Những câu chuyện buồn tại điểm nóng buôn bán nội tạng của thế giới

Huyền Anh |

Thị trường mua bán thận ngầm đã phát triển mạnh và nhiều người nghèo trở thành nạn nhân trong nhiều thập kỷ qua. Chính phủ Philippines không thực sự ngăn chặn được nạn buôn bán trái phép này.

Bất chấp vì nghèo

Reyna trông kiệt sức khi trở về căn nhà xiêu vẹo của mình - một căn phòng nhỏ xíu gần một cống nước thải bẩn thỉu tại một trong những khu ổ chuột ở Manila. Cô đã trải qua một ngày dài ở Bệnh viện Đa khoa Philippines. Reyna là một trong những "người chuyên săn thận". Cô thường lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm ở những khu ổ chuột để tìm kiếm người có thể bán thận. Những gì cô làm là bất hợp pháp. Theo luật pháp Philippines, hành động của Reyna cấu thành tội buôn bán người để lấy nội tạng - một tội hình sự nghiêm trọng có thể khiến cô phải "bóc lịch" 20 năm và bị phạt rất nặng. Tuy nhiên, vì nghèo khó, cô bất chấp nguy cơ phải ngồi sau song sắt.

Reyna làm việc để hưởng hoa hồng. Cô tìm người có khả năng bán thận và dẫn họ đi kiểm tra sức khỏe khi có đơn đặt hàng. Mỗi lần đưa được ai đó đi kiểm tra sức khỏe, cô nhận được 500 peso, tương đương 10 USD. Những người định bán thận phải trải qua một loạt xét nghiệm và chụp X-quang trước khi có bất kỳ ca ghép thận nào có thể diễn ra. Quá trình chờ đợi có thể mất 1 năm, mang lại cơ hội kiếm bộn tiền cho Reyna. "Thật không công bằng nếu tôi không thể giúp đỡ một đồng hương đang cần tìm một người hiến tạng" - Reyna nói. Và đơn hàng mới nhất đến từ một công chức đã nghỉ hưu. Ông này phải chạy thận định kỳ và sẵn sàng trả 120.000 peso (2.300 USD) để mua một quả thận.

Philippines được biết đến là một trong những điểm nóng toàn cầu về buôn bán nội tạng bên cạnh các quốc gia như Ấn Độ, Pakistan, Trung Quốc, Ai Cập và Colombia, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Sau đó, Philippines đã đưa ra một đạo luật chống buôn người nghiêm ngặt hơn vào năm 2009. Động thái này góp phần giảm tỉ lệ ghép tạng từ người hiến tặng còn sống, theo WHO. Xu hướng này cũng bị ảnh hưởng bởi các quy định chặt chẽ hơn tại các bệnh viện.

Mặc dù chính phủ Philippines nỗ lực liên tục để ngăn chặn chuyện buồn này, khiến những kẻ buôn bán nội tạng khó khăn hơn trong việc khai thác những người nghèo và người yếu thế, song vẫn chưa thể xóa sổ thị trường ngầm sinh lợi rất lớn. "Chính phủ không thể ngăn chặn nó" - Reyna nói với phóng viên Channel News Asia bên trong ngôi nhà xiêu vẹo của cô tại một trong những khu ổ chuột tồi tàn nhất Manila.

"Năm 2019, Hội đồng liên ngành chống buôn bán nội tạng (IACAT, thuộc Bộ Tư pháp) đã phát hiện 51 vụ buôn bán nội tạng" - Phó Giám đốc điều hành IACAT Yvette T Coronel cho biết. Một trong các trường hợp là ở Vùng Thủ đô Quốc gia, còn lại là ở tỉnh Quezon, Yvette T Coronel cho biết thêm. Tuy nhiên, tất cả các vụ mới chỉ được lưu trữ vì chưa ai trong số các bị cáo hoặc thủ phạm bị bắt. "Các cơ quan thực thi pháp luật gặp trở ngại bởi thực tế là không có nhiều người khiếu nại về các vụ buôn bán nội tạng. Nạn nhân trong các đường dây buôn bán nội tạng cũng không sẵn sàng ra mặt", bà Coronel nói.

Thận giá bao nhiêu?

Hiến tặng nội tạng sẽ được coi là hợp pháp ở Philippines với điều kiện người hiến và người nhận phải có quan hệ ruột thịt, phạm vi bao gồm cha mẹ, con cái, anh chị em, ông bà, cháu gái và cháu trai. Chính phủ Philippines cho phép cả việc hiến tạng giữa những người không phải họ hàng, cả là người Philippines hay người nước ngoài. Tuy nhiên, người hiến tạng phải chứng minh họ có quan hệ tình cảm sâu sắc với người nhận và hành động của họ xuất phát từ lòng thương yêu. Chẳng hạn, một người bạn trai lâu năm có thể hiến thận cho bạn gái mình. Đồng nghiệp đã làm việc cùng nhau 10 năm cũng đủ điều kiện để hiến tạng.

Nếu không có mối liên kết về tình cảm, việc hiến tạng giữa những người không phải họ hàng là phạm pháp. Nhưng các hoạt động như vậy vẫn tiếp diễn tại những bệnh viện ở Philippines khi mà việc hiến tạng đã bị thương mại hóa rộng rãi. Mọi giao dịch được thực hiện trên một thị trường ngầm mà từ lâu đã trở thành "bí mật ai cũng biết".

Theo các quảng cáo trên mạng, giá mua một quả thận có thể lên tới 500.000 peso (9.700 USD). Giá bình thường rơi vào khoảng 200.000-300.000 peso (3.900 USD - 5.800 USD). Người nhận tạng phải chịu chi phí ăn uống và đi lại cho người hiến tạng cũng như người môi giới trong quá trình kiểm tra y tế kéo dài.

Buôn bán nội tạng là loại tội phạm có tổ chức ở Philippines và liên quan đến nhiều bên khác nhau. Nó nở rộ do tình trạng nghèo đói lan rộng cùng sự gia tăng nhanh chóng số lượng bệnh nhân mắc bệnh thận. Trong năm 2016, 21.535 bệnh nhân Philippines phải lọc máu do suy thận, tăng từ 9.716 ca năm 2010. Những người cần ghép thận phần lớn là các bệnh nhân bị suy thận mạn tính và chạy thận. Theo bác sĩ Benita Padilla từ Viện Thận và Ghép tạng quốc gia ở Manila, hiện khoảng 40.000 bệnh nhân phải chạy thận trên cả nước Philippines, song chỉ 500 người có thể tìm thấy người hiến thận phù hợp và đủ sức trang trải chi phí ghép tạng đắt đỏ. Chi phí một cuộc phẫu thuật ghép tạng dao động từ 600.000-1 triệu peso (11.650 USD - 19.400 USD).

Tuy nhiên, với các bệnh nhân giàu có, tiền không phải vấn đề. Mối lo âu lớn nhất của họ là danh sách chờ đợi những quả thận được hiến hợp pháp quá dài và thực tế đau lòng rằng họ có thể phải sống phần đời còn lại nhờ lọc máu.

Vết sẹo dài trên cơ thể ông Danilo sau ca phẫu thuật hiến thận cho một người nhận đến từ Canada hồi năm 2002. Ảnh: CNA
Vết sẹo dài trên cơ thể ông Danilo sau ca phẫu thuật hiến thận cho một người nhận đến từ Canada hồi năm 2002. Ảnh: CNA

Từ bệnh nhân tới phạm tội

Vì sao một số người Philippines sẵn sàng bán đi một quả thận của họ? Tâm lý tuyệt vọng đã đẩy nhiều bệnh nhân mắc bệnh thận vào con đường buôn bán nội tạng. Ước tính, ít nhất 10.000 quả thận được bán trên thế giới mỗi năm, theo Organ Watch - một tổ chức có trụ sở tại Mỹ chuyên theo dõi hoạt động buôn bán nội tạng người toàn cầu.

Tại Philippines, người mua gồm cả người Philippines và người nước ngoài mắc bệnh thận giai đoạn cuối. Họ thường thuê môi giới giúp tìm kiếm người hiến tặng, giả mạo mối quan hệ cùng những tài liệu liên quan nhằm đánh lừa cơ quan thực thi pháp luật và chuyên gia y tế. Những người môi giới sau đó liên lạc với những chuyên săn thận như Reyna sống tại các cộng đồng nghèo khó với nhiều mối quan hệ xã hội. Mục tiêu của họ là những người yếu thế đang gặp khó khăn lớn về tài chính. Họ dễ bị lôi kéo bán nội tạng. "Không người giàu có hay tâm trí bình thường nào sẵn sàng hiến tạng và những người môi giới biết điều này. Đó là lý do họ luôn tìm những người hiến tạng tiềm năng tại các khu vực nghèo khó", Reyna nói.

Đó là tình cảnh mà ông Danilo hiểu rõ hơn cả. Ngày 3.7.2002, người cha của hai đứa con bước vào phòng phẫu thuật tại Bệnh viện St Luke ở Manila để lấy một quả thận của mình hiến cho người nhận đến từ Canada. Cả hai không có quan hệ huyết thống và không quen biết nhau. Cuộc phẫu thuật kéo dài 6 tiếng. Danilo bán thận với giá 115.000 peso (2.200 USD) nhưng cuối cùng chỉ nhận được 85.000 peso (1.650 USD) sau khi môi giới trừ tiền hoa hồng. Ông dùng toàn bộ số tiền mua một ngôi nhà tại một khu ổ chuột ở Manila. 9 tháng sau, một vụ hỏa hoạn thiêu rụi ngôi nhà của Danilo. "Tôi suy sụp... Nhưng tôi không thể làm gì khác ngoài chấp nhận số phận", ông Danilo nói.

17 năm sau cuộc phẫu thuật ghép tạng, Danilo không có nhiều thay đổi. Ông vẫn nghèo và vẫn sống trong khu ổ chuột cùng vợ và 5 người con. Nơi ở của Danilo trông không giống nhà. Nó tối tăm, ngột ngạt và chật chội. "Tôi biết việc mình bán thận là bất hợp pháp nhưng điều duy nhất quan trọng với những người hiến tạng như chúng tôi là có thể cứu người khác và cứu chính mình. Số tiền tôi nhận được thực sự hữu ích, đặc biệt khi chúng tôi không có công việc ổn định", Danilo chia sẻ.

Như bao người hiến tạng xung quanh, Danilo hy sinh sức khỏe của mình để cứu sống người khác. Chỉ còn một quả thận, Danilo thường mệt rất nhanh. Trước đây, ông thường làm việc nhiều ngày liền nhưng giờ đây, ông không thể làm việc quá hai ngày. Ông cũng không thể bỏ bữa, vì nếu thế, Danilo sẽ đau không chịu nổi. Việc mang vác vật nặng giờ đây cũng quá khó khăn với ông. Danilo cho hay, nếu có thể quay ngược thời gian, ông sẽ không bán thận.

Đa số nạn nhân nhận ra bị lừa gạt

Nhiều người không nhận thức được tác dụng phụ của việc bán thận, Nancy Scheper-Hughes từ tổ chức Organs Watch cho hay. Một số thanh thiếu niên ở khu ổ chuột Manila thậm chí còn được những người môi giới hướng dẫn giả mạo danh tính và khai tăng tuổi. "Đa số nạn nhân tự nguyện để rồi nhận ra họ đã bị lừa gạt" - bà Scheper-Hughes viết trong báo cáo năm 2014.

Reyna bắt đầu làm công việc "săn thận" từ sau khi chính chồng cô bán một quả thận của mình. Cô đã dành nhiều năm xây dựng mối quan hệ với những người môi giới, người mua và người bán tiềm năng khắp vùng đô thị Manila. Đôi khi, những người tuyệt vọng tự tìm đến cô. Họ muốn được bán thận. “Người hiến thường lo ngại đang phạm pháp, rằng đây là cái bẫy” - Reyna nói. “Vì vậy, tôi phải nói là tôi biết bệnh nhân, là bạn của bệnh nhân và muốn cứu giúp, như vậy để họ tin”.

Nhằm ngăn chặn nạn buôn bán nội tạng, năm 2002, chính phủ Philippines thành lập Ủy ban Quốc gia về Đạo đức Ghép tạng, chuyên giám sát việc ghép tạng ở 18 cơ sở được cấp phép. Ủy ban này cũng phỏng vấn người cho, người nhận nội tạng, để từ chối những trường hợp khả nghi.

Nhưng ngay cả những đánh giá kỹ lưỡng không phải lúc nào cũng chuẩn. "Ủy ban Đạo đức có đạt được hiệu quả 100% không? Tôi không dám chắc" - bác sĩ Padilla nói. "Những người môi giới nội tạng hiểu rõ chúng tôi đang tìm kiếm điều gì. Họ biết chúng tôi muốn các câu trả lời như: 'Tôi không bán. Tôi chỉ muốn hiến thận xuất phát từ lòng thương người'. Vì thế, họ sẽ hướng dẫn người hiến tạng tiềm năng cách trả lời sao cho chính xác"  - bà Padilla cho biết.

Nhà chức trách hy vọng các quy định chặt chẽ hơn sẽ giúp chấm dứt nạn buôn bán nội tạng và ngăn chặn những kẻ buôn bán lợi dụng bệnh nhân thận và người nghèo Philippines. Nhưng trong lúc đó, "cò thận" như Reyna vẫn tiếp tục lùng sục những người hiến tiềm năng ở các cộng đồng dễ bị tổn thương. Còn người hiến thận không có mối quan hệ thân thích nào vẫn tiếp tục theo "kịch bản" được "mớm", kể những câu chuyện lọt tai Hội đồng Đạo đức. "Nhưng nếu họ quyết định không hiến thận, không ai ép buộc họ được" - Reyna nhấn mạnh. "Với người hiến, đây là lựa chọn duy nhất giúp họ kiếm tiền".

Buôn bán thận trái phép là một thị trường ngầm béo bở đã biến Philippines thành một điểm nóng buôn bán nội tạng của thế giới. Đồ họa của Channel News Asia.
Buôn bán thận trái phép là một thị trường ngầm béo bở đã biến Philippines thành một điểm nóng buôn bán nội tạng của thế giới. Đồ họa của Channel News Asia.

Môi trường mạng tiếp tay cho nạn buôn bán thận

Với sự phát triển của mạng xã hội, nhiều người đã sử dụng công cụ này cho hoạt động mua bán thận. Bài điều tra của CNA kể lại câu chuyện của Carlos - một người lái xích lô. Nữ hộ sinh đã từ chối đến nhà đỡ đẻ. Vì vậy, vợ anh phải vào viện - một việc không có trong kế hoạch vì gia đình không có khả năng chi trả. Carlos không biết sẽ phải xoay xở 14.000 peso (270 USD) từ đâu để chi trả viện phí. Trong lúc tuyệt vọng cùng cực, Carlos nghĩ ra một giải pháp. Nhiều năm sống trong khu ổ chuột tồi tệ nhất ở Manila đã dạy cho anh cách kiếm tiền ở chỗ nào. Vào ngày 27.9.2018, Carlos đăng nhập Facebook và viết một đoạn quảng cáo ngắn về ý định bán thận với hy vọng sẽ có tiền mặt ngay lập tức.

"Khi bác sĩ hỏi liệu rằng tôi có thể sẵn sàng đón nhận việc vợ xuất viện chưa, tôi cảm thấy vô cùng áp lực vì tôi không có tiền để chi trả viện phí. Tôi nói với bác sĩ rằng tôi sẽ tìm cách và làm gì đó để có tiền" - Carlos tâm sự trong ngôi nhà nhỏ của anh ở Trung Luzon. Cô con gái bé bỏng của anh đang ngủ ngon lành trong chiếc nôi gỗ kế bên người vợ vẫn còn yếu sau sinh.

Và Carlos trở thành một trong 14 người dùng Facebook ở Philippines đã đăng quảng cáo bán thận từ ngày 26.7 năm nay. Họ trao đổi số điện thoại cho nhau, thông tin về nhóm máu cũng như chia sẻ chuyện bức bách về tiền nong hiện tại. Các dòng trạng thái này vẫn tiếp tục thu hút sự quan tâm của các "cò thận". "Tôi đứng đầu danh sách tìm kiếm trên Facebook. Tôi đã thử gõ 'bán thận' và rất nhiều lựa chọn hiện ra. Một số người đang tìm kiếm người hiến thận. Nhiều người khác đang muốn mua" - Carlos cho nói.

Ở Philippines, quảng cáo về việc bán thận khá phổ biến trên mạng xã hội. Kết quả tìm kiếm sẽ cho ra vô số bài đăng của các "cò thận", bệnh nhân mắc bệnh thận và những người muốn bán thận. Điều mới trong chuyện mua bán thận là việc nó nở rộ trên mạng xã hội. Tuy nhiên, hầu hết là ẩn danh vì dù sao chuyện mua bán này vẫn là phạm pháp và các nhân viên thực thi pháp luật vẫn luôn truy vết những kẻ buôn người để ngăn chặn nạn buôn bán nội tạng.

"Người ta nhận thấy rằng, tất cả hình thức buôn bán người, cho dù là mua bán tình dục hay lao động, hiện được thông qua nền tảng trực tuyến như mạng xã hội. Thận là cơ quan bị buôn bán phổ biến nhất do nhu cầu cao trên thị trường chợ đen và thực tế là một người hiến thận xong vẫn có thể sống với một quả thận" - Yvette T Coronel, Phó Giám đốc Hội đồng Liên ngành về Phòng chống buôn người Philippines thuộc Sở Tư pháp, cho biết.

Nạn buôn bán người để lấy nội tạng là một tội hình sự nghiêm trọng, có thể bị phạt tù tới 20 năm theo luật pháp Philippines. Nhưng khi bị đẩy vào bước đường cùng, những người như Carlos có xu hướng tìm đến con đường bán thận dù rất sợ hãi. Trong trường hợp của Carlos, anh coi đó là vì hạnh phúc của những người thân yêu của mình. Và anh dự định dùng tiền bán thận thanh toán viện phí, mua một chiếc xích lô và dành vốn để kinh doanh nho nhỏ. "Nếu chúng tôi có thể làm điều đó, chúng tôi sẽ có cơ hội cải thiện cuộc sống" - Carlos nói.

Các mạng xã hội cần hợp tác tốt hơn

Như ở nhiều quốc gia khác, Facebook là một mạng xã hội phổ biến ở Philippines với hơn 66 triệu người dùng. Chính vì số lượng người dùng lớn như vậy, nhiều loại tội phạm cũng tận dụng Facebook để kiếm lợi. Tuy nhiên, trong một tuyên bố bằng văn bản với CNA, một phát ngôn viên của Facebook cho hay, mạng xã hội này có quy định rõ ràng về việc cấm mua hoặc bán nội tạng con người. Facebook cũng cho hay, nhóm quản trị về pháp lý của mạng xã hội này hợp tác chặt chẽ với các cơ quan thực thi pháp luật của Philippines để hỗ trợ họ xử lý các trường hợp nghiêm trọng. Ví dụ, một số bài viết về chuyện buôn bán thận trái với quy tắc của Facebook đã nhanh chóng bị gỡ sau khi có báo cáo.

Nhưng quy định của các mạng xã hội cũng đã cho thấy việc quản lý có vấn đề. Chẳng hạn, một số người dùng Facebook ở Philippines đã đăng tải các bài viết rao bán thận của họ một cách công khai kèm các thông tin chi tiết từ số điện thoại liên hệ, các kết quả kiểm tra sức khỏe đến việc chứng minh lối sống lành mạnh không hút thuốc, không uống rượu. Ông Victor Lorenzo - Trưởng phòng Tội phạm mạng của Cục điều tra quốc gia Philippines - cho hay, việc buôn bán bất hợp pháp các bộ phận cơ thể người vẫn là một mảng kinh doanh phát triển và sinh lợi ở nước này. Với internet, tội phạm có thể thoải mái thỏa thuận với nhau tại nhà của họ hoặc dưới tình trạng ẩn danh trên mạng.

Dẫu vậy, cảnh sát về tội phạm mạng ở Philippines vẫn thường xuyên rà soát internet để truy tìm các hoạt động đáng ngờ. Khi phát hiện thông tin nghi ngờ buôn bán nội tạng, họ sẽ chuyển các thông tin đó đến các cơ quan hữu quan để theo dõi mọi động thái. Đôi khi, việc ghép nối các mẩu thông tin lại giúp thu hẹp được phạm vi nghi vấn để tiến hành điều tra hiệu quả hơn.

"Đằng sau một giao dịch trực tuyến là một con người cụ thể. Mặc dù ẩn danh, nhưng ít nhất bạn có một sự dẫn dắt nhất định đến những con người đằng sau giao dịch này. Và điều đó đủ để chúng tôi tiếp tục theo dõi, điều tra" - ông Lorenzo cho biết thêm.

Song các nhân viên thực thi pháp luật không thể đơn thương độc mã trong cuộc chiến xóa sổ thị trường buôn bán nội tạng. Đã có nhiều báo cáo rằng, một số chuyên gia y tế chủ mưu thực hiện những giao dịch bất hợp pháp và tiến hành ghép tạng. "Họ gọi đó là dịch vụ trọn gói, nghĩa là họ sẽ tìm người hiến cũng như thu xếp ca phẫu thuật. Việc thanh toán cũng thông qua họ và họ sẽ là người điều hành đường dây" - bác sĩ Sarmiento cho hay. Vì vậy, những nỗ lực chống buôn người cũng đang được thực hiện tại các bệnh viện được cấp phép ghép tạng. Ủy ban Quốc gia về Đạo đức Ghép tạng giám sát các bệnh viện này để đảm bảo mọi hoạt động ghép tạng đều hợp pháp và không vì mục đích thương mại.

Đã có nhiều lời kêu gọi các công ty truyền thông xã hội phải có nhiều động thái hơn nữa để kiềm chế sự gia tăng của những hành động phi pháp. Theo bác sĩ Sarmiento, các mạng xã hội phổ biến như Facebook và Instagram phải cam kết nỗ lực cùng tham gia vào việc diệt trừ nạn buôn bán người.

Huyền Anh
TIN LIÊN QUAN

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Ông Park Hang-seo dặn dò cầu thủ tuyển Việt Nam trong ngày chia tay

AN NGUYÊN |

Kết thúc AFF Cup 2022, huấn luyện viên Park Hang-seo đã nói lời cuối cùng trên cương vị huấn luyện viên trưởng và bày tỏ tình cảm của mình với các cầu thủ tuyển Việt Nam.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.

Cận Tết, showroom xe ôtô cũ chấp nhận bán hòa, cắt lỗ để thu hồi vốn

LÂM ANH |

Cuối năm thường là mùa thu hoạch của thị trường xe ôtô cũ nhưng năm nay điều này đã không đến bởi việc ngân hàng siết cho vay, lãi suất cao đã khiến lượng khách hàng giảm đi đáng kể. Những ngày cuối cùng trước khi nghỉ Tết, chủ showroom chấp nhận bán hòa vốn hay thậm chí, bán cắt lỗ để thu hồi vốn trước Tết.

Xu hướng công khai tiền lương ở Mỹ: Ai sẽ được hưởng lợi?

Thanh Hà |

Luật thanh toán minh bạch ở Mỹ góp phần giảm chênh lệch tiền lương.

3 phim Việt ra rạp đúng mùng 1 Tết: Tác phẩm nào có khả năng thắng thế?

Chí Long |

3 phim điện ảnh Việt đồng loạt ra mắt đúng mùng 1 Tết Quý Mão 2023 là Chị chị em em 2, Siêu lừa gặp siêu lầyNhà bà Nữ.

Bi hài chuyện người già online: Suýt bị lừa gần 300 triệu đồng

BẠN ĐỌC NGUYỄN MINH ÚT |

Tôi nhận được một tin nhắn trên Facebook với nội dung vô cùng phấn khởi: “Xin chúc mừng tài khoản của bạn đã may mắn nhận được giải nhất từ sự kiện tuần lễ tri ân khách hàng năm 2022… Phần quà giải nhất của chị gồm: 1 xe máy Honda SH 150i; 1 phiếu quà tặng trị giá 200 triệu đồng tiền mặt… do tập đoàn Facebook tổ chức bình chọn…”.