Nói chuyện không trà như đêm không trăng

di li |

Trong khi người Tàu ưa uống thanh trà thì trà đỏ lại là văn hóa của người Thổ Nhĩ Kỳ. Tôi nhòm bất kỳ góc phố nào trong những khu dân cư lâu đời ở Istanbul cũng có người nhâm nhi trà đỏ với một ly thủy tinh nhỏ miệng loe hình bông tulip. Phải đúng cái ly hình thù như vậy mới ra rằng trà Thổ. Vì thế thìa uống trà cũng nên vừa vặn với cái ly ấy, kích cỡ của nó luôn nhỏ hơn so với thìa uống trà của xứ khác. 

Hôm ấy tôi lang thang trong một con ngõ của khu dân cư cổ Balat. Mấy người đàn ông trung niên trang phục tùng tiệm với vẻ mặt tẻ nhạt cũ kỹ đang ngồi trên những chiếc ghế gỗ thô sơ ở vỉa hè uống trà đỏ. Đó là một quán trà cực bình dân với chưa đầy một Lira một ly trà. Gọi là trà vỉa hè thì cũng được. Họ chẳng nói chuyện gì cả, không bóng đá và không chính trị, có lẽ chỉ ngồi đó ngắm đường làng ngõ xóm muôn năm cũ cho qua nốt thời gian của một chuỗi ngày vô vị. Nhưng có lẽ vì thế mà trà ngon hơn chăng, khi người ta để cả hồn vía vào những giọt trà hồng và “thiền định” cùng những vuông cửa sổ tồi tàn.

Người Thổ đến đầu thế kỷ 20 mới bắt đầu biết uống trà, mà thoạt tiên chỉ với mục đích là một đồ uống thay thế khi mà giá thành cà phê đang trở nên cao quá. Trăm năm sau, món sơ - cua bất đắc dĩ ấy khiến cả dân tộc vùng Biển Đen trở nên điên đảo và nghiện ngập đến mức đứng đầu trong bảng xếp hạng quốc gia tiêu thụ trà nhiều nhất thế giới, với 6,87 cân trà trên đầu người, tương đương 1.000 tách trà mỗi năm. Những quốc gia nghiện trà khác là Maroc, Anh cũng vẫn còn phải xếp sau. Trà được người Thổ uống kèm bữa sáng hàng ngày, khi mời khách đến nhà, gặp nhau ngoài quán xá hoặc ngay cả lúc thương thảo cho một lô thảm ngoài chợ Grand Bazaar và ngồi nhàn tản trên chuyến phà ngang qua vịnh Bosphorus thì người ta cũng phải mời nhau tách trà. Vì thế mà họ mới có thành ngữ: Nói chuyện không trà như đêm không trăng.

Dụng cụ uống trà của người Thổ trông cũng phảng phất “Nghìn lẻ một đêm”, nhưng lại một kiểu khác người Maroc. Khay trà là một cái mâm nhôm nhỏ hình có quai xách ba chẽ bằng dây ống đồng. Và những ly cùng ấm đẹp đẽ trên khay khêu gợi người ta muốn được một lần thử trà Biển Đen (1). Ngoài hình thù xinh xắn của chiếc ly hình hoa tulip thì bộ ấm trà phải có đủ hai tầng gọi là Caydanlik (2). Ấm mẹ, ấm con hoặc ấm sinh đôi, thường là trông giống hệt nhau. Ấm tầng trên dùng để chứa trà khô, còn tầng dưới người ta bỏ nước vào đun sôi. Thì đằng nào cũng phải là hai cái ấm nên xếp chồng lên nhau cho tiện. Nước được đổ đầy vào ấm dưới rồi xếp ấm con lên đun. Khi nước sôi, hơi nóng từ ấm dưới sẽ làm trà trong ấm trên dãn nở, để rồi khi nước sôi già, người pha trà sẽ từ từ dỡ ấm để đổ nước lên trên và chờ mươi phút cho tới khi trà chín. Như vậy, trà đỏ sẽ chín bằng hơi nhiều hơn là bằng nước sôi đổ trực tiếp, điều mà người Biển Đen cho rằng sẽ làm rữa lá trà và hỏng vị, khiến nó trở nên đắng hơn. Thời 4.0 này, ấm sinh đôi Caydanlik bán ngoài siêu thị được làm bằng inox trơn tru tiện cho việc cọ rửa. Thậm chí người ta còn làm ấm điện để theo kịp thời đại. Nhưng một chiếc ấm truyền thống nên được làm bằng nhôm hoặc đồng đỏ với những nét chạm trổ tinh tế. Tay cầm của Caydanlik cũng khá kỳ lạ, trông giống cái chuôi chảo làm cong thay vì một hình bán nguyệt gắn vào thành như tất cả loại ấm trên đời tôi vẫn nhìn thấy.

Trà Thổ hiếm khi pha trộn gia vị ngoài hương liệu trà táo cực kỳ được ưa chuộng. Nhưng khi uống trà người ta phải nhấm nháp thứ gì đó ngòn ngọt để cho nó được trung hòa với vị thơm tho của trà. Vì thế, dù không thêm sữa hay đường vào trà nhưng bất kỳ một người Thổ Nhĩ Kỳ nào cũng đều biết cách làm cho trà ngon hơn bằng cách ngậm một viên đường nhỏ vào miệng rồi mới nhấp trà, để cho đường tan dần ra quyện vào vị trà như len đến tận cùng khoái cảm. Trà đỏ Thổ Nhĩ Kỳ thực chất là trà đen, nhưng khi rót ra ly hình hoa tulip, màu đỏ ngọt ngào của nó sóng sánh qua lớp thủy tinh trong vắt. Và trên khay trà xinh như cổ tích, người ta sẽ đặt bên cạnh một đĩa kẹo truyền thống của Thổ, đủ mùi vị và màu sắc tới nỗi trẻ em sẽ phải bỏ qua trà mà chén kẹo. Kẹo ngọt và dai như mè xửng, nửa giống kẹo gôm, lại nhang nhác giống kẹo chip-chip. Trà ấy kẹo ấy vào với nhau phải biết. Trà Thổ không đắng chát như trà Thái Nguyên cha tôi vẫn pha và hay nhấm nháp cùng kẹo dồi, kẹo lạc, kẹo vừng. Trà Thổ ngồi chốn thanh tân tao nhã cũng được mà chợ trời cũng xong. Nó được tiếp đãi cả ở chốn cung đình nhưng cũng không kém phần thi vị khi vạ vật ngay chiếc bàn con lề đường. Cũng như, giữa buổi dự lễ Mevlevi Sema ở phòng chờ nhà ga xe lửa tốc hành Phương Đông Sirkesi, nơi các thầy tu đạo Hồi biểu diễn nghi thức múa xoay, tôi díp cả mắt khi những chiếc váy thầy tu xoay tròn tựa thôi miên. Và ly trà đỏ hình bông tulip cứ thế nghiêng dần, nghiêng dần trên tay, cho đến khi nó rớt một giọt hồng lên chiếc váy sợi bông tôi đang mặc. Cho đến tận bây giờ, chẳng thứ chất tẩy siêu sạch nào có thể đánh bay hoàn toàn vết trà Thổ Nhĩ Kỳ ấy. Nhưng kỳ lạ, cứ mỗi lần nhìn thấy vết mờ như một bóng ảo trên mặt vải, tôi lại nhớ đến những ly trà 1 Lira ở khu Balat, và cả cái cách mà những người đàn ông trung niên nhàm tẻ đang ngã hồn vào trà như chưa từng có thức uống gì ngon hơn thế.

1. Tỉnh Rize ở bờ đông biển Đen có sản lượng trồng trà lớn thứ sáu thế giới.

2. “Cay” trong tiếng Thổ Nhĩ Kỳ nghĩa là trà, phát âm là “chay”, trong khi người Ấn Độ cũng gọi trà na ná “chai”, còn người Trung Quốc gọi là “cha”

di li
TIN LIÊN QUAN

Phân công nhiệm vụ của các Phó Thủ tướng Chính phủ

Vương Trần |

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định 19/QĐ-TTg ngày 15.1.2023 về việc phân công nhiệm vụ của các Phó Thủ tướng Chính phủ.

Tất bật ngược xuôi giao hàng, shipper vẫn lo không có Tết

Thiện Nhân-Tùng Giang |

Nhiều shipper giao hàng chia sẻ, những ngày giáp Tết Nguyên đán dù đơn hàng tăng cao nhưng thu nhập thực tế vẫn chưa đạt như kỳ vọng.

Nhân tố bất ngờ có thể giúp sớm chấm dứt chiến sự Ukraina

Ngọc Vân |

Thời tiết mùa đông ấm áp bất thường trong năm nay có thể giúp sớm chấm dứt chiến sự Ukraina.

Cổ động viên Thái Lan đặt dép giữ chỗ mua vé xem chung kết AFF Cup 2022

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Người hâm mộ bóng đá Thái Lan bày tỏ sự thất vọng khi không thể mua được vé xem đội nhà đá chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Khán giả Việt Nam tin thầy trò ông Park Hang-seo sẽ vô địch AFF Cup 2022

AN NGUYÊN |

Dù gặp bất lợi về mặt tỉ số so với đối thủ Thái Lan, nhưng người hâm mộ và cổ động viên Việt Nam vẫn tin vào một chiến thắng của thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo trên sân khách, qua đó giành ngôi vô địch AFF Cup 2022.

Ông Lê Tiến Châu làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng

Mai Chi |

Ông Lê Tiến Châu, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được Bộ Chính trị phân công làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Hà Nội: Đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài trước ngày thông xe

Tô Thế |

Hà Nội - Theo dự kiến, đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài (quận Đống Đa) sẽ chính thức thông xe vào sáng 17.1.2023 sau hơn 20 năm triển khai.

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của ngoại giao Việt Nam

Thanh Hà |

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của nền ngoại giao Việt Nam trong 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, là minh chứng hùng hồn cho việc vận dụng nhuần nhuyễn phương châm "dĩ bất biến ứng vạn biến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh.