Nhớ GS Hoàng Thủy Nguyên - người đặt nền móng cho ngành sản xuất vaccine Việt Nam

nguyễn huy minh |

Chúng tôi gặp GS Hoàng Thủy Nguyên - nhà virus học và chế tạo vaccine hàng đầu của Việt Nam - vào dịp Thủ đô chuẩn bị tổ chức đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, tại khu biệt thự số 1 phố Yec xanh. Hồi còn nhỏ, ông thường đến khu biệt thự này để đón cha ông - GS Hoàng Tích Trí, người sau này trở thành Bộ trưởng Bộ Y tế. Rồi tới năm 1952, ông vào làm việc chính tại số 1 Yecxanh - Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương và phụng sự cả đời ở đó.

1. GS, TSKH, Thầy thuốc Nhân dân Hoàng Thủy Nguyên (sinh ngày 18.3.1929, mất ngày 20.7.2018) tại Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội. Ông được cấp bằng tiến sĩ năm 1958, bằng TSKH năm 1962, được công nhận Giáo sư Y học năm 1980, chuyên ngành virus học. Ông đã nghiên cứu và phát triển các loại vaccine dự phòng các bệnh nhiễm khuẩn, xác định căn nguyên hai vụ dịch SARS, cúm về những tính chất đặc trưng của hai virus SARS - CoV và Myxovirus influenzae.

Ông nguyên là Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (1974 - 1994); Chủ tịch Hội đồng Khoa học Bộ Y tế; Ủy viên Hội đồng xét duyệt Học vị và chức danh Khoa học Nhà nước (1990 - 1995); Ủy viên Hội đồng Học hàm Nhà nước (1995 - 2000); Chủ tịch Hội đồng Chính sách Khoa học và Công nghệ Nhà nước (1997 - 2002). Ông được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến thắng hạng Ba, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất và Ba, Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Ba, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ, Danh hiệu Anh hùng Lao động...

Theo GS.TS Đặng Đức Anh, cả cuộc đời và sự nghiệp của GS Hoàng Thủy Nguyên gắn liền với sự phát triển hệ thống y tế dự phòng. Trong những năm 1959-1960, bệnh bại liệt bùng phát thành dịch lớn tại hầu hết tỉnh, thành phố phía bắc với khoảng 17.000 cháu bé mắc bệnh, trong đó có hàng trăm cháu bị chết. Mỗi năm có hàng nghìn trẻ em bị di chứng liệt suốt đời. Tỉ lệ mắc bệnh lên đến 126,44 trường hợp/100.000 dân. Nhờ sự quan tâm và can thiệp kịp thời của Chính phủ Việt Nam và sự giúp đỡ về vaccine của Chính phủ Liên Xô (cũ), năm 1961, tỉ lệ mắc bệnh giảm còn 3,09 trường hợp/100 nghìn dân.

Để chủ động phòng, chống bệnh bại liệt, Bộ trưởng Y tế Phạm Ngọc Thạch khi đó cho rằng, phải nghiên cứu sản xuất được vaccine dự phòng. Dưới sự chỉ đạo của GS Hoàng Thủy Nguyên, các nhà khoa học của Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư đã tập trung nghiên cứu sản xuất thành công vaccine Sabin phòng bệnh bại liệt vào năm 1962. Nhờ có lượng vaccine sản xuất trong nước, bệnh bại liệt đã không bùng phát thành những dịch lớn trong suốt thập kỷ 60 và 70 của thế kỷ 20; tỉ lệ mắc bại liệt dao động khoảng 3 trường hợp/100.000 dân và giảm rõ rệt khi chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) triển khai. Từ năm 1985, vaccine bại liệt uống do Việt Nam sản xuất được đưa vào chương trình TCMR để triển khai cho trẻ em dưới 1 tuổi. Từ năm 1990, tỉ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được uống đủ ba liều vaccine bại liệt trong tiêm chủng liên tục đạt hơn 90%. Việc duy trì tỉ lệ đó trong suốt giai đoạn 1993 - 2000 là cơ sở vững chắc để Việt Nam đạt mục tiêu thanh toán bệnh bại liệt và duy trì thành quả một cách bền vững đến ngày nay.

GS.TS Đặng Đức Anh cho rằng, một đóng góp vô cùng lớn của GS Hoàng Thủy Nguyên, đó là việc đặt nền móng cho chiến lược tự sản xuất vaccine tại Việt Nam. Sau năm 1954, quán triệt quan điểm y học dự phòng tích cực của Nhà nước, được sự quan tâm, đầu tư của Bộ Y tế, Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư do ông là viện trưởng đã đẩy mạnh phát triển ngành sản xuất vaccine để chủ động phòng, chống một số bệnh truyền nhiễm. Trong giai đoạn này, Việt Nam đã sản xuất được nhiều loại vaccine như: Đậu mùa, tả, thương hàn, ho gà, giải độc tố bạch hầu, BCG, vaccine phòng dại... Với sự chỉ đạo của GS Hoàng Thủy Nguyên, Việt Nam đã hình thành mạng lưới các cơ sở sản xuất vaccine: Công ty vaccine và sinh phẩm số 1 (chuyên sản xuất vaccine viêm gan B, viêm não Nhật Bản, tả, dại...); Viện Sản xuất vaccine Nha Trang (chuyên sản xuất vaccine DPT, BCG, AT, thương hàn); Trung tâm Khoa học sản xuất vaccine Sabin (chuyên sản xuất vaccine bại liệt và vaccine sởi). Các vaccine được sản xuất trong nước đã được cung ứng đầy đủ chương trình TCMR.

2. Năm ấy, khi chúng tôi liên lạc để viết về ông, ông chỉ nhẹ nhàng: “Mình già rồi, cái đã qua thì mình chấp nhận nó, nhưng cái đã qua mà không tạo ra tương lai thì cũng không có ý nghĩa gì cả. Đừng nói về tôi, nói về tương lai sẽ vui vẻ hơn nhiều!".

“Tương lai" mà ông theo đuổi lúc này chính là ý tưởng xây dựng Trung tâm đào tạo quốc tế sinh y học tại Khu công nghệ cao Láng Hòa Lạc.

Vị GS suốt đời theo đuổi ngành virus học, từng dẫn đầu một nhóm nhà khoa học chế tạo thành công kháng sinh phòng chống bại liệt tại Việt Nam -  tâm sự, điều ông trăn trở nhất lúc này là vấn đề biến đổi khí hậu. Nó sẽ tác động lớn đến sinh thái, làm thay đổi sinh thái; sinh thái thay đổi thì thế giới các vi sinh vật sẽ bị tác động nhiều nhất. Khi đó, những tái tổ hợp xảy ra ở các vi sinh vật sẽ làm xuất hiện các tác nhân gây bệnh mới, đặc biệt là những tác nhân ở các côn trùng có thể gây bệnh cho người, ví dụ các virus viêm não Nhật Bản... Khi những tái tổ hợp mới xuất hiện, khả năng gây bệnh của những vi sinh vật mới sẽ rất nguy hiểm. Vì vậy, ngay lúc này phải có một cơ sở nghiên cứu vấn đề đó, đó là ngành sinh y học.

GS Hoàng Thủy Nguyên và Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã bắt tay xây dựng Trung tâm quốc tế đào tạo sinh y học. GS khẳng định: “Y học phát triển đều dựa trên những thành tựu hiện đại của sinh học ngày hôm nay. Tất cả thành tựu của sinh học hiện đại đều được ứng dụng vào y học để giải quyết những vấn đề khó khăn nhất của y học, từ những bệnh nhiễm trùng cho đến những bệnh mãn tính. Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương do các nhà khoa học Pháp thuộc Viện Pasteur Paris xây dựng năm 1924. Chúng tôi gọi viện này là của thế kỷ XX. Để có thể giải quyết được những vấn đề về phòng bệnh và chữa bệnh cho Việt Nam trong thế kỷ này, cần có một cơ sở sinh y học hiện đại, cơ sở cho thế kỷ XXI. Khoa học sinh y học ở Việt Nam chỉ mới bắt đầu, cho nên cần phải xây dựng nền sinh y học Việt Nam càng sớm càng tốt, đó không phải là điều gì xa xôi. Đề án đã được Chính phủ phê duyệt và đang hoàn thành nốt thiết kế trước khi triển khai xây dựng tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc".

Về mô hình hoạt động của trung tâm, ông cho rằng, để nghiên cứu khoa học và xây dựng ngành khoa học mới, phải có những nhà khoa học ở trình độ cao, và muốn như thế Việt Nam phải khiêm tốn học tập thế giới. Vấn đề không chỉ là cơ sở vật chất, trang thiết bị, bởi thực tế hiện nay chúng ta vẫn chưa thể tận dụng những cái hiện có, do còn thiếu năng lực và trình độ trí tuệ. Cho nên, việc xây dựng trung tâm quốc tế vừa nhằm mục đích nghiên cứu vừa đào tạo. Trung tâm sẽ mời các nhà khoa học hàng đầu của nước ngoài về lĩnh vực sinh y học tới cùng làm việc với các nhà khoa học Việt Nam. Trong quá trình làm việc, các nhà khoa học trẻ Việt Nam sẽ học tập được các nhà khoa học thế giới, vừa làm vừa học. Từ sự hợp tác nghiên cứu đó, các nhà khoa học trẻ Việt Nam sẽ trưởng thành hơn và trở thành những nhà khoa học có chất lượng.

Đây là mô hình mới  để chúng ta có thể tạo ra những nhà khoa học trẻ, bởi nếu đất nước không có các nhà khoa học trẻ có trình độ thì không có tương lai. GS cho rằng, mô hình đó là cần thiết hiện nay, và là bước ngoặt để xây dựng một ngành khoa học mới, giải đáp những vướng mắc của chúng ta hiện nay. Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương sẽ tiếp tục vai trò cũ của mình ở đây như đang làm.

Khi chia tay chúng tôi, ông nói như nhấn mạnh thêm điều tâm huyết của mình: “Vấn đề này tôi tha thiết lắm. Bởi vì bây giờ tôi nhiều tuổi rồi. Tôi muốn thấy rất rõ các thế hệ sau tôi càng ngày càng giỏi càng tốt. Như thế, tôi là lớp đi trước, tôi phải tạo điều kiện để lớp đi sau có cơ sở để họ nâng cao trình độ của họ lên".

nguyễn huy minh
TIN LIÊN QUAN

Việt Nam nghiên cứu thành công công nghệ nhận diện ngay cả khi dùng khẩu trang

Mai An |

Việt Nam trở thành một trong những nước đầu tiên trên thế giới nghiên cứu thành công công nghệ nhận diện khuôn mặt chính xác và ổn định cả khi sử dụng khẩu trang. Đặc biệt đơn vị nghiên cứu công nghệ này sẵn sàng cung cấp miễn phí cho cộng đồng nhằm góp phần phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Việt Nam nghiên cứu sự thay đổi của virus SARS-CoV-2

Thùy Linh |

PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết, hiện nay, virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh COVID-19 đã có sự tiến hóa.

Việt Nam nghiên cứu vaccine phòng virus Corona: Nhanh cũng mất 3 tháng

THÙY LINH |

Chiều 30.1, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc đã có cuộc họp nhanh với các nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực dịch tễ, vaccine... để bàn giải pháp ứng phó với dịch viêm phổi do virus nCoV.

Giờ thứ 9: Bóng tối của hôn nhân - Phần 2

Nhóm PV |

Giờ thứ 9 - Nếu chỉ nhìn bề ngoài, ai cũng tin chắc rằng chị rất hạnh phúc, một thứ hạnh phúc thật khó kiếm tìm. Nhưng như những gì chị viết trong lá thư gửi tới chương trình Giờ thứ 9 thì đó chỉ là cái bề nổi che giấu những đợt sóng ngầm dữ dội trong cuộc sống hôn nhân của chị mà thôi.

Nóng Sài Gòn: 4 trung tâm đăng kiểm tại TPHCM được hoạt động trở lại

NGUYỄN LY - CHÂN PHÚC |

4 trung tâm đăng kiểm tại TPHCM được hoạt động trở lại; Phố ông đồ những nét đẹp văn hoá cho chữ du xuân được tiếp nối; Người phụ nữ điều khiển xe máy tử vong sau va chạm với xe ben;... là những thông tin chính có trong bản tin Nóng Sài Gòn ngày 15.1.

Đen Vâu lên tiếng về chuyện đám hỏi với Hoàng Thùy Linh

ĐÔNG DU |

Sau thông tin Đen Vâu và Hoàng Thuỳ Linh bí mật tổ chức đám hỏi đăng trên một số trang tin, chiều 15.1, nam rapper đã lên tiếng.

Hà Nội: Phố phường tấp nập ngày cận Tết, nhiều tiểu thương vẫn than ế

Thơm Bùi - Đinh Thiện |

Nhiều tiểu thương kinh doanh các mặt hàng phục vụ dịp Tết Nguyên đán 2023 chia sẻ, dù là ngày cuối tuần và phố phường khá đông đúc nhưng sức mua của người dân chưa đạt kỳ vọng.

Mai anh đào nở rộ, đợi khách du xuân Mộc Châu dịp Tết Nguyên đán

Ý Yên |

Quảng trường Mộc Châu, sân 224, đồi anh đào Nậm Tôm, chùa Tân Cương... đang rực rỡ sắc hoa mai anh đào dịp cận Tết Nguyên đán.

Việt Nam nghiên cứu thành công công nghệ nhận diện ngay cả khi dùng khẩu trang

Mai An |

Việt Nam trở thành một trong những nước đầu tiên trên thế giới nghiên cứu thành công công nghệ nhận diện khuôn mặt chính xác và ổn định cả khi sử dụng khẩu trang. Đặc biệt đơn vị nghiên cứu công nghệ này sẵn sàng cung cấp miễn phí cho cộng đồng nhằm góp phần phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Việt Nam nghiên cứu sự thay đổi của virus SARS-CoV-2

Thùy Linh |

PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết, hiện nay, virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh COVID-19 đã có sự tiến hóa.

Việt Nam nghiên cứu vaccine phòng virus Corona: Nhanh cũng mất 3 tháng

THÙY LINH |

Chiều 30.1, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc đã có cuộc họp nhanh với các nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực dịch tễ, vaccine... để bàn giải pháp ứng phó với dịch viêm phổi do virus nCoV.