuyện, hoàn cảnh mình gặp dọc đường, đưa thông tin lên trang web của mình và các báo (nếu được) để xin hỗ trợ giúp đỡ cho những học sinh nghèo ở nơi đó.

Tôi thấy nhiều em nhỏ suốt ngày cắm mặt chơi game, lớn lên khó mà thành người tử tế được, mà cha mẹ không quan tâm hoặc không kéo các em trở về với với việc học hành… Ngoài ra, các em học sinh hiện nay bị bắt học quá nhiều, đến 10 giờ đêm vẫn còn học thêm, kiệt sức mà không hiệu quả.

Tụi tôi hồi nhỏ vừa học vừa làm, không hề học thêm, nhưng vẫn thi đậu đại học đó thôi. Thông qua câu chuyện của mình, tôi muốn nhiều em nhỏ tìm được nguồn cảm hứng để vượt khó vươn lên.

Anh hy vọng gì từ những chuyến đi tiếp theo?

- Lớp trẻ đi bụi rất nhiều. Tôi muốn thực hiện một hành trình để xin quỹ khuyến học gián tiếp, để tạo một phong trào đi phượt có ý nghĩa hơn, nối kết những nhà hảo tâm và các học sinh, các trường học còn khó khăn. Tôi hy vọng chuyến đi (từng chặng) của tôi sẽ có tác động đến doanh nghiệp, để họ góp sức cho cộng đồng. Tôi cũng mong tác động ngược trở lại với cộng đồng trong nước, bằng cách đi ra nước ngoài, tìm những nhà tài trợ có cái nhìn thoáng hơn, rồi quay trở về thuyết phục họ.

Trong trường hợp không ai đóng góp, anh dự tính xoay trở ra sao?

- Mỗi nước đi qua, tôi có thể ở lại trong vòng 2 tuần, có thể tự làm kiếm tiền với mục đích càng tìm ra những địa chỉ cần giúp đỡ càng tốt, kể lại những câu chuyện tai nghe mắt thấy để ai đó cảm động mà chia sẻ. Em gái tôi học đại học Anh văn, nên sẽ giúp tôi chỉnh sửa bài viết và dịch sang tiếng Anh.

Cũng có không ít bạn trẻ đi trước tôi cũng làm điều này nhưng không mấy ai thành công. Thế nên tôi lên kế hoạch chặt chẽ để hai năm đó không trở nên vô ích. Xin tiền tài trợ rất khó, nhưng người ta có thể đồng hành cùng tôi, hoặc in logo công ty, doanh nghiệp lên áo của tôi, để có thể tiếp sức cùng tôi thực hiện được ước vọng giúp cộng đồng.

Xin cảm ơn anh và chúc anh thực hiện được ước nguyện của mình!


NHẬT LỆ THỰC HIỆN
TIN LIÊN QUAN

Kênh đầu tư nào sẽ được hưởng lợi trong năm 2023?

Thái Mạnh |

Trong bối cảnh thị trường tài chính vẫn còn nhiều yếu tố khó lường, thì một số kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản sẽ được hưởng lợi nhờ định giá hấp dẫn và các chính sách được thúc đẩy trong năm nay.

Xe ôm, bốc vác "chuyển nghề" chở thuê đào, quất những ngày cận Tết

Trần Tuấn - Nguyễn Kế |

Bắc Giang - Thay vì làm nhưng công việc như xe ôm, bốc vác, nhiều lao động tự do ở TP.Bắc Giang chuyển sang làm nghề chở thuê đào, quất những ngày cận Tết, thu nhập khoảng 1 triệu đồng/ngày.

Gỡ khó các quy định tạo nguồn cung cho nhà ở xã hội

B. Chương |

Kế hoạch triển khai 1 triệu nhà ở xã hội đang gặp khó khăn vì nhiều quy định không phù hợp với chủ trương xã hội hóa đầu tư để phát triển nhà ở xã hội, hoặc chưa đảm bảo tính khả thi, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn.

NSƯT Chí Trung: “20 năm Táo Quân là quãng thời gian tươi đẹp của tôi”

Hiền Hương (thực hiện) |

NSƯT Chí Trung tiếp tục đảm nhận vai Táo Giao thông ở Táo Quân 2023. Anh chia sẻ với Lao Động hành trình 20 năm đã có ở Táo Quân và 6 tháng trải nghiệm cuộc sống về hưu sau khi nhận quyết định nghỉ chế độ từ tháng 6.2022.

Chứng khoán: Thị trường giữ trạng thái đi ngang trong ngắn hạn

Gia Miêu |

Xu hướng đi ngang ngắn hạn của thị trường chứng khoán dự báo sẽ tiếp tục được duy trì và chỉ số sẽ chuyển trạng thái vào sau kỳ nghỉ lễ.

Khán giả Việt Nam tiếc nuối chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo

Chi Trần |

Người hâm mộ Việt Nam tiếc nuối khi phải nói lời chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo sau hơn 5 năm gắn bó.

Chờ đợi cuộc tái cấu trúc trên thị trường bất động sản

ANH HUY |

Ở góc độ tích cực, bối cảnh trầm lắng, tắc thanh khoản của thị trường bất động sản (BĐS) trong nhiều tháng qua thúc đẩy cuộc tái cấu trúc trên thị trường mạnh mẽ hơn. Không chỉ doanh nghiệp cơ cấu lại sản phẩm, mà nhà đầu tư cũng dần tiệm cận với cách thức đầu tư lành mạnh và tầm nhìn dài hạn. 

Tranh luận trả lương tháng 13 và thưởng Tết nguyên đán

TUỆ NHI |

Dù đã 26 tháng Chạp nhưng nhiều người vẫn chưa được nhận lương tháng thứ 13 hay tiền thưởng Tết và đùa rằng với họ niềm vui xuân vẫn chưa về.