Nhạc sĩ Hồ Trọng Tuấn: Nhiều thông điệp từ hình ảnh “ánh sao vàng soi đường” trong bài hát về Báo Lao Động

hiền hương (thực hiện) |

Đại tá, nhạc sĩ Hồ Trọng Tuấn - Hiệu trưởng Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội đã sáng tác ca khúc “Hành khúc Lao Động” nhân dịp kỷ niệm 90 năm Báo Lao Động ra số báo đầu tiên (14.8.1929 - 14.8.2019). Trước thềm kỷ niệm 95 năm - dấu mốc mới trên chặng đường lịch sử của Báo Lao Động, phóng viên có cuộc trò chuyện với Đại tá, nhạc sĩ Hồ Trọng Tuấn về những câu chuyện xoay xung quanh bài hát truyền thống của Báo.

Nếu được hỏi về những câu chuyện, kỷ niệm đáng nhớ nhất trong quá trình sáng tác ca khúc truyền thống cho Báo Lao Động, anh sẽ kể những câu chuyện như thế nào?

- Tôi có cơ duyên được làm việc cùng với Báo Lao Động từ chương trình "Vinh quang Việt Nam" tổ chức lần đầu tiên năm 2004. Hai mươi năm đã trôi qua, nhưng tôi vẫn nhớ kỷ niệm, ấn tượng của mình khi đọc về lịch sử của Báo Lao Động.

Khi nhận trọng trách sáng tác ca khúc cho "Vinh quang Việt Nam" và phụ trách phần nghệ thuật của đêm trao giải, tôi đã dành thời gian nghiên cứu về lịch sử của Báo.

Báo Lao Động là một trong những tờ báo ra đời sớm nhất trong lịch sử Báo chí cách mạng Việt Nam (năm 1929). Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là người đặt nền móng, đồng thời là Tổng Biên tập đầu tiên của Báo Lao Động.

Ra đời năm 1929, Lao Động đã đi cùng đất nước trên cả hành trình rất dài, từ cuộc trường chinh cách mạng với 2 cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại đến khi đất nước lập lại hòa bình, tiến hành đổi mới, phát triển kinh tế.

Tôi cho rằng, Báo Lao Động có hành trình lịch sử rất đặc biệt, trở thành tờ báo nói lên tiếng nói của người dân lao động, đồng thời là người bạn của nhân dân cả nước.

Suốt 20 năm được gắn bó, làm việc cùng Lao Động, tôi đã sáng tác ca khúc "Tổ quốc vinh quang", và sau này là, "Vinh quang Tổ quốc Việt Nam" cho chương trình "Vinh quang Việt Nam".

Nhạc sĩ Hồ Trọng Tuấn và Tổng Biên tập Báo Lao Động - Nguyễn Ngọc Hiển.  Ảnh: Vũ Linh
Nhạc sĩ Hồ Trọng Tuấn và Tổng Biên tập Báo Lao Động - Nguyễn Ngọc Hiển. Ảnh: Vũ Linh

Tôi vẫn nhớ những số đầu tiên của "Vinh quang Việt Nam", Báo Lao Động còn ở trụ sở Hàng Bồ. Thời ấy, tôi làm việc cùng với anh Nguyễn Ngọc Hiển, chúng tôi còn cùng nhau sang VTV để trao đổi, làm việc về đêm trao giải "Vinh quang Việt Nam".

Tôi rất ấn tượng với anh Nguyễn Ngọc Hiển, bởi sự năng nổ, quyết đoán và có tầm nhìn trong tư duy báo chí. "Vinh quang Việt Nam" là một chương trình trao giải, nhưng được xem như một sản phẩm báo chí, gắn liền với sự kiện, sức lan tỏa, tính tác động xã hội - như một tác phẩm báo chí.

Khi kỷ niệm 90 năm ra số báo đầu tiên, cách đây 5 năm, anh Hiển nói với tôi, Báo đang thiếu một bài hát truyền thống. Sau thời gian dài làm việc cùng, anh em hiểu nhau, tôi thấy mình như được nhận một nhiệm vụ mới, là sáng tác ca khúc truyền thống cho Báo Lao Động.

Hỏi thật anh, sáng tác ca khúc truyền thống cho một tờ báo - với anh, dễ hay khó?

- Tôi đã phải suy nghĩ, cân nhắc rất lâu. Làm thế nào để có thể “gói gọn” 90 năm lịch sử với bề dày truyền thống lớn lao như thế trong khoảng hơn 10 câu hát? Cấu trúc một bài hát thường chỉ có khoảng hơn 10 câu văn học (ca từ). Rất khó!

Tôi lại dành thời gian nghiên cứu một lần nữa lịch sử, hành trình 90 năm của Báo Lao Động, sức ảnh hưởng, lan tỏa, kim chỉ nam hoạt động... của Báo.

Báo Lao Động trải qua 90 năm với bao thế hệ nhà báo, phóng viên tài năng, bút sắc, tâm sáng lòng trong đã tiếp nối nhau để làm nên thương hiệu cho tờ báo. Khi báo điện tử chưa lên ngôi, báo in của Lao Động là người bạn thân thiết của người lao động nói riêng và của toàn dân nói chung.

Nhìn vào 90 năm lịch sử, tôi còn thấy những thế hệ nhà báo đã ngã xuống vì sự nghiệp cách mạng của Tổ quốc, tôi nhìn thấy thế hệ những nhà báo không ngại hiểm nguy, lăn xả với những tuyến bài điều tra, đấu tranh với những bất cập trong thời đại mới, góp phần xây dựng xã hội trở nên tốt đẹp hơn.

Gói gọn tất cả những điều ấy trong hơn 10 câu viết, tôi đã phải nghiên cứu, chắt lọc rất kỹ.

Tôi mở đầu với câu hát “Ta ra đời từ ngày đầu Cách mạng”, để nói Lao Động đi tiên phong trong phong trào Cách mạng những năm 1929 - 1930 như thế nào, sau cách mạng, tờ báo “đi lên cùng đất nước”, lớn mạnh cùng đất nước...

Từ đoạn 1 dẫn sang đoạn 2 của bài hát, tôi có nhắc đến hình ảnh “ánh sao vàng soi đường”. Bên cạnh chữ Lao Động trên măng-sét của tờ báo luôn có một ngôi sao. Ngôi sao này giống như ánh sáng, như thương hiệu của báo đã được đất nước, nhân dân ghi nhận. Ngôi sao của Báo Lao Động được hình thành từ hành trình dài của lịch sử, được ghi nhận từ các huân, huy chương.

Câu “nhắc đến tên ta có ánh sao vàng soi đường” để dẫn sang lời 2 của bài hát “tự hào thay người làm báo hôm nay”, “ánh sao” là sự nối tiếp, chuyển giao giữa các thế hệ làm báo, từ thời Cách mạng đến thời hòa bình, xây dựng và phát triển.

Lao Động hãy là một ngôi sao trong lòng bạn đọc.

“Ánh sao vàng soi đường” còn là hình ảnh biểu tượng trên lá quốc kỳ của Tổ quốc, để cho thấy sự dẫn dắt của lý tưởng, của Đảng trong hoạt động báo chí ở Lao Động.

Lao Động là tờ báo của Đảng, của nhân dân lao động, nhưng với tầm nhìn, sức ảnh hưởng của mình, tờ báo đã vượt xa khỏi chức năng của một tờ báo ngành để thể hiện được vị thế của mình với bạn đọc cả nước. Đó là một thành công lớn.

Cảm xúc chủ đạo của anh khi đọc về lịch sử của Lao Động và khi sáng tác ca khúc truyền thống cho báo là gì?

- Là niềm tự hào. Tôi chỉ là người ngoài, nhưng tôi đặt mình vào vị thế của phóng viên, biên tập viên, những người đang làm việc tại Báo. Chắc hẳn, ai cũng sẽ tự hào khi được làm việc trong một tờ báo có bề dày truyền thống lịch sử như thế.

Đương nhiên, bản thân tôi cũng rất đỗi tự hào, vì đã có 20 năm được làm việc, gắn bó với báo, được tham gia phần nghệ thuật trong những chương trình quan trọng của báo.

Vậy, bề dày lịch sử, tiếng nói đại diện của nhân dân lao động, các tuyến bài điều tra gây tiếng vang hay yếu tố nào sẽ giúp anh quyết định đọc một tờ báo giữa rất nhiều cơ quan báo chí khác nhau?

- Điều này sẽ phải phân tích sâu nhé, vì mỗi giai đoạn trong đời - chúng ta sẽ có xu hướng đọc những thông tin khác nhau.

Lao Động có những giai đoạn rất thăng hoa rực rỡ. Tuy nhiên, ở khoảng thời gian này, tôi còn rất trẻ, lúc ấy tôi sẽ đọc Sinh Viên, Hoa Học Trò...

Sau này, khi tôi trưởng thành hơn, Báo Lao Động có tầm ảnh hưởng lớn với nhiều tuyến bài điều tra, phóng sự gắn với quyền lợi của người lao động. Bản thân tôi xuất thân từ gia đình lao động, khi đọc những tuyến bài về công nhân, về người lao động, tôi thấy mình trong đó. Những bài viết của Báo Lao Động gắn với tiếng nói, suy nghĩ, sự quan tâm của tầng lớp lao động, bảo vệ quyền lợi của người lao động. Chính vì vậy, tôi đã chọn đọc Báo Lao Động.

Báo đã vượt ra khỏi chức năng của một tờ báo ngành là nhờ sức ảnh hưởng, độ lan tỏa lớn của các tuyến bài.

Giấy chứng nhận Bản quyền tác phẩm “Hành khúc Báo Lao Động“.
Giấy chứng nhận Bản quyền tác phẩm “Hành khúc Báo Lao Động“.

Trong lĩnh vực âm nhạc của chúng tôi, đơn cử như bài hát “Hà Giang quê hương tôi” chỉ sáng tác về tỉnh Hà Giang nhưng lại được cả nước yêu thích, vì giai điệu đẹp. Hay, bài hát của nhạc sĩ Trần Tiến, “Sao em nỡ vội lấy chồng” được sáng tác để tuyên truyền cho phong trào Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, nhưng được đông đảo khán giả yêu thích.

Tôi mới có bài “Thanh tra đường mới” cũng vậy, được rất nhiều tầng lớp khán giả khác nhau cùng hát.

Đó chính là sự thành công!

Báo chí hôm nay đang đứng trong biến động rất lớn của thời đại, ở góc độ của mình, anh có thể định vị vị trí Báo Lao Động trong hệ thống báo chí hiện đại?

- Công nghệ phát triển, mạng xã hội hôm nay như đang trở thành một cuộc sống khác phát triển song song với cuộc sống thực của mỗi chúng ta. Thế giới mạng và thế giới thực.

Trong đó, thế giới mạng xã hội cũng là một thế giới thông tin khổng lồ, với rất nhiều tin giả. Cùng với đó, các trang tin cũng mọc lên, giật title, câu view.

Lao Động cùng với những tờ báo chính thống cần phát huy mạnh mẽ chức năng định hướng của mình. Nếu báo chính thống không phát huy được hết chức năng thì tin giả, tin sai sự thật sẽ ngập tràn.

Tôi hay đọc Báo Lao Động điện tử. Tôi được biết, Lao Động có báo điện tử từ rất sớm, tôi đánh giá đây là sự nhanh nhạy, nắm bắt kịp thời xu hướng đọc của độc giả. Nền tảng số, không gian điện tử là công cụ để đưa tin nhanh nhất đến độc giả.

Xu hướng đọc ngày nay đã có sự thay đổi lớn, độc giả ngại đọc bài dài, chủ yếu thích đọc tin. Chính vì thế, TikTok có đất sống khi chỉ làm những video vài giây. Cuộc sống ngày càng gấp gáp, vội vã.

Tôi cho rằng, những tờ báo chính thống đang đứng trước thách thức rất lớn, vừa phải chạy đua trong “cuộc chiến” thông tin với mạng xã hội, vừa phải đúng định hướng, đúng mục tiêu tôn chỉ, lại vừa phải thu hút, hấp dẫn được độc giả, để tự thu tự chi.

Mỗi thời đại đều có thách thức riêng. Thời đại kinh tế thị trường đang đặt ra cho các nhà báo những khó khăn mới. Báo in đang dần mất đi những thế mạnh của mình. Đưa công nghệ vào để phát triển báo chí sẽ là một cuộc chạy đua không hề đơn giản.

Tôi chúc cho Báo Lao Động luôn là ngôi sao trong lòng độc giả. Chúc cho Báo tiếp bước truyền thống hiển vinh, vượt qua khó khăn để luôn là tiếng nói của người lao động nói riêng và của nhân dân cả nước nói chung.

Hình như anh có một lời hẹn với dấu mốc 100 năm của Báo Lao Động?

- Vào ngày kỷ niệm 95 năm Báo Lao Động ra số báo đầu tiên, tôi có một lời hẹn với anh Nguyễn Ngọc Hiển và anh Nguyễn Đức Thành, rằng đến lễ kỷ niệm 100 năm, tôi sẽ có tác phẩm dành riêng cho ngày đặc biệt này của Báo.

Lời hứa không dễ thực hiện, nhưng cứ giữ lời hứa trong tâm mình, tôi nghĩ, ý tưởng có thể sẽ bất ngờ xảy đến.

hiền hương (thực hiện)
TIN LIÊN QUAN

Đại tá, nhạc sĩ Hồ Trọng Tuấn làm Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội

Ý Yên |

Theo Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, đơn vị này vừa bổ nhiệm Đại tá, nhạc sĩ Hồ Trọng Tuấn làm Hiệu trưởng.

Bộ Công an tặng bằng khen cho Báo Lao Động

Bảo Tuấn |

Chiều 14.6.2024, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức buổi gặp mặt đại diện lãnh đạo các cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý báo chí, cơ quan thông tấn, báo chí, nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21.6.1925 – 21.6.2024). Thượng tướng Lương Tam Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì buổi gặp mặt.

Chi hội Nhà báo Báo Lao Động nhận Cờ thi đua xuất sắc

MINH QUÂN |

TPHCM - Chi hội Nhà báo Báo Lao Động là một trong số 18 đơn vị được Hội Nhà báo Việt Nam tặng Cờ thi đua xuất sắc năm 2023.

Báo Lao Động đón nhận Huân chương Lao động Hạng Nhất

Nhóm phóng viên |

Báo Lao Động vinh dự đón nhận Huân chương Lao động Hạng Nhất của Chủ tịch nước trong dịp kỷ niệm 95 năm Ngày xuất bản số báo đầu tiên (14.8.1929-14.8.2024).

Bắt tạm giam tài xế xe tải gây tai nạn ở cầu Phú Mỹ

Minh Tâm |

TPHCM - Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Thủ Đức đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Trịnh Tiến Dũng, người gây tai nạn liên hoàn ở cầu Phú Mỹ.

Nghệ sĩ Hữu Độ phim Cảnh sát hình sự qua đời ở tuổi 90

Anh Trang |

Đại diện gia đình cho biết, diễn viên Hữu Độ qua đời tối 13.8, do tắc nghẽn động mạch phổi, hưởng thọ 90 tuổi.

Xây dựng bảng giá đất nên nghĩ về quyền lợi của người dân

Bảo Chương |

Nên đặt mình vào hoàn cảnh của người dân để thấy rõ hơn vì sao tại thời điểm hiện nay chưa nên ban hành bảng giá đất mới.

Xe tải mất lái lao từ cao tốc Nội Bài - Lào Cai xuống cầu

Đinh Đại |

Đang lưu thông trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai, xe ôtô tải bất ngờ mất lái, lao xuống cầu Khe Sang.

Đại tá, nhạc sĩ Hồ Trọng Tuấn làm Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội

Ý Yên |

Theo Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, đơn vị này vừa bổ nhiệm Đại tá, nhạc sĩ Hồ Trọng Tuấn làm Hiệu trưởng.

Bộ Công an tặng bằng khen cho Báo Lao Động

Bảo Tuấn |

Chiều 14.6.2024, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức buổi gặp mặt đại diện lãnh đạo các cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý báo chí, cơ quan thông tấn, báo chí, nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21.6.1925 – 21.6.2024). Thượng tướng Lương Tam Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì buổi gặp mặt.

Chi hội Nhà báo Báo Lao Động nhận Cờ thi đua xuất sắc

MINH QUÂN |

TPHCM - Chi hội Nhà báo Báo Lao Động là một trong số 18 đơn vị được Hội Nhà báo Việt Nam tặng Cờ thi đua xuất sắc năm 2023.