“Những bài học lịch sử” của Will và Ariel Durant

Huy Minh (tổng hợp) |

Will Durant (1885-1981) là tác giả tiêu biểu đấu tranh cho các vấn đề nhân quyền. Ông được trao giải Pulitzer vào năm 1968 và Huân chương Tự do của Tổng thống vào năm 1977. Cùng với vợ của mình là Ariel Durant, ông đã dành hơn năm mươi năm để viết bộ truyện mười một tập được giới phê bình đánh giá cao - “Câu chuyện về nền văn minh”.

Trong tác phẩm - “Những bài học lịch sử”, vợ chồng Durant đã thành công trong việc chắt lọc kho kiến thức và kinh nghiệm tích lũy và mang đến một cuộc khảo sát về lịch sử loài người với đầy những hiểu biết sâu sắc về sự tiến hóa của nền văn minh; văn hóa và bản chất của các trải nghiệm nhân loại. Thông qua những cuộc đời, ý tưởng và thành tựu vĩ đại xen kẽ với các chu kỳ chiến tranh và chinh phục từng xảy ra trong quá khứ, Will & Ariel Durant vén màn hé lộ cho chúng ta hiểu được ý nghĩa bối cảnh lịch sử ở chính thời đại của mình.

Dana D. Kelley, Arkansas Democrat-Gazette, Publisher nhận xét: “Kiệt tác của Durant có thể nằm trên bất kì kệ sách gia đình nào”. Còn Kirkus Reviews đánh giá: “Tác phẩm của Durant, bất chấp những ý kiến trái chiều của một số nhà sử học, là sự tổng hợp lịch sử xuất sắc cho những người không chuyên”. Xin giới thiệu một số trích đoạn trong cuốn sách này tới bạn đọc.

TÍNH CÁCH VÀ LỊCH SỬ

Xã hội được thành lập không dựa trên các lý tưởng mà dựa trên bản chất con người, và chính cách cấu thành tính cách của một người là cái viết đi viết lại thể chế của các quốc gia. Nhưng thế nào là sự cấu thành tính cách của một con người? Chúng ta có thể định nghĩa bản chất con người như là các khuynh hướng và cảm xúc cơ bản của con người. Những khuynh hướng cơ bản nhất sẽ được chúng tôi gọi là các bản năng, mặc dù vẫn còn những hồ nghi về việc liệu những khuynh hướng này có phải bẩm sinh hay không.

Ta có thể mô tả bản chất con người thông qua “Bảng các yếu tố tính cách”. Theo bảng phân tích, con người thường được “tự nhiên” (“tự nhiên” ở đây có nghĩa là các yếu tố di truyền) trang bị cho sáu bản năng tích cực và sáu bản năng tiêu cực với chức năng bảo tồn và duy trì một cá thể, gia đình, tập thể và nòi giống. Ở những người có tính cách tích cực thì xu hướng tích cực chiếm ưu thế, nhưng hầu hết mọi người đều được trang bị đủ cả hai nhóm bản năng - để thích ứng và tránh né những cơ hội và thử thách căn bản trong đời sống. Mỗi một bản năng tạo ra những thói quen đi kèm xúc cảm tương ứng. Tổng hòa tất cả những yếu tố này tạo nên bản chất của con người. Nhưng bản chất con người đã thay đổi đến mức nào xuyên suốt tiến trình của lịch sử? Về mặt lý thuyết, ắt hẳn đã có một số thay đổi; quá trình chọn lọc tự nhiên có lẽ đã vận hành dựa trên các biến dị tâm lý cũng như sinh lý. Tuy nhiên, lịch sử như chúng ta đã biết cho thấy không có nhiều biến đổi trong hành vi của nhân loại. Người Hy Lạp thời Plato cư xử rất giống người Pháp ở các thế kỷ hiện đại; và người La Mã hành xử cũng giống như người Anh. Phương tiện và công cụ có thể thay đổi, nhưng động cơ và mục đích vẫn như cũ: Hoạt động hay là nghỉ ngơi, chiếm hữu hay cho đi, chiến đấu hay rút lui, tìm kiếm sự kết nối hay mong muốn được riêng tư, kết đôi hay cự tuyệt, chăm sóc con cái hay là oán giận cha mẹ. Cũng như bản chất con người không thay đổi giữa các giai cấp: Nhìn chung, người giàu lẫn nghèo đều có những cơn bốc đồng hay sự thôi thúc từ trong bản năng tương tự nhau, chẳng qua người nghèo thì có ít kỹ năng và cơ hội để hiện thực hóa những mưu cầu đó mà thôi.

Trong lịch sử không có gì rõ ràng như sự thực là sau khi giành chiến thắng, các phe nổi dậy lại áp dụng đúng những phương thức của phe đối địch mà trước đây họ từng nhất mực lên án. Xuyên suốt những gì được ghi chép lại, sự tiến hóa của loài người mang nhiều tính xã hội hơn là tính sinh học: Nó diễn tiến không dựa trên các biến dị di truyền của chủng loài mà chủ yếu dựa trên những cải cách về mặt kinh tế, chính trị, trí lực và luân lý đạo đức được truyền cho các cá nhân và nhiều thế hệ thông qua sự bắt chước, phong tục hoặc giáo dục. Phong tục và truyền thống trong phạm vi một nhóm người tương ứng với kiểu mẫu và tính di truyền gặp ở chủng loài, và cũng tương ứng với bản năng của mỗi cá nhân; chúng là những điều chỉnh sẵn có giúp ta thích ứng trước các tình huống điển hình, lặp đi lặp lại. Tuy nhiên, cũng có lúc nảy sinh những tình huống mới, đòi hỏi lối phản hồi mới lạ, không rập khuôn; vì vậy, ở các sinh vật bậc cao, sự phát triển buộc phải đi kèm khả năng thử nghiệm, tìm tòi đổi mới - đứng trên phương diện xã hội mà nói thì khả năng này tương đương với hiện tượng đột biến và biến dị trong sinh học. Có thể nói, tiến hóa xã hội chính là kết quả của một quá trình hỗ tương giữa một bên là phong tục tập quán và bên còn lại là tính nguyên bản, độc đáo. Lúc này thì những cá nhân có sáng kiến (hay được gọi là “vĩ nhân”, “anh hùng”, “thiên tài”) sẽ “tái chiếm” cái vai trò là một lực kiến tạo lịch sử của mình. Anh ta không hẳn là vị thần mà Carlyle từng mô tả; anh ta được hun đúc nhờ thời cuộc và xứ sở, vừa là sản phẩm cũng vừa là biểu tượng của chuỗi sự kiện mà chính anh ta là tác nhân và tiếng nói của chúng; không có những tình huống đòi hỏi một lối ứng xử mới, tư tưởng tân kỳ của anh ta hoàn toàn không hợp thời và thiếu tính thực tiễn. Khi là một người hùng chủ trương hành động, những đòi hỏi đặt ra cho vị trí của anh ta cộng với sự tán dương giữa lúc khủng hoảng thường nâng tầm và thổi phồng cái tôi cùng những quyền năng của anh ta mà những ở thời bình thường chúng hẳn chỉ được xem như là tiềm năng và chưa chắc khiến anh ta được trọng dụng. Tuy nhiên, người này không đơn thuần chỉ là một hiệu ứng. Các sự kiện diễn ra bởi anh ta cũng như bởi hoàn cảnh; tư tưởng và những quyết định của anh ta đóng vai trò chính yếu tạo ra các tiến trình lịch sử.

Ví như trong trường hợp Churchill, tài hùng biện có khi đáng giá bằng cả ngàn sư đoàn; hoặc giả trong trường hợp của Napoleon, tầm nhìn xa trông rộng về chiến lược cũng như chiến thuật có thể giúp thắng trận và tạo lập nên các quốc gia. Nếu cá nhân đó giống như Đấng Tiên tri Mohammed, cũng sở hữu nghệ thuật truyền cảm hứng, thì có thể thông qua ngôn từ mà vực dậy cả một dân tộc đang lầm than đói nghèo, đưa họ từ vực thẳm đến những đỉnh tham vọng và sức mạnh đáng kinh ngạc không lường trước được. Một người như Pasteur, Morse, Edison, Ford, anh em nhà Wright hay Mao Trạch Đông là hệ quả của vô số nguyên nhân, đồng thời cũng là nguyên nhân của vô số hệ quả.

Trong bảng các yếu tố tính cách, tính bắt chước trái ngược với tính đổi mới, nhưng thật ra hai yếu tố này phối hợp mạnh mẽ với nhau. Quần chúng có bản tính phục tùng sẽ hợp quần với các cá nhân lãnh đạo để tạo ra trật tự và guồng quay vận hành một xã hội; vậy thì trong quá trình thích nghi dần với các phương thức mới mà thời thế đòi hỏi, đám đông có tính thích bắt chước thường noi theo cách của thiểu số có tư tưởng cách tân, mà thiểu số này thì lại noi theo sáng kiến do một cá nhân khởi phát ra. Nhìn chung, lịch sử là sự xung đột của các phe thiểu số; còn đám đông chỉ có mỗi việc là tán dương kẻ chiến thắng và cung cấp nhân lực cho các cuộc thí nghiệm xã hội. Do vậy, trí tuệ là một yếu tố huyết mạch của lịch sử, nhưng chính nó cũng mang sức mạnh hủy diệt. Cứ trong một trăm ý tưởng mới thì phải có đến chín mươi chín ý dở hơn cách làm truyền thống - thứ mà lẽ ra những ý tưởng mới phải thay thế được. Không một con người thông minh xuất chúng nào lại có thể bằng suốt cuộc đời mình mà đạt đến sự thông hiểu toàn vẹn đủ để phán xét và loại trừ một cách an toàn các phong tục hoặc thể chế của xã hội nơi anh ta đang sống. Trải qua hàng thế kỷ, biết bao thế hệ đã phải thử nghiệm trong phòng thí nghiệm lịch sử thì mới đúc kết được sự khôn ngoan đó.

Một thanh niên căng tràn nhựa sống, sục sôi nhờ các kích thích tố trong cơ thể, sẽ tự hỏi tại sao không nên tự do quá độ với các ham muốn tình dục của mình; nếu không có vòng luân lý, tập tục và pháp luật kiểm soát thì cuộc đời người thanh niên ấy xem như hỏng bét trước khi anh ta kịp trưởng thành để ngộ ra tình dục thực chất là một dòng sông lửa cuồn cuộn, phải dùng trăm phương ngàn cách để ke bờ và làm nguội nếu không muốn nó nhấn chìm cả cá nhân lẫn tập thể trong sự hỗn loạn. Vì vậy, kẻ bảo thủ thích kháng cự sự thay đổi cũng có giá trị như kẻ cấp tiến thích đề xuất thay đổi, thậm chí có lẽ còn có ích hơn bởi gốc rễ vốn quan trọng hơn phần ngọn.

Ta cũng cần lắng nghe thử các ý tưởng mới bởi một vài trong số đó có thể hữu dụng, nhưng mọi ý tưởng bắt buộc phải vượt qua hàng loạt sự bác bỏ, phản đối và sỉ vả bởi đó là cuộc thử lửa mà bất kỳ phát kiến nào cũng phải đủ sức trụ vững trước khi được phép trở thành một phần của nhân loại. Vậy nên, người già phản đối bọn trẻ, và lũ trẻ thì chống đối người già, bởi nhờ có sự xung đột đó, cũng như sự xung đột giữa nam và nữ, giữa các giai tầng mà sản sinh ra một lực sáng tạo bền bỉ, dẻo dai, một nhân tố kích thích sự phát triển, sự hợp nhất và vận hành sâu kín, quan trọng nhất của toàn thể vạn vật.

Luân lý, đạo đức và lịch sử

Luân lý là toàn thể những quy tắc mà một xã hội khuyên mọi người, từ cá nhân cho đến hội nhóm, nên noi theo sao cho phù hợp với trật tự, an ninh, mức độ phát triển của xã hội ấy. Còn luật pháp lại là những điều luật mà mọi người bắt buộc phải tuân theo. Bởi vậy, nhờ một bộ quy tắc đạo đức chặt chẽ và chi tiết mà trong suốt mười sáu thế kỷ, những người Do Thái sống lọt thỏm trong khu vực Kitô giáo đã duy trì sự tồn tại bền bỉ và bình ổn nội tại của họ mà hầu như không cần nhờ đến sự trợ giúp của nhà nước và pháp luật.

Sở dĩ các quy tắc đạo đức khác nhau bởi vì chúng tự điều chỉnh theo bối cảnh lịch sử và các điều kiện môi trường. Nếu chúng ta chia lịch sử kinh tế thành ba thời kỳ - săn bắn, nông nghiệp, công nghiệp - thì đương nhiên bộ nguyên tắc đạo đức ở giai đoạn này sẽ thay đổi khi xã hội loài người bước vào đoạn sau.

Trong thời kỳ săn bắn, một người đàn ông phải sẵn sàng săn đuổi, chiến đấu và giết chóc. Khi bắt được con mồi của mình, anh ta sẽ cố ăn đến mức trương sình bụng vì không biết đến bao giờ mới lại có được cái ăn. Nỗi bất an sinh ra lòng tham, cũng như tính tàn ác vẫn tồn tại trong ký ức và huyết quản về cái thời mà thử thách sinh tồn phụ thuộc vào khả năng chém giết (ở thời hiện đại thì điều này hiển hiện ở cấp độ quốc gia). Có lẽ săn bắn là việc nguy hiểm tới tính mạng nên tỉ lệ tử vong ở nam giới cao hơn phụ nữ, do đó một số đàn ông lấy nhiều vợ và những người vợ phải gắng sinh cho nhiều. Trong cuộc đấu tranh sinh tồn, tính hiếu chiến, tàn bạo, tham lam và dục tính ngút ngàn là lợi thế. Có lẽ bất kỳ thói hư tật xấu nào cũng đều từng là một đức tính tốt, nếu hiểu theo hướng nó là một đặc tính giúp cho một cá nhân, gia đình, hoặc tập thể tồn tại được.

Tội lỗi của loài người có thể là di tích của sự phát triển thay vì là dấu tích của sự sa ngã. Lịch sử không cho ta biết chính xác thời điểm loài người chuyển từ thời kỳ săn bắn sang thời kỳ làm nông nghiệp, có lẽ lúc đó là Thời kỳ Đồ đá mới khi mà con người khám phá ra rằng họ có thể gieo trồng ngũ cốc làm lương thực bổ sung bên cạnh giống lúa mì hoang dã mọc tự phát. Chúng ta có thể giả định một cách hợp lý rằng chính thể mới đã tạo ra những đức tính mới, và biến một số đức tính cũ thành tật xấu. Đức cần cù trở nên quan trọng hơn lòng can đảm, sự đều đặn và tính tiết kiệm có lợi hơn bạo lực, hòa bình đắc thắng hơn chiến tranh. Con cái trở thành món lợi về kinh tế và việc kiểm soát sinh sản bị xem là vô luân. Tại các trang trại, mỗi gia đình là đơn vị sản xuất trong khuôn khổ chế độ phụ hệ và phụ thuộc vào mùa màng, còn phụ quyền cũng nắm quyền kinh tế. Mỗi người con trai bình thường sớm trưởng thành về đầu óc và khả năng tự lập; lúc niên thiếu mười lăm tuổi cũng như khi trung niên bốn mươi tuổi, cậu chàng đều hiểu rõ các bổn phận vật chất của đời sống; tất cả những gì cậu cần là đất đai, một cái cày và bàn tay hăng say lao động. Vì vậy, cậu chàng kết hôn sớm đúng như cách sắp đặt của tự nhiên. Và bởi trật tự mới của các khu định cư lâu dài, cậu ta cũng chẳng phải buồn bực vì phải giữ gìn sự trong trắng trước khi kết hôn. Đối với thiếu nữ trẻ, trinh tiết là điều bắt buộc bởi nếu không, đứa con sinh ra sẽ không biết là con của ai và vì thế không được bảo vệ, che chở. Khi số lượng nam và nữ xấp xỉ ngang bằng nhau thì bắt buộc nảy sinh chế độ một vợ một chồng. Trong vòng một ngàn năm trăm năm, hệ thống luân lý dưới thời nông nghiệp chủ về sự tiết dục, kết hôn sớm, hôn nhân một vợ một chồng, không ly hôn và sinh con đàn cháu đống đã duy trì khắp các vùng miền của một châu Âu Kitô giáo và các thuộc địa trắng của nó. Chính luân lý nghiêm khắc ấy đã tạo nên những nhân vật hào khí cương trường và hùng mạnh nhất trong lịch sử.

Dần dà rồi ngày một lan nhanh và rộng rãi, Cách mạng Công nghiệp đã thay đổi hình thái kinh tế và kiến trúc thượng tầng của nền luân lý đạo đức vốn là cốt lõi của đời sống Âu Mỹ. Đàn ông, phụ nữ, trẻ em lần lượt thoát ly khỏi gia đình, không còn quan tâm đến quyền hành tối cao hay sự gắn kết trong gia đình. Thay vào đó, họ bắt đầu gia nhập các hãng xưởng chứa toàn là máy móc để làm việc và lĩnh lương với tư cách cá nhân. Mỗi một thập kỷ trôi qua, số lượng và độ phức tạp của máy móc càng gia tăng, độ tuổi đạt sự trưởng thành về kinh tế (ý chỉ khả năng cáng đáng một gia đình) thì lùi lại; con trẻ không còn là món lợi về kinh tế; mọi người trì hoãn việc lập gia đình; và việc tiết dục trước hôn nhân trở nên thật khó. Đời sống đô thị tạo mọi rào cản để ngăn mọi người kết hôn sớm, vậy nhưng nó lại đem đến bao nhiêu kích thích tố và điều kiện thuận lợi cho đời sống tình dục phóng khoáng. Phụ nữ được “giải phóng” và gia nhập ngày càng nhiều vào hoạt động sản xuất; các biện pháp tránh thai cho phép giao hợp mà không phải có con. Bởi công nghiệp khiến cho chủ nghĩa cá nhân dâng cao, nên quyền phụ mẫu trong gia đình cũng không còn đồng nghĩa với nền tảng kinh tế. Một thanh niên nổi loạn bất trị không còn bị kìm hãm dưới sự giám sát của làng xã, thay vào đó cậu chàng sống hòa lẫn trong đám đông ẩn danh mà chẳng ai hay biết gì về sai phạm của cậu ở chốn đô thị. Với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, thì hình ảnh nhà nghiên cứu cầm ống nghiệm có uy quyền hơn giám mục cầm gậy mục tử. Sự cơ giới hóa sản xuất kinh tế cũng gợi ra những triết lý máy móc nặng tính vật chất, giáo dục thì gieo rắc sự hoài nghi về tôn giáo; và đạo lý cũng mất đi sự hậu thuẫn của giới siêu nhiên. Vậy là bộ quy tắc đạo đức cũ trong thời đại nông nghiệp đi đến hồi kết(...)

Một lần nữa, ta cần tự nhắc nhở mình rằng lịch sử được ghi chép lại (peccavimus) thường khác xa so với cách nó thật sự diễn ra trong cuộc sống: Sử gia ghi chép lại một điều đặc biệt bởi lẽ nó chính là một điều thú vị, phi thường, hiếm có, choáng ngợp. Về những cá nhân không được ai chấp bút để viết tiểu sử về họ, nếu rốt cuộc trong những ghi chép của sử gia câu chuyện về họ lại chiếm tốn giấy mực nhiều tương xứng với lực lượng đông đảo của họ thì ta sẽ có một cái nhìn đúng đắn hơn nhưng tẻ ngắt về loài người trong quá khứ. Ẩn dưới cái bề mặt sôi nổi của nào là chiến tranh và chính trị, bất hạnh và bần hàn, gian dâm và ly dị, giết hại và tự sát, là hàng triệu gia đình nền nếp, quy củ, những cuộc hôn nhân mà vợ chồng sống hết lòng với nhau, đàn ông và đàn bà tử tế, tương thân tương ái, tuy lao tâm khổ tứ vì con cái nhưng cũng hạnh phúc không kém vì chúng. Cả trong lịch sử được ghi chép lại, cũng có biết bao trường hợp về lòng tốt, ngay cả đức cao thượng khi mà chúng ta dù không thể quên nhưng lại có thể thứ tha lỗi lầm. Số tặng vật xuất phát từ lòng từ thiện nhiều gần sánh ngang với mức độ độc ác diễn ra ở chiến trường và nhà tù.

Các phác họa về lịch sử dẫu sơ sài đến đâu nhưng cũng đủ cho ta thấy bao lần loài người đã dang rộng vòng tay giúp đỡ nhau: Như Farinelli chu cấp cho những đứa con của Domenico Scarlatti, nhiều cá nhân khác nhau đã cưu mang Haydn lúc trẻ, Bá tước Litta đã chu cấp cho việc học của Johann Christian Bach tại Bologna, Joseph Black thì nhiều lần ứng tiền trước cho James Watt, còn Puchberg luôn kiên nhẫn cho Mozart vay tiền hết lần này đến lần khác. Ai dám can đảm viết một bộ sử về tấm lòng hào hiệp của loài người đây? Vì vậy, không gì là đảm bảo liệu đạo đức băng hoại ở thời đại chúng ta chính là hồi chuông báo tử hay chỉ đơn giản là một giai đoạn chuyển tiếp tuy đớn đau mà thú vị từ một nền luân lý đã mất dần cái gốc nông nghiệp sang một nền luân lý mà văn minh công nghiệp vẫn chưa kịp đúc xong tiêu chuẩn, trật tự mới trong xã hội.

Trong khi chờ đợi thì lịch sử trấn an chúng ta rằng các nền văn minh tan rã một cách rất từ từ. Trong vòng hai trăm năm mươi năm kể từ quá trình suy đồi đạo đức bắt đầu ở Hy Lạp bởi đám triết gia ngụy biện, thì cũng nền văn minh đó vẫn tiếp tục sản sinh ra những kiệt tác văn chương và nghệ thuật. Nền đạo đức La Mã cũng bắt đầu suy tàn do tiêm nhiễm tập tính của người Hy Lạp sau khi người La Mã đánh chiếm Hy Lạp (năm 147 TCN), nhưng văn minh La Mã vẫn tiếp tục tạo ra những chính khách, triết gia, nhà thơ và nghệ sĩ kiệt xuất cho đến khi Marcus Aurelius qua đời (năm 180). Về phương diện chính trị, La Mã đã ở điểm đáy khi Caesar lên nắm quyền năm 60 TCN. Nhưng dẫu vậy, mãi đến năm 465, nó mới hoàn toàn chịu khuất phục trước đám quân ô hợp. Mong rằng phải rất lâu thì nền văn minh của chúng ta mới sụp đổ, cũng giống như phải mất rất lâu thì Đế quốc La Mã mới tan rã!

TÁC GIẢ Will (1885-1981) và Ariel Durant (1898-1981)

Quan niệm viết sách sử và triết học của Will Durant là xem xét mọi sự vật, sự kiện và hiện tượng xuyên suốt lịch sử loài người theo sub specie totius (từ cái nhìn tổng thể, toàn cảnh), quan niệm này chịu ảnh hưởng từ Spinoza - nhìn nhận theo sub specie aeternitatis (từ khía cạnh vĩnh cửu).

Huy Minh (tổng hợp)
TIN LIÊN QUAN

Bật mí cuốn sách về giới tính do các giáo sư đầu ngành viết trong 1 thập kỉ

Thảo Anh |

Cuốn sách “Hội chứng không nhạy cảm Androgen – Lưỡng giới giả nam” giới thiệu một bệnh lý về giới tính ít được biết đến nhưng không phải là hiếm gặp tại Việt Nam. Cuốn sách này là một công trình nghiên cứu của tập thể cán bộ giảng viên và học viên của Bộ môn Phẫu thuật Tạo hình, Đại học Y Hà Nội trong gần một thập kỷ vừa qua.

Mùng 3 Tết: Phố sách Xuân Tân Sửu 2021 mở cửa phục vụ bạn đọc

Hải Nguyễn - Phạm Đông |

Phố sách Xuân Tân Sửu 2021 bắt đầu phục vụ bạn đọc từ ngày 14.2 (mùng 3 Tết Nguyên đán) đến hết ngày 21.2. Đây là nét đẹp văn hóa đọc của nhân dân Thủ đô và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng được duy trì nhiều năm nay.

Giáo sư trẻ 8X và kỷ niệm một tay đọc sách, một tay tập tạ

Nguyễn Hà - Văn Thắng |

Giáo sư Nguyễn Đức Toàn (Trường Đại học Bách Khoa, Hà Nội) là một trong số những Giáo sư trẻ vừa được phong hàm trong năm 2020. Quá trình học tập của thầy có những kỷ niệm vui khiến ông nhớ mãi.

Đấu giá "Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp" và "Sách Tết Tân Sửu 2021"

Thái An |

Hai phiên đấu giá online 20 bức tranh minh họa trong "Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp" và "Sách Tết Tân Sửu 2021" thu về gần 639 triệu đồng.

Khởi tố cựu Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM vừa khởi tố thêm 5 bị can khác.

Không khí lạnh suy yếu dần, Bắc Bộ nắng hanh và tăng nhiệt

AN AN |

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định không khí lạnh tác động mạnh đến Bắc Bộ từ đêm nay đến ngày mai 18.1. Từ ngày 19.1, ngày có nắng hanh và nhiệt độ có xu hướng tăng nhẹ.

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.

Vì sao gốc đào Nhật Tân được chào bán với giá 200 triệu đồng?

Quỳnh Trang |

Sáng 17.1, dọc đại lộ Lê-Nin, thành phố Vinh (Nghệ An) tấp nập cảnh mua - bán hoa, cây cảnh phục vụ Tết Nguyên đán. Trong đó, thu hút nhiều người xem nhất là gian trưng bày gốc đào Nhật Tân của anh Đặng Văn Cường (36 tuổi, trú TP Vinh) bởi nơi đây trưng bày gốc cổ thụ độc đáo với thế "rồng bay".

Bật mí cuốn sách về giới tính do các giáo sư đầu ngành viết trong 1 thập kỉ

Thảo Anh |

Cuốn sách “Hội chứng không nhạy cảm Androgen – Lưỡng giới giả nam” giới thiệu một bệnh lý về giới tính ít được biết đến nhưng không phải là hiếm gặp tại Việt Nam. Cuốn sách này là một công trình nghiên cứu của tập thể cán bộ giảng viên và học viên của Bộ môn Phẫu thuật Tạo hình, Đại học Y Hà Nội trong gần một thập kỷ vừa qua.

Mùng 3 Tết: Phố sách Xuân Tân Sửu 2021 mở cửa phục vụ bạn đọc

Hải Nguyễn - Phạm Đông |

Phố sách Xuân Tân Sửu 2021 bắt đầu phục vụ bạn đọc từ ngày 14.2 (mùng 3 Tết Nguyên đán) đến hết ngày 21.2. Đây là nét đẹp văn hóa đọc của nhân dân Thủ đô và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng được duy trì nhiều năm nay.

Giáo sư trẻ 8X và kỷ niệm một tay đọc sách, một tay tập tạ

Nguyễn Hà - Văn Thắng |

Giáo sư Nguyễn Đức Toàn (Trường Đại học Bách Khoa, Hà Nội) là một trong số những Giáo sư trẻ vừa được phong hàm trong năm 2020. Quá trình học tập của thầy có những kỷ niệm vui khiến ông nhớ mãi.

Đấu giá "Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp" và "Sách Tết Tân Sửu 2021"

Thái An |

Hai phiên đấu giá online 20 bức tranh minh họa trong "Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp" và "Sách Tết Tân Sửu 2021" thu về gần 639 triệu đồng.