NSƯT Bùi Công Duy: “Tôi có niềm tin lớn vào sự phát triển của nhạc giao hưởng thính phòng ở Việt Nam”

ANH TUẤN (thực hiện) |

Ở Việt Nam đang dần hình thành nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật và văn hóa bác học hàn lâm. Nhạc giao hưởng đã được mang ra trình diễn trên đường phố, đem lại cảm nhận mới, kéo gần khoảng cách giữa công chúng với thể loại âm nhạc này.

Từng được xem là “thần đồng âm nhạc Việt Nam”, NSƯT Bùi Công Duy đã giành được nhiều giải thưởng quốc tế về violin khi còn rất trẻ: 16 tuổi giành giải Nhất cuộc thi âm nhạc quốc tế Tchaikovsky. Anh có nhiều năm học tập và biểu diễn trong môi trường quốc tế, là người nước ngoài đầu tiên tham gia dàn nhạc dây danh tiếng Moscow Virtuosi.

Hiện nay, anh dành nhiều thời gian tâm huyết để đào tạo nên các tài năng âm nhạc cho nước nhà trên cương vị Phó giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Lao Động Cuối Tuần đã có cuộc trò chuyện với NSƯT Bùi Công Duy về những trăn trở của anh đối với sự phát triển của nhạc giao hưởng thính phòng ở Việt Nam.

Mong có nhiều hơn nữa nghệ sĩ quốc tế đến Việt Nam

Xin chào NSƯT Bùi Công Duy! Vừa rồi Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đã mời được ông Shlomo Mintz, một huyền thoại violin thế giới đến giảng dạy và trình diễn. Để mời được một nghệ sĩ hàng đầu thế giới sang Việt Nam hẳn không phải dễ dàng?

- Đối với những người học violin như tôi thì Shlomo Mintz là một huyền thoại không ai không biết đến. Ông đã từng biểu diễn ở những sân khấu đẳng cấp nhất. Tôi đã muốn mời ông đến Việt Nam từ rất lâu rồi, nhưng không dám ngỏ lời.

Tiếp cận ông ấy rất khó! Những nghệ sĩ lớn thường có nhiều agency, mỗi agency phụ trách một khu vực địa lý riêng.

Lần này, chúng tôi rất may mắn mới có thể mời được Shlomo Mintz sang Việt Nam. Chúng tôi được những người bạn trong giới âm nhạc thính phòng quốc tế giới thiệu. Bản thân Shlomo Mintz cũng có nhiều cảm tình với Việt Nam.

Ông ấy cũng đang thực hiện tour lưu diễn thế giới kỷ niệm 50 năm ra mắt công chúng (trước khi sang Việt Nam ông biểu diễn ở Nhật Bản). Lời mời của chúng tôi vừa vặn đúng thời điểm.

Để mời được một nghệ sĩ hàng đầu thế giới không hề dễ dàng. Điều kiện của chúng ta còn nhiều hạn chế. Thế nên chúng tôi phải chuẩn bị thật chu đáo để khiến Shlomo Mintz cảm thấy hài lòng, có ấn tượng tốt trong những ngày lưu lại Việt Nam. Mong muốn của tôi là không chỉ lần này mà sẽ còn nhiều lần sau nữa có thể mời ông ấy trở lại Việt Nam.

Tôi có thể tò mò về khoản cát-sê để mời một nghệ sĩ hàng đầu thế giới tới biểu diễn tại Việt Nam?

- Tôi xin phép không tiết lộ cụ thể, nhưng đó là một con số không hề nhỏ. Để nhận được cái gật đầu của một nghệ sĩ nổi tiếng thế giới có nhiều cách. Có những chương trình đơn thuần mang tính chất kinh doanh, đơn vị tổ chức có tiềm lực tài chính thì nghệ sĩ sẽ nhận mức cát-sê khác.

Nhưng bạn thấy đấy, chương trình của chúng tôi giống như một cuộc dạo chơi của những người bạn với nhau, lại diễn ra trong môi trường học thuật ở Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam nên luôn có những “ngoại lệ”.

Là người làm công tác giảng dạy, tôi cũng như ban lãnh đạo của trường mong muốn nơi đây là một “thánh đường nghệ thuật” đúng nghĩa, nơi dành để tôn vinh âm nhạc đỉnh cao. Chúng tôi không muốn vì yếu tố kinh doanh mà ngăn cản công chúng tiếp cận với nghệ thuật. Các nghệ sĩ khi đến với chúng tôi chưa bao giờ đặt vấn đề cát-xê lên trước giá trị cống hiến, giá trị học thuật.

Có những nghệ sỹ hàng đầu Việt Nam, đã từng biểu diễn ở nhiều nơi trên thế giới nhưng khi đến với chúng tôi chỉ nhận mức cát-sê tượng trưng. Nhưng họ hát vẫn hay, vẫn cống hiến hết mình cho nghệ thuật.

"Tôi có niềm tin vào sự phát triển của âm nhạc hàn lâm Việt Nam"

Thời gian qua Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đã đón một vài tên tuổi âm nhạc hàng đầu thế giới đến thăm, trình diễn và giảng dạy. Sự có mặt của họ giúp cho thầy trò của trường học hỏi được những gì, thưa anh?

- Những năm vừa qua Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đã tích cực trong công tác giao lưu hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giảng dạy. Chúng tôi là thành viên của Liên minh các trường nghệ thuật chuyên nghiệp Đông Nam Á và Trung Quốc (gồm 11 trường của các nước ASEAN và 8 trường của Trung Quốc), hướng đến liên kết đào tạo, trao đổi sinh viên, hợp tác nghiên cứu và sáng tác nghệ thuật, tận dụng tối đa nguồn lực của mỗi bên để cùng phát triển.

Chúng tôi cũng hợp tác với các nước châu Âu như: Đức, Thụy Điển, Áo để đón tiếp các nghệ sĩ sang giảng dạy và trình diễn các lớp Master Class của trường.

Trong sự kiện nghệ sĩ Shlomo Mintz đến thăm Việt Nam vừa qua, ông cũng có buổi lên lớp Master Class dành cho 4 sinh viên tài năng. Không chỉ có 4 bạn được hướng dẫn trực tiếp mà còn có rất đông các sinh viên và thầy cô giáo của trường đã có mặt theo dõi buổi lên lớp của ông.

Shlomo Mintz có cách tiếp cận rất khác. Ông không thị phạm nhiều, mà thường trao đổi đa chiều để giải đáp thắc mắc người học. Ít có lớp Master Class nào diễn ra như thế! Các phân tích và cách tiếp cận, giải thích vấn đề của Shlomo Mintz mang đến những kiến thức bổ ích cho chúng tôi.

Shlomo Mintz đặc biệt ấn tượng với một bạn sinh viên của trường là Nguyễn Nguyên Lê thuộc hệ trung cấp tài năng. Đó cũng là học viên nhỏ tuổi nhất trong số 4 học viên được ông trực tiếp chỉ dạy (bạn ấy mới 14 tuổi).

Gần đây có nhiều chương trình nhạc giao hưởng được tổ chức, có thêm các nhà hát và không gian nghệ thuật dành riêng cho thể loại âm nhạc này. Rõ ràng công chúng đã dành sự quan tâm nhiều hơn cho nhạc giao hưởng thính phòng. Đó là tín hiệu đáng mừng đấy chứ, phải không thưa anh?

- Đó là một tín hiệu vui. Chúng ta thấy văn hóa nghệ thuật ngày càng được coi trọng hơn. Trong hoạt động văn hóa không chỉ giữ gìn những bản sắc văn hóa riêng có của người Việt Nam mà còn phải là hội nhập quốc tế nữa.

Khi hội nhập quốc tế thì có những tiêu chuẩn chung chúng ta cần phải theo. Chuẩn mực quốc tế ngày càng cao, đòi hỏi chúng ta cũng phải có những sự đầu tư xứng đáng cho văn hóa để bắt kịp thế giới.

Thời gian qua tôi thấy có những tín hiệu rất tích cực, chúng ta có thêm một nhà hát mới rất tuyệt vời; sắp tới sẽ có thêm một số dàn nhạc mới đi vào hoạt động. Điều đó cho thấy trong xã hội đang dần hình thành những nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật và văn hóa bác học hàn lâm.

Tuy nhiên, theo tôi sự phát triển và đầu tư cho văn hóa nói chung và âm nhạc nói riêng vẫn chưa tỉ lệ thuận với sự phát triển kinh tế.

Các nghệ sĩ chúng tôi lúc nào cũng yêu nghề, cũng muốn cống hiến bằng tất cả niềm đam mê. Người ta tưởng nhạc hàn lâm chỉ có thể chơi trong không gian nhà hát sang trọng, nhưng không phải thế. Nhiều bạn nghệ sĩ trẻ - bằng sự năng động và sáng tạo - đã mang nhạc giao hưởng ra trình diễn trên đường phố, tại những không gian công cộng ngoài trời, đem lại cảm nhận mới cho khán giả về nhạc giao hưởng và cũng kéo gần hơn khoảng cách giữa công chúng với thể loại âm nhạc này.

Tôi luôn có niềm tin lớn vào sự phát triển của nhạc giao hưởng thính phòng Việt Nam.

Xin cảm ơn nghệ sĩ Bùi Công Duy!

ANH TUẤN (thực hiện)
TIN LIÊN QUAN

Dàn nhạc Giao hưởng Trẻ trở lại với Đêm nhạc phim

Thanh Hương |

Ngày 6 và 7.5, Dàn nhạc Giao hưởng Trẻ (VNAMYO) sẽ trở lại với khán giả Thủ đô bằng chương trình “Đêm nhạc phim” diễn ra tại Phòng hoà nhạc Lớn của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Ca sĩ Mỹ Anh và sự kết hợp đặc biệt với Dàn nhạc giao hưởng trẻ

Thanh Hương |

Nữ ca sĩ trẻ Mỹ Anh sẽ kết hợp với Dàn nhạc giao hưởng trẻ trong đêm Hoà nhạc Giáng sinh số đặc biệt vào ngày 3.12 tới đây.

Album của Đen Vâu: Sẽ như thế nào khi rap với nhạc giao hưởng?

ĐÔNG DU |

Đen Vâu cho biết khi rap với nhạc giao hưởng, anh hoàn toàn thay đổi chính mình khi bản thân cần sự trầm và chậm rãi hơn.

Mặt hàng của Nga được Mỹ nhập khẩu mức kỷ lục

Thanh Hà |

Phân bón của Nga nhập khẩu vào Mỹ đã đạt mức kỷ lục, với tổng giá trị mua trong vòng 7 tháng lên tới 944 triệu USD.

Có tình trạng găm hàng, tăng giá bán thang dây thoát hiểm, bình chữa cháy

Anh Tuấn |

Lực lượng quản lý thị trường trên cả nước sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý tình trạng găm hàng, tăng giá đối với các thiết bị phòng cháy, chữa cháy như bình xịt chữa cháy, mặt nạ chống khói, thang dây thoát hiểm.

Cựu siêu mẫu Ngọc Thúy hầu tòa trong vụ bị chồng cũ kiện đòi 288 tỉ đồng

Anh Tú |

Sáng 18.9, TAND TPHCM mở phiên tòa xét xử vụ kiện tranh chấp quyền sở hữu tài sản và chia tài sản chung sau ly hôn giữa bà Phạm Thị Ngọc Thúy (cựu người mẫu Ngọc Thúy) với chồng cũ - đại gia Đức An. Đây là lần đầu tòa đưa vụ án ra xét xử sau hơn 12 năm thụ lý. Theo kế hoạch phiên tòa sẽ kéo dài trong 3-5 ngày.

Nghệ An dừng liên kết đào tạo kỹ năng sống, phụ huynh vui mừng

QUANG ĐẠI |

Sau khi Sở Giáo dục – Đào tạo Nghệ An quyết định tạm dừng hoạt động liên kết đào tạo kỹ năng sống trong các trường công lập, nhiều phụ huynh và giáo viên bày tỏ niềm vui, cảm ơn các cơ quan truyền thông đã phản ánh sự việc.

Nhiều công chức, viên chức "trượt" kỳ thi nâng ngạch, thăng hạng chuyên viên cao cấp

Vương Trần |

Trong kỳ thi nâng ngạch, thăng hạng vừa diễn ra, nhiều công chức, viên chức của các bộ, ngành có điểm không đạt.

Dàn nhạc Giao hưởng Trẻ trở lại với Đêm nhạc phim

Thanh Hương |

Ngày 6 và 7.5, Dàn nhạc Giao hưởng Trẻ (VNAMYO) sẽ trở lại với khán giả Thủ đô bằng chương trình “Đêm nhạc phim” diễn ra tại Phòng hoà nhạc Lớn của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Ca sĩ Mỹ Anh và sự kết hợp đặc biệt với Dàn nhạc giao hưởng trẻ

Thanh Hương |

Nữ ca sĩ trẻ Mỹ Anh sẽ kết hợp với Dàn nhạc giao hưởng trẻ trong đêm Hoà nhạc Giáng sinh số đặc biệt vào ngày 3.12 tới đây.

Album của Đen Vâu: Sẽ như thế nào khi rap với nhạc giao hưởng?

ĐÔNG DU |

Đen Vâu cho biết khi rap với nhạc giao hưởng, anh hoàn toàn thay đổi chính mình khi bản thân cần sự trầm và chậm rãi hơn.