Nhà văn Thương Hà và cuốn tiểu thuyết hiếm hoi về Đại dịch

Trần Thế Vinh (thực hiện) |

Sau khi ra mắt hai tiểu thuyết dày dặn “Người PTSD”, “Một con đường” sử dụng bút pháp hiện thực, nữ nhà văn Thương Hà tiếp tục trình làng tiểu thuyết thứ ba “Nalis xô dạt bờ định mệnh” với bút pháp hiện thực huyền ảo. Phiêu diêu trên cánh đồng chữ nghĩa, người đọc không khó để nhận ra ở tác giả một đam mê văn chương nồng nhiệt, một cái nhìn chân thật, một tình người trong trẻo... để kể chuyện, để dựng truyện, để lý giải và truyền thông điệp.

Cuộc dấn thân vì chữ nghĩa của Thương Hà trong cuốn tiểu thuyết mới nhất này đã tạo ra cho người đọc nhiều cảm xúc và cả sự trải nghiệm, như thể chính mình cũng là những nhân vật đang can dự vào sự xô dạt định mệnh của cả nhân loại trong vũ trụ bao la đã và đang chứa chất bao huyền bí về sự sống và cái chết. Nhà văn Bùi Thanh Minh nhận định:

“Đại dịch COVID-19 đã làm chao đảo thế giới khiến cho hàng trăm triệu người nhiễm bệnh, hàng triệu người tử vong; kinh tế lao dốc, nạn thất nghiệp, thất học, đói kém, tệ nạn xã hội gia tăng nhanh chóng. Và đã nổ ra một cuộc tranh cãi: Vậy cái con virus chết người này từ đâu ra? Đại dịch này còn làm khốn khổ con người trong bao lâu? Liệu những loại vaccine khẩn cấp do con người chế tạo ra có dập tắt được dịch bệnh không? Từ góc độ tư tưởng, triết luận tác giả Thương Hà đã dẫn dắt, lý giải về Đại dịch COVID-19 nói riêng và các đại dịch đã và sẽ còn xảy ra bằng nhân vật Nalis - một loại virus trong thế giới siêu vi.

Câu chuyện khởi đầu từ những tin tức đầy rẫy trên các đài báo, ti vi, mạng xã hội được cập nhật từng giờ, thậm chí từng phút; các nước Châu Âu đang lâm vào tình trạng suy thoái tồi tệ nhất bởi Đại dịch Nalis; số ca nhiễm và chết vì Nalis ở nước Mỹ khiến các bệnh viện quá tải; WHO đánh giá biến chủng mới đặc biệt nguy hiểm bởi tốc độ lây lan nhanh chóng... Kèm theo đó là một loại virus còn nguy hiểm hơn cả virus gây bệnh - những tin tức giả cũng tràn lan trên các trang mạng xã hội do các “anh hùng bàn phím” chế ra để câu like, để thực hiện các mưu đồ đen tối. Lực lượng an ninh mạng các nước và ở Việt Nam phải căng mình ra chống đỡ các “virus giả” vô cùng độc hại này. Một nhóm các chiến sĩ trẻ về an ninh mạng trong Đại dịch đã ngày đêm căng óc, dán mắt vào các trang mạng để lọc ra hàng vạn thông tin giả, độc hại thì phát hiện trang Blog cá nhân Mèo Đêm hay đưa lên những thông tin về Đại dịch. Điều khiến cho các chiến sĩ an ninh mạng ngạc nhiên là các thông tin này đều mang tính dự báo về tình hình bệnh tật sẽ diễn ra sau đó vài ngày, cứ như đó là lời một nhà tiên tri vậy: “Loài người thân mến, các ngươi đã chào đón biến chủng mới của Nalis chưa?

Đừng vội, những đứa con của Nalis sẽ tới gặp các ngươi. Không chỉ có Nu4, anh em của nó cũng đang đến rồi.

Nalis chờ xem vaccine của các ngươi đấy!”.

Nhóm an ninh mạng thay nhau truy tìm địa chỉ của Blog Mèo Đêm nhưng bất lực, mỗi khi gần tìm được địa chỉ IP gốc thì lại bị văng ra. Cuối cùng, họ cũng đã tìm ra được chủ nhân Mèo Đêm nhưng kỳ lạ thay, Mèo Đêm chỉ là một cô bé sống trọ trong khu tập thể... Một người sau khi bị nhiễm bệnh đã đi vào thế giới ảo, cổ đại, cận đại, hiện đại, gặp lại Mèo Đêm và vô số những nhân vật ảo như Nalis, Mẹ Linh hồn, Ông trùm Bóng đêm.v.v... như bước vào từ cuộc sống hiện thực; rồi từ đây lấy ảo để nói thật, lấy thật để ẩn dụ vào trong ảo...

Vũ trụ mênh mông, vô cùng vô tận, biết bao nhiêu thiên hà với hàng tỉ hành tinh, hàng tỉ tỉ ngôi sao, ở đâu đấy có thể cũng có sự sống; may mắn làm sao hành tinh Trái đất nhỏ bé có con người đang trú ngụ. Khi chưa có con người, Trái đất với thế giới tự nhiên, cỏ cây, muông thú yên bình; khi con người xuất hiện, Trái đất sinh động và biến động nhiều hơn. Càng hiện đại, thế giới tự nhiên càng bị thế giới con người làm đảo lộn, chao đảo; nạn phá rừng, đốt rừng, săn bắn, khai thác khoáng sản, khí thải không ngừng trút vào khí quyển... đã làm thiên nhiên nổi giận bằng những trận bão lụt, băng tan, nhấn chìm bao nhà cửa, thành phố, sinh linh; những đợt hạn hán khiến đất đai khô cằn, cây cối tàn héo. Và một điều trừng phạt khủng khiếp của thế giới thiên nhiên đối với thế giới loài người chính là những trận Đại dịch: Dịch hạch, tả, lao, cúm mùa.v.v... đã làm cho hàng trăm triệu người tử vong và bây giờ đang là Đại dịch COVID-19 đã xô đẩy cả thế giới đi đến bên bờ của sự diệt vong. Ngay lập tức, để bảo vệ sự sinh tồn của loài người, các nhà khoa học đã nhanh chóng nghiên cứu ra các loại vaccine và thuốc điều trị chống lại virus, nhưng chúng ta cũng chỉ là kẻ đi sau. Virus này được khống chế thì lại sẽ có một loại virus khác nguy hiểm hơn xuất hiện và rất có thể đến một lúc nào đó sẽ xuất hiện một loại virus càn quét khắp thế giới khiến con người không kịp trở tay, không kịp điều chế ra vaccine, thuốc để điều trị, loài người sẽ bị diệt vong.

Không chỉ nhắn gửi sự cảnh tỉnh của thiên nhiên, của virus Nalis đến với con người mà tác giả còn gửi cả sự lên án của con người với chính con người. Trong Đại dịch chết chóc, cũng không thiếu những kẻ bất lương - những “ông trùm” muốn phủ thêm bóng đêm chết chóc cho nhân loại bằng cách sản xuất ra vaccine giả để thu về hàng tỉ đô la. Chúng muốn làm giàu bất chính và hơn nữa, chúng muốn chi phối thế giới theo trật tự do chính chúng sắp đặt. Tham vọng làm bá chủ, sai khiến được người khác, nước khác mới chính là thứ virus đáng sợ hơn, nguy hiểm hơn cả virus gây bệnh của tự nhiên có thể làm cho thế giới bị xô dạt đến vực thẳm.

Vậy thì chỉ có một loại “vaccine” tốt nhất mà tác giả muốn là sứ giả gửi đến độc giả: Con người chỉ có thể cứu được sinh mệnh của mình chính bằng hòa bình -  hòa bình với thiên nhiên, hòa bình giữa con người với nhau, hòa bình giữa dân tộc này với dân tộc khác”.

Tiểu thuyết “Nalis xô dạt bờ định mệnh” mới được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. Ảnh: NVCC
Tiểu thuyết “Nalis xô dạt bờ định mệnh” mới được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. Ảnh: NVCC

Dưới đây là cuộc phỏng vấn của Lao Động Cuối tuần với nhà văn Thương Hà.

Thưa nhà văn Thương Hà, tại sao chị lại chọn văn học và trong văn học, tại sao chị chọn tiểu thuyết?

- Nhà văn Thương Hà: Người ta vẫn nói văn học là gốc của các loại hình nghệ thuật. Ngôn ngữ văn học là ngôn từ để phản ánh một cách sâu sắc, tinh tế hành động, tư tưởng, tình cảm con người. Các loại hình nghệ thuật khác, hình tượng sáng tạo tồn tại ở ngay tác phẩm, nhưng hình tượng nghệ thuật trong văn học thì tồn tại ở chủ thể cảm thụ, ở trong trí tưởng tượng của người đọc. Cùng một hình tượng nghệ thuật văn học, một triệu người đọc thì có một triệu cách cảm thụ, tưởng tượng mỹ học khác nhau. Người đọc có thể đồng sáng tạo với nhà văn. Văn học là một lợi thế, là công cụ, là ưu việt nhất để tôi viết về đại dịch thế kỷ này.

Nhưng trong văn học thì tiểu thuyết lại có ưu thế vượt trội nhất. Ở đây có mối quan hệ biện chứng giữa lượng và chất. Một hạm đội chắc chắn sức chứa và sức mạnh hơn cái thuyền gỗ, một lâu đài đá chắn chắn vững chắc, vạm vỡ, và hùng vĩ hơn là căn nhà tre nứa lợp mái gianh. Tiểu thuyết có dung lượng lớn, có sức khái quát rộng, có thể chứa đựng cả một thời đại, một số phận quốc gia dân tộc, một thân phận con người. Tiểu thuyết cũng dung chứa được cả một hệ thống nhân vật với nhiều tính cách, cá tính. Điều này, bút ký, truyện ngắn, hoặc thơ khó có thể làm được. Tiểu thuyết cũng chấp nhận dung chứa được mọi thể loại văn học, nghệ thuật, và mọi phương pháp sáng tác trong cùng một tác phẩm như: Hiện thực, lãng mạn, huyền ảo...; điều này rất cần để tôi viết về Đại dịch thế kỷ quá khủng khiếp, tang tóc, đau thương này.

Vả lại, tôi chưa sẵn sàng cho viết ngắn như truyện ngắn, bút ký, tản văn... Cái tạng của tôi lúc này có lẽ đang hợp với cái viết dài, mà tiểu thuyết là sự lựa chọn chuẩn nhất cho đối tượng Đại dịch thế kỷ để vào tác phẩm văn học “Nalis xô dạt bờ định mệnh” của mình.

Những nỗi sợ về tương lai thường được thể hiện một cách xuất sắc nhất qua tiểu thuyết, đặc biệt là các tác phẩm khoa học viễn tưởng khi các tác giả cố gắng mường tượng thế giới tương lai dựa trên các loại công nghệ mới, như “1984” của George Orwell, “Thế giới mới tươi đẹp” (Brave New World) của Aldous Huxley. Nhưng bản chất của các “phản địa đàng” (dystopia) tưởng tượng như trên bắt đầu thay đổi trong những thập niên cuối của thế kỷ 20, khi sự sụp đổ môi trường và sự xuất hiện của các loại virus không thể kiểm soát chiếm vị trí trung tâm. Trong tiểu thuyết “Nalis xô dạt bờ định mệnh”, chị đã cảnh báo gay gắt về tương lai những năm 2023-2029, nếu con người không chịu thay đổi. Điều gì đã thôi thúc chị đi thẳng vào “tâm bão” để viết nên tiểu thuyết này?

- Đó là: Lo lắng. Sợ hãi. Cả chết chóc tang thương trong Đại dịch COVID-19. Và mong muốn những điều an lành tốt đẹp đến với nhân loại, với trái đất chật hẹp, đau thương của chúng ta. Anh có thấy trái đất đang ngày càng nham nhở, lở loét không? Anh có cảm nhận được hành tinh đang bị thương tật không? Anh có thấy những cánh rừng xanh bị tàn phá trơ trụi, những quả đồi trọc lốc, và ở đâu đâu trên trái đất này cũng hạn hán, bão lụt, sâu bệnh...? Anh có thấy muôn loài đang chống lại loài người? Còn con người thì đang yếu ớt dần đi, đang không tự bảo vệ được mình? Tôi vẫn luôn luôn tự vấn trong tương lai: Trái đất này rồi sẽ ra sao? Con người có bị thoái hóa thành giống loài nào đó không?

Đặc biệt khi Đại dịch thế kỷ COVID-19 xuất hiện như cơn bão tố cuồng phong càn quét, gieo chết chóc đau thương cho nhân loại, tôi nhận ra quá trình con người tàn phá ngôi nhà chung quả đất, và săn đuổi tận diệt muôn loài thì đến giờ đang phải chịu hậu quả khủng khiếp của tất cả những gì con người gây ra. Tôi thấy mình cần phải ngồi trước bàn viết, viết những điều đang sợ hãi, lo lắng, đang thôi thúc, giục giã trong lòng. Không viết, không chịu nổi!

Đọc “Nalis xô dạt bờ định mệnh”, có cảm giác như chị đã thao thức nhiều đêm suốt gần 2 năm Đại dịch COVID-19 đã và đang diễn ra?

- Vâng! Tôi cũng thường thao thức, trăn trở khi đêm về. Nhưng đêm ngốn sức khỏe và đêm dài tàn phai nhan sắc ghê gớm lắm, mà tôi là phụ nữ nên tôi không dám đồng hành với đêm. Tôi cố gắng để viết rất ít khi đêm về, viết ban đêm dễ bị cảm xúc dẫn dắt qua đêm. Viết ban ngày khỏe và tỉnh táo hơn.

Dường như “Nalis xô dạt bờ định mệnh” vừa có bút pháp hiện thực phê phán, vừa có bút pháp hiện thực huyền ảo; vừa có suy tư triết học, vừa có suy tư thần học?

- Vâng! Một số bạn văn đọc cũng bảo tôi thế.

Văn chương hiện đại cần phải nghĩ ngợi, suy tư, chứ không chỉ kể và tả. Tôi muốn thế giới huyền ảo và thế giới hiện thực đan xen, trộn lẫn trong tiểu thuyết để người đọc luôn luôn được sống với cái thực ảo vốn rất ít trong đời sống khô cứng, trần tụi, lấm láp đang diễn ra hàng ngày.

Có cảm tưởng rằng, hai phần ba tiểu thuyết “Nalis xô dạt bờ định mệnh” là những trang đầy bóng tối. Nhưng khi bước vào thế giới của Mẹ Linh hồn, mọi thứ hoàn toàn thay đổi, như chị viết:“Ở thế giới tâm thức này, mọi linh hồn đều được đưa về với nguồn cội trong sạch nhất, tinh khiết nhất. Ở đây không có những tham sân si, không có những điều độc ác và đen tối, không có những thứ dơ bẩn và vẩy đục... Trở về với nguyên bản sơ khai ban đầu thì mới có thể tiến vào đền thờ này”. Con người vẫn còn hy vọng phải không, thưa nhà văn?

- Vâng! “Nhân chi sơ tính bản thiện mà”. Chẳng qua con người bị môi trường cám dỗ mới sinh ra suy đồi, thoái hóa. Cho nên phải trở về gốc bản thiện. Con người ta sống được là vì hy vọng, đã hy vọng, đang hy vọng, sẽ hy vọng. Một khi đã tuyệt vọng cũng có nghĩa là tiêu cực, bất lực, mất hết. Chúng ta còn hy vọng là bởi trái đất nhỏ bé đau thương đầy thương tật chưa phải đến lúc hủy diệt, chưa đến ngày tận thế. Chúng ta hy vọng là bởi loài người trong góc tối tâm hồn vẫn còn chút ánh sáng bản thiện lóe lên, chưa đến mức phi nhân tính để hủy diệt hết mọi giống loài khác, rồi hủy diệt cả ngôi nhà chung - hành tinh đang sống. Là “chúa tể của muôn loài” nhưng con người và mọi giống loài vẫn phải linh hoạt, thích ứng, nương tựa với nhau để ảnh hưởng tác động đến nhau, chung sống hòa bình. Chúng ta cũng vẫn còn hy vọng vào con người ở những phần tốt đẹp đang còn giữ được và đang tinh tấn, tiến hóa. Chúng ta vẫn hy vọng những điều tốt lành sẽ đến với con người và muôn loài trên hành tinh này.

Hy vọng, nên ở đoạn kết tiểu thuyết “Nalis xô dạt bờ định mệnh” tôi mới viết: “Khi xô dạt bờ định mệnh tôi mới nhận ra Nalis cũng bên bờ định mệnh. Và tôi nghĩ nếu tôi hiền hòa thì Nalis cũng hiền hòa như tôi. Nó nổi giận, nó tới rồi đi. Nhưng khi tôi không hiền hòa thì bình minh sẽ khuất dần sau bóng núi, chỉ có bầu trời đêm bao quanh và các Đại dịch mới sẽ bắt đầu. Tôi tịnh tâm là tôi tôn trọng sự sống bên trong của tôi. Tâm là lõi cây... Trò chơi của Thượng đế bắt đầu là lúc loài người ngủ ngầm trong lòng tham không còn muốn sống hòa bình với thiên nhiên, con người ưa vũ khí và chiến tranh thì không có hạnh phúc”.

Trở về với minh triết Phương Đông như “Tịnh tâm”, “tâm bình - thiên hạ bình” phải chăng là chìa khóa giải quyết mọi hiểm nguy, chênh chao, xô dạt định mệnh của con người?

- Kinh Đại Bát Niết Bàn ghi rằng: “Chư hành vô thường. Thị sinh diệt pháp. Sinh diệt diệt dĩ. Tịch diệt vi lạc”. Có nghĩa là: Các hiện tượng đều là vô thường, có sinh và có diệt. Khi cả sinh và diệt đều không còn, thì trạng thái ‘bình thường’ vắng lặng (tịch diệt) mới là niềm an lạc chân thật nhất.

Một khi tâm đã bình an, buông xả hoàn toàn, không dính chấp, thì là tâm vô cầu. Tâm bình là tâm an trú trong sự tĩnh mặc, như mặt nước hồ thu trong xanh không bị xao động, đắm say, dính mắc, như “Nhạn bay ngang trời/Bóng chim đầm lạnh/ Nhạn không có ý để lại dấu tích/ Nước không có ý lưu bóng hình”. Khi cái tâm tịnh, an lành, từ bi, bác ái sẽ sống hiền hòa và môi trường cũng hiền hòa.

“Tịnh tâm”, “tâm bình - thiên hạ bình” hay không đều bắt đầu từ tam độc: “Tham - sân - si”. Kinh Pháp Cú ghi rằng: “Tham Sân Si là TAM ĐỘC, là sự ham muốn thái quá; là cơn giận, nóng nảy, thù hận, không vừa lòng, không như ý muốn; là sự u tối không suy xét theo lẽ phải, hay dở tốt xấu”. Không buông bỏ, chế ngự được tham sân si thì con người sẽ gây ra bao nhiêu điều tội lỗi cho chính con người và cho các giống loài khác, do cái tâm không tịnh.

Chúng ta đang sống trong một thế giới quá bất an, bất ổn; con người cũng quá bất ổn, bất an. Tiểu thuyết “Nalis xông dạt bờ định mệnh” là một cõi bất an bất ổn với những: Virus Nalis, thông tin giả của Mèo Đêm, ông trùm Bóng Đêm, vaccine giả... Lập lại cuộc sống an lành không chỉ là cái thiện với đại diện là Thành, Chi và nhóm an ninh mạng chống cái ác, mà cội nguồn sâu xa phải bắt đầu từ Mẹ Linh hồn tâm tịnh với hơi thở vũ trụ bản thiện nguyên sơ. Mọi hiểm nguy, chênh chao, xô dạt chỉ mất đi khi tâm an trú yêu thương tràn ngập. Con người thả năng lượng yêu thương với con người, yêu thương từ ngọn cỏ cành cây, yêu thương muôn loài vào vũ trụ thì con người cũng sẽ nhận lại được yêu thương, thiên hạ cũng hiền hòa là vậy.

Tôi viết tiểu thuyết “Nalis xô dạt bờ định mệnh” cũng là một cách thả năng lượng, thả thông điệp yêu thương, chung sống an lành hiền hòa để hóa giải bất an bất ổn, và nhận lại hiền hòa an lành.

Xin cảm ơn nhà văn Thương Hà về cuộc trò chuyện này!


Trần Thế Vinh (thực hiện)
TIN LIÊN QUAN

"Sinh năm 1972 - khát vọng sống": Thông điệp ý nghĩa gửi những người cùng thế hệ

Trần Lan Hương |

Cầm trên tay bản thảo cuốn tự truyện “Sinh năm 1972 - Khát vọng sống” của Nguyễn Cảnh Bình, cảm giác đầu tiên của tôi là có đôi chút... tò mò. Là chủ một thương hiệu trong ngành xuất bản, việc ra một cuốn sách đối với Bình có lẽ đơn giản thôi, sẵn nong sẵn né những êkíp thiện chiến từ sản xuất, thiết kế, kinh doanh... “của nhà trồng được” trong tay mà. Nhưng là cuốn sách về câu chuyện cuộc đời mình, anh ấy sẽ viết gì nhỉ?

Nguyễn Cảnh Bình - Ngọn nến đốt hai đầu

Nguyễn Huy Minh (thực hiện) |

Từ một cậu bé đam mê đọc sách ngày nào, Nguyễn Cảnh Bình đã trở thành người làm sách và bây giờ là một tác giả với cuốn tự truyện “Sinh năm 1972 - Khát vọng sống”. Lao Động Cuối tuần đã có cuộc trò chuyện với anh xung quanh chủ đề này.

Trần Nam Long - vượt qua số phận với đam mê hội họa

LÊ QUANG VINH |

Xem tranh của Trần Nam Long (SN 2005), khó thể hình dung được tác giả là một cậu bé có số phận thiếu may mắn, nhưng đã gắng gỏi vượt qua và đạt được những kết quả nhất định. Âm thầm phía sau những thành công đó là tấm lòng thơm thảo của các giáo viên mỹ thuật và người mẹ tần tảo của Long, khiến cuộc đời Long có ý nghĩa hơn.

Xa chồng con, tình nguyện vào TPHCM chống dịch

ANH THƯ - BẢO HÂN |

"Em đi đến ngày “giải phóng thủ đô" em về” - đó là câu bông đùa của chị Nguyễn Thị Thu Hương (35 tuổi) - điều dưỡng Khoa Ung bướu, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương từng nói với chồng trước khi cùng các đồng nghiệp tình nguyện vào TP.Hồ Chí Minh chống dịch COVID-19 trong thời gian qua.

Từ cậu bé nghèo Châu Phi trở thành người thay đổi thế giới

TRần thế vinh (tổng hợp) |

“Người thu gió” là cuốn tự truyện đầy lôi cuốn kể về hành trình của một thiếu niên sinh ra ở một vùng đất nghèo khó Châu Phi, đã dám mày mò chế tạo ra cối xay gió từ phế liệu để tạo ra điện, thay đổi cuộc sống cho toàn bộ cộng đồng cũng như bản thân mình, truyền cảm hứng cho độc giả trẻ vươn lên bằng đam mê khám phá khoa học và công nghệ.

Hàng quán mọc lên như nấm bên trong công viên Thủ Lệ

PHƯƠNG ANH |

Là một trong ba công viên gắn liền với người dân Hà Nội từ nhiều năm về trước, tình trạng hàng quán được đặt dày đặc trong không gian của công viên Thủ Lệ (vườn bách thú) đang khiến nhiều người dân bức xúc. 

Chứng khoán: Áp lực chốt lời được dự báo diễn ra mạnh

Gia Miêu |

Áp lực chốt lời được dự báo sẽ diễn ra mạnh trong phiên giao dịch chứng khoán cuối tuần, tuy nhiên khả năng cao chỉ số tiếp tục duy trì đà tăng nhờ nhóm cổ phiếu trụ.

Cập nhật giá vàng sáng 24.3: Đua nhau mua gom khi vàng tăng giá

KHƯƠNG DUY (T/H) |

Cập nhật giá vàng hôm nay: Tính đến 23h ngày 24.3, giá vàng được các đơn vị kinh doanh trong nước niêm yết ở ngưỡng 66,45 - 67,15 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Trong khi đó, giá vàng thế giới trên Kitco ở mức 1.966,6 USD/ounce.

"Sinh năm 1972 - khát vọng sống": Thông điệp ý nghĩa gửi những người cùng thế hệ

Trần Lan Hương |

Cầm trên tay bản thảo cuốn tự truyện “Sinh năm 1972 - Khát vọng sống” của Nguyễn Cảnh Bình, cảm giác đầu tiên của tôi là có đôi chút... tò mò. Là chủ một thương hiệu trong ngành xuất bản, việc ra một cuốn sách đối với Bình có lẽ đơn giản thôi, sẵn nong sẵn né những êkíp thiện chiến từ sản xuất, thiết kế, kinh doanh... “của nhà trồng được” trong tay mà. Nhưng là cuốn sách về câu chuyện cuộc đời mình, anh ấy sẽ viết gì nhỉ?

Nguyễn Cảnh Bình - Ngọn nến đốt hai đầu

Nguyễn Huy Minh (thực hiện) |

Từ một cậu bé đam mê đọc sách ngày nào, Nguyễn Cảnh Bình đã trở thành người làm sách và bây giờ là một tác giả với cuốn tự truyện “Sinh năm 1972 - Khát vọng sống”. Lao Động Cuối tuần đã có cuộc trò chuyện với anh xung quanh chủ đề này.

Trần Nam Long - vượt qua số phận với đam mê hội họa

LÊ QUANG VINH |

Xem tranh của Trần Nam Long (SN 2005), khó thể hình dung được tác giả là một cậu bé có số phận thiếu may mắn, nhưng đã gắng gỏi vượt qua và đạt được những kết quả nhất định. Âm thầm phía sau những thành công đó là tấm lòng thơm thảo của các giáo viên mỹ thuật và người mẹ tần tảo của Long, khiến cuộc đời Long có ý nghĩa hơn.

Xa chồng con, tình nguyện vào TPHCM chống dịch

ANH THƯ - BẢO HÂN |

"Em đi đến ngày “giải phóng thủ đô" em về” - đó là câu bông đùa của chị Nguyễn Thị Thu Hương (35 tuổi) - điều dưỡng Khoa Ung bướu, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương từng nói với chồng trước khi cùng các đồng nghiệp tình nguyện vào TP.Hồ Chí Minh chống dịch COVID-19 trong thời gian qua.

Từ cậu bé nghèo Châu Phi trở thành người thay đổi thế giới

TRần thế vinh (tổng hợp) |

“Người thu gió” là cuốn tự truyện đầy lôi cuốn kể về hành trình của một thiếu niên sinh ra ở một vùng đất nghèo khó Châu Phi, đã dám mày mò chế tạo ra cối xay gió từ phế liệu để tạo ra điện, thay đổi cuộc sống cho toàn bộ cộng đồng cũng như bản thân mình, truyền cảm hứng cho độc giả trẻ vươn lên bằng đam mê khám phá khoa học và công nghệ.