Nơi thành công không chỉ được đo lường bằng GDP

Thanh Hà |

Khi cảm nhận thế giới cần thêm một chút lòng tốt, cậu bé 6 tuổi Eddie Writes đã làm điều duy nhất mà cậu nghĩ là có hiệu quả - viết thư cho thị trưởng thành phố và nhờ giúp tổ chức “Ngày Tử tế” hàng năm. Trước sự ngạc nhiên của Eddie, ông Justin Lester - thị trưởng khi đó của Wellington - Thủ đô của New Zealand, đã viết thư hồi đáp.

Khát vọng tiến bộ

Ngày 16.11.2018, thủ đô của New Zealand tổ chức Ngày Manaaki đầu tiên (Manaaki - từ tiếng Maori có nghĩa là lòng tốt), lấy ý tưởng của Eddie về cách khuyến khích và tôn vinh hành động từ thiện - như "chúng ta có thể mua đồ chơi cho những đứa trẻ không có" - để cải thiện phúc lợi xã hội công dân.

Điều này diễn ra trong nhiệm kỳ của Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern - người phụ nữ 39 tuổi đã vươn lên từ một nhân vật phụ trong Công Đảng đối lập có tỉ lệ phiếu bầu thấp trở thành nhân vật toàn cầu trong danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới do tạp chí Time bình chọn.

Trong nhiệm kỳ thủ tướng, bà Ardern đối mặt với nhiều thách thức lớn hơn bất kỳ nhà lãnh đạo New Zealand nào thời hiện đại: Một cuộc tấn công khủng bố, một vụ phun trào núi lửa và một đại dịch. Bà cũng đã làm nên lịch sử khi sinh con khi đang làm thủ tướng.

Trong đại dịch COVID-19, New Zealand được xem là đã “làm được điều mà ít quốc gia có thể làm được”, ngăn chặn sự lây lan mạnh của dịch bệnh trong cộng đồng. Thế giới cho rằng, New Zealand đưa ra phản ứng kiểu mẫu về sự đồng cảm, rõ ràng và tin tưởng vào khoa học, theo BBC.

Chính cách tiếp cận chính trị đầy nhân ái của bà Arden - nơi “thành công không chỉ được đo lường bằng GDP của quốc gia mà còn bằng cuộc sống tốt đẹp hơn của người dân” - khiến nhiều người coi New Zealand là "thành trì của chính phủ tiến bộ", cây viết Ewan McDonald của BBC chỉ ra.

Từ lâu, New Zealand được coi là một trong những quốc gia tiến bộ nhất trên thế giới. Và điều này được lịch sử chứng minh rõ ràng với dấu mốc năm 1893. Đây là năm dấu mốc cho quyền bình đẳng trên toàn thế giới: New Zealand trở thành quốc gia đầu tiên trong lịch sử trao cho phụ nữ quyền bầu cử.

Ngoài dấu mốc năm 1893, quốc gia Thái Bình Dương có dân số khoảng 5 triệu người, cũng đạt được nhiều tiến bộ xã hội và chính trị khác: Tạo ra các ghế quốc hội cho người bản địa (1857); chủ trương ngày làm 8 giờ (1840); lương hưu tuổi già do nhà nước tài trợ (1898); hệ thống lương hưu và phúc lợi rộng lớn nhất thế giới (1938); và chương trình bồi thường thương tích độc nhất vô nhị (1974).

Điển hình, chương trình bồi thường thương tích của New Zealand có nguyên tắc cơ bản là không cá nhân nào phải trả tiền cho một thương tích do tai nạn. Kể từ đó, bất kỳ ai bị chấn thương tại nơi làm việc, ở nhà hay vui chơi đều được chi trả chi phí điều trị và phục hồi. Điều này tạo ra một xã hội không có văn hóa đổ lỗi khi mọi người bị thương, thay vào đó tập trung năng lượng vào việc ngăn ngừa thương tích và phục hồi sức khỏe cho bệnh nhân, theo Stuff.co.nz.

Từ năm 1890 đến năm 1920, New Zealand được các nhà quan sát nước ngoài coi là “phòng thí nghiệm xã hội” nhờ các sáng kiến chính sách tiến bộ. Quyết tâm của các nhà lãnh đạo New Zealand hiện nay trong việc đo lường tiến độ quốc gia trong các mục tiêu an sinh - nâng cao thu nhập, cải thiện môi trường và xã hội - được coi là sự trở lại với khát vọng này.

HuffPost từng có bài viết cho rằng New Zealand "có thể là quốc gia tiến bộ nhất trên Trái đất", trong đó chỉ ra, các chính sách xã hội và môi trường của New Zealand đã tạo nên sự khác biệt.

New Zealand dẫn đầu về chế độ nghỉ phép có lương. Dưới thời chính phủ bà Ardern, chính sách cha mẹ có 22 tuần nghỉ có lương đã được áp dụng và con số này tăng lên 26 tuần vào năm 2020. Các gia đình có con sinh sau ngày 1.7.2018 nhận được số tiền tương đương khoảng 40 USD/tuần trong năm đầu đời của trẻ.

Lần đầu tiên trên thế giới tại New Zealand, luật yêu cầu nạn nhân của bạo lực gia đình được nghỉ làm có lương tới 10 ngày, tách biệt với quyền lợi nghỉ phép và nghỉ ốm hàng năm, để giúp họ thoát khỏi người bạn đời bạo hành, tái ổn định cuộc sống và bảo vệ con cái.

Khung cảnh ở Wellington, New Zealand. Ảnh: Xinhua
Khung cảnh ở Wellington, New Zealand. Ảnh: Xinhua

Dựng tượng Bình đẳng

BBC từng có bài viết: "Vì sao New Zealand tiến bộ tới vậy?" để tìm hiểu cách quốc gia xa xôi như ở nam bán cầu có được những chính sách tiến bộ rõ rệt. Stephen Levine - giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Victoria ở Wellington, viết trên Te Ara - bách khoa toàn thư trực tuyến chính thức của đất nước - rằng, những người Anh định cư và chính trị gia đầu tiên ở New Zealand bị thúc đẩy bởi các quan niệm về bình đẳng, công bằng và trung thực.

“Năm 1948, giáo sư khoa học chính trị đầu tiên của New Zealand, Leslie Lipson, đã viết rằng, nếu người dân New Zealand chọn dựng một bức tượng giống như Tượng Nữ thần Tự do, thể hiện quan điểm chính trị của quốc gia, thì đó có thể là Tượng Bình đẳng" - ông viết.

Ông giải thích thêm: “Điều này phản ánh quan điểm của người New Zealand rằng bình đẳng (chứ không phải tự do) là giá trị chính trị quan trọng nhất và là mục tiêu hấp dẫn nhất để xã hội phấn đấu và bảo vệ".

Không giống như các thuộc địa khác của Vương quốc Anh, New Zealand không bị chinh phục mà được thành lập dựa trên một hiệp ước giữa người Maori và Vương quốc Anh: Hiệp ước Waitangi. Hiệp ước là sự sắp xếp để đảm bảo an toàn cho những người định cư Pakeha - chỉ những người nói tiếng Anh, không phải người Maori - có đất đai và tài nguyên.

Tại vùng đất Aotearoa ("miền đất của đám mây trắng dài") - danh xưng của New Zealand trong tiếng Maori - những người định cư du nhập chính phủ, quan điểm về chính trị cùng mong muốn về cuộc sống mới thoát khỏi những xung đột và định kiến của châu Âu thời kỳ đó.

Điểm đáng chú ý của quan điểm này là quyền tự trị và mọi người phải bình đẳng trước pháp luật trong một xã hội công bằng, bình đẳng và trung thực. Như BBC chỉ ra, tới nay, người New Zealand thích coi mình là người thực tế, chấp nhận đương đầu với bất cứ điều gì xảy đến, có kỹ năng sống tốt và tinh thần hợp tác theo phương châm “có thể làm được” (can-do attitude).

Giáo sư Stephen Levine cũng chia sẻ, New Zealand không phải quốc gia rộng lớn hay hùng mạnh nhưng có “hình ảnh tự hoạ thu hút” để truyền cảm hứng cho những nơi khác. Tới New Zealand, du khách bị thu hút bởi một thế giới với những khung cảnh thay đổi liên tục được gói gọn trong không gian tương đối nhỏ: Những khu rừng nguyên sinh; hồ; thác nước; vịnh; núi lửa đang hoạt động; suối nước nóng; mạch nước phun...

Xứ sở Kiwi được xếp hạng là quốc gia hạnh phúc thứ 10 trong Báo cáo Hạnh phúc Thế giới của Liên Hợp Quốc năm 2023 - quốc gia duy nhất ở châu Á - Thái Bình Dương nằm trong Top 10. New Zealand cũng có một số thành phố đáng sống nhất thế giới: Wellington ở vị trí số 1 trong danh sách thành phố đáng sống nhất năm 2017 của Deutsche Bank; Auckland là thành phố đáng sống thứ 3 trên thế giới theo khảo sát của Mercer. Độc giả của tờ Telegraph của Anh chọn New Zealand là quốc gia yêu thích trong 7 năm liên tiếp tính tới 2020...

Ngoài ra, New Zealand đã chính thức được xếp hạng là quốc gia an toàn thứ hai trên thế giới trong năm 2017 trong Chỉ số Hòa bình Toàn cầu, chỉ đứng sau Iceland.

Các chỉ số như: An toàn và an ninh xã hội, mức độ xung đột quốc tế, mức độ quân sự hóa đều có điểm số tích cực, cho thấy công dân và cư dân New Zealand gần như an toàn nhất trên thế giới. Trong báo cáo chỉ số tiến bộ xã hội năm 2017 của một nhóm chuyên gia cố vấn tại Washington, New Zealand được xếp hạng rất cao về mặt tiến bộ xã hội, với thành tích vượt trội ở hầu hết tất cả các chỉ số như tự do báo chí, tự do lựa chọn cuộc sống...

Quốc gia đa văn hóa này cũng có các luật tiến bộ về mặt xã hội: Bình đẳng hôn nhân, hợp pháp hoá mại dâm, coi phá thai là vấn đề sức khỏe chứ không phải tội phạm. Cách đây vừa tròn 10 năm, New Zealand là quốc gia thứ 13 trên thế giới hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới.

Thanh Hà
TIN LIÊN QUAN

Sức sống mãnh liệt như máu chảy trong huyết quản

Việt Văn |

Có những người thích du lịch hưởng thụ, đến các bãi biển, các khu nghỉ dưỡng sang chảnh, các trung tâm mua sắm xa hoa... Và cũng có những người đam mê du lịch khám phá, đến những vùng đất mới để tìm hiểu các phong tục, tập quán, sinh hoạt mang màu sắc của văn hóa bản địa.

Bồng bềnh trên dòng kênh “Venice” của Mexico City

Bài và ảnh Minh Đức |

Ngồi thuyền trên dòng kênh Xochimilco, du khách như hòa mình vào nền văn hoá đặc sắc của xứ sở Mexico.

Trong trái tim Budapest

Bài và ảnh Kiều Bích Hậu |

Đây là lần thứ ba đến Hungary, nhưng tôi vẫn hồi hộp khó tả khi máy bay chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay Liszt Ferenc ở Budapest. Vừa hạnh phúc tột cùng, vừa lo sợ điều sắp xảy ra mà mình không thể biết trước và khó kiểm soát, về giây phút ngây ngất mà mình có thể đánh đổi cả phần đời còn lại... Và có thể, về một điều quá đẹp đẽ mà mình tự thấy không xứng đáng, hoặc không đủ năng lực nắm bắt và giữ lại cho riêng mình.

Dân khổ vì ùn tắc, loạt dự án giải cứu kẹt xe Tân Sơn Nhất ì ạch

HỮU CHÁNH |

Nhiều năm qua, ngành giao thông TP Hồ Chí Minh đã đề xuất một loạt dự án nhằm "giải cứu" nạn kẹt xe quanh sân bay Tân Sơn Nhất. Tuy nhiên, nhiều dự án quan trọng đến nay vẫn ì ạch, chưa hẹn ngày về đích.

Môi giới bất động sản mừng rỡ vì túc tắc có giao dịch

Tuyết Lan |

Sau thời gian dài thị trường trầm lắng, một số môi giới bất động sản cho biết đang dần xuất hiện lại các giao dịch.

Ninh Thuận lý giải lý do hủy thông báo thu hồi đất xây nhà máy điện hạt nhân

Hữu Long |

Việc Ninh Thuận quyết định hủy các thông báo thu hồi đất xây 2 dự án điện hạt nhân dựa trên nghị quyết của Quốc hội và quy hoạch sử dụng đất của địa phương đến năm 2030.

Ban tổ chức Miss World Vietnam xin lỗi sau phát ngôn thiếu kiểm soát của Hoa hậu Ý Nhi

ĐÔNG DU |

Chiều 31.7, bà Phạm Kim Dung - Chủ tịch Miss World Vietnam đã gửi lời xin lỗi đến khán giả sau những phát ngôn thiếu kiểm soát của Hoa hậu Ý Nhi gây tranh cãi thời gian qua.

Dân Hà Nội bì bõm lội nước sau cơn mưa như trút

Nhóm PV |

Khoảng 14h ngày 31.7, cơn mưa như trút nước đổ xuống khiến nhiều tuyến phố Hà Nội rơi vào tình trạng ngập sâu.

Sức sống mãnh liệt như máu chảy trong huyết quản

Việt Văn |

Có những người thích du lịch hưởng thụ, đến các bãi biển, các khu nghỉ dưỡng sang chảnh, các trung tâm mua sắm xa hoa... Và cũng có những người đam mê du lịch khám phá, đến những vùng đất mới để tìm hiểu các phong tục, tập quán, sinh hoạt mang màu sắc của văn hóa bản địa.

Bồng bềnh trên dòng kênh “Venice” của Mexico City

Bài và ảnh Minh Đức |

Ngồi thuyền trên dòng kênh Xochimilco, du khách như hòa mình vào nền văn hoá đặc sắc của xứ sở Mexico.

Trong trái tim Budapest

Bài và ảnh Kiều Bích Hậu |

Đây là lần thứ ba đến Hungary, nhưng tôi vẫn hồi hộp khó tả khi máy bay chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay Liszt Ferenc ở Budapest. Vừa hạnh phúc tột cùng, vừa lo sợ điều sắp xảy ra mà mình không thể biết trước và khó kiểm soát, về giây phút ngây ngất mà mình có thể đánh đổi cả phần đời còn lại... Và có thể, về một điều quá đẹp đẽ mà mình tự thấy không xứng đáng, hoặc không đủ năng lực nắm bắt và giữ lại cho riêng mình.