Những chiêu lừa dùng sổ đỏ giả

Tiến Đoàn - Anh Huy |

Từng thi đỗ vào Đại học Luật, song vì đam mê kinh doanh, thích buôn bán tự do nên Thanh Thùy đã không nhập học mà mở shop bán hàng online để hy vọng sẽ trở thành bà chủ lớn (boss). Song thương trường không hề dễ dàng như những gì Thùy nghĩ, cộng thêm việc hôn nhân đổ vỡ, một mình Thùy quay cuồng với đủ thứ nghề nhằm kiếm tiền nuôi 2 con ăn học. Một thời gian chinh chiến trên thương trường, Thùy bị “sập nguồn". Để bù lại số tiền đã mất, cô bày đủ mưu kế để chiếm đoạt tài sản của những ân nhân... Còn Lê Mai Hương lại dùng thủ đoạn khác...

Mánh khóe lừa tiền theo kiểu... mưa dầm

Giữa tháng 8.2020, chúng tôi tình cờ vào một phòng xử của tòa Hà Nội để nghe tòa như bao vụ án khác. Nhưng lần này có sự khác biệt, bị cáo là một cô gái ở độ tuổi trung niên khuôn mặt khá xinh xắn, dáng người cao ráo trắng trẻo ít ai nghĩ rằng Trương Thị Thanh Thùy (SN 1979, thường trú tại quận Đống Đa, TP.Hà Nội) lại là một siêu lừa. Cô ta đã diễn nhiều màn kịch thành công, lừa được hàng chục người, cả thân lẫn sơ. Để cho các bị hại đỡ bức xúc, mỗi vụ Thùy chỉ lừa khoảng 100-200 triệu đồng.

Cả một phiên xét xử, dường như Thùy chỉ cúi mặt xuống, thi thoảng mới ngước lên nhìn hội đồng rồi liếc qua những người kế bên. Kết thúc, TAND Hà Nội đã tuyên Thùy 15 năm tù giam, buộc hoàn trả lại tiền cho các bị hại.

Câu chuyện lừa đảo của Thùy khá dài nhưng nghe mới thấm được siêu lừa đã móc túi các nạn nhân tinh vi thế nào. Bà Lê Hồng Nguyệt - một trong những bị hại của Thùy - kể lại, vào năm 2018, nhờ mối quan hệ xã hội, bà Nguyệt quen Thùy. Lúc đó, Thùy đã hỏi vay tiền của bà Nguyệt nhưng bà không cho vay. Không nhụt chí, đầu năm 2019, Thùy tiếp tục hỏi vay tiền nhưng lần này, Thùy lấy ra miếng mồi nhử là một Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) có địa chỉ ở xã Tích Giang, thị xã Sơn Tây, TP.Hà Nội.

Thấy đối tượng có tài sản thế chấp, bà Nguyệt đồng ý cho Thùy vay số tiền 100 triệu đồng. Sau khi hai bên đến văn phòng công chứng để ký hợp đồng đặt cọc giấy CNQSDĐ, bà Nguyệt đã chuyển tiền vào tài khoản của Thùy. Tuy nhiên, sau đó, đối tượng biến mất mà không trả lại tiền cho bà.

Một bị hại khác của Thùy là ông Nguyễn Hồng Quân. Theo ông, Thùy đã dùng chiêu "mưa dầm thấm lâu" khiến ông mất cảnh giác. Ban đầu, Thùy chỉ hỏi vay ông Quân một món tiền nhỏ (từ 10-20 triệu đồng) với lãi khoảng 36- 54%/năm, không cần tài sản thế chấp. Thùy tỏ ra rất giữ chữ tín khi luôn trả đầy đủ cả gốc lẫn lãi cho ông Quân.

Khi đã lấy được lòng tin của nạn nhân, Thùy trao đổi với người đàn ông này là đang có một mảnh đất tại xã Xuân Khanh (thị xã Sơn Tây) muốn đặt cọc cho ông Quân để vay khoảng 100-200 triệu đồng nhằm mở rộng làm ăn. Hai bên đã đến văn phòng công chứng để ký hợp đồng. Theo đó, giá trị chuyển nhượng thửa đất là 350 triệu đồng, thời gian chuyển nhượng là 6 tháng. Ông Q đưa cho Thùy 100 triệu đồng và nhận lại từ Thùy một giấy CNQSDĐ. Song thời hạn đã hết từ lâu mà Thùy vẫn không trả tiền cũng như đất.

Trong số các bị hại, ông Vũ Việt Danh bị lừa số tiền nhiều nhất. Vẫn mánh khóe cũ ban đầu, Thùy cũng hỏi vay ông Danh những món tiền nhỏ và chỉ phải đặt sổ hộ khẩu và giấy tờ xe môtô. “Giáo án” đã soạn sẵn, chỉ là cách diễn đạt lại, Thùy rêu rao có hai mảnh đất ở thị xã Sơn Tây muốn bán cho ông Danh. Ông Danh đồng ý mua và cùng Thùy lên tận thị xã Sơn Tây để xem đất. Nhìn vào mấy miếng đất Thùy "chỉ bừa", ông Danh tin tưởng là thật nên vài ngày sau đó, cả hai đến văn phòng công chứng để ký hợp đồng đặt cọc giấy CNQSDĐ.

Ngay sau khi ký xong hợp đồng, ông Danh chuyển 200 triệu đồng vào tài khoản của Thùy. Những ngày sau đó, bị hại tiếp tục chuyển tiền. Đến nay, tổng số tiền Thùy chiếm đoạt của ông Danh là 544 triệu đồng và chưa hoàn trả cho bị hại. Danh sách những nạn nhân của Thùy còn dài...

Được biết, Thùy từng thi đỗ vào trường Đại học Luật, song vì đam mê kinh doanh, thích buôn bán tự do nên Thùy đã không nhập học. Thùy mở shop bán hàng online để hy vọng sẽ trở thành một bà chủ lớn. Song thương trường không hề dễ dàng như những gì Thùy nghĩ. Cộng thêm việc hôn nhân đổ vỡ, một mình Thùy quay cuồng với đủ thứ nghề nhằm kiếm tiền nuôi 2 con ăn học.

Đến khi túng quẫn, Thùy liền nghĩ đến việc vay tiền của mọi người. Nhưng ở nơi đất khách quê người, không người thân thích, muốn vay được tiền thì phải có tài sản thế chấp. Thùy đánh liều lên mạng Internet và tìm được một đối tượng chuyên làm giả các giấy CNQSDĐ. Thùy đã đặt hàng làm 7 giấy CNQSDĐ giả và dùng để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của các bị hại.

Sa bẫy chung cư cao cấp giá rẻ

Nếu như Trương Thị Thanh Thùy dùng chiêu mưa dầm thấm lâu để vay mượn, chiếm đoạt tài sản của bị hại thì Lê Mai Hương (SN 1992, thường trú tại phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội) lại dùng thủ đoạn "gán" căn hộ chung cư cao cấp với giá rẻ để chiếm đoạt hàng tỉ đồng của một ân nhân.

Theo một chỉ huy Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Công an TP.Hà Nội, qua công tác điều tra cơ bản, đơn vị nắm được một số đối tượng lợi dụng sự biến động của bất động sản, chung cư để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngay sau đó, cơ quan Công an đã triệu tập đối tượng Hương đến trụ sở làm việc.

Tại cơ quan điều tra, Lê Mai Hương khai nhận năm 2015 qua mối quan hệ quen biết với chị Lưu Huyền Vy từ việc mua bán hàng hóa online, từ đó hai người thường xuyên liên lạc, tâm sự với nhau. Hai "boss" tỏ ra rất tâm đầu ý hợp, và Hương đã ngỏ ý vay tiền của chị Vy để mở rộng kinh doanh. Chị Vy đồng ý cho Hương vay số tiền 1 tỉ đồng.

Cũng để thể hiện mình là người có tiền, Lê Mai Hương đầu tư hơn 300 triệu đồng để thuê một căn hộ chung cư cao cấp Vinhomes SkyLake tại quận Nam Từ Liêm. Tuy nhiên, công việc làm ăn thua lỗ khiến cho Hương không thể có tiền để trả cho chị Vy theo đúng hẹn. Vậy là nữ quái này đã nảy sinh ý định làm giả giấy CNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở đối với căn hộ đang thuê để lừa bán cho chị Vy.

Hương đã lên mạng xã hội đặt làm giấy tờ sổ đỏ giả với giá 700.000 đồng. Chỉ sau một ngày, Hương đã có trong tay sổ đỏ căn hộ do cô ta đang thuê với cái tên “chính chủ Lê Mai Hương”.

Để lấy lòng tin của chị Vy, Hương đã mời bạn qua thăm nhà và giới thiệu đó là căn hộ do vợ chồng cô ta mới mua. Cho đến khoảng đầu tháng 6.2020, Lê Mai Hương đặt vấn đề với chị Vy là sẽ bán căn hộ trên với giá rất hời là hơn 4 tỉ đồng.

Do được Hương cho xem giấy tờ đàng hoàng, lại thấy giá mua căn hộ quá hợp lý nên chị Vy đồng ý. Sau khi bàn bạc, Hương và chị Vy đồng ý chuyển số tiền 1 tỉ đồng Hương đang nợ chị Vy thành tiền đặt cọc để mua căn hộ chung cư nói trên. Còn chị Vy nhận giấy tờ của Hương.

Tuy nhiên, khi chị Vy mang Giấy CNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nêu mà Hương đưa cho đến Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội để kiểm tra, thì mới tá hỏa khi các cán bộ ở đây cho biết, giấy tờ sổ đỏ là hàng giả. Biết mình bị Hương cho vào bẫy, chị Vy đã trình báo cơ quan Công an.

Tại cơ quan điều tra, Lê Mai Hương khai nhận đã tiêu hết toàn bộ số tiền 1 tỉ đồng và không có khả năng trả lại cho chị Vy nên đã thực hiện hành vi làm giả giấy tờ để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Hiện Cơ quan CSĐT Công an TP.Hà Nội đang tiếp tục điều tra vụ án.

*Tên nạn nhân đã được thay đổi.

“Ma trận” sổ đỏ, giấy tờ giả

Cuối tháng 8.2020, Báo Lao Động có Chuyên đề về “Ma trận” sổ đỏ, giấy tờ giả. Theo đó, không quá khó để ngồi lướt mạng rồi bỏ ra khoảng 10 triệu đồng, chỉ sau 2-3 ngày sẽ nhận được một chiếc sổ đỏ giả theo ý muốn của người mua. Điều đáng nói, những người nhận làm giấy tờ giả này cam kết giống thật 99% và có thể an tâm lưu thông được thoải mái trên thị trường. Sử dụng giấy tờ giả với nhiều mục đích sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của người dân và gây hoang mang xã hội.

Tiến Đoàn - Anh Huy
TIN LIÊN QUAN

Sổ đỏ giả hoành hành, người lương thiện bất an

Lê Thanh Phong |

Đường dây làm giả giấy tờ vừa bị phá ở Đồng Nai cho thấy xã hội đang gặp nhiều nguy hiểm. Bắt một đường dây, nhưng làm sao biết được có bao nhiêu đường dây khác đang hoạt động. Ai có thể trả lời được có bao nhiêu giấy tờ giả đang lưu hành trên thị trường và bị kẻ xấu khai thác như thế nào.

Đặt làm sổ đỏ giả 15 triệu để lừa gần 1 tỉ đồng

Việt Dũng |

Trương Thị Thanh Thuỳ (41 tuổi, ở Hà Nội) đặt trên mạng Internet mua một sổ đỏ giả giá 15 triệu đồng, rồi đem cầm cố, lừa vay và chiếm đoạt gần 1 tỉ đồng.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Hệ luỵ từ vụ Công đoàn ACB mua chui cổ phiếu bị xử phạt 3 tỉ đồng

Lan Hương |

Thông tin Công đoàn ngân hàng ACB mua chui cổ phiếu ACB đã thu hút sự quan tâm đặc biệt. Động thái trên đã ảnh hưởng đến sự minh bạch của thị trường chứng khoán Việt Nam trong bối cảnh niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán đang bị ảnh hưởng nặng nề.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.

Cận Tết, showroom xe ôtô cũ chấp nhận bán hòa, cắt lỗ để thu hồi vốn

LÂM ANH |

Cuối năm thường là mùa thu hoạch của thị trường xe ôtô cũ nhưng năm nay điều này đã không đến bởi việc ngân hàng siết cho vay, lãi suất cao đã khiến lượng khách hàng giảm đi đáng kể. Những ngày cuối cùng trước khi nghỉ Tết, chủ showroom chấp nhận bán hòa vốn hay thậm chí, bán cắt lỗ để thu hồi vốn trước Tết.

Sổ đỏ giả hoành hành, người lương thiện bất an

Lê Thanh Phong |

Đường dây làm giả giấy tờ vừa bị phá ở Đồng Nai cho thấy xã hội đang gặp nhiều nguy hiểm. Bắt một đường dây, nhưng làm sao biết được có bao nhiêu đường dây khác đang hoạt động. Ai có thể trả lời được có bao nhiêu giấy tờ giả đang lưu hành trên thị trường và bị kẻ xấu khai thác như thế nào.

Đặt làm sổ đỏ giả 15 triệu để lừa gần 1 tỉ đồng

Việt Dũng |

Trương Thị Thanh Thuỳ (41 tuổi, ở Hà Nội) đặt trên mạng Internet mua một sổ đỏ giả giá 15 triệu đồng, rồi đem cầm cố, lừa vay và chiếm đoạt gần 1 tỉ đồng.