Gặp gỡ cuối tuần

Nhạc sĩ Hồng Đăng: “Con người Việt Nam cũng như biển, lúc nào cũng sẵn sàng đương đầu với sóng gió”…

ĐỖ ANH THƯ THỰC HIỆN |

Nhạc sĩ Hồng Đăng (Phan Hồng Đăng), sinh ngày 1.1.1936 tại huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, cháu ruột nhà cách mạng nổi tiếng Phan Đăng Lưu. Cụ thân sinh Hồng Đăng là Phan Đình Tài, một nhà văn, nhà dịch giả có học vấn uyên bác.

Năm 16 tuổi, khi đang là học sinh kháng chiến Liên khu 4, ông đã có những sáng tác đầu tay “Nắng về Tây Bắc”, “Nhớ ơn Cụ Hồ”, “Đời học sinh”... phục vụ kháng chiến chống Pháp. Sau hòa bình, trở về Hà Nội, ông học lớp sáng tác khóa đầu tiên của Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia), cùng lớp với nhiều nhạc sĩ nổi tiếng: Hoàng Việt, Tô Ngọc Thanh, Vĩnh Cát, Huy Thục… Trong thời gian này, ông có nhiều ca khúc được người nghe biết đến: “Đường đi có nắng mặt trời”, “Quà tháng Năm”, “Giữa mùa sa nhân”, “Tổ quốc mười năm đã lớn”... và nhiều tác phẩm khí nhạc. Nhạc sĩ Hồng Đăng đã sáng tác trên 700 tác phẩm âm nhạc với nhiều thể loại như ca khúc, hợp xướng, khí nhạc, nhạc phim và sân khấu. Đặc biệt ông đã viết nhạc cho 70 bộ phim truyện Việt Nam, trong đó có các ca khúc có sức sống độc lập dù phim không ai còn nhớ nữa, như: “Hoa Sữa” (phim “Hà Nội mùa chim làm tổ”); “Lênh đênh” (phim “Đời hát rong”) và “Biển hát chiều nay”…

Cứ mỗi khi sang thu (không chỉ riêng tôi), ai sống xa cũng nhớ về Hà Nội, nhớ những chiếc lá vàng rơi rất nhẹ quá đỗi bình yên, và dịp này tôi ra Hà Nội lại được ngồi với vợ chồng NS Hồng Đăng tại quán Y-coffe (16 Lý Thường Kiệt) với khung cảnh làm cho người ta tĩnh lặng lại. NS Hồng Đăng vẫn vậy, hài hước, dí dỏm, dù phải chống nạng (tai nạn gãy chân mấy năm trước). Gặp ông, ai cũng nhận thấy đó là một người hiền hậu, với một tâm hồn nghệ sĩ rất đáng trọng.

Ông là một trong những nhạc sĩ hoạt động trên nhiều lĩnh vực giảng dạy, sáng tác thanh nhạc, khí nhạc, viết nhạc cho phim, viết sách, làm báo… Theo ông, phải chăng làm nghệ sĩ là phải có bản lĩnh đích thực, chấp nhận hy sinh, đớn đau, thậm chí là thua thiệt mới có được tác phẩm hay?

- Tôi bước vào con đường nghệ thuật năm 15 tuổi. “Con đường nghệ thuật” của tôi thoạt đầu không phải âm nhạc mà là kịch nghệ, làm thơ. Thời kháng chiến chống Pháp, sân khấu quần chúng rất sôi động. Tôi “quẹo” sang âm nhạc vì sự “tấm tức” thời trai trẻ. Trong trường học ở quê, có người bạn chơi guitar, tôi phục lắm, xin mượn tập nhạc lý, nhưng anh ta rất khệnh khạng, không cho mượn. Tức quá, tôi đi bộ một mạch 60km từ Yên Thành về TP. Vinh mượn được một tập tài liệu âm nhạc cũ bằng tiếng Pháp. Tôi miệt mài tự học từ đấy, chập chững sáng tác “Đời học sinh”, “Nhớ ơn Cụ Hồ” được chị Tân Nhân hát và bước đầu một số bạn nghe nhạc biết đến. Bài “Lênh đênh” tôi lấy cảm hứng từ số phận của một đôi trai gái yêu nhau nhưng suốt đời không bao giờ gặp được nhau, nên lúc nào cũng bâng khuâng như con thuyền lênh đênh trên sóng! Bài này cũng vận vào người (Hồng Đăng cười), cứ lêu bêu suốt, may mà cuối đời gặp được bà này (ông chỉ vào chị Thúy, vợ ông ngồi bên), kể ra số còn hên. Ca khúc “Hoa sữa” viết cho phim “Hà Nội mùa chim làm tổ” (1978), về tình yêu Hà Nội. Tôi nghĩ ngay đến đề tài hoa sữa có mùi hương độc đáo, quyến rũ chỉ riêng có vào mùa thu ở Hà Nội. Không ngờ rằng, sau bao năm nó vẫn “sống” trong lòng công chúng đến bây giờ. Nhiều ca sĩ thể hiện bài hát này rất thành công như: Thanh Lam, Hồng Nhung, Nhã Phương, Thanh Hoa, Tùng Dương... Đó cũng là khởi đầu để tôi tiếp tục sáng tác nhạc cho hơn 70 bộ phim và là nhạc sĩ đầu tiên được kết nạp vào Hội Điện ảnh Việt Nam và Hội Nhà văn Hà Nội. Đời tôi nhiều gian truân, trắc trở, “lên bờ, xuống ruộng”. Năm 1963, Tiệp Khắc mở cuộc thi sáng tác quốc tế ca khúc về hòa bình và hữu nghị. Tôi viết tác phẩm lấy tên là “Sóng biển lang thang”. Sau khi gửi đi được họ mời sang dựng ca khúc đó nhưng người ta không cho đi. 3 tháng sau có giấy báo tác phẩm được giải thưởng lớn (không có giải Nhất), vượt qua hàng trăm ca khúc của các nhạc sĩ của 30 nước. Tôi từng bị khép là thành phần “xét lại”. Hay như câu chuyện về “Hoa sữa” cũng bị hiểu sai là gây “hệ lụy” đến tận hôm nay. Do bài hát được nhiều người yêu thích, cây hoa sữa được “nhân giống” ra khắp nước. Nhưng nhiều nơi đem về trồng quá dày đặc trên phố như ở Quảng Bình, Đà Nẵng, Quảng Trị chẳng hạn. Oi ả như thế, hoa nở mùi nồng nặc ai mà chịu nổi, người ta phải chặt đi và đổ tội cho lão Hồng Đăng này hết… còn bảo khứu giác tôi chắc có vấn đề, cũng phải chịu thôi.

Người ta bảo ông là nhạc sĩ đa tài, ngoài những trục trặc ít ai tránh khỏi, với ông cái gì được nhất khi đã ngoài 80?

- Tôi thuộc thế hệ nhạc sĩ cách mạng, trải qua các cuộc chiến tranh khốc liệt. Nhiều người thường than thân trách phận, riêng tôi lại cám ơn số phận. Số phận cho tôi sống vào một thời thật đẹp. Cho tôi được gặp những lớp văn nghệ sĩ kháng chiến, rất yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Điều được nhất là tôi tự hào về một gia tài có nhiều ca khúc và các thể loại âm nhạc khác, trong đó có nhiều ca khúc được bạn nghe nhạc yêu thích. Lãi quá còn gì...

Nhân buổi trò chuyện này, tôi đã cám ơn NS Hồng Đăng giúp tôi mua cái chung cư trong Sài Gòn. Từ ngày mua nhà, ngày sửa nhà, rồi ngày dọn đến ở… tất tật là do Hồng Đăng xem hết. Tôi đùa: “Anh Đăng, nhất là chị Thúy tốn ối tiền điện thoại đấy”.

Nghe nói Hà Nội có 4 “đại ca” giỏi nhất về xem tử vi, tướng số trong đó có Hồng Đăng. Ông nghiên cứu lĩnh vực này khi nào vậy?

- Tôi biết xem tử vi, có lẽ do tôi khá môn toán từ nhỏ. Nhưng có một lý do trực tiếp, tôi có một cháu gái sinh năm 1968, cháu rất đáng yêu. Năm 1970, có người bạn của cha tôi từ Hà Tĩnh ra chơi. Ông cụ giỏi tử vi, tôi đem giờ sinh tháng đẻ của cháu ra hỏi, cụ phán một câu xanh rờn: “Cháu rất thông minh nhưng sợ không nuôi được!”. Tôi nghe không tin, cả nhà cũng không ai dám tin. Ngờ đâu, 2 tháng sau, cháu đang chơi ở nhà mẫu giáo thì bị ngã. Đưa vào bệnh viện hôm trước, hôm sau cháu qua đời. Không thể nói hết nỗi đau của cả nhà lúc đó, còn tôi giật mình nhớ lại lời ông cụ và hết sức tự trách mình, sao lúc đó không hỏi thêm ông! Thế là tôi lao vào tử vi. Lúc đó GS. Trần Quốc Vượng đã khá nổi tiếng về môn này. Đến mượn sách ông Vượng, không biết ông không có sách hay là giấu nghề, bảo không có. Vào thời kỳ này nhiều người cũng lấy lá số, nhưng ngành văn hóa thì coi là mê tín dị đoan. Vì là bạn chơi lâu năm, tôi nói với ông Vượng: “Ông nhớ nhé, 3 tháng sau tôi quay lại, đố ông bằng tôi”! 3 tháng sau quay lại , tôi và ông Vượng cùng xem lá số cho ông Viện, bố của ca sĩ Hồng Nhung, ông Vượng đoán rằng, vợ ông sẽ sinh con trai. Tôi bảo sinh con gái. Giao kèo là một con gà và một chai rượu Tây. Sau thì Hồng Nhung được sinh ra, ông Vượng thua, vụ gà rượu thì cười trừ, sau này khi nào xuống đó, tôi đòi tiếp.

Ngoài những ca khúc viết cho phim, ông còn là nhạc sĩ có nhiều ca khúc về biển. Có phải do sinh ra ở miền Trung, hình ảnh biển mặn mòi, bão gió, luôn “đeo bám” ông?

- Tôi sinh ra ở một vùng quê có biển, và biển dường như đã trở thành một điều gì đó vô cùng thân thuộc và gắn bó trong đời sống và tâm hồn của tôi. Biển đẹp, hiền hòa và dữ dội. Nó ẩn giấu những ký ức và khai mở những tâm hồn. Vùng đất khắc nghiệt miền Trung được thiên nhiên bù đắp cho đường bờ biển dài, tươi đẹp. Do vậy, nghề chính của cư dân nơi này chủ yếu dựa vào đánh bắt hải sản và du lịch biển. Mấy tháng trước nghe tin thảm họa môi trường chưa từng có đã biến nhiều nơi thành vùng biển chết. Từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế, dọc hàng trăm cây số bờ biển, cá nằm xếp lớp, phơi bụng trắng xóa… khiến lòng tôi quặn thắt! Tôi rất tán đồng với thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Bài học Formosa một lần nữa khẳng định, chúng ta không được hy sinh môi trường để phát triển kinh tế”.

Những ca khúc như "Biển hát chiều nay", "Đảo xa", "Hạ Long mây trắng"… không còn nghi ngờ gì, luôn là những bài hát hay về biển còn đọng lại trong trái tim người yêu âm nhạc?

- Tôi mong được như vậy, tôi từng nhận được điện thoại của nhiều khán giả gọi đến, họ nói “Biển hát chiều nay” là một bài hát xúc động. Hơn lúc nào hết, tình yêu đất nước, yêu Tổ quốc được nhắc đến theo một cách riêng, tình yêu - nhìn từ biển, đảo quê hương. Những hình ảnh biển, các chiến sĩ hải quân ngày đêm canh gác biển đảo quê hương cũng là một hình ảnh đẹp của vùng biển, vùng trời Việt Nam. Trong số hàng ngàn ca khúc của tôi, tôi chỉ viết khoảng 20 ca khúc về biển. Nhưng tôi đã viết các tác phẩm đó không chỉ xuất phát từ cảm hứng của một người nghệ sĩ, mà sâu thẳm trong tôi còn là một tình yêu lớn dành cho biển quê hương.

“Ơi biển Việt Nam, ơi sóng Việt Nam/ Qua bao nhiêu thăng trầm/ Mà chiều nay vẫn dịu dàng/ Vùi sâu dưới đáy những gì đau thương…” có lẽ bạn yêu nhạc không thể quên câu hát nổi tiếng của nhạc sĩ Hồng Đăng, đó là tiếng nói đằm thắm của đất nước, con người Việt Nam. Tuổi thơ của ông cũng gắn liền với biển. Đêm về, vẫn còn nằm nghe tiếng biển. Biển đã trở thành một phần không thể thiếu trong tâm thức của Hồng Đăng. Hơn 80 tuổi, với một cuộc đời cũng khá “lênh đênh” như biển, chất của biển đã ngấm sâu vào trong ông. Dù sức đã yếu, nhưng khi nói về biển, Hồng Đăng lại muốn đi ngay để được viết về biển...

Xin cảm ơn nhạc sĩ!

 

Nhạc sĩ Hồng Đăng nguyên là Phó Tổng Thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa 4 và 5; Tổng Biên tập Tạp chí Âm nhạc từ năm 1989 - 1996; được tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2001 cho cụm tác phẩm: “Biển hát chiều nay”, “Hoa sữa”, “Quà tháng năm”, “Kỷ niệm thành phố tuổi thơ” và hợp xướng “Lửa rực cháy”...

ĐỖ ANH THƯ THỰC HIỆN
TIN LIÊN QUAN

Tăng cường củng cố tin cậy chính trị Việt Nam - Hàn Quốc

Thanh Hà |

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin-pyo nhất trí tiếp tục tăng cường củng cố tin cậy chính trị.

Tướng hàng đầu Mỹ thị sát quân đội Ukraina

Ngọc Vân |

Tướng Mỹ Mark Milley đến Đức để giám sát chương trình huấn luyện binh sĩ Ukraina của Lầu Năm Góc.

Hà Nội ngày cận Tết, ra khỏi nhà là gặp... tắc đường

Tô Thế |

Hà Nội - Cũng như mọi năm vào dịp cận Tết Nguyên đán, các tuyến đường ở Hà Nội luôn có mật độ phương tiện lưu thông rất cao. Nhiều tuyến phố ùn tắc bất kể ngày đêm.

Hà Nội phân luồng ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc dịp Tết

PHẠM ĐÔNG |

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tổ chức phân luồng cho phương tiện ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Khu nghỉ dưỡng ẩn mình giữa rừng thông tuyệt đẹp ở Mộc Châu

Chí Long |

Nằm ngay trung tâm khu du lịch quốc gia Mộc Châu, Phoenix Mộc Châu Resort được bao phủ bởi rừng thông hàng trăm năm tuổi, với không khí trong lành, mát mẻ tựa như Đà Lạt thu nhỏ giữa núi rừng Tây Bắc.

Khởi tố cựu Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM vừa khởi tố thêm 5 bị can khác.

Không khí lạnh suy yếu dần, Bắc Bộ nắng hanh và tăng nhiệt

AN AN |

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định không khí lạnh tác động mạnh đến Bắc Bộ từ đêm nay đến ngày mai 18.1. Từ ngày 19.1, ngày có nắng hanh và nhiệt độ có xu hướng tăng nhẹ.

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.