Nick Út: "Tôi đã đi qua chiến tranh với đầy những ám ảnh"

NGỌC DỦ - HIỀN HƯƠNG (thực hiện) |

50 năm sau khoảnh khắc chụp bức ảnh "Em bé Napalm” làm lay động cả thế giới, nhiếp ảnh gia Nick Út trở về Việt Nam, mở triển lãm ảnh về chiến tranh. Ông có dịp trò chuyện với phóng viên Lao Động.

"Đi qua chiến tranh để biết, hòa bình chính là hạnh phúc"

Tròn 50 năm kể từ ngày ông chụp bức ảnh “Em bé Napalm” ở Tràng Bảng, Tây Ninh. Bức ảnh nhiều lần được bình chọn trong top những bức ảnh có sức lay động nhất thế giới. Cô bé Kim Phúc và những đứa trẻ gào khóc chạy ra từ một ngôi làng bị thả bom... Đến bây giờ nhìn lại, ông thấy mình là một chứng nhân lịch sử, hay đơn giản chỉ là người may mắn đã chụp được một khoảnh khắc khốc liệt của cuộc chiến, khi vào thời điểm đó, tất cả các phóng viên ảnh khác đều hết phim?

- Tôi thấy mình là một chứng nhân của lịch sử đấy chứ. Còn nếu nói 100% may mắn chụp được khoảnh khắc đó là không đúng. Bởi vì bạn biết đấy, thời điểm đó chiến tranh bom đạn triền miên, con người đứng trước “ngưỡng cửa” tử thần. Nên đối với những phóng viên chiến trường như chúng tôi, phải có kinh nghiệm mới thực hiện được.

Cộng thêm, tôi chụp rất nhiều hình chiến tranh, tôi biết cách bắt lấy những khoảnh khắc. Ví dụ: Những cảnh thả bom, tôi có thể ước lượng được khi nào bom thả để chụp ảnh.

Đặc biệt, lúc Kim Phúc bị bỏng chạy ra, chúng tôi cũng không biết trước được. Chính vì thế, ngay khoảnh khắc ấy, tôi đã chụp lại để phần nào phản ánh sự khốc liệt của chiến tranh và để thế giới biết được sự thật về cuộc chiến Mỹ đang thực hiện ở Việt Nam.

“Em bé Napalm” đã khiến thế giới chấn động. Sự khốc liệt của cuộc chiến không loại trừ trẻ em và phụ nữ. Nhìn lại sau 50 năm, ký ức của ông về những ngày tháng đó còn lại gì?

- Tôi có rất nhiều người bạn - họ là những cựu chiến binh Mỹ. Họ nói với tôi rằng họ không thích chiến tranh và không muốn chiến tranh diễn ra. Khi sang Mỹ, gặp lại họ, tôi mang bức hình “Em bé Napalm” cho họ xem lại, họ đều xúc động và nói “chúng tôi thích hòa bình, không thích chiến tranh”.

Sau đó, chính những người đó, sau khi chiến tranh kết thúc, họ đã quay trở lại Việt Nam, xây những thư viện cho trẻ em, ví dụ như ở Bình Định.

Vậy nên, tôi thấy bức ảnh đó của mình đã có sức lay động, điều còn lại sau 50 năm chính là việc người ta nhìn vào bức ảnh ấy mà yêu hòa bình hơn, yêu cuộc sống này hơn. Đi qua chiến tranh để biết, hòa bình chính là hạnh phúc.

Ông có nghĩ rằng, những bức ảnh, và cả những bộ phim tài liệu, có thể nói hết về sự khốc liệt của một cuộc chiến?

- Tôi nghĩ, ảnh và phim phản ánh được phần nào về sự khốc liệt của chiến tranh. Chẳng hạn ngày nay, ngoài việc học sách vở thì việc tham gia triển lãm ảnh, phim tài liệu giúp cho các em học sinh, sinh viên phần nào mường tượng, hình dung được một thời kháng chiến oanh liệt của cha ông.

Và đặc biệt, bức ảnh “Em bé Napalm” đến bây giờ vẫn có sức lay động đối với các em học sinh, sinh viên. Hằng ngày, tôi nhận được rất nhiều mail của các em để xin những chia sẻ, những câu chuyện từ bức ảnh ấy.

Năm 1972 được xem là thời điểm khốc liệt nhất khi Mỹ thực hiện “Việt Nam hóa chiến tranh. Thế trận giằng co từng tấc đất. Đơn cử như câu chuyện về 81 ngày đêm ở thành cổ Quảng Trị - mà mỗi lớp đất đều có xương thịt của những người ngã xuống. Ông - khi ấy theo sát các trận chiến, cầm máy ảnh ghi lại - ám ảnh lớn nhất của ông là gì?

- 81 ngày đêm của “mùa hè đỏ lửa” - là một trong những thời điểm khốc liệt, khủng khiếp nhất mà tôi từng trải qua. Tôi đi từ các tỉnh miền Tây cho tới Quảng Trị. Tôi đứng ngoài cổ thành nhìn quân đội Việt Nam tiến vào, tôi cũng theo chân họ. Lúc đó hàng loạt đạn, bom dội vào thật sự rất nguy hiểm.

Sau đó, tôi trở về mặt trận An Lộc, bạn biết không, ngay cả những bụi cao su ở đó cũng chết vì bom B52 rải thảm. Tôi đã cố gắng tiến vào để chụp lại những hình ảnh đó. Nhìn cảnh hoang vắng, nhìn cảnh đổ nát, tôi thật sự ám ảnh.

Tôi đã đi qua cuộc chiến với đầy những ám ảnh.

Tấm ảnh “Em bé Napalm” đạt giải Pulitzer 1973.
Tấm ảnh “Em bé Napalm” đạt giải Pulitzer 1973.

"Nếu Kim Phúc có mệnh hệ gì, bức ảnh của tôi sẽ là vô nghĩa"

Trong một cuốn sách viết về chiến tranh của một cựu binh, ông ấy có viết một câu với đại ý rằng, những người đi qua một cuộc chiến tranh sẽ bị những ám ảnh, đau đớn từ cuộc chiến ấy làm cho thay đổi vĩnh viễn, họ sẽ chìm sâu trong những bi kịch, ám ảnh, và sẽ trở thành một người hoàn toàn khác - so với chính họ khi chưa bước vào cuộc chiến. Ông nghĩ như thế nào về ý kiến này?

- Có nhiều người khi tham gia chiến tranh về, họ bị khủng hoảng tinh thần. Thậm chí tôi cũng bị khủng hoảng tinh thần. Bây giờ khi xem lại các bộ phim chiến tranh, tôi đều cảm thấy tinh thần bị hỗn loạn khi nhớ lại những khoảnh khắc ngày đó.

Vậy nên, tôi nghĩ rằng, khi chúng ta sinh ra ở thời bình, đó là một điều hết sức may mắn, chúng ta phải trân trọng, yêu quý cuộc sống của mình.

Với cá nhân ông, cuộc sống thời hậu chiến như thế nào?

- Hậu chiến, tôi chọn cho mình cuộc sống bình dị, an yên. Tôi trân trọng từng ngày, từng phút, từng giây sống. Là người sống ở cả thời chiến và thời bình, hơn ai hết tôi thấu cảm được sự khốc liệt của chiến tranh nên khi sống ở thời bình, dường như đó là điều hạnh phúc nhất của những người giống như tôi.

Vì sao, ám ảnh với chiến tranh và tội ác của chiến tranh ở Việt Nam, ông lại chọn sống và làm việc ở Mỹ?

- Sau khi chiến tranh kết thúc, tôi vẫn là phóng viên của hãng thông tấn AP. Lúc hãng thông tấn AP luân chuyển công tác cho nhân viên, tôi được chọn về làm bên Nhật 2 năm. Sau 2 năm, tôi được chọn về làm ở Hollywood.

Khi sang Mỹ, tôi không biết cuộc đời mình sẽ thay đổi thế nào. Chẳng hạn như việc tôi không biết lái xe. Tôi nhớ lần đầu tiên lái xe bị cảnh sát phạt, tôi đã có một trải nghiệm nhớ đời. Rồi, tôi cũng phải học cả cách làm quen với ánh sáng, sự xa hoa ở Hollywood.

Tôi nghĩ rằng, dù làm việc ở bất cứ đâu, nhưng bản thân mình vẫn hướng về quê hương, vẫn làm việc với trách nhiệm, tinh thần hết sức. Tôi vẫn thường xuyên thu xếp về Việt Nam, cố gắng truyền lửa cho những bạn trẻ. Tôi nghĩ mình luân phiên công việc ở cả hai bên, điều đó giúp tôi có trải nghiệm ở nhiều quốc gia, nhiều nơi hơn.

Kim Phúc sau này có lần trả lời phỏng vấn đã chia sẻ, chiến tranh đã hủy hoại cô ấy. Nỗi đau của chiến tranh là vĩnh viễn. Sự thảm khốc của một cuộc chiến không chỉ nằm ở chiến trường, còn nằm trong số phận của những người bị kéo vào cuộc chiến. Ông có nghĩ như vậy?

- Kim Phúc đã sống trong vùng chiến tranh của Trảng Bàng, bị cháy khắp người và may mắn thoát chết. Chính vì thế, trong thâm tâm của Kim Phúc, cô ấy ám ảnh chiến tranh, ám ảnh những khoảnh khắc sinh ly tử biệt. Nhưng các bạn thấy đấy, hiện tại Kim Phúc đã làm rất nhiều điều có ích cho xã hội. Cô ấy mạnh mẽ vươn lên và là một trong những chứng nhân của lịch sử. Tôi và cô ấy vẫn liên lạc với nhau hàng tuần, chúng tôi xem nhau như cha con và tình cảm này thật sự không thể nào kể hết.

Vào khoảnh khắc Kim Phúc chạy ra với những vết bỏng khắp người, tôi đã nghĩ nhất định phải cứu sống cô ấy. Tôi nghĩ khoảnh khắc ấy, đó là tình cảm giữa con người với nhau, là nghĩa tình đồng bào. Tôi không nghĩ ngợi gì mà hỗ trợ đưa cô ấy vào bệnh viện và dặn dò bác sĩ phải cứu cô ấy. Và nếu Kim Phúc có mệnh hệ gì, thì thật sự những bức ảnh của tôi cũng trở nên vô nghĩa.

Sự khốc liệt của cuộc chiến thực sự nằm trong số phận của những người bị cuốn vào cuộc chiến, trong rất nhiều năm về sau, thậm chí là vĩnh viễn.

Chiến sự vẫn không ngừng diễn ra trên thế giới, dù nhân loại nhìn rõ sự khốc liệt...

- Tôi có theo dõi và đọc trên sách báo. Hiện nay một số nước trên thế giới vẫn còn chiến tranh. Khi đọc những dòng tin ấy tôi thấy rất đau lòng. Là người trải qua thời chiến, tôi hiểu những hậu quả mà chiến tranh mang lại. Chính vì thế, tôi luôn nguyện cầu rằng chiến tranh ở các nước kết thúc, để người dân được bình an, được sống trọn vẹn một kiếp người.

NGỌC DỦ - HIỀN HƯƠNG (thực hiện)
TIN LIÊN QUAN

“Bình minh đỏ” phim chiếu mừng ngày Giải phóng miền Nam

V.V |

Chào mừng kỷ niệm 47 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975-30.4.2022), Hãng phim Hội Điện ảnh Việt Nam chiếu ra mắt bộ phim truyện điện ảnh đề tài chiến tranh cách mạng “Bình Minh đỏ” tối 23.4 tại Hà Nội.

Bức ảnh lịch sử chấn động thế giới “Em bé Napalm” sau 50 năm

Hào Hoa |

50 năm là hành trình chữa lành những vết thương chằng chịt của cô bé Kim Phúc, và cũng là 50 năm để nguôi ngoai nỗi ám ảnh của tác giả Nick Út.

Ngắm bảo vật lịch sử ngày giải phóng miền Nam 30.4

Minh Ánh - Phạm Đông |

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam hiện đang lưu giữ 2 bảo vật quốc gia gắn liền với ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30.4 là Bản đồ Quyết tâm chiến dịch Hồ Chí Minh và xe tăng T-54B số hiệu 843 - đây đều là những minh chứng cho thấy sức mạnh quân sự Việt Nam.

Xe tăng 843, bản đồ Quyết tâm - 2 bảo vật làm nên ngày giải phóng miền Nam

PHẠM ĐÔNG |

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam hiện đang lưu giữ 2 bảo vật quốc gia gắn liền với ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30.4 là Bản đồ Quyết tâm chiến dịch Hồ Chí Minh và xe tăng T-54B số hiệu 843.

Vụ chiếm đoạt 433 tỉ: Siêu lừa Nguyễn Thị Hà Thành lĩnh án chung thân

Việt Dũng |

Hà Nội - Nguyễn Thị Hà Thành bị xác định dùng thủ đoạn rủ người đồng sở hữu sổ tiết kiệm rồi dùng vay tiền, từ đó chiếm đoạt hơn 433 tỉ đồng của 3 ngân hàng, 4 cá nhân.

Bất chấp thách thức pháp lý, ông Trump vẫn có thể tranh cử tổng thống Mỹ

Thảo Phương |

Phiên triệu tập đại bồi thẩm đoàn trong vụ xét xử ông Donald Trump đã bị huỷ không rõ lý do và dù có chuyện gì xảy ra, cựu Tổng thống Mỹ vẫn tiếp tục tranh cử.

Bắt nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Pháp y Thái Bình

TRUNG DU |

Ông Đinh Văn Khoa - giám định viên, nguyên Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Pháp y (Sở Y tế Thái Bình) bị khởi tố, bắt giam để điều tra tội tham ô tài sản.

Phạt 22 triệu đồng người phụ nữ ép 2 con đi bán rong trên vỉa hè Sa Pa

Tô Công |

Lào Cai - UBND thị xã Sa Pa vừa xử phạt 22 triệu đồng đối với trường hợp bà Lù Thị Máy -  là người thường xuyên bắt con đi bán hàng rong.

“Bình minh đỏ” phim chiếu mừng ngày Giải phóng miền Nam

V.V |

Chào mừng kỷ niệm 47 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975-30.4.2022), Hãng phim Hội Điện ảnh Việt Nam chiếu ra mắt bộ phim truyện điện ảnh đề tài chiến tranh cách mạng “Bình Minh đỏ” tối 23.4 tại Hà Nội.

Bức ảnh lịch sử chấn động thế giới “Em bé Napalm” sau 50 năm

Hào Hoa |

50 năm là hành trình chữa lành những vết thương chằng chịt của cô bé Kim Phúc, và cũng là 50 năm để nguôi ngoai nỗi ám ảnh của tác giả Nick Út.

Ngắm bảo vật lịch sử ngày giải phóng miền Nam 30.4

Minh Ánh - Phạm Đông |

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam hiện đang lưu giữ 2 bảo vật quốc gia gắn liền với ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30.4 là Bản đồ Quyết tâm chiến dịch Hồ Chí Minh và xe tăng T-54B số hiệu 843 - đây đều là những minh chứng cho thấy sức mạnh quân sự Việt Nam.

Xe tăng 843, bản đồ Quyết tâm - 2 bảo vật làm nên ngày giải phóng miền Nam

PHẠM ĐÔNG |

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam hiện đang lưu giữ 2 bảo vật quốc gia gắn liền với ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30.4 là Bản đồ Quyết tâm chiến dịch Hồ Chí Minh và xe tăng T-54B số hiệu 843.