Nỗi ám ảnh trên các tàu du lịch khổng lồ trong dịch COVID-19

Tường Linh (theo Bloomberg) |

Khi đại dịch COVID-19 diễn ra, nhiều tàu chở khách du lịch khổng lồ đã từng gây chú ý khi biến thành những ổ dịch rất lớn. Tưởng chừng nỗi đau chỉ dừng lại ở đó mà thôi. Nhưng không, khi tất cả hành khách khách đã rời khỏi các con tàu, một bi kịch mới lại xuất hiện.

Một trận dịch khác trong lòng đại dịch

Đầu tiên các thành viên trong thủy thủ đoàn không để ý nhiều tới sự vắng mặt của Jozsef Szaller. Nguyên nhân bởi Szaller thường hay bỏ bữa tối trên Carnival Breeze, con tàu du lịch cỡ lớn mà cả thủy thủ đoàn đã phải sống trên đó suốt một thời gian dài do tình trạng phong tỏa khắp nơi vì dịch COVID-19.

Szaller đã làm việc trên các tàu du lịch biển cỡ lớn của công ty Carnival kể từ tháng 1.2020. Tuy nhiên dịch COVID-19 đã khiến ngành kinh doanh tàu du lịch biển thế giới gần như ngừng hoạt động hoàn toàn. Sau khi phải tạm ngừng việc cho tàu ra khơi vào giữa tháng 3.2020, Carnival và đối thủ cạnh tranh chủ yếu của công ty là Royal Caribbean Cruises đã cố gắng xoay sở để hút khách trở lại. Công ty cung cấp thêm hàng loạt lựa chọn hấp dẫn, như cam kết sẽ đưa khách trở về quê nhà trên các chuyến bay thuê chuyến.

Trong khi đó, thủy thủ đoàn không được hưởng sự đối đãi tương tự. Sau khi khách đã về nhà, hàng chục ngàn người lao động trong ngành vẫn tiếp tục ở lại trên biển suốt nhiều tháng. Đã không ít người chia sẻ họ có cảm giác như mình trở thành một dạng tù nhân, hoặc một kiện hành lý mắc kẹt không có đích đến.

9.5.2020 là ngày mà các đồng nghiệp nhận ra Szaller không có mặt trong các cuộc kiểm tra nhiệt độ thường nhật. Bạn bè cũng nói rằng họ không thấy anh hoạt động từ trước đó 3 hôm. Theo tài liệu chính thức, lãnh đạo tàu đã cử một đội đi kiểm tra phòng của Szaller và phát hiện nó bị chặn từ bên trong.

Họ bèn qua phòng bên cạnh và trèo qua lan can để sang phòng Szaller thì phát hiện anh đang nằm gục. Gương mặt và đôi tay Szaller đã chuyển màu xanh, máu rỉ ra từ môi anh xuống chiếc áo sơ mi màu trắng. Một chiếc thắt lưng quất chặt lấy cổ anh.

Ở quê nhà Szaller tại Hungary, cha mẹ anh đã không thể tin nổi khi nghe tin con trai đã chết. Szaller mới 28 tuổi, đang khỏe mạnh bình thường và rất lạc quan yêu đời trước đại dịch COVID-19. Sau thời gian tìm hiểu nguyên nhân, ngày 21.12.2020, gia đình Szaller đã khởi kiện công ty Carnival vì buộc con trai của họ ở trong phòng quá lâu, không thường xuyên kiểm tra tình trạng sức khỏe của anh cũng như không cung cấp dịch vụ hỗ trợ tinh thần cho nhân viên khi họ bị cách ly kéo dài.

Gia đình Szaller đang đòi Carnival bồi thường, nhưng bố của nạn nhân, ông Vilmos, khẳng định mối quan tâm lớn nhất của hai vợ chồng ông là vì sao đứa con họ yêu thương hết mực lại tự sát. “Không gì có thể giúp con tôi sống lại, nhưng ít nhất chúng tôi sẽ có được sự thanh thản. Nếu công ty có làm gì sai, tôi không nghĩ mình sẽ tìm ra được nguyên nhân cuối, bởi đó là một doanh nghiệp lớn với tiềm lực tài chính mạnh. Họ chỉ đơn giản là lờ chúng tôi đi”, ông nói với Bloomberg.

Các con tàu du lịch biển cỡ lớn đã trở thành một cơn ác mộng về mặt dịch bệnh học khi COVID-19 mới xuất hiện. Nhưng chính sự kết hợp của hoạt động di chuyển dài ngày tới nhiều địa điểm trên thế giới, các bữa ăn buffet kéo dài tưởng chừng bất tận, những cuộc hát hò karaoke đầy vui vẻ của khách... còn nên nhiều gây tác động xấu tới sức khỏe tinh thần của thủy thủ đoàn.

Phải cách xa gia đình nhiều ngày, chỉ được sống trong các phòng cá nhân bé xíu, không có sự hỗ trợ pháp lý và đôi lúc không có thu nhập, các thành viên thủy thủ đoàn rõ ràng đã có những trải nghiệm giống như bị cách ly, nhưng kéo dài và ở mức độ cực đoan hơn nhiều so với bình thường, và điều này đẩy nhiều cá nhân tới chỗ trầm cảm.

“Anh sẽ cảm thấy như thế nào nếu liên tục bị buộc phải ở trong một căn phòng không cửa sổ và chỉ được ra ngoài một hoặc hai lần mỗi ngày?”, Tiến sĩ David Cates tại Trung tâm Y học của Đại học Nebraska đã đặt ra câu hỏi này. Ông gọi tình trạng mà các thành viên thủy thủ đoàn trên tàu du lịch biển cỡ lớn đang phải trải qua là “một đại dịch” trong lòng đại dịch COVID-19.

Cates dẫn một báo cáo do Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa bệnh tật Mỹ thực hiện hồi tháng 8 cho thấy 11% trong số 5.470 người Mỹ tham gia thăm dò ý kiến nói rằng đã "cân nhắc ý định tự sát" trong mùa Xuân năm nay, tăng vọt so với tỉ lệ 4,3% của cuộc khảo sát hồi năm 2018. Ông đánh giá việc bị kẹt lại trên một con tàu lớn, với thời gian dài, trong một không gian chật hẹp, sẽ khiến ý định tự sát được thôi thúc mạnh mẽ hơn nữa.

Cates đã tham gia điều trị cho những hành khách đầu tiên được cứu khỏi các tàu du lịch biển khổng lồ. Trong khoảng 100 người chết vì các nguyên nhân liên quan tới dịch COVID-19, có khoảng vài chục người tử vong do mắc kẹt ở biển. Phần lớn trong số đó là thành viên thủy thủ đoàn và nguyên nhân do họ tự tử.

Tàu du lịch biển cỡ lớn phải neo đậu ngoài khơi Nhật Bản do không được cập cảng vì dịch COVID-19. Nguồn: AFP
Tàu du lịch biển cỡ lớn phải neo đậu ngoài khơi Nhật Bản do không được cập cảng vì dịch COVID-19. Nguồn: AFP

Hàng loạt vụ tự sát

Các cuộc phỏng vấn với nhiều thành viên thủy thủ đoàn và gia đình họ cho thấy rằng bất chấp những lời hứa hẹn từ các công ty, sức khỏe tinh thần của họ có nhiều lần rơi xuống giai đoạn trầm cảm. Một nghiên cứu công bố vào tháng 10.2019 do Liên đoàn Quốc tế Người lao động ngành vận tải - một nghiệp đoàn đường biển lớn - thực hiện đã cho thấy rằng từ trước khi COVID-19 xuất hiện, 1/5 những người làm việc trong ngành hàng hải thú nhận họ từng có ý định tự sát.

Các lao động cấp thấp trong ngành, những người làm các công việc dọn dẹp hoặc phục vụ tại quầy ăn uống, thường tới từ các quốc gia nghèo khó. Họ phải làm việc dài tới nửa năm hoặc lâu hơn trên tàu, mỗi ngày từ 8 tới 10 giờ, cả tuần không được nghỉ. Lương của họ dao động từ 650 tới 2.000 USD mỗi tháng, tùy độ thâm niên. Đây là mức thấp theo tiêu chuẩn Mỹ, nhưng thường vẫn cao hơn nhiều so với quê hương của người lao động. Ngoài ra họ còn có cơ hội đi chu du thế giới.

Sau khi COVID-10 xuất hiện, người lao động bỗng lâm vào thế kẹt khi các công ty như Carnival và Royal Caribbean xung đột với nhiều chính quyền trong việc làm sao để đưa họ về nhà an toàn. Thả các du khách giàu có người Mỹ xuống một bến cảng nào đó rồi cho họ lên máy bay thuê chuyến về nước là chuyện quá đơn giản. Nhưng công ty sẽ giải quyết ra sao nếu muốn đưa người lao động về Ấn Độ, Philippines hay Ukraine, khi cả thế giới đang phong tỏa để ngăn dịch?

Một phát ngôn viên của Royal Caribbean cho Bloomberg biết rằng việc các chính quyền liên tục thay đổi quy định và giới hạn đã khiến công tác đưa người lao động về quê hương gặp rất nhiều khó khăn. Thực tế này khiến hồi tháng 3 và tháng 4 năm nay, nhiều thành viên thủy thủ đoàn bị kẹt lại trên những con tàu sau khi hành khách đã rời đi. Khi ấy những con tàu du lịch vốn nhộn nhịp sôi động bỗng trở thành các thành phố hoang trống rỗng.

Và không chỉ không khí hỗn loạn vì dịch bệnh mới gây ra áp lực. Người lao động cho biết các công ty tàu biển thường xuyên thay đổi lịch đưa nhân viên về quê. Do không có khách, Carnival tạm ngưng hoạt động nhiều vị trí, có nghĩa người lao động sẽ được thụ hưởng miễn phí các bữa ăn và một số tiện ích nhất định trong thời gian ở trên tàu, nhưng không được nhận lương. Một số công ty có cung cấp hoạt động giải trí cho người lao động, nhưng khá hạn chế. Vài tàu có Internet, nhưng tốc độ rất chậm.

Tình trạng mắc kẹt và các yếu tố kể trên dường như đã khiến không ít người lựa chọn giải pháp cực đoan để kết thúc nhanh nỗi khổ của cuộc đời họ. Ngày 29.4.2020, một thợ máy người Ba Lan làm việc trên tàu Jewel of the Seas của Công ty Royal Caribbean đã biến mất khi con tàu thả neo ngoài khơi Athens, Hy Lạp. Camera an ninh cho thấy anh đã nhảy từ sàn tàu rất cao xuống nước vào buổi sáng đó.

2 tuần sau, vào ngày 10.5, nữ phục vụ người Ukraine có tên Evgenia Pankrushyna đã nhảy xuống nước từ tàu Regal Princess của Carnival khi nó đậu gần Rotterdam, Hà Lan. Cùng thời điểm này, một nữ lao động người Trung Quốc được phát hiện đã chết trên tàu Mariner of the Seas, thuộc sở hữu của công ty Royal Caribbean. Đồng nghiệp tin cô đã tự sát, trong khi công ty khẳng định cô tử vong vì nguyên nhân tự nhiên.

Sau vụ trên, một đầu bếp người Philippines có tên Kennex Bundaon cũng được phát hiện đã chết trong phòng ở trên tàuAIDAblu của Carnival. 4 ngày sau, một lao động người Philippines tiếp tục tự sát trên tàu Scarlet Lady của công ty Virgin Voyages.

Thêm nhiều tin xấu xuất hiện trong tháng 6. Mariah Jocson, một nữ phục vụ người Philippines bị mắc kẹt trên tàu Harmony of the Seas của công ty Royal Caribbean, đột ngột mất tích. Jocson được tìm thấy sau đó trong tình trạng treo cổ, tại khu vực ban công ngoài căn phòng của cô, dường như đã tự tử.

Với những người bị mắc kẹt trên các tàu du lịch biển cỡ lớn, cảm giác giống như tuần nào cũng có tin về thành viên thủy thủ đoàn thiệt mạng, được phát đi qua các blog riêng của ngành. Không lâu sau khi Pankrushyna qua đời, người lao động đã chia sẻ với nhau một đoạn video cho thấy cảnh thi thể mềm oặt của cô đang được kéo lên tàu cứu hộ.

Không phải ai cũng chấp nhận áp lực và khổ đau trong im lặng. Hồi giữa tháng 5.2020, biểu tình đã xuất hiện trên vài tàu du lịch biển để gây chú ý. Trên tàu Navigator of the Seas, thành viên thủy thủ đoàn tiến hành tuyệt thực để buộc công ty phải đưa họ về nhà nhanh hơn. Trên tàu Majesty of the Seas, người lao động chăng băng rôn in đậm câu hỏi: "Các người còn cần bao nhiêu vụ tự sát nữa đây?".

Thế yếu nằm ở phía người lao động

Szaller, theo lời bạn bè, là người không thích phàn nàn. Anh bắt đầu làm việc trên các tàu du lịch biển từ 2014 và có tính cách rất thân thiện. Anh bận rộn làm việc, nhưng cũng rất biết cách hưởng thụ cuộc sống. Tháng 1.2020, Szaller đầu quân cho Carnival và đến tháng 4 thì được chuyển sang tàu Magic, khi dịch COVID-19 đang bùng mạnh.

Anh bị mắc kẹt lại ở đây suốt 2 tuần, ở trong một căn phòng chật chội như phòng giam. Cuộc sống trên Magic diễn ra theo một thời khóa biểu rất chặt chẽ. Người lao động chỉ được ra khỏi phòng vào giờ nhất định và họ phải đeo khẩu trang khi ra ngoài.

Bữa sáng chỉ kéo dài 1 giờ, nhưng dòng người xếp hàng luôn rất dài và di chuyển chậm chạp. Phải mất tới 45 phút để lấy được 1 ly cà phê. Do có Internet miễn phí, Szaller vẫn trò chuyện được với gia đình và bạn gái. Tất cả đều cố động viên anh trong mỗi cuộc trò chuyện.

Szaller giết thời gian bằng cách uống rượu vang trong phòng hoặc chơi game, hoặc xem các phim truyền hình anh đã tải xuống máy. Thi thoảng anh lại ra khu hút thuốc để trò chuyện đôi chút với bạn bè. Nhưng mua thuốc cũng là điều không dễ dàng: Dãy xếp hàng trước cửa hàng tiện lợi luôn có hơn 100 người.

Sau thời gian dài mắc kẹt, các công ty tàu biển quyết định sẽ đưa người lao động tới cảng biển gần quê hương họ nhất. Từ đây người lao động sẽ đi tàu, xe hoặc máy bay để trở về nhà. Tàu Magic đưa các lao động từ châu Âu sang tàu Breeze để đi đến Anh. Sang tháng 5, Szaller được chuyển tới một căn phòng có cửa sổ và ban công trên tàu Breeze. Anh nói với bố rằng thấy rất vui vì đã có thể ngắm ánh nắng mặt trời từ phòng. Anh thậm chí còn lên kế hoạch sẽ làm gì khi về nhà, không biểu lộ bất kỳ dấu hiệu gì của việc bị trầm cảm.

Tối ngày 6.5, Szaller uống rượu say mèm với một số đồng nghiệp trước khi ai về phòng nấy. Đó là lần cuối cùng người ta thấy anh còn sống. Szaller không tham gia kiểm tra y tế thường nhật, nhưng đến hết tuần mới có người nhận ra sự vắng mặt của anh. Thi thể của Szaller được tìm thấy không lâu sau.

Trong những tháng sau khi Szaller qua đời, ông Vilmos, bố đẻ của anh, đã cố liên lạc với các đồng nghiệp của con để nắm được bức tranh đầy đủ. Ông rất phẫn nộ khi biết không ai trong nhóm lãnh đạo tàu quan tâm tìm hiểu xem vì sao Szaller đã không kiểm tra sức khỏe suốt mấy ngày. Tháng 11 vừa qua, bác sĩ pháp y xác nhận Szaller đã qua đời vì tự sát, nhận định có thể đây là hành động bột phát sau khi anh uống quá nhiều rượu.

Các nhóm bảo vệ quyền lợi của người lao động trong ngành hàng hải hiện đang đòi hỏi giờ làm việc và hợp đồng tốt hơn. Thành viên thủy thủ đoàn nói rằng có chuyên gia tâm lý ở trên tàu sẽ hỗ trợ họ tốt hơn là các đường dây nóng, đồng thời giúp giảm các vụ tự sát do trầm cảm.

Lena Dyring, lãnh đạo Liên đoàn người đi biển Na Uy, nói rằng một trong những mối quan tâm lớn nhất của bà là người lao động có thể bị mắc kẹt trên biển nếu dịch COVID-19 bùng phát. Công ước lao động trên biển, được 97 nước phê chuẩn, giới hạn các chuyến làm việc trên biển không quá 11 tháng và yêu cầu các nước tham gia công ước phải cho phép người đi biển bị ốm lên bờ. Tuy nhiên Dyring nói rằng các điều khoản của công ước đã bị vi phạm trắng trợn trong dịch COVID-19.

Và bất chấp những quan ngại nêu trên, các công ty tàu du lịch biển vẫn không ngặp nhiều khó khăn trong việc thuyết phục thủy thủ, nhiều người đã sống trong cảnh không lương kéo dài, trở lại làm việc. Van Rooyen, đồng nghiệp và bạn thân của Szaller, nói rằng cô đã suy sụp khi nghe tin anh và nhiều người khác tự sát. Tuy nhiên cô khẳng định sẽ muốn trở lại làm việc cùng Carnival. Đây cũng là quan điểm của không ít thủy thủ, những người dù lên tiếng phàn nàn về điều kiện làm việc trong các hoàn cảnh nhất định, nhưng lại hết lời khen ngợi công ty vì cho họ ăn uống, giải trí miễn phí khi bị mắc kẹt. "Carnival là một công ty thực sự tuyệt vời. Họ đã chăm lo cho tôi”, Van Rooyen khẳng định.

Tường Linh (theo Bloomberg)
TIN LIÊN QUAN

Hàng loạt chủ tàu du lịch vịnh Hạ Long tiếp tục xin dừng hoạt động

Nguyễn Hùng |

Trước tình hình du lịch vẫn rất ảm đạm, hàng trăm chủ tàu du lịch vịnh Hạ Long tiếp tục có công văn xin dừng hoạt động cho đến hết tháng 9, để không phải đóng khoản thuế khoán.

Quảng Ninh: Các chủ tàu du lịch đồng loạt xin dừng hoạt động

Nguyễn Hùng |

Dù Quảng Ninh vẫn là điểm đến an toàn và mở cửa đón khách, nhưng các chủ tàu du lịch trên vịnh Hạ Long đã đồng loạt trình đơn xin dừng hoạt động vì quá khó khăn, do khách ít nhưng vẫn phải nộp đủ thuế.

“Cò” tàu du lịch lộng hành tại Quảng Ninh

Nguyễn Hùng |

Nhiều du khách đặt tàu du lịch tham quan vịnh Hạ Long qua mạng tưởng như chắc ăn, nhưng đến phút chót không có tàu, buộc phải hủy tour du lịch đã lên kế hoạch từ lâu. Những đối tượng rao cho thuê tàu du lịch thường không phải chủ tàu... “Cò” có đất sống là nhờ cho đến nay thông tin về tàu phục vụ du khách tham quan vẫn hết sức mù mờ.

Quảng Ninh: Chủ gian lận, tàu du lịch bị dừng 90 ngày

Nguyễn Hùng |

Ngày 18.6, UBND TP.Hạ Long có công văn từ chối cấp phép rời cảng bến và đình chỉ hoạt động đối với tàu Âu Lạc 18 QN-5796. Nguyên nhân là do chủ phương tiện đã tự ý tăng giá vé so với cam kết và rút ngắn hành trình tham quan.

Xác minh thông tin du khách bị “cò quay” trên tàu du lịch ở Hạ Long

Nguyễn Hùng |

Nhóm du khách gồm 10 người “tố” đã mua trọn gói một tàu du lịch đi tham quan vịnh Hạ Long với giá 3,5 triệu đồng, nhưng nhà tàu lại bắt thêm 2 đoàn khách nữa. Nhóm khách này cho rằng nếu đã ghép khách thì phải trả lại tiền thừa, bởi giá ghép chỉ có 200.000 đồng/khách, nhưng phía nhà tàu không chịu.

Mắc kẹt vì đại dịch, thuyền viên trên tàu du lịch Scarlet Lady tự sát

Lê Thanh Hà |

Mắc kẹt vì đại dịch COVID-19, một thành viên thủy thủ đoàn trên tàu du lịch Scarlet Lady đã tự sát tuần trước.

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Hàng loạt chủ tàu du lịch vịnh Hạ Long tiếp tục xin dừng hoạt động

Nguyễn Hùng |

Trước tình hình du lịch vẫn rất ảm đạm, hàng trăm chủ tàu du lịch vịnh Hạ Long tiếp tục có công văn xin dừng hoạt động cho đến hết tháng 9, để không phải đóng khoản thuế khoán.

Quảng Ninh: Các chủ tàu du lịch đồng loạt xin dừng hoạt động

Nguyễn Hùng |

Dù Quảng Ninh vẫn là điểm đến an toàn và mở cửa đón khách, nhưng các chủ tàu du lịch trên vịnh Hạ Long đã đồng loạt trình đơn xin dừng hoạt động vì quá khó khăn, do khách ít nhưng vẫn phải nộp đủ thuế.

“Cò” tàu du lịch lộng hành tại Quảng Ninh

Nguyễn Hùng |

Nhiều du khách đặt tàu du lịch tham quan vịnh Hạ Long qua mạng tưởng như chắc ăn, nhưng đến phút chót không có tàu, buộc phải hủy tour du lịch đã lên kế hoạch từ lâu. Những đối tượng rao cho thuê tàu du lịch thường không phải chủ tàu... “Cò” có đất sống là nhờ cho đến nay thông tin về tàu phục vụ du khách tham quan vẫn hết sức mù mờ.

Quảng Ninh: Chủ gian lận, tàu du lịch bị dừng 90 ngày

Nguyễn Hùng |

Ngày 18.6, UBND TP.Hạ Long có công văn từ chối cấp phép rời cảng bến và đình chỉ hoạt động đối với tàu Âu Lạc 18 QN-5796. Nguyên nhân là do chủ phương tiện đã tự ý tăng giá vé so với cam kết và rút ngắn hành trình tham quan.

Xác minh thông tin du khách bị “cò quay” trên tàu du lịch ở Hạ Long

Nguyễn Hùng |

Nhóm du khách gồm 10 người “tố” đã mua trọn gói một tàu du lịch đi tham quan vịnh Hạ Long với giá 3,5 triệu đồng, nhưng nhà tàu lại bắt thêm 2 đoàn khách nữa. Nhóm khách này cho rằng nếu đã ghép khách thì phải trả lại tiền thừa, bởi giá ghép chỉ có 200.000 đồng/khách, nhưng phía nhà tàu không chịu.

Mắc kẹt vì đại dịch, thuyền viên trên tàu du lịch Scarlet Lady tự sát

Lê Thanh Hà |

Mắc kẹt vì đại dịch COVID-19, một thành viên thủy thủ đoàn trên tàu du lịch Scarlet Lady đã tự sát tuần trước.