Ốc đảo Hansen, bây giờ là... hoang đảo

hoàng văn minh |

6 năm sau ngày TP Đà Nẵng di dời hơn 350 nhân khẩu thuộc 127 hộ gia đình của làng Vân - “Ốc đảo Hansen” ở phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu) vào đất liền để nhường đất cho một dự án du lịch 5 sao, làng Vân từ ốc đảo đã trở thành... hoang đảo đúng nghĩa. 

Và “hoang đảo Hansen”, giờ là một điểm đến không thể tuyệt vời hơn của dân phượt và những người thích du lịch trải nghiệm.

Dang dở một giấc mơ

“Ốc đảo Hansen” là cụm từ chỉ Hòa Vân – một ốc đảo nằm dưới chân đèo Hải Vân, nơi cư trú mà cũng có thể gọi là trốn chạy của những người bị bệnh Hansen, theo thuật ngữ y khoa Việt Nam gọi là bệnh phong, hoặc là hủi, cùi... tùy theo địa phương.

Lịch sử của làng Vân bắt đầu được kể từ những năm đầu thập niên 1960, thời điểm ngành y tế thế giới chưa tìm ra phương thuốc hữu hiệu cho người mắc bệnh phong. Và với hiểu biết của cộng đồng thời đó, bệnh phong là thứ gì đó khủng khiếp cần tránh xa.

Vậy nên, Hòa Vân, một bán đảo dưới chân đèo Hải Vân cách biệt với đất liền là một trong những nơi lý tưởng để cho những người bệnh bất hạnh này chọn làm nơi trốn chạy sự kỳ thị của đồng loại. Năm 1968, ông Gordon Smith - Hội trưởng Hội truyền giáo Cơ đốc đã ra Hòa Vân xây dựng một trung tâm điều trị, sinh sống cho 40 bệnh nhân phong và đặt tên là Hy Lạc Viên với niềm tin cuộc sống sẽ trở lại với những người bệnh phong bất hạnh.

“Hồi đó kinh khủng lắm” – bà Nguyễn Thị Thuần, một trong những cư dân đầu tiên của làng Vân từ 50 năm trước rùng mình nhớ lại - “Những ngày đầu, người ta dựng một cái trại bằng vải ở ngay ngoài sân đang tổ chức tiệc kia và nam nữ cùng ở chung trong đó...”.

Năm tháng trôi qua, nhóm người bệnh ở Trung tâm điều trị bệnh phong của Hội Truyền giáo Cơ đốc cũng đã tự tìm được kế sinh nhai từ việc đánh bắt cá dưới biển, trồng lúa nước và lấy sản vật của rừng. Họ tựa vào nhau tìm hạnh phúc. Rồi từng gia đình nhỏ ra đời, dần lớn thành xóm, thành làng, với tên gọi quen thuộc là “làng Vân”.

Họ sống như vậy mãi đến năm 1998, tức tròn 30 năm sau, làng Vân mới chính thức được thành lập đơn vị hành chính cấp thôn, trực thuộc phường Hoà Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, gọi là thôn Hòa Vân. Họ vẫn sống trong nghèo nàn, lạc hậu do cách trở giao thông và quá nhiều người gần như bị tàn phế do di chứng bệnh tật nên không còn sức lao động.

Chỉ cách trung tâm Đà Nẵng chưa đầy 20km, nhưng thời nào, cuộc sống ở hai nơi có một sự cách biệt đến khó ngờ. Sự phồn hoa của đô thị chỉ chừng trong tầm với, nhưng với con dân làng Vân đó là một giấc mơ lớn của nhiều thế hệ.

Tôi nhớ mãi lời ông ông Trần Hữu Đức - trưởng thôn Hòa Vân từ 6 năm trước, ngày mà hơn 350 nhân khẩu thuộc 127 hộ gia đình ở làng Vân đồng loạt chuyển tài sản, nhà cửa lẫn... ký ức làng quê để vào đất liền, nhường đất cho một dự án du lịch.

Ông Đức nguyên là lính biên phòng canh gác trạm Hải Vân - gần gũi với dân làng, với bệnh nhân, rồi đem lòng say mê con gái của người y tá ở trại phong này. Ngày xuất ngũ, cũng là ngày Đức “cưa đổ” người đẹp, và anh chọn làng Vân để lập nghiệp, được bầu làm trưởng thôn.

“Chúng tôi luôn đau đáu nhớ đất liền” - ông nói. “Đêm đêm nhìn ánh đèn sáng bừng nửa vùng vịnh biển, hắt bóng đến tận làng Vân, chúng tôi luôn thèm muốn được hưởng thụ chút xa hoa của thành phố. Chúng tôi mơ rồi một ngày nào đó, Hoà Vân sẽ có đường giao thông, để trẻ con đi xe đạp. Mong ước lớn hơn là sẽ có bến tàu, để đưa khách du lịch từ bên kia thành phố sang đây, chia sẻ cảnh thần tiên của rừng, biển hoang sơ...”.

Những “người làng Vân” quay về quê cũ để dựng trại trú bên bờ biển. Ảnh: H.V.M
Những “người làng Vân” quay về quê cũ để dựng trại trú bên bờ biển. Ảnh: H.V.M

“Tôi buồn lắm...”

Sáu năm trước, không phải người dân nào cũng đồng thuận, tự nguyện rời làng Vân vào đất liền bởi một lần nữa họ phải rời bỏ quê hương thứ hai sau gần 50 gắn bó với một tương lai đầy bất trắc ở phía trước, gần nhất là vẫn còn sự kỳ thị, sợ hãi đến khó tin của những người hàng xóm tương lai theo như thừa nhận của chính quyền địa phương.

Đã thế thời điểm đó, việc giải toả, đền bù được giải quyết ổn thoả. Phần lớn, hộ dân sinh sống ở đây đều có diện tích đất ở, ruộng vườn rất lớn. Nhiều hộ có từ vài trăm đến cả chục ngàn mét vuông đất. Thế nhưng, vì chưa được Nhà nước cấp “sổ đỏ”, thành ra giá đền bù rẻ mạt. Trong khi đó, nơi ở mới chỉ là gian nhà cấp bốn, liền kề, chung tường chỉ với 75m2. Không ruộng vườn, không đất đai sản xuất nên họ chẳng biết xoay xở ra sao với 240.000 đồng/tháng trợ cấp xã hội.

Nhưng rồi họ cũng gạt nước mắt ra đi, đành phải “đồng lòng với chủ trương của thành phố để nhường đất cho một dự án lớn” như lời của ông Nguyễn Văn Hai - một phế nhân bị di chứng của bệnh phong rưng rưng trước ngày rời làng với chút niềm an ủi, rằng vùng đất sơn thuỷ hữu tình này, sẽ có tên gọi mới là “Khu du lịch nghỉ dưỡng và giải trí tổng hợp cao cấp Hoà Vân”, với mức đầu tư 5 tỉ USD của Cty CP Vinpearl.

Và mai này, Hoà Vân không chỉ có bến du thuyền, có đường giao thông, mà còn có cả... cáp treo nối từ thành phố... Để rồi 6 năm sau, không hiểu vì lý do gì, dự án “Khu du lịch nghỉ dưỡng và giải trí tổng hợp cao cấp Hoà Vân” vẫn còn nằm trên giấy.

Hôm rồi chúng tôi trở lại làng Vân theo cách của một phượt thủ với đùm đuề lều trại, vật dụng cá nhân. Chúng tôi chọn cách phổ biến là men theo đường mòn dọc núi từ đèo Hải Vân đi xuống. Bất ngờ bởi làng Vân bây giờ quay lại đúng nghĩa là một hoang đảo với bốn bề ngút ngàn cỏ dại.

Những vườn cây ăn trái, giờ cũng thành những mãng cầu rừng, mít rừng, dừa rừng... thô ráp, cằn cỗi do từ lâu lắm đã vắng hơi ấm và bàn tay con người chăm sóc. Dọc đường, vài quãng chúng tôi lại nhìn nhau ngậm ngùi khi gặp những ngôi mộ người dân còn chưa kịp di dời về đất liền nằm chơ vơ hoang lạnh. Hình như lâu lắm rồi chẳng còn ai đến đây hương khói?

Cư dân làng Vân, tạm gọi thế, giờ chỉ lác đác hơn chục người, phần lớn là cán bộ chiến sĩ của đồn biên phòng đang đồn trú trên đảo và vài ba hộ gia đình, hầu hết là “người làng Vân” nhớ nhung chốn cũ từ đất liền ra đây dựng lều sát mép biển để nuôi trồng, đánh bắt hải sản sinh nhai.

Đặng Hữu Á, 54 tuổi, mặt buồn rười rượi. Sau một thời gian vào đất liền, không chịu nổi sự tù túng và cuộc sống mới đầy rẫy khó khăn, anh vào vào ra ra làng Vân với nghề nuôi bò và đánh bắt cá. Anh kể: “Tôi sinh ra ở đất liền và không bị bệnh. Hồi đó tôi mồ côi rồi theo ông nội ra đây, lớn lên, lấy vợ và sinh con. Ông nội, tôi và các con đã gắn bó với làng Vân từ những ngày đầu tiên nên tôi coi đây là quê hương thứ 2 của mình”.

Ngày rời làng Vân 6 năm trước, anh Á để lại một đàn bò 5 con rồi cho thả rông. Giờ thì cách vài ngày, anh lại đi bộ ngót 15 cây số từ ngã ba hầm Hải Vân ra đây để xem bò và tranh thủ làm vài mẻ lưới rồi đến tối lại về. “Anh thấy thế nào?”, tôi chỉ tay một vòng những căn nhà hoang đổ nát. “Tôi buồn lắm” - anh rưng rưng chực khóc. “Nếu biết trước người ta bỏ hoang mọi thứ như thế này, ngày ấy chắc chẳng ai trong chúng tôi chịu rời làng Vân...”.

Lâu lâu làng Vân lại bất ngờ đông lên bởi những phượt thủ, đôi khi là mấy đứa mắt xanh tóc vàng đến từ đâu đó xa lắc của trái đất. “Tụi em chạy trốn sự ngột ngạt của thành phố và đây là một điểm đến rất lý tưởng với thiên nhiên trong lành, bờ biển sạch và nước không thơm mùi hóa chất” – một phượt thủ nói. Và chúng tôi bổ sung thêm cho các bạn ấy một dẫn dụ mê hoặc bằng hai thợ lặn cùng mấy ngư dân và lưới cụ “mang theo” từ làng chài Nam Ô bên cạnh.

Tầm một tiếng sau, những thợ lặn đã “dâng” lên cho chúng tôi một rổ lớn toàn ốc và cua đá – những đặc sản không đâu ở miền Trung ngon bằng trú ngụ ở bãi đá ngầm bên trái bờ biển. Và tối đến là những mẻ cá, mực tươi xanh đành đạch được chúng tôi kéo lên từ lòng biển để chuẩn bị cho những món nướng, hấp, cháo... và những đống lửa được đốt lên để gọi mời thần biển, thần núi... về cùng chứng kiến.

hoàng văn minh
TIN LIÊN QUAN

Cổ động viên Thái Lan đặt dép giữ chỗ mua vé xem chung kết AFF Cup 2022

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Người hâm mộ bóng đá Thái Lan bày tỏ sự thất vọng khi không thể mua được vé xem đội nhà đá chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Ông Lê Tiến Châu làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng

Mai Chi |

Ông Lê Tiến Châu, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được Bộ Chính trị phân công làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của ngoại giao Việt Nam

Thanh Hà |

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của nền ngoại giao Việt Nam trong 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, là minh chứng hùng hồn cho việc vận dụng nhuần nhuyễn phương châm "dĩ bất biến ứng vạn biến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Người nhà bệnh nhân mong chờ đón Tết ở bệnh viện không còn lạnh lẽo

MINH HÀ - HẢI DANH |

Hàng trăm người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức vẫn phải chịu cảnh màn trời chiếu đất khi bệnh viện không có chỗ lưu trú. Vào thời điểm cận Tết, họ cảm thấy chạnh lòng, lo lắng phải đón Tết ở bệnh viện trong cảnh thiếu thốn, lạnh lẽo.

Xe khách đâm nhau trên đường dẫn cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi, 27 người thương vong

VIÊN NGUYỄN |

Quảng Ngãi - Một vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra trên đường dẫn cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi giữa 2 xe khách khiến 1 người chết, 26 người bị thương.

Ngắm nhìn những chậu lan hồ điệp trị giá vài chục triệu đồng tại Hải Phòng

Lương Hà |

Hải Phòng - Những chậu lan hồ điệp, có kích thước lớn, được sắp xếp khéo léo, có giá trị vài chục triệu đồng được người dân Hải Phòng đặc biệt chú ý và quan tâm trong dịp Tết Nguyên đán này.

Duy trì bay đêm đảm bảo nhu cầu đi lại của khách dịp Tết Nguyên đán

Minh Hạnh |

Cục Hàng không Việt Nam vừa có Công điện gửi các đơn vị có liên quan về tăng cường đảm bảo trật tự, an toàn giao thông hàng không trong dịp Tết Nguyên đán và lễ hội xuân Quý Mão năm 2023, yêu cầu các cảng hàng không duy trì hoạt động bay đêm 24/24h theo nhu cầu vận tải của các hãng hàng không.

Hàng loạt sự kiện mừng Tết Quý Mão 2023 ở TPHCM

MINH QUÂN |

TPHCM - Đường hoa Nguyễn Huệ, đường sách, bắn pháo hoa, hội hoa xuân, chợ hoa Tết, ngày hội bánh tét... là những sự kiện được TPHCM tổ chức mừng Tết Quý Mão 2023.