Những người “đi xuyên núi”

tâm am |

Tôi từng có may mắn nhận giải nhất cuộc thi phóng sự của Báo Lao Động, với bài viết: “A Sàng - anh hùng xuyên qua núi”. Với tư cách là bác sỹ cao cấp, được phong tặng danh hiệu Anh hùng thời kỳ đổi mới, lại đương kim Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái, khi phóng sự được xuất bản, nhiều người tỏ ra khó tin về hành trình đi tìm con chữ của A Sàng hồi trẻ. Cậu bé người Mông đi bộ từ đỉnh trời Mù Căng Chải (Yên Bái), đi cả tháng ròng sang thủ phủ của Khu tự trị Tây Bắc (bên tỉnh Sơn La) để học chữ.

Khi lật lại tài liệu, tìm nhân chứng, xác tín xong sự việc, thì ai nấy xuýt xoa khâm phục nghị lực đi tìm con chữ của các “trai bản” kiểu ấy. Và bây giờ trở lại Yên Bái, thấy tỉnh đầu tư quy mô, chăm sóc nhân ái với những người yếu thế trong xã hội, giúp trẻ em nghèo, mồ côi từ các thôn sâu bản vắng đến trường, tôi không khỏi so sánh họ với những “A Sàng” đi “xuyên núi” để làm nên sự nghiệp đáng nể.

1. Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh Yên Bái nằm trên một quả đồi rộng, nhà cửa khai trang cao tầng, các dãy “chung cư” phục vụ người khuyết tật, mắc bệnh hiểm nghèo, mồ côi cả cha lẫn mẹ, đơn côi thua thiệt đều khang trang, tươm tất, trang thiết bị và nhân viên phục vụ tận tình. Nhiều nghìn người yếu thế, thiệt thòi, bệnh tật, khuyết tật, mồ côi, cô đơn được chăm sóc ở khắp các huyện thị. Nhiều người có “lương” hàng tháng để ổn định cuộc sống.

Ông Phạm Công Quyết, Giám đốc Trung tâm cho biết: Nói thì nhiều người sẽ không tin, bởi, chúng tôi có cán bộ công tác xã hội cặm cụi đi quản lý cung cấp dịch vụ chăm sóc cho hơn 600 đối tượng là người yếu thế trên địa bàn toàn tỉnh – trong đó có những huyện miền núi xa xôi hiểm trở như Trạm Tấu, Mù Căng Chải.

Trong số hơn 90 người đang được chăm sóc, nuôi dưỡng, tạo điều kiện ăn học tốt ở trung tâm, cũng có nhiều người trẻ “đục xuyên ngọn núi” rủi ro của phận số để vươn lên như một câu chuyện cổ tích.

Ông Trịnh Xuân Trượng - Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở LĐTBXH tỉnh Yên Bái, giở sổ sách làm việc với chúng tôi tại trụ sở - xúc động nói: Cả tỉnh có gần 24 nghìn người hưởng trợ cấp xã hội dạng này, trong đó có 185 trẻ mồ côi; 27 cháu từ 16-22 tuổi đang theo học, 134 trẻ em và người nhiễm HIV thuộc hộ nghèo, không còn khả năng lao động. Hơn 100 hộ gia đình được hỗ trợ kinh phí chăm sóc trẻ mồ côi không có người nuôi dưỡng.

Ông Trượng nhấn mạnh: “Có đến 70% trẻ em ở trung tâm Bảo trợ xã hội trong tỉnh này là người dân tộc Mông. Các cháu mồ côi, nghèo khó được đưa về trung tâm, cho đi học các cấp, học cao đẳng và Đại học, tỉnh cấp tiền cho các trường hợp cụ thể. Khi các cháu tốt nghiệp thì tỉnh lại kết nối, tìm việc làm cho các cháu. Năm học 2018-2019 vừa rồi, trung tâm có 3 cháu thi đại học, 5 cháu theo học các trường nghề.

Các cảnh cảm động ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Yên Bái, tháng 7 năm 2019.
Các cảnh cảm động ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Yên Bái, tháng 7 năm 2019.

2. Giám đốc Quyết giới thiệu chúng tôi từng đứa trẻ đến từ các hoàn cảnh khó khăn đến mức “huyền thoại”. Và thành tích ăn học của các cháu còn đáng trầm trồ hơn. 70% số trẻ khó khăn đến từ hai huyện xa xôi vất vả là Trạm Tấu và Mù Căng Chải.

Trừ những trường hợp cực kỳ xót xa như hai người con hầu như mất nhận thức của một người cha cựu binh bị nhiễm chất độc hóa học từ chiến trường, thì không ít cháu đã vươn lên bất ngờ.

“Khi chúng tôi có mặt, 3 người con của vị cựu binh người Tày tên là Lường Văn Xuân, vẫn sống trên nhà sàn bẩn thỉu ở xã Động Quan, huyện Lục Yên xa xôi. Họ đều bước vào tuổi ba - bốn mươi rồi, nhưng nhận thức không bằng trẻ lên ba. Họ thậm chí không đi lại được, chỉ biết phóng uế tại chỗ, há miệng khi có người bón cơm. Họ nằm trần truồng trong một cái “cũi” trên nhà sàn. Ông bố già ngoại thất thập quá nghèo và già yếu nữa”.

Hai trong ba người con của cựu binh kia được đưa về trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh. Họ được chăm sóc riêng trong một căn phòng, bữa đến có cô nhân viên người Mông (quê gốc ở Mù Căng Chải) bón cho hai “cậu bé” gần bốn mươi tuổi đang trườn ngúc ngoắc trên sàn nhà.

Có cháu bé bị bại não tên là Ngô Thành Thảo Nhi, ở tung tâm đã 13 năm, được đưa đi phục hồi chức năng nhiều lần, giờ nhận thức tốt và có thể tự phục vụ mình. Có các nhân vật đặc biệt của báo chí, như Chang A Vổng. Nhà báo Thái Sinh (Báo Nông nghiệp Việt Nam) phát hiện ra Vổng, khi cháu đờ đẫn sau quá trình bố cháu đem con lên rừng sống như người vượn.

Lý do là người cha tội nghiệp ấy quá sốc khi vợ chết. Sau thời gian dài ở rừng, A Vổng rơi vào tình trạng mất khả năng hành vi, lại hoang dã như người nguyên thủy. Vận động mãi ông bố trầm cảm điên loạn mới cho đưa con anh ta ra khỏi rừng. Sau một thời gian đưa về trung tâm trị liệu, A Vổng bây giờ phổng phao, lanh lợi, gặp chúng tôi, nói năng hoạt bát.

Tiêu biểu cho việc vươn lên từ trẻ thiệt thòi, là bé Linh Chi. Cháu là trẻ mắc di họa của chất độc da cam, không có chân không có tay (giống con người huyền thoại Nick Vujicic), nhưng cháu vẫn được tư vấn, hỗ trợ truyền cảm hứng cho cả gia đình cháu về việc tìm mọi cách giúp cháu vươn lên.

Ông nội Linh Chi là là một cựu binh, sau này là Chỉ huy trưởng quân sự tỉnh Yên Bái. Mẹ của bé Linh Chi được ưu tiên vào làm cán bộ công tác xã hội của Trung tâm, để vừa có được biện pháp tốt nhất giúp bé Linh Chi, đồng thời giúp các trẻ thiệt thòi khác nữa.

Đến nay, cô bé không chân không tay ấy đã có thể làm được những việc mà có lẽ ít ai tin nổi, nếu như không trực tiếp nhìn thấy như chúng tôi. Bé có thể xâu kim, khâu vá, quét nhà, gọi điện thoại, lướt web, viết chữ đẹp bằng cách… dùng cái cùi tay bé và mềm như cọng ngó sen thò ra ở nách kết hợp với má và miệng để cầm nắm điều khiển mọi thứ.

Chỉ có tình yêu thương, sự chăm chút quên mình của các cán bộ, của gia đình trong việc giúp đỡ người yếu thế vươn lên, mới truyền cảm hứng được cho bé “chim cánh cụt” Linh Chi lập kỳ tích. Cách đây mấy năm, Nick Vujicic – người không chân không tay huyền thoại của loài người – đến Việt Nam, và bé Chi đã tha thiết đòi mẹ phải đưa về Hà Nội gặp chú “Ních”. Cuộc gặp cảm động của hai con người giàu nghị lực đó đã được truyền hình trực tiếp trên VTV khiến hàng triệu con tim thổn thức.

3. Nếu sự rủi ro của số phận, sự cay nghiệt của trời già đã khiêng cả một ngọn núi đè lên sự thiệt thòi của những người như bé Linh Chi, thì sự thành công của bé hôm nay, là một “siêu phẩm” người hùng đi xuyên núi! Giống như anh hùng A Sàng đi bộ cả tháng, vượt vô cùng nhiều khó khăn để đến trường.

Anh trở về làm bác sỹ cắm bản phục vụ bà con mình, trong tay chỉ có cái bình oxy gỉ hoen hoèn và các căn trạm xá thông thốc gió lùa, lợn bản dũi và phóng uế tứ tung. Anh đã vươn lên mổ hàng vạn ca thành công và trở thành Anh hùng của quốc gia. Sinh ra sau, cũng từ quê hương cam khó núi cao vực sâu Mù Căng Chải, anh em nhà họ Hờ mà chúng tôi vừa gặp cũng lại thêm một lần “đi xuyên núi” một cách đáng ngưỡng mộ.

Ba anh em trai đột ngột mất cả bố lẫn mẹ, khi còn lơ ngơ vắt mũi chưa sạch. Cặp vợ chồng xấu số người Mông ấy đi từ xã về huyện để làm thủ tục vay tiền của ngân hàng chính sách. Chiếc xe khách lao xuống vực sâu đã cướp đi sinh mạng của họ cùng nhiều người khác. Ba cậu bé mồ côi, khó khăn từ mọi phía, đến mức chính quyền cơ sở phải khẩn cấp đưa cả ba cháu về Trung tâm nuôi dưỡng.

Dường như biết được sự oái oăm mà trời muốn thử lòng mình, các cậu bé đều chịu khó học và học rất khá. “Anh cả” Hờ A Vàng tự tin học trường Nguyễn Huệ ở TP.Yên Bái, sau đó thi đỗ Đại học Thủy Lợi, được tỉnh trích ngân sách cho ăn học chu đáo, lúc ra trường được sắp xếp về Công ty thủy lợi huyện Văn Chấn làm việc. Nay đã sắp cưới vợ, một cô gái xinh đẹp học Đại học Nội vụ, thỉnh thoảng Vàng vẫn về trung tâm truyền cảm hứng vượt lên số phận cho các em nhỏ đi sau.

Cậu cũng không quên mua quà chia vui với những người cùng cảnh ngộ. Em trai Vàng là Hờ A Sánh, noi gương anh, dùi mài đèn sách tại. Sánh thi đỗ vào Đại học Luật ở Hà Nội, đang học năm thứ 3. Mọi chi phí ăn học ở thủ đô của Sánh đều do tỉnh “nuôi”. Em út Hờ A Lao, học dân tộc nội trú, từng đoạt giải nhì cuộc thi học sinh giỏi môn hóa học toàn quốc, được tuyển thẳng vào Học viện Lục Quân 1. A Lao vừa gọi điện thoại cho chú Quyết, giám đốc Trung tâm, khoe: Cháu đã được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Từ trong tận cùng mất mát và thiệt thòi, họ đã và sẽ làm nên huyền thoại. Từ chỗ được xã hội chung tay cứu giúp, nay, đến lượt mình, họ lại gieo niềm tin và truyền lửa ấm cho mọi người về lối sống nghị lực và những mùa trái ngọt của thành công.

tâm am
TIN LIÊN QUAN

Hàng quán TPHCM mở cửa mùng 3 Tết, chưa ghi nhận tình trạng "chặt chém"

Huân Cao |

Mùng 3 Tết (ngày 24.1), nhiều hàng quán ở TPHCM đã mở cửa hoạt động phục vụ khách. Theo ghi nhận của PV, nhiều quán đều phụ thu thêm 10% để bù đắp chi phí tăng cao và trả lương thêm cho nhân viên phục vụ ngày Tết.

Về nơi kiêng tiêu tiền trong ngày Tết ở Sơn La

Chuyên Công |

Tết người Mông ở một số địa phương vùng cao Tây Bắc có những tập tục, tín ngưỡng đặc trưng và lâu đời, được truyền từ đời này sang đời khác. Trong đó phải kể đến tập tục kiêng tiêu tiền, kiêng ăn rau và cơm chan canh, cho dụng cụ lao động nghỉ ngơi...

Chia sẻ cuối của bà Jacinda Ardern trên cương vị Thủ tướng New Zealand

Thanh Hà |

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern ngày 24.1 bày tỏ biết ơn thời gian tại vị đồng thời nhấn mạnh những vụ quấy rối trực tuyến liên tục không phải là lý do khiến bà từ chức.

Chùa Hương nhộn nhịp du khách ngày đầu mở bán vé điện tử

Chí Long |

Chưa đến ngày khai hội chính thức nhưng chùa Hương đã nhộn nhịp du khách đến bái lễ, du xuân những ngày đầu năm mới.

Những mẻ cá đầu năm mới của người dân miền biển Thái Bình

Lương Hà |

Với ngư dân miền biển Thái Bình, chuyến ra khơi đầu năm ngoài hy vọng những mẻ lưới thắng lợi, đầy ắp cá tôm, còn mang ý nghĩa cầu mong cho một năm thuận buồm xuôi gió.

Góc nhìn lạc quan về thị trường bất động sản Việt Nam năm 2023

ANH HUY |

Mặc dù thị trường bất động sản đang có nhiều khó khăn nhưng không ít chuyên gia cho rằng, một số yếu tố nền tảng của Việt Nam đang được giữ ở mức tốt, tiêu chuẩn sống cao hơn. Tất cả đã và đang là điểm sáng để kỳ vọng vào thị trường bất động sản thời gian tới.

Xin đừng gọi “Thổ Châu” là “Thổ Chu”

Lục Tùng |

Kiên Giang - Không gọi danh xưng “Thổ Châu” là “Thổ Chu” vừa là tôn trọng lịch sử, vừa để tránh những ngộ nhận khó lường sau này.

Cận cảnh 4 cây nguyệt quế có giá lên đến 8 tỉ đồng ở An Giang

Tạ Quang |

An Giang – 4 cây nguyệt quế với chiều cao lên đến 7 m, được một nhà vườn ở thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang định giá 2 tỉ đồng mỗi cây.