Trấn Vũ Quán hay còn gọi là đền Quán Thánh, là nơi thờ Huyền Thiên Trấn Vũ, từ xưa đã nổi danh là trấn Bắc quan trọng trong “Thăng Long Tứ trấn” của đất kinh kỳ xưa. Ngày nay, đền Quán Thánh nằm ở ngã tư đường Thanh Niên và đường Quán Thánh; tọa lạc trên đất phường Quán Thánh, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.
Tương truyền, đền được xây dựng từ thời vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long (1010), vua cho rước bài vị của thần về, đặt tại phía Tây Bắc thành, được gọi là Huyền Thiên Trấn Vũ đại đế quán. Đền Quán Thánh đã nhiều lần đi vào thơ ca của người xưa:
Mặt hướng Hồ Tây một quán xưa
Ngàn năm linh tích tiếng còn đưa
Hoa chen quanh bến sen giương kiếm
Lá rụng vào sông trúc thủ bùa...
(Trấn Vũ quán - Trần Thiện Chánh)
Những huyền thoại của lịch sử
Theo truyền thuyết dân gian và các tài liệu viết bằng chữ Hán, Gustave Dumoutier (1850 - 1904), nguyên là Giám đốc Học Chính Trung - Bắc Kỳ, đã thu thập và biên soạn thành cuốn sách "Le Grand-Bouddha de Hanoi; étude historique, archéologique et épigraphique sur la pagode de Tran-vu" được xuất bản vào năm 1888. Trong cuốn sách này, Huyền Thiên Trấn Vũ được cho là có nhiều đóng góp với người dân nên được coi là Thành hoàng phía Bắc của thành Thăng Long.
Huyền Thiên Trấn Vũ có công phù trợ trong ba lần đánh đuổi giặc ngoại xâm. Lần thứ nhất, khi vua Hùng Vương thứ 6 đối mặt với quân địch tấn công từ vùng biển tràn vào cướp phá, gây họa, không tướng nào chống cự lại được. Huyền Thiên Trấn Vũ đã hóa thân vào một cái gậy đá trong một gia đình ông bà già ở Tiên Lạt, xứ Việt Thường, rồi biến thành một cậu bé 7 tuổi, thông minh nhanh nhẹn. Khi nghe vua cầu người tài giỏi để đánh đuổi quân giặc, cậu bé đã một mình đánh tan đoàn quân giặc và sau đó đến ngọn núi Phượng Hoàng thì hóa.
Lần thứ hai, vào đời vua Hùng Vương thứ 7, quân xâm lược từ phương Bắc do tướng Thạch Linh cầm đầu đã xâm nhập vào đất nước ta. Quân của nhà vua đến đánh trả nhưng không chống giữ được, phải chạy về khu vực Hà Nội ngày nay. Vua Hùng cho cầu người tài giỏi giúp nước. Huyền Thiên Trấn Vũ đã đầu thai làm con của một bà mẹ thuộc tổng Vũ Ninh. Cậu bé lớn nhanh đột ngột và nói với sứ giả để rèn cho một con ngựa sắt nặng nghìn cân và một roi sắt nặng trăm cân. Thần cùng ba tướng dẫn 3 vạn quân, đuổi quân ngoại xâm ra khỏi bờ cõi, sau đó đến núi Vệ Linh rồi hóa, bay về trời. Vua Hùng truy phong Huyền Thiên Trấn Vũ là Thiên Vương và cho lập đền thờ thần. Dân làng ở nơi thần sinh ra cũng lập đền thờ và khắc vào bia đá bảy chữ: “Đổng Thiên Vương Thánh Mẫu cô trạch”. Dựa trên câu chuyện thu thập được bởi Gustave Dumoutier, Huyền Thiên Trấn Vũ cũng được coi là thần Thánh Gióng mà nhân dân ta thờ cúng, với công lao trong việc đánh đuổi quân xâm lược Ân.
Lần thứ ba, khi Hầu Nhân Bảo và Tôn Toàn Hưng, hai tướng của nhà Tống sang xâm lược đất nước ta, thần hóa phép thành một cơn cuồng phong làm cho nước sông dâng cao như biển với sóng lớn, thần hiện ra thành một vị tướng trên trời, cao 10 trượng, mặc áo chiến bào vàng, tay cầm một ngọn giáo bằng vàng. Quân Tống trông thấy kinh sợ và trốn chạy.
Bên cạnh việc giúp dân chống xâm lăng, Huyền Thiên Trấn Vũ còn giúp dân trừ tà ma, yêu quái để bảo vệ cuộc sống yên bình của khu vực xung quanh thành Thăng Long. Tương truyền, thần đã thực hiện nhiều phép lạ sau khi tu luyện trong một hang động ở Vũ Dương suốt 42 năm khi còn ở phương Bắc. Thần đã được Thượng đế phong ấn với 36 tước hiệu cao quý bắt đầu là Đại Từ, Đại Bi và sau lại được gọi là Huyền Thiên Thượng Đế. Thần đã đem lại bình yên cho người dân, được tôn là một phúc thần nên được gọi là Đế Phúc Thiên Nam.
Vào đời Hùng Vương thứ 14, tại làng Bồ Đề cạnh sông Hồng xuất hiện một con rùa có nhiều phép làm hại dân, Huyền Thiên Trấn Vũ dùng phép thuật để cứu giúp dân làng. Vào cuối thời kỳ của các vị vua Hùng, gần thành Thăng Long có một con cáo chín đuôi rất hung dữ, thần lại hiện thân giao chiến với cáo chín đuôi, đem lại sự yên bình cho nhân dân. Chỗ giao tranh ngày đó tương truyền sau này trở thành Hồ Tây. Khi vua An Dương Vương xây thành Cổ Loa, theo lời cầu khẩn của thần Kim Quy, Huyền Thiên Trấn Vũ đã hiện lên để giúp An Dương Vương trừ tà. Vua cũng cho lập đền ở phía Bắc thành Cổ Loa, thuộc huyện Đông Anh, Hà Nội ngày nay.
Trong thời vua Lý Thánh Tông (1023-1072), trên sông Hồng gần kinh thành Thăng Long, có 3 con vật là Hồ tinh, Quy tinh và Xà tinh (cáo, rùa và rắn) đã phá vỡ đê sông Hồng, lũ lụt nghiêm trọng, gây hại cho dân. Huyền Thiên Trấn Vũ đã xuất hiện từ Hồ Tây và biến thành một trận giông bão kèm sấm sét để tiêu diệt chúng. Vua đã xây dựng đền thờ có tên Trấn Vũ, chính tại vị trí của ngôi đền hiện tại.
Đến đời Trần, nhiều quỷ dữ nhiều yêu quái lại xuất hiện ở Châu Yên Phú (Bắc Giang), thần đã hiện thân, xuống đánh đuổi chúng rồi bay lên trời. Trong thời Lê Nhân Tông và Lê Thánh Tông, các vị vua thường đến đây cầu mưa khi gặp hạn hán, và những lời cầu khẩn của các vua được ghi lại trong tập Thiên Nam dư hạ.
Ngôi đền cổ xưa với những giá trị nổi bật, đặc biệt quan trọng
Đền Quán Thánh nằm ở một địa thế rất đẹp cạnh hai hồ trên đường Cổ Ngư là hồ Trúc Bạch và Hồ Tây. Tương truyền, ngôi đền được xây dựng từ thời nhà Lý và qua thời gian đã trải quan nhiều lần tu sửa như năm Vĩnh Trị thứ 2 (1677), năm Cảnh Hưng thứ 29 (1768), năm Thiệu Trị thứ 1 (1841), thời vua Tự Đức (1856), năm Thành Thái thứ 5 (1893)... Trong đợt trùng tu năm Đinh Tỵ, niên hiệu Vĩnh Trị thứ 2 đời vua Lê Hy Tông (1677), chúa Trịnh Tạc sai đình thần là Nguyễn Đình Luân trùng tu, đúc tượng Huyền Thiên Trấn Vũ bằng đồng, thay cho pho tượng bằng gỗ trước đó.
Tượng Huyền Thiên Trấn Vũ được triều đình cho đúc lại bằng đồng đen, cao 3,07 m và chu vi 8 m. Tượng có khuôn mặt vuông, mắt nhìn thẳng, râu dài, tóc xoã không đội mũ, mặc áo đạo sĩ, ngồi trên bục đá. Tay trái bắt quyết, tay phải chống gươm có rắn quấn lên lưng một con rùa. Tượng Huyền Thiên Trấn Vũ là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, thể hiện kỹ thuật đúc đồng và tài nghệ của các thợ đúc đồng tài hoa ở làng Ngũ Xã. Tại nhà bái đường còn có một tượng nhỏ hơn, cũng được đúc bằng đồng đen, nhiều người cho rằng đây là tượng ông Trùm Trọng, người thợ cả đã chỉ huy việc đúc pho tượng Trấn Vũ. Tượng này được các học trò của ông đúc để tưởng nhớ công ơn của thầy. Tuy nhiên, theo nhiều nhà nghiên cứu, dựa trên bài văn khắc trên bia Trấn Vũ Quán bi ký, đây thực ra là tượng của Luân Quận Công Vũ Công Chấn (1618 - 1689). Cùng với tượng, còn có một quả chuông cao gần 1,5 m treo ở gác tam quan. Tiếng chuông này đã trở thành một điểm nhấn trong thi ca xưa:
Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Vũ canh gà Thọ Xương
Vào năm Cảnh Thịnh 2 (1794) đời vua Quang Toản, viên Đô đốc của nhà Tây Sơn là Lê Văn Ngữ cho đúc chiếc khánh đồng lớn. Vua Minh Mạng của nhà Nguyễn khi ra tuần thú Bắc Thành, nhà vua cho đổi tên đền thành Chân Vũ quán, ba chữ Hán này được tạc trên nóc cổng tam quan. Tuy nhiên, trên bức hoành trong Bái đường vẫn ghi là Trấn Vũ quán. Các kiến trúc hiện còn tới ngày nay là công trình được tu sửa vào năm 1838. Các bộ phận kiến trúc sau khi trùng tu bao gồm: Tam quan, sân, ba lớp nhà tiền tế, trung tế, hậu cung. Các mảng chạm, khắc trên gỗ có giá trị nghệ thuật rất cao. Bố cục không gian rất thoáng và hài hòa. Hồ Tây trước mặt tạo cho đền luôn có không khí mát mẻ quanh năm.
Năm 1842, vua Thiệu Trị cũng đến thăm đền và ban tiền đúc vòng vàng để đeo cho tượng Trấn Vũ. Vòng dùng sợi dây bạc xâu để treo ở cổ tay tượng thần. Đằng sau đền lại đắp hòn núi non bộ trong một bể con và dựng một đền nhỏ gọi là Vũ Đương Sơn. Sửa chữa xong, có dựng bia do Tiến sĩ Lê Hy Vĩnh soạn. Năm 1856, bố chánh Sơn Tây là Phạm Xuân Quế, bố chánh Hà Nội là Tôn Thất Giáo, tri huyện Vĩnh Thuận là Phan Huy Khiêm đã tổ chức quyên góp trùng tu, sửa lại chính điện, đình thiêu hương, bái đường và gác chuông, làm thêm hai dãy hành lang bên phải và bên trái, đắp lại bốn pho tượng đại nguyên soái, tượng thần Đương Niên hành khiển, Văn Xương Đế Quân.
Ngoài nghệ thuật đúc đồng, đền Quán Thánh còn nổi tiếng với vẻ đẹp của nghệ thuật chạm khắc gỗ. Trên các bộ phận kiến trúc bằng gỗ của ngôi đền các đề tài như: Tứ linh, dơi, cá, tùng, trúc, cúc, mai, lẵng hoa, bầu rượu, thanh gươm, cảnh sinh hoạt của trần gian và thượng giới... được chạm khắc một cách tinh xảo mang đậm phong cách nghệ thuật thời Lê.
Không chỉ là một công trình có giá trị về mặt lịch sử và kiến trúc, đền Quán Thánh còn là nơi sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa nổi tiếng của người dân Hà Nội xưa và nay. Đền Quán Thánh tổ chức chính hội vào ngày 3.3 Âm lịch, du khách phương xa nên đến du lịch Hà Nội vào những ngày Tết để được tham gia lễ hội Đền Quán Thánh. Trải qua gần một thiên niên kỷ nhưng ngôi đền Quán Thánh vẫn giữ gìn nguyên vẹn những giá trị văn hóa lịch sử cho con cháu mai sau. Song hành cùng lịch sử, ngôi đền được in dấu bởi nét thời gian tạo nên một vẻ đẹp rất riêng, vẻ đẹp của một Hà Nội những ngày tháng cũ.
Huyền Thiên Trấn Vũ là một hình tượng kết hợp thần thoại tín ngưỡng Trung Hoa đã được Việt Nam hóa, là một biểu tượng của sức mạnh chống thiên nhiên và ngoại xâm của dân tộc đã được thần linh hóa. Thần không phải chỉ là một vị Đạo sư mà thực sự là một vị phúc thần, Thành hoàng của kinh thành Thăng Long. (GS. Vũ Ngọc Khánh)