Nụ cười bên cửa khu cách ly
Những ngày vừa qua, từ 6 giờ sáng, cán bộ Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã có mặt ở trụ sở cơ quan để bốc, vác hàng hoá thiết yếu lên xe buýt, rồi theo những chuyến “Xe buýt siêu thị 0 đồng” đến hỗ trợ cho công nhân lao động khu cách ly tập trung, công nhân lao động khó khăn do dịch bệnh COVID-19 ở các khu công nghiệp, chế xuất, cụm công nghiệp trên địa bàn Thành phố.
Vào ngày mà 2 chuyến “Xe buýt siêu thị 0 đồng” xuất phát đến với công nhân lao động tại các điểm cách ly ở khu công nghiệp Thăng Long và Quang Minh, không ai có thể quên những cái vẫy tay đón chào của anh chị em công nhân phía trong khu vực cách ly. Nhận phần hỗ trợ của tổ chức Công đoàn, gồm gạo, dầu ăn, nước mắm, bột canh... đúng những thứ mình đang thiếu, chị Hoàng Thị Hương, người lao động thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Linh kiện Điện tử SEI Việt Nam, đang cách ly tại tòa nhà CT2 (Khu nhà ở công nhân, xã Kim Chung, huyện Đông Anh) chia sẻ mình rất xúc động trước sự quan tâm, chăm lo của tổ chức Công đoàn Thủ đô. Chị Hương kể, lúc biết Công ty có trường hợp F0 và bản thân phải đi cách ly tập trung, chị cũng như những người cùng hoàn cảnh không tránh khỏi hoang mang. Tiếp đến cuộc sống nơi cách ly cũng khác hoàn toàn với sinh hoạt ngày thường. Nhưng rồi, sự lo lắng cũng qua đi vì đại diện Công đoàn đã có mặt để động viên, tuyên truyền về tuân thủ quy định cách ly. Đặc biệt cán bộ Công đoàn đã tìm hiểu về nhu cầu của công nhân lao động để đề xuất với Công đoàn cấp trên kịp thời đáp ứng. Vì vậy chị Hương và những công nhân ở đây rất yên tâm.
Trong 10 ngày, kể từ ngày 26.7, có ngày 2 chuyến, có ngày 1 chuyến, những “Xe buýt siêu thị 0 đồng” do Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội tổ chức đã mang niềm vui đến cho khoảng 20.000 công nhân lao động. Họ là những người đang thực hiện cách ly tập trung tại những điểm trong các khu công nghiệp, chế xuất, cụm công nghiệp Thăng Long, Quang Minh, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bê tông Bình Dương, Công ty Du lịch Vận tải Bảo Yến, Công ty Môi trường đô thị, Công ty Trách nhiệm hữu hạn MOLEX Việt Nam; là những người lao động khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 thuộc các Công đoàn cơ sở của các Công đoàn Công thương Hà Nội, Xây dựng Hà Nội, Giao thông vận tải Hà Nội; các Liên đoàn Lao động quận Long Biên, Liên đoàn Lao động huyện Mê Linh...
Không chỉ những đoàn viên, người lao động nhận hỗ trợ có niềm vui, mà những cán bộ Công đoàn trực tiếp đi trao hỗ trợ cũng chia sẻ: “Niềm vui, và nhất là những nụ cười của anh chị em công nhân phía cánh cửa khu cách ly đã động viên và mang lại sức mạnh cho chúng tôi rất nhiều”.
Tại sao là “Xe buýt siêu thị 0 đồng”?
Trao đổi về ý tưởng tổ chức “Xe buýt siêu thị 0 đồng”, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Liên đoàn Lao động thành phố quyết định hỗ trợ đến tận tay công nhân lao động khó khăn và các doanh nghiệp đang phải cách ly. Để thực hiện việc này, chỉ có thể dùng xe buýt để vào được tất cả các khu công nghiệp, cụm công nghiệp của thành phố, nhất là những điểm cách ly tập trung. Liên đoàn Lao động thành phố thí điểm “Xe buýt siêu thị 0 đồng” trong vòng 10 ngày với 20.000 suất quà hỗ trợ cho công nhân lao động giá trị hơn 4 tỉ đồng. Những người tham gia thực hiện “Xe buýt siêu thị 0 đồng” khi đến với công nhân lao động ở các điểm cách ly tập trung đều phải thực hiện nghiêm quy định phòng chống dịch như mặc đồ bảo hộ, tuân thủ 5K. Đối với những người đại diện công nhân lao động nhận hỗ trợ hoặc bản thân công nhân lao động nhận hỗ trợ cũng phải thực hiện tốt những điều trên.
Bên cạnh việc trao hỗ trợ kịp thời cho người lao động những đồ thiết yếu mà họ đang rất cần trong thời điểm hiện nay, các cấp Công đoàn Hà Nội còn đặc biệt tập trung tuyên truyền để mỗi công nhân lao động thực hiện nghiêm túc quy định phòng, chống dịch bệnh. Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Lê Đình Hùng phân tích việc thực hiện phòng dịch là của toàn dân, trong đó công nhân lao động phải thực hiện rất nghiêm vì chỉ cần một người bất kỳ lơ là trong phòng chống dịch sẽ gây ra nguy cơ rất cao cho cả doanh nghiệp cũng như cộng đồng. Vì vậy, phải nâng cấp độ thực hiện phòng chống dịch và yêu cầu công nhân lao động bắt buộc phải tuân thủ, thực hiện yêu cầu phòng chống dịch của từng công ty, của chính quyền địa phương, để đảm bảo công tác phòng chống dịch cũng như đảm bảo không đứt gãy chuỗi sản xuất. Không chỉ dừng ở những quy định như thực hiện 5K trước đây, hiện, Công đoàn cùng chuyên môn đã yêu cầu công nhân lao động phải khai báo lịch trình di chuyển, tiếp xúc hằng ngày theo đúng quan điểm của thành phố Hà Nội là “một cung đường 2 điểm đến” - nghĩa là chỉ đi từ nhà đến công ty và từ công ty về nhà để đảm bảo tránh nguy cơ nhiễm bệnh.
Ông Hùng cũng cho biết thêm, đối với những đơn vị giãn việc, ngừng việc, tạm dừng sản xuất thì Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội yêu cầu Công đoàn cơ sở, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở phối hợp chủ doanh nghiệp để đảm bảo cuộc sống hằng ngày cho người lao động. Ví dụ hỗ trợ nhu yếu phẩm, đảm bảo tiền lương cho người lao động theo đúng quy định của pháp luật để người lao động có thể duy trì sinh hoạt trong thời gian chờ việc hoặc người lao động cùng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp qua các hình thức giãn, hoãn hợp đồng lao động.
Quan điểm của Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội là chỉ đạo tất cả Liên đoàn Lao động quận huyện, Công đoàn ngành sẽ phải có trách nhiệm tổ chức các siêu thị 0 đồng. Có thể tổ chức siêu thị bằng xe buýt; có thể tổ chức siêu thị tại 1 điểm sinh hoạt công nhân hoặc điểm đông công nhân lao động để có thể kịp thời hỗ trợ công nhân lao động khó khăn. Công đoàn Hà Nội xác định đây là việc phải làm lâu dài nên sau 10 ngày thí điểm, sẽ tiếp tục kêu gọi sự hỗ trợ, xã hội hoá để cùng chung tay giảm bớt khó khăn cho công nhân lao động.