Những nhân vật tuổi Dần có đóng góp với lịch sử Việt Nam

Hoàng Khôi |

Trong sử Việt có rất nhiều nhân vật làm nên công trạng xứng đáng được đời sau ghi công. Cứ theo 12 con giáp thì ta thấy người tuổi nào cũng có cơ hội đóng góp công sức với non sông đất nước. Người tuổi Dần cũng thế.

Nhân năm Dần xin được ghi lại một số nhân vật tuổi Dần có những đóng góp với lịch sử nước ta.

1. Trần Cảnh - Trần Thái Tông sinh năm Mậu Dần (1218) vua đầu tiên của nhà Trần, là người có công cải tổ luật pháp hành chính, khuyến khích nông nghiệp, thương nghiệp phát triển, xây dựng hệ thống giáo dục Tam giáo đồng nguyên. Ông cũng là người có công xây dựng quân đội hùng mạnh ngăn Chiêm Thành ở mạn nam, xây dựng chế độ nhà Trần hưng thịnh. Nhà vua cũng là người trực tiếp lãnh đạo kháng chiến đánh bại quân Mông Nguyên và sau đó nhường ngôi cho Trần Thánh Tông. Ông còn là một Thiền sư Phật giáo truyền dạy tu hành qua các tác phẩm như “Khóa hư lục”, “Thiền Tông chỉ nam”, chú giải kinh “Kim Cương Tam muội” và “Lục thời sám hối khoa nghi”. Ông là người có ảnh hưởng lớn đến sự hình thành của Thiền phái Trúc lâm, giáo hội thống nhất đầu tiên của đạo Phật tại Việt Nam cuối thế kỷ XIII.

Theo “Đại Việt sử ký toàn thư” “Vua khoan nhiên đại độ, có lượng đại vương cho nên có thể sáng nghiệp truyền dòng, lập kỷ cương, chế độ nhà Trần thực to lớn vậy”.

2. Nguyễn Hữu Cảnh, sinh năm Canh Dần (1650), nguyên tên là Nguyễn Hữu Kim, tước Lễ thành hầu là một danh tướng thời Nguyễn Phúc Chu. Ông được xem là vị tướng mở cõi Nam Bộ, xác lập chủ quyền cho người Việt tại vùng đất Đồng Nai - Gia Định vào năm 1698. Nguyên gốc ông ở làng Gia Miêu huyện Tống Sơn (nay là Hà Trung - Thanh Hóa). Cha ông là danh tướng Nguyễn Hữu Dật, anh trai là Nguyễn Hữu Hào tác giả truyện thơ Nôm “Song Tinh - Bất Dạ” nổi tiếng. Nguyễn Hữu Cảnh có công giúp chúa Nguyễn Phúc Chu bình định Chiêm Thành mở ra trấn Thuận Thành - nay là Ninh Thuận, Bình Thuận. Ông xây dựng dinh Trấn Biên, lấy đất Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn, mở rộng đất, chiêu mộ lưu dân đến lập nghiệp. Năm 1699 vua Chân Lạp tấn công Đại Việt, Nguyễn Hữu Cảnh là thống binh đem quân dẹp tan quân của Nặc Thu, đuổi họ đến tận Nam Vang. Ông cũng là người gìn giữ sự hòa hiếu giữa các sắc tộc Việt - Hoa - Khơ me nên được dân vùng này vô cùng cảm mến. Câu ca: “Lao xao quạ nói với diều/ Cù lao ông Chưởng quá nhiều cá tôm” nhằm ngợi ca Nguyễn Hữu Cảnh an dân lạc nghiệp ở cù lao ông Chưởng (ông Chưởng là Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh). Ông được dân lập đền thờ ở nhiều nơi như Quảng Bình, Quảng Nam, Biên Hòa, Cần Thơ, TP.Hồ Chí Minh, Nam Vang (Campuchia). Tỉnh An Giang có nhiều đền thờ ông nhất nước.

3. Ngô Thì Nhậm sinh năm Bính Dần (1746), còn gọi là Nhiệm, là một danh sĩ, nhà văn thời Hậu Lê có công lớn giúp nhà Tây Sơn đánh quân Thanh. Ông xuất thân trong một gia đình vọng tộc ở Bắc Hà, con của Ngô Thì Sĩ ngụ làng Tả Thanh Oai, Hà Nội. Ông từng đỗ tiến sĩ hạng Tam giáp và làm quan dưới thời Lê Trịnh. Năm 1788, Ngô Thì Nhậm là một trong những kẻ sĩ Bắc Hà đầu tiên đầu quân cho Tây Sơn và được Nguyễn Huệ tín nhiệm tuyệt đối. Ông là người xây dựng kế sách lui binh giữ Tam Điệp với nhận định “nay ta giữ quân mà rút về chỗ hiểm Tam Điệp không mất một mũi tên, cho giặc vào Thăng Long ngủ trọ một đêm rồi tung quân đánh sẽ toàn thắng”. Kế sách này góp phần làm nên chiến thắng vang dội của Tây Sơn. Ngô Thì Nhậm còn giúp Quang Trung đề ra các chính sách mềm dẻo, linh hoạt, cứng rắn trong ngoại giao với nhà Thanh. Ông cũng là người phát hiện ra đền thờ Hai Bà Trưng trên đất Trung Hoa; người thay vua viết “Chiếu Khuyến nông” mà nay dòng họ Ngô Thì đang lưu giữ. Ông để lại rất nhiều văn, thơ, chí và các văn bản ngoại giao.

4. Đinh Công Tráng sinh năm Nhâm Dần (1842) tại làng Trịnh Xá - nay là xã Thanh Tân huyện Thanh Liêm, Hà Nam, là lãnh tụ chính của cuộc khởi nghĩa Ba Đình (tên cứ điểm ở huyện Nga Sơn, Thanh Hóa) trong phong trào Cần Vương chống Pháp cuối thế kỷ XIX tại Việt Nam. Xuất thân, Đinh Công Tráng từng làm Chánh tổng rồi gia nhập quân của Hoàng Kế Viêm, từng tham gia trận Cầu Giấy ngày 19.5.1833. Khi kinh thành Huế thất thủ, vua Hàm Nghi cùng Tôn Thất Thuyết lên Tân Sở, Quảng Trị ban chiếu Cần Vương (1885), Đinh Công Tráng cùng các chí sĩ Phạm Bành, Hoàng Bật Đạt, Nguyễn Đôn Tiết... lập căn cứ Ba Đình để hưởng ứng chống Pháp. Phải đến ngày 21.1.1887 quân Pháp mới chiếm được Ba Đình. Đinh Công Tráng phải chạy về Nghệ An và hy sinh trong một trận đánh tại huyện Đô Lương. “Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam” (1992) ghi nhận xét của tướng Pháp Mason về Đinh Công Tráng: “Ông là người có trật tự, trọng kỷ luật, cương trực, hay nghiêm trị những thủ hạ quấy nhiễu dân, có chí nhẫn nại, biết mình, biết người, không bao giờ hành binh qua quýt, giỏi lập trận thế” (trang 157). Tên ông được đặt cho nhiều con đường ở Hà Nội, Thanh Hóa, TP.Hồ Chí Minh... Tên căn cứ Ba Đình được đặt cho quảng trường chính ở Thủ đô Hà Nội.

5. Duy Tân sinh năm Canh Dần (1890) có tên khai sinh là Nguyễn Phúc Vĩnh San, là hoàng đế thứ 11 của nhà Nguyễn. Ông làm vua từ 1907 đến 1916. Dù còn thơ ấu, Duy Tân đã dần dần khẳng định thái độ bất hợp tác với Pháp và dự tính cùng các lãnh tụ Việt Nam Quang phục Hội như Thái Phiên, Trần Cao Vân khởi nghĩa chống Pháp. Việc bị lộ, vua Duy Tân bị Pháp bắt đi an trí tại Réunion thuộc Ấn Độ Dương (3.11.1916). Duy Tân sau đó gia nhập quân Đồng minh với cấp bậc Thiếu tá và mất trong một tai nạn máy bay ở Cộng hòa Nam Phi, mà theo một số nguồn tin thì ông bị mưu sát vì nếu ông quay về Việt Nam thì sẽ gây nhiều khó khăn cho chính phủ Anh trong việc trao trả các thuộc địa.

Vua Duy Tân có câu nói nổi tiếng khi từ chối trở lại làm vua với Toàn quyền Pháp bấy giờ là: “Các ngài muốn bắt buộc tôi phải làm vua nước Nam thì hãy coi tôi là một ông vua đã trưởng thành và có quyền tự do hành động, nhất là quyền tự do trao đổi tin tức và ý kiến với chính phủ Pháp”.

Tên của Duy Tân được đặt ở nhiều đường phố tại Hà Nội, Móng Cái, Đồng Hới, Đà Nẵng..., được đặt tên cho một trường đại học ở Đà Nẵng. Tại đảo Réunion có đại lộ Vĩnh San (tên khai sinh của vua) ở thành phố Saint Désnis.

6. Hồ Chí Minh sinh năm Canh Dần (1890) tên khai sinh là Nguyễn Sinh Cung, tên hoạt động cách mạng thường gọi là Nguyễn Ái Quốc. Ngoài ra còn gần 200 tên gọi và bí danh khác. Hồ Chí Minh là người sáng lập Đảng cộng sản Việt Nam, là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ 1945 đến 1969, thường được quen gọi một cách thân mật là Bác Hồ. Hồ Chí Minh là người theo chủ nghĩa Mác-Lênin, là nhà lãnh đạo phong trào độc lập Việt Minh, tiến hành Cách mạng tháng Tám thắng lợi, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, là người soạn thảo và đọc Tuyên ngôn độc lập 2.9.1945, là một nhân vật chủ chốt lãnh đạo đất nước Việt Nam. Hồ Chí Minh là một người Việt Nam yêu nước tiêu biểu “suốt đời tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” (Di chúc).

Ngoài hoạt động chính trị, Hồ Chí Minh còn là một nhà văn, nhà thơ, nhà báo với nhiều tác phẩm chữ Việt, chữ Hán, chữ Pháp nổi tiếng trong và ngoài nước. Đó là một tấm gương trong sáng về đạo đức, nhân cách cao thượng, một hình mẫu để các thế hệ nhân dân Việt Nam noi gương, tự hào và học tập. Năm 1990 Đại hội đồng UNESCO đã vinh danh Hồ Chí Minh là Danh nhân văn hóa thế giới.

Những nhân vật tuổi Dần nổi tiếng trong lịch sử còn nhiều đóng góp ở các lĩnh vực khác như nhà sử học Lê Văn Hưu sinh năm Canh Dần (1230); Lý Đạo Tái tức Huyền Quang tuổi Giáp Dần (1254) là một trong Trúc Lâm Tam tổ; Nguyễn Giản Thanh sinh năm Nhâm Dần (1428), Trạng nguyên nổi tiếng đời Lê; Lê Văn Chiêu tuổi Mậu Dần (1878) sáng lập ra đạo Cao Đài... Các nhân vật văn hóa nổi tiếng khác như Lê Ngọc Hân (1770), Lương Văn Can (1854), Ngô Đức Kế (1878), Đặng Thai Mai (1902).v.v... đến các tướng lĩnh tài ba, những chiến sĩ xuất sắc như Nguyễn Phong Sắc, Phan Đăng Lưu, Hà Huy Tập (1902), Huỳnh Văn Nghệ, Nguyễn Chí Thanh, Lê Trọng Tấn (1914)... cũng cầm tinh con hổ.

Hoàng Khôi
TIN LIÊN QUAN

Mâm cúng ông Công ông Táo năm Nhâm Dần cần mua sắm những gì?

Hương Lê |

Theo sách "Nghi lễ thờ cúng cổ truyền Việt Nam", để cúng ông Công ông Táo, các gia đình chuẩn bị một mâm cỗ mặn và bánh, kẹo, trầu cau, rượu...

Tham khảo bài văn khấn cúng ông Công ông Táo năm Nhâm Dần

Hương Lê |

Dưới đây là những bài văn khấn ông Công ông Táo trích từ sách “Văn khấn cổ truyền Việt Nam” và “Văn khấn Nôm truyền thống”.

Màu sắc may mắn theo phong thủy năm Nhâm Dần 2022

Song Minh |

Có 4 màu sắc may mắn trong năm Nhâm Dần 2022, năm con hổ - sinh vật biểu thị cho tham vọng, tinh thần cạnh tranh, sự bốc đồng và thích giao tiếp.

Sĩ tử học ngày cày đêm cho cuộc đua giành vé vào lớp 10 trường công lập

Nhóm PV |

Cuộc đua vào lớp 10 trường công lập tại Hà Nội đang dần nóng lên nhất là khi Sở giáo dục và đào tạo công bố thông tin trong năm nay chỉ có 55,7% số học sinh lớp 9 ở Hà Nội có suất để học tại các trường THPT công lập. Nhiều phụ huynh và học sinh tìm mọi cách để ôn luyện với mục đích đỗ vào trường cấp 3 mà mình mong muốn.

Ngăn chặn thuốc lá điện tử xâm nhập học đường: Khó khăn nhiều phía

Hoàng Bin |

Với nguy cơ đã nhận diện, tình trạng học sinh sử dụng thuốc lá điện tử đang trở thành vấn nạn đối với môi trường học đường, thế nhưng việc quản lý vấn đề này tại Quảng Nam đang gặp khó khăn từ nhiều phía.

Đà Nẵng: 3 nữ quái dàn cảnh bán thuốc tiên, chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng

Khánh Ngọc |

Công an quận Cẩm Lệ (TP Đà Nẵng) đã thực hiện Lệnh bắt tạm giam đối với 2 trong số 3 đối tượng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản chiều tối qua - 23.3.

Người dân và du khách hào hứng trải nghiệm xe đạp công cộng ở Đà Nẵng

Mai Hương - Văn Trực |

Sau khi xe đạp công cộng được đưa vào sử dụng ở Đà Nẵng, nhiều người dân và du khách hào hứng trải nghiệm loại hình mới mẻ này.

TPHCM: Hơn 31.000 xe hết hạn tạm giữ chưa được xử lý

MINH QUÂN |

TPHCM - Thời gian dài, thủ tục nhiều khiến hơn 31.000 phương tiện giao thông vi phạm quá thời hạn bị tạm giữ tại các kho tang vật của Cảnh sát giao thông TP Hồ Chí Minh chưa được xử lý.

Mâm cúng ông Công ông Táo năm Nhâm Dần cần mua sắm những gì?

Hương Lê |

Theo sách "Nghi lễ thờ cúng cổ truyền Việt Nam", để cúng ông Công ông Táo, các gia đình chuẩn bị một mâm cỗ mặn và bánh, kẹo, trầu cau, rượu...

Tham khảo bài văn khấn cúng ông Công ông Táo năm Nhâm Dần

Hương Lê |

Dưới đây là những bài văn khấn ông Công ông Táo trích từ sách “Văn khấn cổ truyền Việt Nam” và “Văn khấn Nôm truyền thống”.

Màu sắc may mắn theo phong thủy năm Nhâm Dần 2022

Song Minh |

Có 4 màu sắc may mắn trong năm Nhâm Dần 2022, năm con hổ - sinh vật biểu thị cho tham vọng, tinh thần cạnh tranh, sự bốc đồng và thích giao tiếp.