Ông già đi ngược gió

khương quỳnh |

Ông tự nhận mình là người hoài cổ. Bởi những thứ người ta bỏ, ông cố giữ. Ông chắp nhặt từng từ cổ của người Churu để bỏ vào từ điển, chắp nhặt câu hát cổ để lưu giữ. Người ta phá rừng, ông xung phong giữ rừng. Người ta bỏ rẫy ra đường lớn, ông từ đường lớn vào cuối làng sống như một kẻ sĩ ở ẩn. Vậy mà theo thời gian, người ta cứ tự tìm đến ông, tìm đến một ông già đi ngược gió.

Cái lý của những kẻ phá rừng

Thôn R’Lơm (xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) như một bức tranh phong cảnh đẹp, được tô vẽ một cách hài hòa bởi sắc vàng của lúa, hoa màu, điểm tô màu trắng của cánh cò, bao quanh là sắc xanh của rừng nguyên sinh và những đường cong chập chùng của núi đồi. Sẽ hoàn hảo hơn nếu những mảng màu xanh của rừng nguyên sinh đó không bị ngắt quãng bởi mảng đất trống trơ trọc xám ngoét.

Nằm ở cuối thôn R’Lơm, nhà Già làng Ya Loan khiêm tốn như một túp lều. Ông cũng nhỏ bé và kiệm lời dù vừa từ Hà Nội về sau lễ tuyên dương người có uy tín, nhân sĩ trí thức, doanh nhân dân tộc thiểu số tiêu biểu toàn quốc năm 2017. Ông già 73 tuổi ít nói nhưng hay cười, kể gì vui hay buồn cũng kết thúc bằng một nụ cười nhân hậu. Như cách ông cười buồn khi chỉ vào những mảng trống xám ngoét giữa rừng: “Ở làng này ai thương ai ghét mình, mình biết. Người thương mình là mấy người làm kinh tế giỏi. Người ghét mình là mấy người phá rừng”.

Một cán bộ xã Tu Tra kể lại, thời gian trước, người dân R’Lơm rồi cả những người di dân tự do từ đâu tới đua nhau phá rừng. Họ chọn rừng như một nơi lý tưởng để mưu sinh. Có người vào rừng chặt gỗ bán lấy tiền để sống, có người phá rừng khai hoang để làm nương rẫy. Từng mảng rừng xanh ngã xuống một cách xót xa. Khi ấy, nhiều người dân uy tín trong thôn xã được giao khoán giữ rừng. Ông Ya Loan cũng xin tham gia giữ 40 hecta rừng nguyên sinh.

Giữ rừng - đồng nghĩa với việc làm mếch lòng nhiều người dân. Ông là Già làng, được nhiều người quý trọng: “Mình khuyên bà con đừng phá rừng nữa. Giữ rừng là giữ bình yên cho xóm làng. Bỏ phá rừng đi, về làm vườn mình chỉ cho cách làm. Người nghe thì bỏ hẳn, theo mình, người không nghe không cãi nhưng vẫn âm thầm vác cưa đi vào rừng”. Già làng Ya Loan kể lại. Thế rồi, bần cùng có lúc ông phải thu cưa, thu máy của thanh niên. Lúc đó, họ chưa hiểu, tuy không nói ra, nhưng Già Loan biết, họ giận ông lắm.

Trong làng, Già Ya Loan là người đi đầu trong chuyển đổi cây trồng và cách canh tác. Hai chục năm trước, người dân vẫn quen với việc trồng cây lúa. Diện tích đất hầu hết được trồng lúa. Thiếu nước tưới, năng suất lúa rất thấp, có khi chỉ đủ ăn. Thấy vậy, Già làng Ya Loan đã thuê xe múc của nông trường để về múc một cái hồ nước lớn, mặt nước rộng cả hecta để vừa nuôi cá, vừa lấy nước tưới cho vườn mình và các hộ dân xung quanh.

Có nước, ông cũng chủ động san bằng đất, trồng thêm các loại hoa màu khác như cà chua, chanh dây, khoai lang, các loại rau... Hiện tại, 7 hecta đất của Già làng cho thu hoạch tiền tỉ mỗi năm. Thấy Già làng làm kinh tế giỏi, nhiều người dân đến học hỏi. Ai đến, Già chỉ hết mình: “Người ta phá rừng cũng có những lý lẽ riêng. Nên khi người dân làm vườn có tiền, đủ sống thì mới không nghĩ đến chuyện phá rừng nữa” - Già làng Ya Loan nói.

Người “gom” lại chữ viết Churu

Những ngày này, khi tuổi đã cao, sức đã yếu, Già làng Ya Loan đang hợp tác cùng với ông Nguyễn Hữu Tranh và mốt số già làng người Churu khác cố gắng hoàn thành cuốn từ điển Churu - Việt với hơn 10 ngàn từ, làm cơ sở cho những người có mong muốn tìm hiểu ngôn ngữ truyền thống của người dân tộc Churu. Đây là cuốn từ điển khó viết và công phu hơn nhiều cuốn từ điển Việt - Churu trước đó ông Ya Loan từng tham gia soạn thảo.

Ông quan niệm điều tối thiểu của một dân tộc là phải có ngôn ngữ riêng. Thế nhưng, những năm gần đây, nhiều người dân Churu đã tìm đến cuối làng R’Lơm để gặp Già làng Ya Loan chỉ để hỏi xem từ này viết thế nào, tên này phải viết ra sao. Già nhận ra một điều, người dân Churu còn nói được tiếng dân tộc mình, nhưng họ lại quên đi cách viết. Ngôn ngữ của dân tộc Churu phần nào rơi rớt theo thời gian.

Bắt đầu từ năm 2005, ông đã dành hầu hết thời gian để nghiên cứu ngôn ngữ của dân tộc mình. Từng là một thầy giáo dạy ngôn ngữ, việc sắp xếp lại các nguyên âm, phụ âm, cấu trúc câu đã ăn sâu vào huyết quản của ông. Nhưng cái khó nhất trong việc biên soạn từ điển Churu - Việt là tìm ra nghĩa của những từ ngữ Churu cổ. Mà người nắm giữ nghĩa của từ Churu cổ chỉ có thể là những thầy cúng.

Già Ya Loan đã cất công đi đến các buôn làng ở Đơn Dương, Đức Trọng để tìm cách thầy cúng. Ông trình bày và nhờ họ giải thích ý nghĩa của những từ ngữ đó. Bên cạnh cái khó từ Churu cổ, tiếng Việt còn bao la vốn từ Hán Việt. Để trình bày những từ Hán Việt bằng ngôn ngữ Churu một cách sát nghĩa nhất cũng không hề đơn giản.

Những năm gần đây, Già làng Ya Loan còn được mời tham gia biên soạn giáo trình và đứng lớp dạy tiếng Churu cho cán bộ, công chức người Kinh ở huyện Đơn Dương. Tiếng Churu với nhiều người đôi khi còn khó học hơn cả ngoại ngữ. Già Làng Ya Loan hiểu điều đó, chính vì thế, ông kiên nhẫn chỉ cho cán bộ từng câu, từng từ, cách phát âm và cách dùng ra sao. Nhờ có những lớp học này, cán bộ và dân làng mới hiểu và yêu quý nhau hơn. Ai đến huyện Đơn Dương, đến các trụ sở UBND xã sẽ thấy, cán bộ người Kinh giao tiếp với người đồng bào bằng tiếng Churu rất thành thạo.

“Ngôn ngữ là sợi dây đi vào đời sống, đi vào lòng người dễ dàng nhất. Người không phải dân tộc mình còn nói còn viết được tiếng mình. Mình là con của Churu, không viết được tiếng mình thì buồn lắm”. Đó là những lời Già làng Ya Loan dặn dò Ya Si Môn - anh cán bộ trẻ người Churu đi cùng chúng tôi.

Ngày nay, dù kho ngôn ngữ Churu đã được Già làng Ya Loan “gom” lại cũng hòm hòm. Thế nhưng, ông vẫn than buồn vì nhớ tiếng chiêng, nhớ những buổi tối ngày xưa người làng ngồi bên nhau và đối đáp bằng những câu hát cổ. Hóa ra “ông già ngược gió” ấy vẫn ấp ủ tìm lại được điều tốt đẹp xưa cũ của dân tộc mình. “Nhưng tuổi cao, sức yếu, không biết ngọn gió của đời mình bao giờ sẽ thôi thổi nữa” - ông nhìn ra làng, nén một tiếng thở dài.

khương quỳnh
TIN LIÊN QUAN

Bước đệm quan trọng của điền kinh Việt Nam hướng đến SEA Games 32

AN NGUYÊN |

Giải vô địch quốc gia Marathon và cự ly dài - Tiền Phong Marathon và các đợt tập huấn trong 2 tháng tới là sự chuẩn bị quan trọng của tuyền điền kinh Việt Nam hướng đến SEA Games 32.

Những điều không ngờ khiến thông tin cá nhân bị lọt tới đối tượng lừa đảo

HUYÊN NGUYỄN |

Đối tượng lừa đảo có thể biết rõ thông tin cá nhân trong vụ lừa con đi cấp cứu, phụ huynh chuyển tiền gấp đang khiến cho nhiều người lo ngại về tính bảo mật thông tin. Theo các chuyên gia, có nhiều cách để thông tin cá nhân bị lọt ra ngoài.

Cập nhật giá vàng sáng 11.3: Tăng dựng đứng, hãm bớt đà tăng giá của USD

Khương Duy (T/H) |

Cập nhật giá vàng hôm nay: Tính đến 0h30 ngày 11.3, giá vàng được các đơn vị kinh doanh trong nước niêm yết ở ngưỡng 65,9 - 66,6 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Trong khi đó, giá vàng thế giới trên Kitco niêm yết ở mức 1.863 USD/ounce.

Sức hút của thị trường Việt Nam với tập đoàn Keppel Singapore

Song Minh |

Tập đoàn Keppel của Singapore khai thác các thị trường mới nổi như Việt Nam để tăng trưởng trong bối cảnh Việt Nam có sức hút như một trung tâm sản xuất cho các nhà đầu tư đang tìm cách đa dạng thị trường ngoài Trung Quốc.

Giải cứu cháu bé 4 tuổi bị đối tượng đòi nợ dùng xăng khống chế làm con tin

HÀ ANH CHIẾN |

Đồng Nai - Tối 10.3, Công an tỉnh Đồng Nai đã khống chế thành công đối tượng Ngô Quý Phương (29 tuổi, quê Thừa Thiên Huế) khi đang giữ một cháu bé và tự đổ xăng vào người đe dọa tự thiêu.

Bình Dương: Tạm giam 2 Phó giám đốc và 2 đăng kiểm viên để điều tra hành vi nhận hối lộ

ĐÌNH TRỌNG |

Bình Dương - Lực lượng chức năng tỉnh Bình Dương đang thực hiện lệnh khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với 2 Phó giám đốc và 2 đăng kiểm viên Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 61-08D, điều tra về hành vi nhận hối lộ.

Mở visa, tăng chi tiêu của khách quốc tế để du lịch Việt Nam bứt phá

Thanh Chân |

TPHCM - Chính sách visa của Việt Nam đã có nhiều thay đổi kể từ sau dịch COVID-19, tuy nhiên vẫn còn tồn đọng điểm nghẽn, ảnh hưởng đến việc đón khách quốc tế. Bên cạnh đó, ngành du lịch cần tìm giải pháp tăng chi tiêu của khách quốc tế nhằm thúc đẩy du lịch Việt Nam bứt phá.

Thiết bị y tế độc quyền, báo giá gấp đôi gấp ba, có bị coi là thổi giá?

Thùy Linh |

Với tình huống trang thiết bị y tế độc quyền, báo giá có thể lên gấp 2-3 lần so với giá nhập khẩu như vậy liệu báo giá đó có bị coi “thổi” giá không?