Gặp gỡ cuối tuần

NHÀ VĂN VĨNH QUYỀN: “Tại sao chúng ta không làm thử từ bây giờ…?”

Quang Hân thực hiện |

Về lại miền Trung những ngày giữa tháng 10, nơi đây đang điêu đứng trong bão lụt. Những hình ảnh tang thương và những con số thống kê thiệt hại, khiến những người thờ ơ nhất cũng thấy xót xa. Gặp nhà văn Vĩnh Quyền trong một quán nhỏ, nhìn qua khung cửa sổ, mưa rơi trắng trời.

Mưa thì không có gì lạ lẫm, nó quá quen thân ở dải đất miền Trung này. Tôi cũng vậy, cũng có một thời gian sống nơi đây, nên những giọt mưa chéo, giọt mưa ngang, bay rát mặt… cũng quá thân quen. Vĩnh Quyền vẫn vậy, tóc để dài, kính john, áo quần lịch lãm, đặc biệt say mê nói chuyện văn chương từ đầu bữa đến cuối bữa, đố ai chen nổi câu nào. Lại nhớ những ngày đầu sống tôi vào đây, thuê nhà trong con hẻm vắng hoe, mưa rơi suốt ngày lộp bộp xuống mái tôn, sao mà buồn và nhớ Hà Nội. Mới vào được 2 ngày thì phải đi Quảng Bình viết về bão lũ. Lần đầu tiên tôi được sống cùng người dân khi nước lũ tràn về mênh mông, những căn nhà lút mái. Về, tôi được đăng một trang phóng sự ảnh khi bão lụt rút đi, bùn đất ngổn ngang ở nhà cửa, trường học, nhìn ánh mắt những đứa trẻ phơi sách vở, ẩm ướt, hoen ố nom thật tội. Xong việc, tôi đội mưa đến thăm Vĩnh Quyền (lúc đó là Trưởng VPĐD Báo Lao Động tại miền Trung - Tây Nguyên), ông pha trà, rồi mới sáng ra đã rót rượu thuốc. Biết tôi vừa đi vùng lũ về, ông kể, trước có cậu PV đi vùng lũ gửi ảnh về, chầu chực ra sân bay đón trực thăng, đợi suốt mấy tiếng trong mưa. Cầm các cuộn phim, Vĩnh Quyền mừng quá chạy về giao bộ phận in tráng xử lý. Xem ảnh xong, gọi ngay cho cậu PV mắng: “Ảnh chụp lũ lụt mà thế à? Chụp thế à? Người dân trong vùng bão lũ mà ai cũng cười, ai cũng cười, chụp thế à?”. Cậu ấy vặc lại: “Chụp thế nào nữa anh? Bọn em nâng máy lên thì bà con cười, thì chỉ có ảnh cười chứ biết răng anh?”. Hôm sau, trên báo Lao Động vẫn có phóng sự ảnh về những nụ cười trong lũ, đúng thật, không cười sao mà trụ vững được. Kể thế rồi ông chuyển ngay sang chuyện văn chương, hào hứng lắm, tôi thì dốt lĩnh vực này, cứ uống rượu ngồi nghe. Được thân quen với Vĩnh Quyền, và một số đồng nghiệp khác nơi đây, mưa cứ rơi trên mái tôn nơi ở, kệ, tôi mất cảm giác buồn vu vơ, rung động vặt…

Cách đây gần 30 năm, bạn đọc bắt đầu chú ý đến cái tên Vĩnh Quyền, khi đó còn rất trẻ. Năm đó, ông xuất bản 3 tiểu thuyết và 1 tập truyện ngắn đều thuộc đề tài lịch sử. Mảng này khá là “xương xẩu”, còn quá vắng vẻ trong văn học hiện đại Việt Nam, sao ông “liều” thế?

- Tôi sinh ra ở Huế, nhưng lại trưởng thành trên đất Quảng. Ở đại học, tôi chuyên Hán - Nôm (Vĩnh Quyền sinh năm 1951, tốt nghiệp Đại học Sư phạm và cử nhân Văn khoa Huế - PV). Dải đất miền Trung đầy biến động giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX là đề tài mà tôi khá tâm đắc. Trong giai đoạn lịch sử này và Thuận Hóa, Quảng Nam có mối quan hệ máu thịt trong suốt quá trình vận động yêu nước và cách mạng. Vừa làm báo, vừa viết văn, nên tôi có điều kiện thâm nhập thực tế, nghiên cứu quá khứ của vùng Thuận - Quảng. Khả năng xử lý tư liệu Hán - Nôm cũng là yếu tố tích cực giúp tôi vượt qua ngưỡng cửa gian khổ của một nhà văn khi chọn đề tài lịch sử. Tư liệu cổ dường như một căn phòng khép kín đối với các nhà văn trẻ. Đấy là một trong những nguyên nhân thiếu vắng tác giả tiểu thuyết lịch sử. “Vầng trăng ban ngày” là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của tôi, mạnh dạn xây dựng một hoàng đế triều Nguyễn làm nhân vật tích cực. Tôi viết từ năm 1983, bốn năm sau, chúng ta mới được chứng kiến lễ đón rước hài cốt nhà vua yêu nước Duy Tân về cố đô yên nghỉ nghìn thu. “Mạch nước trong” tái hiện phong trào Duy Tân của thế hệ nho sĩ đầu thế kỷ XX. Tôi muốn bắc thêm một nhịp cầu giữa quá khứ và hiện tại, khẳng định truyền thống khát vọng đổi mới của ông cha để chúng ta có chỗ tựa tinh thần vững chắc trong cuộc vận động đổi mới tư duy đang diễn ra vào những năm cuối thế kỷ XX.

 

 

Nhà văn Nguyễn Văn Bổng nhận xét, trong tiểu thuyết “Mạch nước trong” cuộc gặp gỡ giữa Phan Bội Châu - Trần Quý Cáp, Phan Châu Trinh - Trần Quý Cáp trên sông Hương là những trang văn khá đặc sắc. Điều đó nói lên, về mặt tư liệu, ông rất có ý thức tôn trọng sự thật lịch sử?

- Huế bấy giờ là kinh đô. Quảng Nam - Đà Nẵng là cửa ngõ của kinh đô Huế, là tỉnh có tầm quan trọng hàng đầu trong Tả trực kỳ. Mỗi biến cố, dù nhỏ hay lớn của Huế, đều trực tiếp dội vào Quảng Nam và ngược lại. Trong cuộc khởi nghĩa 1916, Phan Bội Châu quyết định chọn Quảng Nam làm căn cứ địa nhưng cần con dấu Văn lý mật sát của nhà vua trẻ Duy Tân để phụng kim thượng vi an dân cơ sở, cần nổ phát súng thần công từ Phu Văn Lâu. Hội Duy Tân chọn Quảng Nam làm đại bản doanh vì: Quảng Nam đất rộng, giàu, lại nhiều nhân vật yêu nước có tài thao lược. Quảng Nam ở trung độ cả nước, dễ liên lạc. Muốn phát triển mối giao lưu vạn quốc cũng thuận tiện, Quảng Nam có cửa khẩu Hội An, Đà Nẵng... nhưng các danh sĩ Quảng Nam bấy giờ như Tiểu La - Nguyễn Thành, Thái Phiên, Châu Thượng Văn... đã liên kết chặt chẽ với Phan Bội Châu...

Hội chợ sách Frankfurt 2016 diễn ra từ ngày 19 - 23.10. Số lượng nhà xuất bản, công ty phát hành của Việt Nam tham dự sự kiện sách lớn nhất hành tinh này tăng mỗi năm. Tuy nhiên, ngoài sách tham khảo lịch sử, văn hóa, kinh tế, du lịch… mảng sách văn học còn rất vắng, không đáng kể so với những gian hàng các nước. Trong bối cảnh đó, nhà văn Vĩnh Quyền hai năm liền có tác phẩm đến Frankfurt tìm cơ hội quảng bá. Cũng dễ hiểu “hiện tượng” này khi cả hai đều được sáng tác bằng Anh ngữ: Tập truyện ngắn “The Dusk Wolf” (Sói hoàng hôn, 2015) và tiểu thuyết “Debris of Debris” (Bản tiếng Việt “Mảnh vỡ của mảnh vỡ” nhận giải B (không có giải A) cuộc thi tiểu thuyết 2011 - 2015 của Hội Nhà văn, NXB HNV xuất bản 2016).

Ý định sáng tác tiểu thuyết tiếng Anh bắt nguồn thế nào?

- Ở đại học, tôi chuyên Hán - Nôm. Tiếng Pháp, tiếng Anh là hai sinh ngữ bắt buộc từ thời trung học ở miền Nam. Vào đời, hai món Hán - Nôm và Pháp rơi rụng dần vào quên lãng. Tiếng Anh đồng hành vì tôi mê đọc tiểu thuyết Anh - Mỹ. Ban đầu hiểu lơ mơ, chậm, đọc riết sáng dần, nhanh hơn. Khi may mắn đỗ vào khóa đào tạo báo chí Thomson Foundation (Anh) nhiều đêm, trong khi học viên Ấn, Phi ngủ khò vì xong việc từ lâu thì tôi phải thức khuya viết bài, tất nhiên tiếng Anh, cho kịp deadline hôm sau, nếu không muốn bị trả về nước. Giảng viên người Anh kiên trì bôi xanh đỏ nát cả bài viết 800 chữ của tôi, chủ yếu lỗi diễn đạt, trước khi cho đăng. Anh văn thông tấn bấp bênh vậy sao dám nghĩ văn chương, lại không có lực đẩy nghiêm túc nào. Mấy năm sau tôi gặp nhà văn Canada - David Bergen. Hơn 6 tháng, ngày nào cũng gặp nhau, tôi kể David nghe linh tinh về văn hóa, về chiến tranh Việt Nam… Bẵng một thời gian, năm 2005 được tin tiểu thuyết “The Time in Between” (Ở lưng chừng thời gian) của anh ấy đoạt giải văn học Scotiabank Giller.

Đọc nó, tôi cảm nhận câu chuyện về đất nước mình thật gần gũi bởi bắt gặp ở đấy những nhân vật mang hình ảnh bạn bè chung quanh, và cả những mẩu chuyện tôi từng kể cho David, tất nhiên chúng hiện ra trên trang văn một cách mới mẻ, đẹp, và có sức hút lạ lùng... “The Time in Between” khiến tôi mất ngủ bởi câu hỏi: Tại sao nhà văn Việt Nam không thể trực tiếp kể chuyện đất nước mình cho cả thế giới? Thưa rằng, trong số các rào cản, ngoại ngữ là rào cản chủ quan, thuộc về nhà văn.

“Debris of Debris” có gì mới so với văn học viết về chiến tranh và hậu chiến?

- Câu hỏi này xin dành cho bạn đọc và các nhà phê bình văn học. Còn với vai trò nhà văn, khi khởi viết “Debris of Debris”, tôi cũng có khát khao làm mới mình. Tôi thấy ở Mỹ có đến nghìn tiểu thuyết/hồi ký về chiến tranh Việt Mỹ. Nhân vật chính tất nhiên là quân đội và viên chức Mỹ; nếu có yếu tố Việt hẳn là nhân vật bối cảnh miền Nam: Quan binh Sài Gòn, “vi-xi”, và gái điếm. Ở Việt Nam, nhân vật tiểu thuyết chiến tranh - hậu chiến chủ yếu là bộ đội, du kích, và nhân dân vùng kháng chiến

Nếu có yếu tố đô thị, thì bên cạnh nhân vật cách mạng hoạt động bí mật là “ngụy”. Trong “Debris of Debris” tôi dành toàn bộ dung lượng cho thế hệ trí thức trẻ miền Nam, thế hệ tôi, có người tham gia phong trào yêu nước tại đô thị, có người dính líu chế độ Sài Gòn. Tôi nghĩ mảng hiện thực này lần đầu tiên được khai thác như chủ thể tiểu thuyết. Đó là cái mới, không chỉ với văn học Việt Nam. Trên báo Văn Nghệ, nhà phê bình Nguyễn Chí Hoan viết: “Có lẽ chưa cuốn tiểu thuyết nào từ sau ’75 kể một câu chuyện hậu chiến trẻ trung như "Mảnh vỡ của mảnh vỡ" (Debris of Debris). Nhóm nhân vật tạo nên vai-chính của tấn kịch này đều là các nhân vật trẻ, trong độ tuổi hoàng kim của đời người, khi những số phận bọn họ đồng loạt nghiệm trải cơn hồng thủy “thay ngôi đổi chủ”. Về nghệ thuật tiểu thuyết, tôi cho rằng, chỗ đứng nhà văn quyết định tính chân thực của tác phẩm. Và tôi chọn vị trí người quan sát chứ không làm người trong cuộc. Nhà văn có quan sát riêng, xuyên qua bề ngoài để khám phá chuyển động bên trong con người và mô tả bằng ngôn ngữ tiểu thuyết. Con người, đối tượng của nhà văn, dù vị trí nào, phe phái nào, đều được nhà văn đối xử như nhau trong quá trình phát hiện, khám phá. Nhà văn không né tránh những “vùng cấm” theo luật bất thành văn lâu nay, chẳng hạn không “thả nổi” cho nhà văn nước ngoài “độc quyền” khai thác các hiện thực được cho là nhạy cảm như trại cải tạo, vượt biên... Chỗ đứng nhà văn như vậy không mới trong thiên hạ, nhưng với chúng ta có thể là chuyện khác.Tuy nhiên, có vẻ hơi sớm với không khí lúc này, đúng không? Nhưng tôi tin cái nhìn toàn diện về chiến tranh rồi sẽ được chấp nhận. Vậy tại sao chúng ta không làm thử từ bây giờ?

Miền Trung thật khắc nghiệt, bão lũ liên miên sống ở vùng đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi” nên dù kham khổ cỡ nào, họ cũng ráng cho con cái ăn học thành tài, tới nơi tới chốn (nhất là người Huế). Đặc biệt cuộc sống nơi đây đã tạo nên nhu cầu bứt phá, thay đổi cũng như làm nên khả năng chịu đựng đến mức phi thường. Không ít người miền Trung đã thành đạt, có tiếng tăm từ cái nhu cầu bứt phá. Sự gan lỳ, liều mình đã làm cho miền Trung từ lâu luôn là cái nôi nâng đỡ thành công, Vĩnh Quyền cũng nằm trong số đó. Mới mấy năm trước, ông trò chuyện sẽ viết truyện bằng tiếng Anh, tưởng nói chơi, ai ngờ “mần thật”. Nói giọng Huế “mấy năm chớ mấy” ra liền tập truyện ngắn "The Dusk Wolf" (Sói hoàng hôn, 2015) và tiểu thuyết "Debris of Debris" (Mảnh vỡ của mảnh vỡ) thì "chứ mấy" này rất đáng nể trọng về sức làm việc của Vĩnh Quyền. Ông còn là một nhà báo xông xáo, có nhiều tác phẩm rất có uy tín. Vĩnh Quyền - con người thẳng thắn, tràn đầy sự chân thành, được bạn bè rất quý trọng.

Xin cảm ơn nhà văn Vĩnh Quyền!

Nhà văn, nhà báo Vĩnh Quyền là tác giả của tiểu thuyết: “Vầng trăng ban ngày”, “Mạch nước trong”, “Trước rạng đông”; các tập truyện ngắn: “Người tử tù không chết”, “Người vẽ chân dung thế gian”, “Màu da thượng đế”… và nhiều tác phẩm báo chí.
Quang Hân thực hiện
TIN LIÊN QUAN

Phân công nhiệm vụ của các Phó Thủ tướng Chính phủ

Vương Trần |

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định 19/QĐ-TTg ngày 15.1.2023 về việc phân công nhiệm vụ của các Phó Thủ tướng Chính phủ.

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.

Dự báo diễn biến không khí lạnh mạnh giáp Tết Nguyên đán 2023

AN AN |

Cơ quan khí tượng nhận định không khí lạnh sẽ tác động mạnh hết ngày mai 17.1.2023 (tức ngày 26 Tết Nguyên đán).

Nguyễn Thái Luyện kháng cáo sau khi bị tuyên án chung thân

Anh Tú |

TPHCM - Sau khi bị TAND TPHCM tuyên án chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị cáo Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba) vừa có đơn kháng cáo kêu oan cho rằng mình không lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Công ty Alibaba không gian dối khi cung cấp thông tin về các thửa đất để bán cho khách hàng.

Nói về sai phạm ở Cục Đăng kiểm, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải: "Tôi cũng thấy xấu hổ"

Khánh Hoà |

Nhìn lại vụ việc liên quan tới Cục Đăng kiểm thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng thừa nhận dù mới về công tác tại bộ 2 tháng nhưng bản thân ông cũng thấy xấu hổ khi biết thông tin. Tuy nhiên, ông Thắng khẳng định cán bộ hư thì phải xử lý, kể cả thay 100% nhưng vẫn phải tập trung làm tốt nhiệm vụ được giao.

Tất bật ngược xuôi giao hàng, shipper vẫn lo không có Tết

Thiện Nhân-Tùng Giang |

Nhiều shipper giao hàng chia sẻ, những ngày giáp Tết Nguyên đán dù đơn hàng tăng cao nhưng thu nhập thực tế vẫn chưa đạt như kỳ vọng.

Nhân tố bất ngờ có thể giúp sớm chấm dứt chiến sự Ukraina

Ngọc Vân |

Thời tiết mùa đông ấm áp bất thường trong năm nay có thể giúp sớm chấm dứt chiến sự Ukraina.

Cổ động viên Thái Lan đặt dép giữ chỗ mua vé xem chung kết AFF Cup 2022

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Người hâm mộ bóng đá Thái Lan bày tỏ sự thất vọng khi không thể mua được vé xem đội nhà đá chung kết lượt về AFF Cup 2022.