Gặp gỡ cuối tuần

Nhạc sĩ Phó Đức Phương: “Tình yêu khiến tôi làm show này”

Trương Huyền thực hiện |

Hình như năm nay có nhiều chương trình âm nhạc nhất kể từ 5 năm qua, đặc biệt là sự xuất hiện các liveshow riêng của những nhạc sĩ như Nguyễn Cường, Trần Tiến, Phú Quang và sắp tới là Phó Đức Phương. Làm show bây giờ thường tốn tiền “khủng”, bạc tỉ đầu tư, nếu không đủ lượng khán giả sẽ đồng nghĩa với việc… ”ôm hận”.

Vậy mà Phó Đức Phương, bỗng nổi hứng làm một đêm duy nhất, ông cho biết người yêu và tình yêu đã xui ông “liều lĩnh” như vậy.

Thưa nhạc sĩ Phó Đức Phương, nghe nói ông mở liveshow vào tháng 12.2016 với chi phí sản xuất chương trình lên con số “khủng”. Ông có thể tiết lộ lý do tại sao không chọn mức chi phí thấp hơn cho “an toàn”?

- Âu cũng là khổ vì nghề. Cẩn trọng đến vậy, cho nên suốt 50 năm cần cù sáng tác với bao nhiêu tác phẩm, thành tâm trọn vẹn dành cho người nghe mà vẫn không dám nghĩ đến việc làm một chương trình riêng để phục vụ cho những người đã từng tri âm chia sẻ, từng bồi hồi xao xuyến cùng những tác phẩm đó. Tất cả chỉ vì nỗi lo lắng làm thế nào để có thể một lần nữa trình bày các tác phẩm đó trong một chương trình nghệ thuật hoàn chỉnh, với sự chuẩn bị kỹ càng nhất, tốt nhất, để có thể làm hài lòng những người yêu nhạc và cũng là hài lòng chính mình. Ban đầu, tôi không hình dung chi phí lại lớn như vậy, gần 5 tỉ đồng đấy. Nhưng đã bắt tay vào làm thì tôi phải chọn phương án tốt nhất, đảm bảo tính nghệ thuật cao nhất. Với một sân khấu lớn, hoành tráng như Trung tâm Hội nghị quốc gia, đi kèm với nó là những thiết bị và công nghệ đủ sức “tương tác” với nhu cầu thẩm mỹ rất cao của khán giả hiện nay… những thứ đó đòi hỏi chi phí tốn kém. Tôi cũng suy nghĩ ghê lắm cuối cùng cũng ổn. Nhiều người yêu nhạc của tôi đã đồng hành với tôi, giúp đỡ tôi. Thế là, tôi quyết định phải làm chương trình này chính bởi sự thúc giục, giúp đỡ ấy của bạn bè. Tôi nghĩ, thời gian và hơn hết là của tình yêu âm nhạc, nỗi khát khao dâng hiến, không thể cưỡng nổi, đã giúp tôi vượt qua mọi khó khăn, ngại ngần vốn kìm giữ mình bao lâu nay, để có một liveshow như mong đợi.

Năm 1962, Phó Đức Phương học Khoa Toán trường ĐH Sư Phạm, sau lại đi làm công nhân nông trường (Cửu Long, Hòa Bình). 22 tuổi vào Trường Âm nhạc VN, trước đó ông đã có bài hát “Những cô gái quan họ”. Trong kho tàng tác phẩm của mình Phó Đức Phương có tới hàng trăm bài hát, hầu hết đều ít nhiều gây ấn tượng ngay khi xuất hiện: “Chảy đi sông ơi”, “Cánh đồng tình yêu”, “Con sông tuổi thơ”, “Hồ trên núi”, “Huyền thoại hồ núi Cốc”, “Không thể và có thể”, “Mặt trời biển cát và em”, “Một thoáng Tây Hồ”, “Mộng mị Sa Pa”, “Nha Trang thu”, “Nơi áo chàm hồ xanh Ba Bể”, “Thành phố biển xanh và cát trắng”, “Trên đỉnh Phù Vân”, “Về quê”, “Vũ khúc con cò”, “Lội dòng sông quê”… Và bài nào cũng được những ca sĩ hàng đầu lựa chọn. Đặc biệt, Phó Đức Phương là người tự viết lời cho ca khúc của mình, (chỉ duy nhất một lần sử dụng hai câu thơ của nhà thơ Tường Vân). Phó Đức Phương kỹ tính không chỉ trong âm nhạc của mình, trong ca từ, trong hòa âm phối khí, kỹ tính khi dựng tiết mục, mà còn kỹ cả trong nhiều việc khác, cái gì cũng làm tới cùng. Một ca sĩ nổi tiếng đã nói đùa “Phó Đức Phương là người ở ngõ Hàng Hành…”. Phó Đức Phương không nghĩ đến làm show. Theo ông, việc kinh doanh âm nhạc không phải mối quan tâm của ông, nếu không đóng góp thêm một điều gì mới thật ấn tượng, thật giá trị nghệ thuật thì không được làm. Làm một show âm nhạc có chất lượng cao bây giờ rất tốn kém. Show diễn có thể phải đầu tư số tiền ngang giá trị ngôi nhà ông đang ở, nhưng ở tuổi đã ngoài 70, bạn bè, anh chị em bảo, ông phải làm đi, không thì không còn cơ hội nữa… Ông cười, bảo mình còn… trẻ chán, nhưng nghĩ thế nào rồi ông quyết định mở show… Cũng may, nhiều bàn tay đã chìa ra với ông trong dịp này giúp ông thỏa ước làm show nghệ thuật “Trên đỉnh phù vân”…

Ngoài đầu tư về công nghệ, kỹ thuật thì Chương trình “Trên đỉnh phù vân” sẽ được đầu tư về nghệ thuật như thế nào?

- Tôi chọn lựa trong số những tác phẩm được nhiều người nghe đón nhận bấy lâu nay, lấy ra hơn 20 ca khúc. Ý tưởng nghệ thuật của tôi đang được sự khích lệ, chia sẻ đầy hào hứng của các nghệ sĩ hàng đầu gắn bó với những tác phẩm đó: Từ nhạc sĩ hòa âm phối khí, nhạc công, ca sĩ, đạo diễn sân khấu, họa sĩ, thiết kế thời trang, nhiếp ảnh, quay phim, tổ chức biểu diễn… Tôi thực sự xúc động với những đồng cảm nghệ thuật của họ. Nhạc sĩ Đỗ Bảo sẽ là đạo diễn âm nhạc, hòa âm phối khí, ban nhạc chemiclassical của Đỗ Bảo, có bổ sung các nhạc công nhạc dân tộc… Đạo diễn sân khấu và dàn dựng Trần Ly Ly, Cao Trung Hiếu, Đỗ Võ Minh Hoàng… Họa sĩ Khánh Duy, nhà thiết kế thời trang Thủy Nguyễn, nhà nhiếp ảnh Phạm Bá Hùng… toàn những gương mặt “hot” ở thời điểm hiện nay trong làng giải trí.

Vậy còn ca sĩ, những người chủ chốt làm nên chương trình?

- Thanh Lam, Bằng Kiều, Tùng Dương, Thu Phương, Tấn Minh…, họ là những nghệ sĩ có đẳng cấp nghệ thuật cao, họ luôn làm mới chính họ, mới và hay, giàu sức thuyết phục, chính những phẩm chất đầy sáng tạo ấy làm nên tên tuổi họ. Cùng với những “sao” này là một lực lượng đông đảo các ban ca nổi tiếng khác như “Năm dòng kẻ”’, M4U, Nhóm tứ tửu với các nghệ sĩ Thanh Ngoan, Thanh Thanh Hiền, Huỳnh Tú… Những ngày cuối năm họ sẽ vô cùng bận rộn, nhưng họ vui vẻ tham gia chương trình này với hy vọng đem đến cho khán giả những khám phá mới trong những tác phẩm đã ghi dấu trong thời gian của tôi.

Vâng, có lẽ là những người hàng đầu cả... Tuy nhiên, nghe nói, ông là người quá khó tính, làm việc với người khó tính cảm xúc thường bị chi phối và ức chế. Sẽ có tình trạng xảy ra: Nghệ sĩ có thể không đủ kiên nhẫn, hoặc tác giả phải thay đổi tiêu chí hoặc sự khó tính của mình?

- Quả là tôi luôn vất vả vì sự khó tính ấy, với những tác phẩm của mình. Chuyện này đã trở thành giai thoại mà các nghệ sĩ một thời gắn bó với tôi trong các ban nhạc và các ca sĩ ruột của tôi thường đem ra “rỉa róc” một cách thú vị trong những cuộc tụ tập, khoát đàm vui vẻ. Tôi chỉ biết cười chịu trận mà thôi. Trong bụng, tôi vẫn một mực nghĩ rằng nghệ thuật muốn đi đến cùng thì phải như vậy… Tác giả và nghệ sĩ trình bày tác phẩm phải cùng nhau vượt qua. Gọi là kỹ tính thì đúng hơn. Vả lại ngần ấy cái tên tôi vừa nói bạn thử chỉ ra cho tôi có ai là người không kỹ tính không? Có ai không kỹ tính mà làm nên tên tuổi nghệ thuật không?

Âm nhạc của ông vô cùng độc đáo, ca từ đắt nghĩa đủ sức nâng đỡ và chia sẻ với đời sống, nghe riêng từng bài thấy rất sâu sắc, trí tưởng tượng và thẩm mỹ được đánh thức… Tuy nhiên, cũng có một lo ngại, trong một chương trình hơn 20 bài, liệu có nặng quá không?

- Bạn có ý nói, bữa tiệc có quá nhiều món “đỉnh” cũng chưa hẳn là bữa tiệc ngon chứ gì? Rồi bạn sẽ thấy êkíp thực hiện chương trình này họ giải bài toán “hóc búa” này như thế nào, chúng tôi tính cả những điều đó rồi.

Xin hỏi một điều rất cụ thể: Sân khấu có sức chứa hơn 3.000 chỗ ngồi, vậy cho đến giờ đã có bao nhiêu người đặt vé? Liệu nhạc sĩ có lo lắng cho việc đầu tư lớn mà thất thu không?

- Tôi không làm chương trình để tìm kiếm doanh thu, mà để tìm ý nghĩa nghệ thuật, tôi đặt ý nghĩa nghệ thuật lên hàng đầu. Đơn vị tổ chức chương trình này hiểu mong muốn đó ở tôi. Tuy nhiên, tôi cũng chẳng thể không lo lắng, vì nếu tiêu tốn tiền của bạn bè mà không đem lại hiệu quả cho đời sống thẩm mỹ thì chương trình thất bại. Hiệu quả đó đôi khi cũng phải định vị bằng khán giả. Nhưng, bạn có thể vui cùng tôi, cho đến giờ gần 2.000 chỗ đã có người đặt. Đấy là vé chưa phát hành. Từ nay đến lúc mở chương trình, một đêm duy nhất này nhà tổ chức còn lạc quan với tôi là có thể hy vọng không đủ chỗ.

Và một câu rất thật: Xin nhạc sĩ thứ lỗi. Người ta bảo nhạc sĩ có tình mới, tình mới khiến cho Phó Đức Phương làm show ở tuổi đầu 7?

- Chẳng giấu được ai, tôi vẫn rất… khao khát yêu thương. Đó là cái cốt lõi của mọi sự sáng tạo. Đúng là tình yêu khiến tôi làm show này thật.

Cảm ơn nhạc sĩ!

Phó Đức Phương là một nhạc sĩ sáng tác ca khúc, dòng nhạc trữ tình, khai thác nhuần nhuyễn và sáng tạo chất liệu dân ca Việt nhiều vùng miền. Sinh năm 1944, quê Văn Giang, Hưng Yên. Phó Đức Phương là cháu gọi nhà chí sĩ cách mạng Phó Đức Chính là chú ruột, nhà chí sĩ cách mạng tham gia cuộc khởi nghĩa Yên Bái thất bại, bị Pháp xử tử hình cùng nhóm 13 người của Nguyễn Thái Học…

 


 

Trương Huyền thực hiện
TIN LIÊN QUAN

Hà Nội: Tấp nập người mua, kẻ bán tại chợ hoa Hoàng Hoa Thám ngày cận Tết

PHẠM ĐÔNG - HỮU CHÁNH |

Những ngày cuối năm, đường Hoàng Hoa Thám trở nên rất náo nhiệt và nhộn nhịp, nhiều người dân Hà Nội đã tới đây mua sắm các cây cảnh, hoa cảnh để trang trí dịp Tết Quý Mão 2023.

Trung Quốc mở cửa và lãi suất chi phối thị trường hàng hóa 2023

Song Minh |

Lãi suất của Fed và việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ là những biến số chính trên thị trường hàng hóa toàn cầu trong năm nay, sau khi nhiều mặt hàng thiết lập mức cao lịch sử vào năm 2022 do lạm phát và chiến sự Ukraina.

Tóc Tiên: “Tết tôi thường cùng chồng về Hà Nội đón năm mới”

Mi Lan |

Nữ ca sĩ Tóc Tiên chia sẻ, cô thích khí hậu se lạnh, những món ăn đường phố ở Hà Nội. Tóc Tiên thường cùng chồng là nhà sản xuất âm nhạc Hoàng Touliver về Hà Nội đón năm mới.

Chợ đầu mối Long Biên tấp nập ngày cận Tết, cửu vạn làm không ngơi tay

Minh Hà - Việt Anh |

Tại chợ Long Biên ngày cận Tết, xe chở hàng về các chợ đầu mối càng đông, nối đuôi nhau thành một hàng dài. Không khí làm việc tại đây luôn khẩn trương, tất bật. Cửu vạn làm không nghỉ tay.

Những giải pháp nào vực dậy thị trường bất động sản năm 2023?

Bảo Chương |

Vướng mắc pháp lý của thị trường bất động sản hiện nay là vướng mắc lớn nhất, chiếm 70% khó khăn của các dự án bất động sản, nhà ở mà nếu không có giải pháp xử lý kịp thời, hiệu quả thì thị trường bất động sản có thể trượt vào suy thoái.

Công nhân nợ lương ở Lào Cai: Công đoàn đã hỗ trợ hàng nghìn suất quà Tết

Văn Đức |

Hơn 1.000 công nhân của Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt - Trung bị nợ lương gần 1 năm nay được tổ chức Công đoàn hỗ trợ hàng nghìn suất quà Tết.

Bắc Ninh: Báo Lao Động vào cuộc, người lao động được nhận lương sát Tết

Bảo Hân |

Tổng cộng có 15 công nhân đã nghỉ việc tại Công ty Cổ phần Gỗ nhựa sinh thái Việt Nam (có nhà máy sản xuất tại huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) bị nợ lương đã được trả lương ngay sát Tết, giúp họ có tiền để mua sắm Tết cho gia đình.

Di sản của huấn luyện viên Park Hang-seo để lại cho bóng đá Việt Nam

Thanh Vũ |

Huấn luyện viên Park Hang-seo chia tay bóng đá Việt Nam với hàng loạt thành công vang dội. Điều này cũng để lại áp lực không nhỏ dành cho người kế nhiệm trong tương lai.