Sâm trên lãnh thổ Việt Nam - Bài 2:

Những cây thuốc mang tên sâm

Nguyễn Huy Minh (tổng hợp) |

Khi tìm hiểu bộ “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam” (nhiều tác giả, NXB Khoa học và Kỹ thuật), tôi nhận thấy rằng, nhiều loại sâm hết sức đa dạng từ lâu đã được đồng bào các dân tộc sử dụng. Đây là nguồn tư liệu quý cho những ai muốn tìm hiểu về dược liệu nói chung, sâm nói riêng trên đất nước ta. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Sâm Bòng Bong

Helminthostachys zeylanica (L.) Hook. Tên đồng nghĩa: Osmunda zeylanica L. Tên khác: Quản trọng, sâm rết, guột sâm, sâm rừng. Họ Sâm chân rết (Helminthostachyaceae). Thân thảo, cao 20 - 30cm, thân rễ nằm ngang có nhiều rễ phụ mập nom như con rết. Đây là chi của loài dương xỉ nhỏ, đơn loài, phân bố rải rác ở các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên: Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Yên Bái (Mù Cang Chải), Phú Thọ (Thanh Sơn), Hòa Bình, Hà Tĩnh, Kon Tum, Quảng Nam và Quảng Ngãi.

Đôi khi, người ta cũng gặp ở vùng trung du (nhưng rất ít) như ở Bắc Giang, Vĩnh Phúc (Lập Thạch). Đồng bào Tày, Mường dùng thân rễ phơi khô, thái nhỏ, ngâm rượu uống chữa đau thần kinh tọa, đau lưng, mỏi gối. Nhiều bài thuốc chữa nhức xương cũng có sâm bòng bong.

Sâm Bòng Bong.  Ảnh: wikimedia
Sâm Bòng Bong. Ảnh: wikimedia

Đồng bào H’Mông và Mán lại dùng thân rễ sâm Bòng bong tươi hầm với gà ăn làm thuốc bổ, nhất là cho phụ nữ mới đẻ. Dùng ngoài, thân rễ tươi giã đắp vết thương và vết rắn rết cắn, kết hợp sắc thuốc uống. Nước sắc của cây chữa mụn nhọt, lở loét, phát ban. Ở Indonesia, Malaysia, Philippines, người ta dùng chồi non sâm bòng bong để ăn sống, hoặc nấu chín ăn như măng tây.

Sâm Bố Chính 

Hibiscus sagittifolius Kurz var. quinquelobus Gagnep. Tên khác: Thổ hào sâm, nhân sâm Phú Yên. Họ Bông (Malvaceae). Cây thảo, sống lâu năm, cao 30 - 50 cm hay hơn, rễ hình trụ mập, mầu trắng nhạt hoặc hơi vàng. Sâm Bố Chính đã được trồng từ lâu ở hầu hết các tỉnh đồng bằng và trung du Bắc bộ. Một số địa phương như Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc... trồng nhiều cây thuốc này để cung cấp cho thị trường.

Sâm Bố Chính. Ảnh: duoclieuvietnam.com.vn
Sâm Bố Chính. Ảnh: duoclieuvietnam.com.vn

Sâm Bố Chính có tác dụng ức chế hệ thần kinh trung ương, an thần. Rễ sâm Bố Chính có vị ngọt, hơi nhớt, tính bình, vào hai kinh: Tỳ, phế, có tác dụng bổ khí, ích huyết, chỉ khát, sinh tân dịch; sao với gạo thì tính ấm, bổ tì vị, giúp tiêu hóa, thêm sức mạnh. Rễ sâm Bố Chính chữa cơ thể suy nhược, kém ăn, kém ngủ, đau lưng, đau mình, các chứng ho sốt nóng, trong người khô, táo bón, khát nước, gầy còm. Có khi được dùng làm thuốc thông tiểu tiện, điều kinh, chữa bệnh phổi và bạch đới.

Sâm cau 

Curculigo orchioides Gaertn: Tên khác: Ngải cau, tiên mao, cồ nốc lan. Tên nước ngoài: Black musale (Anh). Họ: Sâm cau (Hypoxidaceae). Cây thảo, sống lâu năm, cao 20-30cm, có khi hơn. Thân rễ mập, hình trụ dài, thót lại ở hai đầu, mang nhiều rễ phụ có dạng giống thân rễ. Phân bố rải rác ở các tỉnh miền núi, từ Lai Châu, Tuyên Quang, Cao Bằng đến Tây Nguyên. Trước năm 1980, các tỉnh Sơn La, Hòa Bình thường khai thác được nhiều cây thuốc này và hiện nay đã trở nên hiếm dần.

Sâm Cau. Ảnh: Suckhoedoisong.vn
Sâm Cau. Ảnh: Suckhoedoisong.vn

Sâm cau sống rất khỏe, lá xanh tốt quanh năm, có thể trồng trong chậu, trong bồn như cây cảnh. Rễ sâm cau thử nghiệm dưới dạng cao cồn có hoạt tính làm tăng khả năng thích nghi, chống viêm, chống co giật, có hoạt tính hormone sinh dục nam và kích thích miễn dịch bảo vệ cơ thể. Sâm cau đã thử nghiệm điều trị cho những cặp vợ chồng vô sinh với người nam giới có các chứng giảm tinh trùng, tinh trùng chết, tinh trùng kém chuyển động và tinh trùng yếu. Bài thuốc gồm sâm cau và hai dược liệu khác được cho uống với sữa và đường. Sau 3 tháng điều trị, tinh trùng bình thường phát triển ở 80% bệnh nhân nam giới, tương hợp với sự phát triển thai nghén ở người phụ nữ. 15 trong 50 bệnh nhân điều trị đã có con.

Sâm cau có vị cay tính ấm, có độc, vào hai kinh tỳ và thận, có tác dụng thêm sức nóng, làm hết lạnh, cường dương, mạnh gân xương. Sâm cau được dùng chữa nam giới tinh lạnh, liệt dương, người già đái són, lạnh da, kém ăn, tế thấp, lưng gối vận động khó khăn. Nhân dân ở một số vùng dân tộc thiểu số dùng rễ củ sâm cau làm thuốc bổ. Trong y học cổ truyền Trung Hoa, nước sắc thân rễ sâm cau tán bột được dùng làm thuốc bổ chung, thuốc hồi sức để điều trị suy nhược cơ thể, đau lưng, viêm khớp, viêm thận mạn tính. Sâm cau cũng được dùng làm thuốc ở Ấn Độ, Nepal và Philippines.

Sâm cuốn chiếu 

Spiranthes sinensis (Pers.) Ames. Tên đồng nghĩa: Spiranthes australis Lindl. Tên khác: Bàn long sâm, mễ dương sâm. Họ: Lan (Orchidaceae). Cây cỏ, sống lâu năm, cao 20 - 30 cm. Rễ mập, hình trụ, mọc thành chùm.  Spiranthes Rich là chi đơn loài ở Việt Nam. Sâm cuốn chiếu là một trong những loài có kích thước nhỏ nhất trong họ Orchidaceae, phân bố rộng rãi từ vùng núi có độ cao 1.500m đến vùng trung du và đồng bằng, thường gặp nhiều ở những tỉnh phía bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hà Tây (cũ)... ở phía nam phân bố ở Lâm Đồng, Kon Tum... và một vài nơi khác. Nơi sống thích nghi của sâm cuốn chiếu là các đồng cỏ thấp, như ở Phú Bình, Đồng Hỷ (Thái Nguyên), Ba Vì (Hà Nội). Ở vùng đồng bằng, cây mọc lẫn với các loài cỏ thấp ở bờ ruộng, đôi khi cả ở trên bờ đê hay các bãi hoang quanh làng.

Sâm Cuốn chiếu. Ảnh: onlinelibrary.wiley.com
Sâm Cuốn chiếu. Ảnh: onlinelibrary.wiley.com

Sâm cuốn chiếu có vị ngọt, nhạt, tính bình, có tác dụng tư âm, dưỡng khí, lương huyết, giải độc, nhuận phế, chỉ khái. Ở Việt Nam, sâm cuốn chiếu chưa được sử dụng phổ cập. Ở một số địa phương, người dân coi sâm cuốn chiếu như là một vị thuốc bổ như sâm, có thể thay thế sa sâm. Theo kinh nghiệm dân gian, sâm cuốn chiếu được dùng trong trường hợp cơ thể suy nhược, ho, thổ huyết, họng sưng đau, bệnh ôn nhiệt mùa hè thu. Ở Trung Hoa, sâm cuốn chiếu chữa cơ thể suy yếu khi mới ốm dậy, thần kinh suy nhược, lao phổi ho ra máu, họng sưng đau, trẻ em sốt về mùa hè, bệnh tiểu đường, bạch đới, rắn cắn.

Sâm đại hành 

Eleutherine subaphylla Gagnep. Tên đồng nghĩa: Eleutherine bulbosa (Mill.) Urban, E. longifolia Gagnep. Tên khác: Tỏi lào, hành đỏ, tỏi đỏ, sâm cau, phong nhan, hom búa lượt (Thái). Họ: Lay ơn (Iridaceae). Cây thảo, sống lâu năm, cao đến 30cm hay hơn, lá hình dài nhọn có gân song song, trông giống lá cau hay lá dừa. Sâm đại hành có nguồn gốc Châu Mỹ, hiện được trồng ở vùng nhiệt đới Châu Á.

Cũng có tài liệu cho rằng, sâm đại hành là loài đặc hữu Đông Dương, vừa thấy mọc hoang lại vừa được trồng ở Việt Nam (Võ Văn Chi, 1996; Đỗ Tất Lợi, 1971). Tuy nhiên, trong suốt quá trình điều tra dược liệu ở khắp Việt Nam, từ 1961 đến nay, Viện Dược liệu chưa phát hiện và thu được mẫu của loài cây này trong trạng thái hoang dại.

Sâm Đại hành. Ảnh: Caythuocdangian.com
Sâm Đại hành. Ảnh: Caythuocdangian.com

Sâm đại hành vị ngọt nhạt, tính bình, vào 3 kinh: Can, tì, phế, có tác dụng giảm ho, cầm máu, tiêu độc, kháng khuẩn, tiêu viêm. Thuốc bổ máu chữa thiếu máu, vàng da, xanh xao, hoa mắt, choáng váng, nhức đầu, mệt mỏi. Thuốc cầm máu dùng trong băng huyết, ho ra máu, bị thương chảy máu (dùng củ tươi, giã đắp); chữa ho gà, viêm họng, mụn nhọt, chốc lở.

Ở Indonesia, rễ sâm đại hành được dùng theo kinh nghiệm dân gian làm thuốc lợi tiểu, trị lỵ, viêm và sa trực tràng. Ở Philippines, nhân dân dùng rễ củ giã nát đắp lên vết cắn của cá độc, để nhổ gai ở chân và đắp vào vết châm đốt của sâu bọ, nhọt, vết thương. Rễ củ nướng, giã nát, xát vào bụng chữa đau bụng. Ở Peru, thổ dân vùng Amazon dùng sâm đại hành trị rối loạn tiêu hóa và bệnh ngoài da. Ở trung Haiti, rễ sâm đại hành trị vô kinh dưới dạng thuốc sắc và ngâm rượu.

Sâm đất 

Boerhavia diffusa L. Tên đồng nghĩa: Boerhavia repens L. Tên khác: Sâm nam, sâm rừng, sâm quy bầu. Tên nước ngoài: Spreading hog-weed, pigweed (Anh), bécabar bâtard (Pháp). Họ: Hoa phấn (Nyctaginaceae). Cây thảo, sống lâu năm.

Ở Việt Nam có ba loài, trong đó có cây sâm đất phân bố rải rác ở nhiều nơi, nhưng thường gặp nhất ở các tỉnh vùng ven biển từ Hải Phòng đến Đồng Nai. Cây còn có ở hầu hết các đảo lớn như Cát Bà, Hòn Mê, Lý Sơn, Phú Quốc. Ở Việt Nam, nhân dân dùng rễ sâm đất trị ho, bệnh gan hoặc phù thũng.

Sâm Đất. Ảnh: Flickr.com
Sâm Đất. Ảnh: Flickr.com

Ở Malaysia, nước sắc phần trên mặt đất của sâm đất được dùng để lợi tiểu. Rễ sâm đất có tác dụng tẩy, trị giun và hạ sốt. Ở Ấn Độ, sâm đất là thuốc bổ dạ dày, trợ tim, bảo vệ gan, nhuận tràng, lợi tiểu, long đờm, trị đái són đau, phù, vàng da, cổ trướng, lách to, lậu và các viêm nội tạng khác. Với liều trung bình, sâm đất trị hen và với liều lớn có tác dụng gây nôn. Nước sắc rễ dùng trị loét giác mạc và quáng gà. Mỗi ngày dùng 15g rễ sắc uống, hoặc 5g rễ ngâm rượu uống. Ở Nigeria, nước hãm toàn cây được dùng làm thuốc nhuận tràng nhẹ, thuốc hạ sốt cho trẻ em và trị co giật.

Ở Bờ Biển Ngà, bột lá sâm đất được chế thành bột nhão đắp vào ngực để trị hen ở trẻ nhỏ. Ở Tây Phi, nước sắc rễ trị loét, áp xe và tẩy giun. Rễ và lá có tác dụng long đờm. Cả cây trị ghẻ, áp xe và nhọt. Ở Haiti và Uruguay, lá và rễ có tác dụng kích thích, bổ, làm ra mồ hôi, tẩy giun và chống co thắt. Ở Papua New Guinea, nước sắc lá dùng uống gây vô sinh ở phụ nữ. Ở Nepal, dịch ép cây được dùng trị vết thương. Ở Ấn Độ, bột rễ sâm đất trộn với bột hạt tiêu uống để trị bệnh dịch tả. Dùng bột nhão rễ sâm đất trộn với thầu dầu bôi vào bên trong âm đạo làm dễ đẻ. Rễ sâm đất còn có trong thành phần bài thuốc cổ truyền Ấn Độ để điều trị tiền sản giật.

Sâm Việt Nam 

Panax vietnamensis Ha et Grushv. Tên khác: Sâm Ngọc Linh, sâm Khu Năm, thuốc dấu (Xê Đăng). Tên nước ngoài: Vietnamese ginseng. Họ: Nhân sâm (Araliaceae). Cây thảo, sống lâu năm, cao 40 - 80cm.

Trong số hơn 10 loài và dưới loài (var.) đã biết của chi Nhân sâm (Panax L.), ở Việt Nam có 3 loài mọc tự nhiên và một loài là cây nhập trồng. Sâm Việt Nam là loài được phát hiện sau cùng nhất, năm 1973, chỉ duy nhất có ở vùng Ngọc Linh thuộc hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum. Đây cũng là giới hạn xa nhất về phía nam (ở 150 vĩ Bắc) của bản đồ phân bố chi Panax L. trên thế giới. Môi trường rừng nơi có sâm Việt Nam mọc tự nhiên luôn ẩm ướt, thường xuyên có mây mù. Nhiệt độ không khí trung bình ước tính từ 15 - 180C, lượng mưa xấp xỉ 3.000mm/năm. Căn cứ vào các vết sẹo trên thân rễ, người ta có thể tính được tuổi của các cây sâm. Theo cách tính này, ông Đào Kim Long và cô gái Nguyễn Châu Giang đã từng thu thập được mẫu sâm có chiều dài thân rễ gần 1m, với 60 vết sẹo thân. Đó là con số được coi là kỷ lục đối với loài sâm Việt Nam.

Từ năm 1978, sâm Việt Nam bắt đầu được phát động khai thác ồ ạt. Do cách tuyên truyền thái quá về tác dụng bảo vệ sức khỏe của nó nên có thời kỳ bị đe dọa tuyệt chủng.

Sâm Việt Nam có tác dụng trên hệ thần kinh trung ương, kích thích thần kinh, làm tăng hoạt động vận động và trí nhớ, nhưng liều cao lại ức chế thần kinh; chống trầm cảm; chống lại sự mệt mỏi và tăng cường sức lực; chống oxy hóa; kích thích miễn dịch; hồi phục máu; tăng cường nội tiết tố sinh dục, điều hòa hoạt động của tim, chống tăng cholesterol máu, bảo vệ gan trước các yếu tố gây độc với gan...

Sâm Việt Nam có vị đắng, hơi ngọt, mùi thơm nhẹ, có tác dụng kích thích hoạt động, tăng trí nhớ, tăng lực, giúp hồi phục chức năng các cơ quan của cơ thể, làm tăng sự thích nghi của cơ thể với các yếu tố độc hại. Thân rễ và củ sâm Việt Nam được dùng làm thuốc bổ toàn thân, chữa suy nhược, xơ vữa động mạch, ngộc độc gan... Thường dùng phối hợp với các vị thuốc bổ khí hoặc bổ huyết khác như sâm quy dưỡng lực gồm sâm Việt Nam, đương quy và một số vị thuốc khác; viên và chè sâm - đinh lăng là dạng thuốc có 2 phần sâm Việt Nam và 1 phần đinh lăng; sâm cốt giao gồm sâm Việt Nam và cao xương động vật...

Sâm Vũ Diệp 

Panax bipinnatifidus Seem. Tên đồng nghĩa: panax pseudo-ginseng Wall. Var. bipinnatifida (Seem.) Li, Aralia bipinnatifida C. B. Clarke. Tên khác: Tam thất lá xẻ, vũ diệp tam thất, trúc tiết nhân sâm, tam thất hoang. Họ: Nhân sâm (Araliaceae). Cây thảo, sống lâu năm, cao 0,3-0,5m. Rễ củ dài, vặn vẹo, có nhiều đốt và những vết sẹo to do thân cây rụng để lại, đầu rễ có hình con quay. Sâm vũ diệp và tam thất hoang (P. stipuleanatus H. T. Tsai et K. M. Feng) là hai loài sâm mọc tự nhiên được phát hiện tương đối sớm ở Việt Nam.

Sâm Vũ diệp. Ảnh: DNAbank.vn
Sâm Vũ diệp. Ảnh: DNAbank.vn

Ngay từ năm 1961, sau khi được thành lập và tiếp nhận Trại cây thuốc Sapa về Viện Dược liệu, cán bộ công nhân viên của Trại thuốc đã được nhân dân địa phương (người H’Mông) cho biết, trên dãy Hoàng Liên Sơn có cây thuốc quý với tên gọi “Co dì thạnh” hoặc “phan xiết”, được mô tả giống cây nhân sâm. Tuy nhiên, mãi đến năm 1964, Phòng sưu tầm (nay là Phòng Tài nguyên của Viện Dược liệu) mới thu được tiêu bản của cây thuốc này.

Trên thế giới, sâm vũ diệp được phát hiện và định tên khoa học từ năm 1868. Cây phân bố ở Trung Hoa, Ấn Độ và Nepan (vùng cận Himalaya). Sapa của Việt Nam cũng là điểm phân bố cuối cùng của sâm vũ diệp về phía nam (khoảng 230 vĩ tuyến Bắc). Sâm vũ diệp chỉ thấy mọc tự nhiên ở khu vực núi Hoàng Liên Sơn. Năm 1973, cây được phát hiện ở ngay núi Hàm Rồng, sát thị trấn Sapa, ở độ cao hơn 1.600m.

Sâm vũ diệp là cây thảo ưa bóng và đặc biệt ưa ẩm, thường mọc rải rác hay tập trung (vài chục khóm) dưới tán rừng ẩm, gần như quanh năm có sương mù. Hiện nay vùng phân bố của sâm vũ diệp đã bị thu hẹp dần, từ độ cao 1.800m trở lên, cây được coi là cực hiếm. Đó là hậu quả của nạn phá rừng và khai thác bừa bãi nhiều năm nay.

(Còn nữa)

Nguyễn Huy Minh (tổng hợp)
TIN LIÊN QUAN

Bài 1: Sâm Việt Nam và cây thuốc họ Nhân sâm

Ghi chép của Nguyễn Huy Minh |

Cây cỏ nước Nam và hiệu dụng của nó với con người luôn làm tôi đi từ ngạc nhiên này lại tới ngạc nhiên khác. Mười mấy năm về trước, lần đầu tiên, tôi có dịp tiếp xúc với sâm. Đó là một củ sâm dài hơn 1 mét im lìm nằm khoanh tròn vài vòng trong bình rượu, do một lương y lấy về từ triền núi cao Fansipan. Củ sâm như một sợi dây thừng nhiều mắt mấu.

Không khí lạnh suy yếu dần, Bắc Bộ nắng hanh và tăng nhiệt

AN AN |

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định không khí lạnh tác động mạnh đến Bắc Bộ từ đêm nay đến ngày mai 18.1. Từ ngày 19.1, ngày có nắng hanh và nhiệt độ có xu hướng tăng nhẹ.

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.

Vì sao gốc đào Nhật Tân được chào bán với giá 200 triệu đồng?

Quỳnh Trang |

Sáng 17.1, dọc đại lộ Lê-Nin, thành phố Vinh (Nghệ An) tấp nập cảnh mua - bán hoa, cây cảnh phục vụ Tết Nguyên đán. Trong đó, thu hút nhiều người xem nhất là gian trưng bày gốc đào Nhật Tân của anh Đặng Văn Cường (36 tuổi, trú TP Vinh) bởi nơi đây trưng bày gốc cổ thụ độc đáo với thế "rồng bay".

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Khởi tố Giám đốc Trung tâm đăng kiểm duy nhất ở Hòa Bình

PV |

Hoà Bình - Cơ quan công an vừa khởi tố các bị can liên quan đến vụ án “Nhận hối lộ” xảy ra tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 28-01S thuộc Sở Giao thông vận tải Hòa Bình.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Bài 1: Sâm Việt Nam và cây thuốc họ Nhân sâm

Ghi chép của Nguyễn Huy Minh |

Cây cỏ nước Nam và hiệu dụng của nó với con người luôn làm tôi đi từ ngạc nhiên này lại tới ngạc nhiên khác. Mười mấy năm về trước, lần đầu tiên, tôi có dịp tiếp xúc với sâm. Đó là một củ sâm dài hơn 1 mét im lìm nằm khoanh tròn vài vòng trong bình rượu, do một lương y lấy về từ triền núi cao Fansipan. Củ sâm như một sợi dây thừng nhiều mắt mấu.