Những chuyện đau lòng từ vấn nạn nông dân tự tử của Ấn Độ

Tường Linh (Tổng hợp) |

Các hạt giống cao sản chứa đầy hy vọng được người nông dân Ấn Độ gieo xuống trong khoảng từ tháng 6 tới 7 và đến tháng 9 thì cây bị hỏng do hạn hán, bệnh tật. Ngay sau đó, nông dân thi nhau tự sát và mùa thu thường là mùa của cái chết.

Vành đai tự sát

Randhir Singh đã vướng vào nợ nần rất nặng khi dịch COVID-19 xuất hiện. Singh vẫn thường đi thăm cánh đồng bông của nhà ông, nằm bên một tuyến đường sắt và nhìn vào những cây bông với một ánh mắt tuyệt vọng. Đầu tháng 5 năm nay, ông quyết định chấm dứt nỗi thống khổ của mình, bằng cách nằm xuống đường ray khi một đoàn tàu đang lao đến.

“Cái chết của cha là điều chúng tôi lo sợ” - Rashpal Singh, con trai 22 tuổi của ông Singh, nói và giọng nghẹn đi vì không kìm được xúc động khi anh ngồi tiếp phóng viên New York Times tại nhà riêng ở Sirsiwala - một ngôi làng nhỏ thuộc bang Punjab.

Cái chết của ông Singh, tiếc thay, không phải là duy nhất. Ấn Độ hiện có tỉ lệ tự sát thuộc hàng cao nhất thế giới. Năm 2019, Ấn Độ có tổng cộng 139.123 vụ tự sát. 10.281 người trong số đó là nông dân hoặc các lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, theo số liệu từ Cục Thống kê tội phạm quốc gia Ấn Độ. Ở quốc gia này, tự sát vẫn bị xem là tội hình sự và nhiều chuyên gia đánh giá con số thực còn có thể cao hơn thế, bởi nhiều người sợ bị kì thị từ cộng đồng nếu báo cáo việc có thân nhân tự sát.

New York Times dẫn dữ liệu từ chính quyền cho biết, trong 5 năm qua, số lượng nông dân ở Punjab tự sát đã tăng hơn 12 lần. Mỗi ngày trung bình báo chí địa phương lại thông tin về 3-4 trường hợp nông dân kết liễu mạng sống của họ.

Các cánh đồng xanh mướt chạy dài xa tít tới đường chân trời ở đây chỉ là chiếc mặt nạ che đi nhiều thập kỷ nợ nần và khai thác quá độ đất đai. Trong những năm 1960, chính quyền khuyến khích nông dân trồng nhiều loại rau và lúa mì năng suất cao - những thứ về sau đã khiến Ấn Độ tự chủ về lương thực. Tuy nhiên, các loại cây năng suất cao này thường sử dụng rất nhiều nước. Trong điều kiện thời tiết biến đổi cực đoan như hiện nay, để có nước tưới cây, nhiều nông dân đã khoan giếng lấy nước tưới cây, qua đó làm lượng nước ngầm tụt xuống ngày càng thấp.

Nhằm cứu cây, nông dân lại khoan sâu hơn nữa. Để cây phát triển tốt và chống sâu bệnh, họ cũng sử dụng quá mức phân bón và thuốc trừ sâu - những thứ vốn có chi phí không nhỏ. Tất cả điều này làm tăng gánh nặng nợ nần cho nông dân và việc mùa màng liên tục thất bát dù đã đầu tư lớn giống như yếu tố cuối cùng phá hủy hoàn toàn hy vọng, cuộc sống của họ.

Cách đây 20 năm, cha của Nirmal Singh - một nông dân sống tại Punjab - đã uống một lọ thuốc trừ sâu để tự sát, sau khi ông phải bán phần lớn đất đai để trả khoản nợ trị giá 2 triệu rupee (khoảng 26.700 USD). Sau đó, tới lượt chị gái Singh tự sát vì gia đình không có đủ tiền để tổ chức đám cưới. Năm 2016, người con trai của Singh cũng tự sát bằng cách nằm xuống đường ray xe lửa, sau khi cánh đồng bông của anh bị bệnh dịch tàn phá. Lúc qua đời, người con trai ấy mới 23 tuổi.

Bản thân Singh đang bị mắc kẹt với một khoản nợ lên tới 20.000 USD, hình thành sau nhiều năm nỗ lực canh tác trên các khoảnh đất ông còn sở hữu. Singh nói rằng, canh tác nông nghiệp đang ngày càng thua lỗ và người nông dân luôn phải gánh mọi hậu quả nặng nề nhất từ vấn đề này. Riêng tại ngôi làng Singh đang sống, tự sát là chuyện xảy ra gần như mỗi tháng. “Chúng tôi đã khô cạn nước mắt. Chuyện xảy ra quá nhiều khiến con tim chúng tôi như đã hóa đá” - anh nói.

Tình hình cũng không kém phần bi đát tại các bang Telangana và Andhra Pradesh, những nơi nằm trong cái gọi là vành đai tự sát ở Ấn Độ. Giống như hoạt động canh tác nông nghiệp, mộ của nông dân được đào theo mùa. Các hạt giống cao sản đầy hy vọng được họ gieo xuống trong khoảng từ tháng 6 tới 7 và đến tháng 9 thì cây bị hỏng do hạn hán. Mùa thu thường là mùa vĩnh biệt.

Gánh nặng đè lên vai người ở lại

Denanmma Ramulu, 45 tuổi, ngồi tựa lưng vào bức vách đất, tay ôm lấy đầu đang gục vào đôi chân, lưng cô run rẩy. “Chưa lúc nào tôi cảm thấy có hy vọng cho tương lai cả. Khi hay tin chồng mất, tôi đã suy sụp hoàn toàn” - cô nói.

Người chồng yêu dấu chung sống với cô suốt hơn 20 năm qua đã tự sát, để lại cho cô một món nợ khổng lồ lên tới 200.000 rupee (khoảng 2.000 USD), cùng 2 mẫu đất đang khô cháy vì hạn hán ở Telangana. Đám tang của chồng khiến cô tốn kém thêm 30.000 rupee nữa (450 USD). Sau lễ hỏa táng, khi việc rải tro người chết đã hoàn tất, mấy mẹ con phải đối mặt với thực tế còn lại: Món nợ và những cánh đồng khô khốc.

“Đây là số phận của tôi” - Denanmma nói. “Tôi kỳ vọng con trai sẽ giúp mình và thúc đẩy gia đình tiến lên”.

“Thế còn các con gái của chị thì sao?” - phóng viên hỏi về hai cô gái ngồi gần đó, đang chăm chú theo dõi cuộc đối thoại. “Tôi chỉ muốn quan tâm tới con trai thôi” - cô trả lời.

Mảnh ruộng còn lại sau khi chồng Denanmma qua đời thực tế cũng không thuộc sở hữu của gia đình cô. Họ thuê lại nó từ một người họ hàng và sử dụng trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, người họ hàng này đã kiên trì đòi lại đất từ năm 2015, sau một vụ mùa không thành công và lâm vào nợ nần.

Trước kia, gia đình trồng hoa màu và có cuộc sống bình thường trong nhiều thập kỷ. Nhưng rồi từ năm 2014, họ đã chuyển sang trồng bông, sau khi thấy nhiều gia đình khác cũng làm điều tương tự. Nhưng vài vụ bông thất bại đã đẩy họ vào cảnh nợ nần chồng chất, và khi không thể chịu nổi áp lực, chồng Denanmma đã quyên sinh.

Các hạt bông đã từng là niềm hy vọng lớn lao của nông dân Ấn Độ. Nhiều nông dân Ấn Độ từng coi hạt bông như hạt giống mà thượng đế ban tặng, bởi chúng hứa hẹn mang lại lợi nhuận cực lớn sau một vụ mùa thành công. Éo le thay, các nông dân làm ăn quy mô nhỏ, những người thường phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên khi canh tác, lại chứng kiến cây bông của họ liên tục bị hỏng.

Nirmal Singh chia sẻ rằng, mỗi tháng làng ông lại có một nông dân tự sát. Ảnh: AFP
Nirmal Singh chia sẻ rằng, mỗi tháng làng ông lại có một nông dân tự sát. Ảnh: AFP

“Nông dân ở các vùng Andhra Pradesh và Telangana bảo nhau rằng có thể kiếm được rất nhiều tiền từ việc trồng bông” - Asha Satyam, một nhà nghiên cứu nông nghiệp chia sẻ với phóng viên. “Quan điểm này tồn tại bởi có một thực tế là bông tiêu thụ rất tốt. Song sự khác biệt nằm ở chỗ, một nông dân trong làng có hệ thống tưới tiêu tốt và anh ta quyết định trồng bông. Nhìn thấy thành công của người này, các nông dân khác nghĩ rằng họ có thể đạt được điều tương tự, bằng cách dùng nhiều phân bón và khoan nhiều giếng đào hơn. Giống như đánh bạc, anh ta sẽ tiếp tục đào giếng để tìm nguồn nước, đầu tư ngày càng nhiều tiền cho việc trồng bông, để nuôi hy vọng. Tuy nhiên, giếng đào rồi cũng cạn nước và trời thì mãi không có mưa. Cây bông cứ thế mà hỏng, liên tục hết năm này sang năm khác, khiến khoản nợ phình to thêm mãi”.

Theo Asha, tại các vùng Telangana và Andhra Pradesh, 80% nông dân đi thuê đất thay vì sở hữu. Việc một vụ mùa thất bại có nghĩa họ sẽ thêm từ 8.000 tới 15.000 rupee vào đống nợ đã tồn tại. Khi không thể trả được nợ, người nông dân thường sẽ chọn những giải pháp cực đoan nhất.

Asha cho hay, trong nhóm các nông dân ở Telangana và Andhra Pradesh đã tự sát, hơn 95% là nam giới. Vợ và con họ, nhất là các bé gái - những người không chọn giải pháp cuối cùng - sẽ phải lo xử lý hậu quả nặng nề. “Khi người nông dân tự sát, gánh nặng lớn hơn thường đè lên vai phụ nữ” - tiến sĩ G. V. Ramanjaneyulu, Giám đốc Trung tâm nông nghiệp bền vững Ấn Độ, chia sẻ chung quan điểm. “Mỗi rupee bị mất khỏi dòng thu nhập chính sẽ không tác động đều lên tất cả mọi người. Nó tác động tới phụ nữ và bé gái nhiều hơn”.

Cùng một câu chuyện xuất hiện lặp đi lặp lại ở nhiều nơi. Sau một vụ tự sát, trẻ con sẽ bỏ học do gia đình không thể đóng học phí. Tư tưởng trọng nam khinh nữ khiến các bà vợ góa chỉ thích đặt kỳ vọng vào con trai. Nếu đang ở trong độ tuổi từ 13-17, các bé gái sẽ phải đi lấy chồng sớm.

Kavitha Ravula, 42 tuổi, là mẹ của 4 đứa con. Cô là vợ của Haribabu Ravula - anh nông dân đã tự sát hồi tháng 11.2015. Kavitha chia sẻ rằng, cô từng có 30 năm sống hạnh phúc bên chồng. Cô kết hôn từ năm 12 tuổi. Trước kia, gia đình trồng ngô và bông trên mảnh đất rộng 4 mẫu. Nhưng do biến đổi thời tiết và hạn hán gia tăng nên họ liên tục mất mùa, dẫn tới khoản nợ khổng lồ 500.000 rupee (hơn 7.500 USD).

“Chồng tôi suy nghĩ nhiều về khoản nợ, nhưng anh ấy chưa từng nói gì về việc tự sát. Giờ tôi chỉ còn biết nhờ cậy vào các con trai của mình” - cô nói. “Vậy các cô con gái thì sao?” - nghe thấy câu hỏi, Kavitha thở dài, rồi nhún vai. “Cuộc sống vẫn phải tiếp diễn. Ngày nào tôi cũng muốn uống thuốc độc cho xong, nhưng gia đình cần tôi. Và tôi thì mạnh mẽ hơn chồng mình” - cô nói.

Những lời hứa hão huyền

Kavitha Suresh, 24 tuổi, đã kết hôn với chồng Anathula từ khi cô mới lên 10 tuổi. Hai người sống tại làng Aknoor ở Telangana. Theo lời cô, trong 9 năm họ đã có cuộc hôn nhân hạnh phúc, với 2 đứa con và một thửa ruộng trồng gạo, bông. Họ luôn thiếu tiền, nhưng vẫn xoay sở được. “Kết hôn là một trải nghiệm đẹp. Chồng rất quan tâm, chăm sóc tôi” - cô chia sẻ. Kavitha đã ngất xỉu khi nhận được cuộc gọi của người lạ báo Anathula đã tự sát bằng cách treo cổ.

Khi tỉnh lại, cô có cảm giác như đang sống trong mơ. Cô không nhớ gì về đám tang, về chi tiết của việc đã bán đất để trả khoản nợ 300.000 rupee (4.495 USD). Nhưng chỉ đến khi phải rời khỏi mảnh đất từng sở hữu, tâm trí cô mới bừng tỉnh. Sau mỗi cái chết của người đàn ông trong nhà, người phụ nữ sẽ phải xử lý cực nhiều quyết định đóng vai trò rất quan trọng tới cuộc sống của họ, vốn thường do người chồng xử lý. Họ sẽ phải đàm phán với chủ nợ, cho thuê hoặc bán mảnh đất mình đang sở hữu, nhờ họ hàng giúp đỡ.

Khi tất cả đều không giải quyết được vấn đề, họ sẽ phải làm nghề cuốn thuốc lá beedi để có thu nhập. Các công ty trả họ tiền thù lao rất thấp, chỉ 100 rupee (1,5 USD) cho mỗi 1.000 điếu beedi. Nhiều người vẫn làm việc bởi lời hứa rằng sau 50 năm lao động, các công ty sẽ trả cho họ khoản tiền hưu chừng 15 USD/tháng. Nhưng họ cũng không có nhiều lựa chọn và việc cuộn thuốc breedi giúp đảm bảo họ có miếng ăn hàng ngày.

Theo các chuyên gia, hoạt động canh tác như hiện nay của nông dân Ấn Độ chỉ mang lại lợi ích lớn cho các công ty bán hạt giống. Họ cũng là bên gây ảnh hưởng khổng lồ lên nông dân, đặc biệt là những người sống tại các khu vực biệt lập, hẻo lánh vốn có sự hiểu biết thấp, ít kiến thức và kinh nghiệm để chống lại những lời hứa phủ đầy mật ngọt.

Các công ty này khuyến khích nông dân tiếp tục mua các hạt giống đắt tiền, bất chấp việc chúng không phù hợp cho khu vực họ đang sinh sống. Khẩu hiệu tuyên truyền của các công ty hạt giống là nông dân nên trồng những loại cây cao sản hoặc giá trị lớn, sẽ mang tới nhiều tiền, như cây bông. Nhưng cây bông không thể sống ở các vùng khô hạn, nên cuộc khủng hoảng vì thế mà trầm trọng hơn rất nhiều.

Beeram Ramulu - Phó Chủ tịch Raithu Swarjya Vedika, một tổ chức NGO đang nỗ lực hỗ trợ nông dân - đánh giá: “Đất đai ở các vùng khô hạn không phù hợp cho cây bông, nhưng nông dân vẫn trồng vì các công ty rất dễ dãi trong việc cung cấp cho họ hạt giống và phân bón. Khi cây trồng bị hỏng, các công ty chỉ việc đổ lỗi cho trời ít mưa”.

Lời hứa trồng cây với hạt giống tốt để đổi đời mãi không thành sự thật, còn hậu quả nợ nần, gia đình tan nát là chuyện xảy ra đều đặn. Và bên nhận hậu quả luôn là nông dân.

Tối hôm ấy, Pentapati Narsi Reddi - một nông dân trồng bông 48 tuổi - ngồi dùng bữa bình thường với 2 con gái, một con trai và vợ Lakshmi. Bữa ăn gồm rất nhiều cơm trắng, sốt sambar cay, canh rassam và mỗi người một quả trứng. Cả nhà ăn theo lượt vì chỉ có hai cái đĩa đựng đồ ăn làm từ inox, bắt đầu là những người đàn ông, sau đó là hai cô con gái và cuối cùng là Lakshmi.

Sau bữa tối, Pantapati rửa mặt rồi lên giường nằm cạnh vợ trong căn phòng nhỏ của họ, vừa là phòng khách cũng là phòng ăn và phòng ngủ. Những ngôi sao chiếu sáng lấp lánh trên trời đêm, tiếng cánh của chiếc quạt làm mát quay nhè nhẹ, tiếng dế kêu, tiếng những con trâu đang ngáy đều đều trong chuồng. Tất cả mang đến cảm giác thanh bình, nhưng tâm trí Pentapati thì dậy sóng dữ dội. Buổi sáng tiếp theo, Pentapati được tìm thấy đã chết, trong tình trạng treo cổ. Ông được an nghỉ, nhưng với gia đình ông, cuộc chiến mới chỉ bắt đầu.

Tường Linh (Tổng hợp)
TIN LIÊN QUAN

Dân làng Ấn Độ ăn mừng chiến thắng của Phó Tổng thống đắc cử Kamala Harris

Bảo Châu |

Biết tin bà Kamala Harris trở thành Phó Tổng thống đắc cử của Mỹ, người dân Ấn Độ nơi quê hương gốc gác của bà đã cầu nguyện và đốt pháo ăn mừng, theo AP.

Tín đồ Ấn Độ cầu nguyện cho ông Donald Trump và bà Kamala Harris

Hải Anh |

Người dân Ấn Độ tổ chức các buổi lễ cầu nguyện cho Tổng thống Mỹ Donald Trump và ứng viên Phó Tổng thống đảng Dân chủ Kamala Harris.

Mưa lũ càn quét kinh hoàng ở Ấn Độ, cuốn trôi nhiều ôtô

HỒNG HẠNH |

Mưa lũ càn quét ở Ấn Độ trong 3 ngày khiến nhiều ôtô bị cuốn trôi, gây thiệt hại hàng triệu rupee.

Xe ôm, bốc vác "chuyển nghề" chở thuê đào, quất những ngày cận Tết

Trần Tuấn - Nguyễn Kế |

Bắc Giang - Thay vì làm nhưng công việc như xe ôm, bốc vác, nhiều lao động tự do ở TP.Bắc Giang chuyển sang làm nghề chở thuê đào, quất những ngày cận Tết, thu nhập khoảng 1 triệu đồng/ngày.

Gỡ khó các quy định tạo nguồn cung cho nhà ở xã hội

B. Chương |

Kế hoạch triển khai 1 triệu nhà ở xã hội đang gặp khó khăn vì nhiều quy định không phù hợp với chủ trương xã hội hóa đầu tư để phát triển nhà ở xã hội, hoặc chưa đảm bảo tính khả thi, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn.

NSƯT Chí Trung: “20 năm Táo Quân là quãng thời gian tươi đẹp của tôi”

Hiền Hương (thực hiện) |

NSƯT Chí Trung tiếp tục đảm nhận vai Táo Giao thông ở Táo Quân 2023. Anh chia sẻ với Lao Động hành trình 20 năm đã có ở Táo Quân và 6 tháng trải nghiệm cuộc sống về hưu sau khi nhận quyết định nghỉ chế độ từ tháng 6.2022.

Chứng khoán: Thị trường giữ trạng thái đi ngang trong ngắn hạn

Gia Miêu |

Xu hướng đi ngang ngắn hạn của thị trường chứng khoán dự báo sẽ tiếp tục được duy trì và chỉ số sẽ chuyển trạng thái vào sau kỳ nghỉ lễ.

Khán giả Việt Nam tiếc nuối chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo

Chi Trần |

Người hâm mộ Việt Nam tiếc nuối khi phải nói lời chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo sau hơn 5 năm gắn bó.

Dân làng Ấn Độ ăn mừng chiến thắng của Phó Tổng thống đắc cử Kamala Harris

Bảo Châu |

Biết tin bà Kamala Harris trở thành Phó Tổng thống đắc cử của Mỹ, người dân Ấn Độ nơi quê hương gốc gác của bà đã cầu nguyện và đốt pháo ăn mừng, theo AP.

Tín đồ Ấn Độ cầu nguyện cho ông Donald Trump và bà Kamala Harris

Hải Anh |

Người dân Ấn Độ tổ chức các buổi lễ cầu nguyện cho Tổng thống Mỹ Donald Trump và ứng viên Phó Tổng thống đảng Dân chủ Kamala Harris.

Mưa lũ càn quét kinh hoàng ở Ấn Độ, cuốn trôi nhiều ôtô

HỒNG HẠNH |

Mưa lũ càn quét ở Ấn Độ trong 3 ngày khiến nhiều ôtô bị cuốn trôi, gây thiệt hại hàng triệu rupee.