Nhà văn Lê Hoài Nam: Cuộc hành quân không mỏi

Ngô Khiêm - Hồng Hạnh |

Xuất thân từ một người lính từng vào sinh ra tử trong các cuộc chiến ác liệt, nên dù sau này chuyển công tác và đã nghỉ hưu, nhà văn Lê Hoài Nam vẫn luôn trăn trở, day dứt đến số phận, cuộc đời của những người lính từ thời chiến đến thời bình. Với “vũ khí” là cây bút sắc bén, ông đã thổ lộ những tâm tư ấy vào trong những trang văn giàu cảm xúc của mình.

Ám ảnh máu của đồng đội

Trong tư gia mới của mình ở quận Long Biên (Hà Nội), nhà văn Lê Hoài Nam hăm hở đón những vị khách từ trong thành phố ra. Đó là “chốn đi về” thứ hai mà ông sở hữu sau 11 năm rong ruổi cùng cậu con trai duy nhất và cũng là con út lên Thủ đô học đại học. Trên tay lướt chiếc smartphone, nhà văn khoe bức ảnh mới đăng lên Facebook cùng 5 người bạn học trong Lễ kỷ niệm 40 năm Trường Viết văn Nguyễn Du, từ trái qua phải là Nguyễn Thanh Kim, Y Phương, Trần Quang Quý, Đức Ban, Văn Chinh và Lê Hoài Nam. Tốt nghiệp ra trường đã 33 năm, những chàng sinh viên khóa 2 năm ấy giờ công bằng mà nói đã để lại những dấu ấn đậm đà trên bầu trời văn nghệ nước nhà. Người ít tuổi nhất trong số họ cũng trên dưới 60 tuổi nhưng những khát vọng sáng tác hầu như chưa hề thuyên giảm.

Đôi mắt rưng rưng khi nhớ về những năm tháng đã qua, nhà văn Lê Hoài Nam kể, trước khi bước vào con đường học tập chính quy, năm 16 tuổi, khi cuộc chiến tranh chống Mỹ của dân tộc bước vào giai đoạn cam go ác liệt nhất, ông đã tự nguyện xin đi bộ đội và được chiến đấu tại Sư đoàn 305 Đặc công. Gia đình ông đã có hai người anh trai đang trong quân ngũ (sau này, một người hy sinh ở Huế, người còn lại cũng đã có giấy báo tử gửi về gia đình nhưng sau Hiệp định Paris mới vỡ lẽ bị địch bắt, giam cầm ở nhà tù Phú Quốc và tra tấn đến độ tàn phế).

Tuy thời gian trực tiếp cầm súng chiến đấu không dài, nhưng ông đã chứng kiến không ít lần sự ra đi của đồng đội trong những trận đối đầu với kẻ thù. Có những trận, đại đội của ông chỉ còn một phần quân số. Thậm chí, ông cũng không nhớ nổi mình đã cõng bao nhiêu đồng đội bị thương vào khu vực an toàn mà đến giờ mùi tanh của máu vẫn còn ám ảnh ông. Nhưng khi ấy còn quá trẻ, bút lực chưa vững, kiến văn chưa sâu rộng cho nên phải trải qua nhiều năm sau, những chất liệu sống ngồn ngộn ấy mới được đánh thức để ông sáng tác hàng loạt truyện ngắn, truyện vừa đăng trên các báo và gộp lại trong tập “Hành trình của người lính”, xuất bản năm 2016, được Hội Nhà văn Việt Nam tặng bằng khen cho tác phẩm về đề tài Thương binh - Liệt sĩ.

Khi chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, lúc này đang là lính Hải quân, ông được điều ra đảo Vạn Hoa (Quảng Ninh) để sống cùng với những người lính thủy đánh bộ và pháo bờ biển. Sau chuyến đi dài ngày này, ông viết được một loạt truyện ngắn, bút ký chiến sự được đăng trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội như: “Những phút đầu mùa xuân”, “Biển dữ, biển lành”, “Nhà thơ của quần đảo”, “Chim biển”... Về sau, ông được đi học sĩ quan, hai năm sau trở thành cán bộ chính trị, chỉ huy đại đội. Nhưng rồi năng khiếu văn chương của ông ngày càng phát lộ, lãnh đạo quân chủng muốn ông trở thành một nhà văn chuyên nghiệp nên cho ông cùng với nhà thơ Trần Đăng Khoa lên Hà Nội ôn thi và cả hai ông đều đỗ Trường Viết văn Nguyễn Du.

Nhà văn Lê Hoài Nam (thứ 3 từ phải sang) cùng các nhà văn khác đi thực tế sáng tác tại Quảng Ninh ngày cận Tết Canh Tý 2020. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Nhà văn Lê Hoài Nam (thứ 3 từ phải sang) cùng các nhà văn khác đi thực tế sáng tác tại Quảng Ninh ngày cận Tết Canh Tý 2020. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Không dẫm vào chân mình

Với cách kể chuyện dí dỏm, hài hước cùng những kiến thức dồi dào về nhiều lĩnh vực mà khi còn công tác ở Nam Định, ông được mời đến nói chuyện chuyên đề với các em sinh viên tại các khu lưu niệm Nguyễn Bính, Nam Cao, Nguyễn Khuyến, chùa Cổ Lễ và nhà thờ Bùi Chu. Ông nói những điều không có trong giáo án của giảng viên, những chuyện không phải ai cũng biết về các nhà văn, nhà thơ quê hương. Đặc biệt, khi ông dẫn sinh viên vào nhà thờ Bùi Chu nói với các em về những điều cơ bản, cốt lõi của đạo Kito, nhiều đồng bào Công giáo đứng ngoài cửa xem, khoanh tay "kính chào Cha" khi ông bước ra vì ngỡ đâu ông là một vị linh mục mới từ Hà Nội về.

Những kiến thức về đạo Kito của nhà văn Lê Hoài Nam được thể hiện sâu rộng hơn, mới mẻ hơn, trong tập truyện ngắn “Bữa tiệc ly” (NXB Phụ nữ, 2014) và tiểu thuyết “Hạc hồng” (NXB Hội Nhà văn, 2019). Còn cuốn tiểu thuyết “Mỹ nhân nơi đồng cỏ” (NXB Hội Nhà văn, 2017) của ông được đông đảo bạn đọc đón nhận bởi “cách nhìn, cách viết về lịch sử rất mới mẻ”. Ngoài ra, ông còn là tác giả kịch bản của bốn bộ phim truyện: “Trong nhà có chàng thiếu úy” (1997), “Mãnh lực phố phường” (1999), “Thầy giáo dạy văn” (2000), “Hương bạc hà” (2001). Các kịch bản đã được in thành tập “Một ngày và một đời” được Ủy ban toàn quốc Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam trao giải thưởng cao nhất vào năm 2002.

Nối tiếp mạch cảm xúc về người lính trong các tác phẩm đã xuất bản như “Hành trình của người lính”, “Đi qua Gạc Ma đến đảo Sinh Tồn”, “Bến sông tuổi thơ”... trong “Hạc hồng”, Lê Hoài Nam đã “dựng” lên nhân vật và các sự kiện xoay quanh cuộc đời của người cựu binh trở về từ chiến trường. Dù bị “ép” phải về hưu trước tuổi nhưng với bản tính cương trực, thẳng thắn, không chịu luồn cúi, người lính ấy vẫn vững vàng đi lên. Trong tiểu thuyết “Hạc hồng”, tác giả đã vẽ lên bức tranh nhiều vẻ về một xã hội với những diễn biến phức tạp có sự đan xen giữa đạo và đời, điều tốt và cái xấu, cái chân thực và sự giả dối... với cách xử lý tình huống tài tình, hợp lý của nhà văn.

Dù cũng đã có tuổi, nhưng sự sáng tạo của nhà văn Lê Hoài Nam vẫn thật dồi dào. Mới đây, ông cùng các văn nghệ sĩ Thủ đô tham gia tọa đàm “Văn nghệ sĩ Thủ đô hướng tới kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội” tại thị trấn Sa Pa (Lào Cai). Rồi ngày cận Tết Canh Tý 2020, ông cùng các nhà văn đi thực tế sáng tác tại vùng mỏ Quảng Ninh. Ông bảo, xã hội đang phát triển rất nhanh, mình đi nhiều thì mới cảm nhận được nhịp sống của thời đại, tìm ra cái mới, cái độc đáo, thú vị để không ngừng làm mới bản thân và không cảm thấy hụt hơi trước bạn đọc. Hơn nữa trong văn học, nhà văn không được phép “dẫm vào chân người khác và càng không được dẫm lên chính vết chân mình”, nghĩa là mỗi tác phẩm lại phải hiến dâng cho bạn đọc một điều gì đó mới mẻ, không lặp lại những tác phẩm đã viết trước đó, luôn đem hơi thở của thời đại vào trong tác phẩm bằng những cách thể hiện mới lạ.

Bìa tập sách mới nhất của nhà văn Lê Hoài Nam - tiểu thuyết “Hạc hồng”  (NXB Hội Nhà văn, 2019).
Bìa tập sách mới nhất của nhà văn Lê Hoài Nam - tiểu thuyết “Hạc hồng” (NXB Hội Nhà văn, 2019).

Có thể nói, cuộc đời Lê Hoài Nam là một cuộc hành quân không mỏi mà đích đến là những tác phẩm tâm huyết được bạn bè và công chúng ghi nhận.

Nhà văn Lê Hoài Nam sinh năm 1953, tại Nghĩa Hưng, Nam Định. Ông từng giữ cương vị Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Nam Định kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Văn nhân. Hiện ông là hội viên của các hội: Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội, Hội Điện ảnh Hà Nội.

Ngô Khiêm - Hồng Hạnh
TIN LIÊN QUAN

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Thông xe đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, các phương tiện đi thế nào?

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội đồng ý cho các phương tiện được đi 2 chiều trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Đồng thời, cấm phương tiện tham gia giao thông đường bộ rẽ trái từ đường La Thành vào đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.

Nói về sai phạm ở Cục Đăng kiểm, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải: "Tôi cũng thấy xấu hổ"

Khánh Hoà |

Nhìn lại vụ việc liên quan tới Cục Đăng kiểm thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng thừa nhận dù mới về công tác tại bộ 2 tháng nhưng bản thân ông cũng thấy xấu hổ khi biết thông tin. Tuy nhiên, ông Thắng khẳng định cán bộ hư thì phải xử lý, kể cả thay 100% nhưng vẫn phải tập trung làm tốt nhiệm vụ được giao.

Tất bật ngược xuôi giao hàng, shipper vẫn lo không có Tết

Thiện Nhân-Tùng Giang |

Nhiều shipper giao hàng chia sẻ, những ngày giáp Tết Nguyên đán dù đơn hàng tăng cao nhưng thu nhập thực tế vẫn chưa đạt như kỳ vọng.

Phố cây cảnh vắng khách, sức mua chỉ bằng 30% so với năm ngoái

Thiện Nhân - Thùy Dương |

Theo nhiều nhà vườn, năm nay cây cảnh được giá nhưng tiêu thụ chậm hơn mọi năm, sức mua của người dân chỉ khoảng 30% so với năm ngoài.